Một gia đình có 6 “thiên thần” âm nhạc

Một gia đình có 6 “thiên thần” âm nhạc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Đam mê với cây vĩ cầm từ thuở thiếu thời nhưng phải đến đời các cháu mình ông Nguyễn Văn Bôi mới thực hiện được ước mơ lớn nhất cuộc đời mình.

Các cháu ông, cả nội lẫn ngoại đều có chung một niềm đam mê, thậm chí kể cả cô bé con mới 4 tuổi đang còn ngồi trên lòng bà cũng chơi đàn thành thạo. Đây là đại gia đình duy nhất và trước nay chưa từng có tiền lệ được đặc cách có tới 6 thành viên đuợc tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội.

Pháp luật - Một gia đình có 6 “thiên thần” âm nhạc

Cảnh một buổi tập luyện của gia đình ông Bôi

Người thầy đầu tiên của 6 “thiên thần” âm nhạc

Vào khu kí túc Học viện Âm nhạc quốc gia , hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Bôi tóc bạc ai nấy đều hồ hởi chỉ đường cho chúng tôi. Leo xong 5 tầng cầu thang đã thấy mệt, vậy mà nghe nói ngày nào hai ông bà đã ngoài độ tuổi thất thập vẫn đi lại nhiều lượt đưa đón các cháu đi học. Chỉ điều này thôi cũng khiến đám thanh niên chúng tôi phải phục.

Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, tuổi già đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, đằng này hai vợ chồng già lại lọ mọ đi chăm sóc một đàn cháu nhỏ tới 6 đứa, bà Ngọc vợ ông Bôi chỉ cười: "Có thời gian mình tôi chăm sóc tới 14 đứa trẻ con cơ, có sao đâu". Ý là bà đang nói đến quãng thời gian hai ông bà còn đang ở Ninh Bình, cùng tổ chức một lớp học với người bạn thân thiết của gia đình là ông Nguyễn Quyết Thắng. Lớp học dạy chữ, dạy nhạc cho các cháu trong làng, thôn, huyện mà mọi người vẫn thường gọi với cái tên "nhạc viện đồng quê".

Lớn lên ở miền quê nghèo Thọ Xuân- Thanh Hóa nhưng cái duyên với cây vĩ cầm đến với ông cũng rất tình cờ, qua những người lính, người thợ của nhà máy chế tạo vũ khí Trần Đại Nghĩa đặt trong làng. Họ dạy ông từng nốt nhạc, từng bài ca, thậm chí cả cách làm ra một nhạc cụ một cách đơn giản. Có thời gian, vì quá "thèm" một cây đàn cho riêng mình mà ông và một người bạn khác liều đi "ăn trộm" một tấm ván thùng trong phòng giám hiệu. Giữa một đám đồng hồ, quần áo, sách vở quý giá, chỉ mất đi một tấm ván khiến mọi người đều hết thảy ngạc nhiên nhưng những người biết thì còn nhớ mãi.

Trở thành kĩ sư lâm nghiệp rồi thành giảng viên đại học, hễ có thời gian rảnh ông lại cắm cúi vào cây đàn. Hồi ấy, đơn vị nào có được một "nhạc công" như vậy là quý hóa lắm nên cơ quan cũng hết sức tạo điều kiện cho ông. Bản thân bà và các con thì thấy vui vì mỗi ngày trong gia đình đều đầy ắp tiếng cười. Năm 1965, ông tham gia lớp sáng tác ca khúc của tỉnh, đây mới là lần đầu tiên ông được học nhạc một cách bài bản. Ông hiểu, đam mê không thì chưa đủ mà còn cần cả phương pháp luyện tập phù hợp. Những ca khúc ông chơi trong thời bom đạn đã hòa vào khí thế thời đại tiếng hát át tiếng bom, đi đến đâu cũng được bà con đón tiếp hồ hởi.

Giữa lúc kinh tế khó khăn của thời bao cấp, miếng ăn còn chưa đủ, hai vợ chồng cộng với 4 đứa con lại thêm trách nhiệm với nội ngoại, nhiều khi khiến ông cũng phải bỏ bẵng cây đàn. Mãi đến năm 1993, khi về hưu, kinh tế gia đình cũng đã trở nên khá giả hơn ông mới được thỏa nguyện của mình khi vui vầy bên con cháu. Cũng mong muốn các con đi theo con đường âm nhạc nhưng mỗi người một chí hướng, ông cũng không ép.

Tuổi tác, lại thêm bệnh dạ dày nặng, các con cháu khuyên ông bà nên đi đó đi đây để tĩnh dưỡng, hai vợ chồng mới rủ nhau về Ninh Bình thăm người bạn cũ là ông Thắng ở Thành Mỹ. Thấy ông Thắng đang làm "gia sư" cho hai ba cháu nhỏ học đàn oóc-gan và vĩ cầm, bị ông Thắng "dụ", hai vợ chồng hăm hở trở về quê xin phép con cháu và "vác" nốt toàn bộ số tiền tiết kiệm tuổi già để mua sắm thêm nhạc cụ cho lớp học.

Thấy bố mẹ đi lâu không về thăm nhà, các con ông đưa cháu ra về thăm ông bà, ai ngờ đến lúc về cháu nhỏ mới lên hai nhất quyết không theo bố mẹ. Rồi cứ đứa này đến đứa khác lần lượt theo ông bà ra Ninh Bình, bố mẹ bảo thế nào cũng lắc. Trẻ con như cây non dễ uốn, khi đã nhiễm sự đam mê rồi thì cứ thế mà thuận theo, cũng không có gì là khó khăn trong dạy bảo cả.

Khi tiếng tăm của "nhạc viện đồng quê" ngày càng phát triển thì 2007, báo chí bắt đầu biết đến lớp học của hai ông, nhưng mãi đến 6/2011 các đại diện khoa dây, khoa kèn, piano của Học viện Âm nhạc Quốc Gia mới tìm vào để tuyển sinh tài năng trẻ. Lúc bấy giờ 8 đứa cháu của ông, cũng có những em đã bước vào độ tuổi lớn, hai ông bà sợ không kham nổi việc chăm sóc và dạy dỗ cháu ở độ tuổi dở dở ương ương, lại rồng rắn kéo về Thanh Hóa. Các đại diện trưởng các khoa lại theo vào xứ Thanh.

Kết quả gia đình ông có tới 6 cháu bé được đặc cách vào trường, chưa tính tới cậu cả đang học lớp 11, các con khẩn thiết đề nghị ông bà để lại một đứa để tiếp quản sự nghiệp gia đình chứ đi vào âm nhạc hết thì ai lo. Thế là cộng thêm cả cô cháu nhỏ lên 4, chưa được tuyển, một lần nữa ông bà lại rồng rắn kéo đại gia đình nhỏ ra Hà Nội.

Pháp luật - Một gia đình có 6 “thiên thần” âm nhạc (Hình 2).

Gia đình ông Bôi, bà Ngọc cùng các cháu

Đam mê tiếp những đam mê

Ông kể: Tôi với bà ấy còn định làm một chuyến du lịch mòn hết một đôi lốp xe máy mới trở về. Chúng tôi giật mình khi nghe bà kể chuyện, hai ông bà đã từng làm một chuyến phượt bằng xe máy từ trong Thanh Hóa ra tới Đền Hùng rồi lại từ Đền Hùng về Thanh Hóa, trên xe còn lỉnh kỉnh nhạc cụ đem về cho các cháu.

Chúng tôi hỏi cậu bé bé nhất có tên là Ốc ( Nguyễn Văn Trọng), năm nay mới học lớp 4 nhưng nhỏ con như một cậu bé lớp 2. Ốc trông sáng sủa, thông minh, không kém phần lanh lợi: "Ốc đi học xa có nhớ mẹ không? Ốc có thích chơi đàn không hay thích gì khác?". Nghe hỏi vậy, em bé cười: "Cháu nhớ mẹ nhưng ở với ông bà thích hơn. Hàng ngày được chơi đàn cùng các anh chị, ở đây lại có các thầy cô nữa nên không muốn về nhà".

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bôi vẫn không giấu nổi sự tiếc nuối khi buộc phải rời xa "nhạc viện đồng quê" ở Ninh Bình. Ngày vợ chồng ông rời về xứ Thanh, bà con làm một buổi tiễn đưa lớn, ngậm ngùi có mà nước mắt cũng có. "Mọi người ở đấy sống ân tình ân nghĩa lớn, về sau mỗi lần có dịp đi qua lại đâm ra khó xử, về thẳng thì không đành mà vào thăm thì mọi người cứ giữ lại hàng tuần mới cho đi", ông tâm sự.

Tiếng đàn gắn kết tình yêu

Thời trẻ, ông Bôi mê với cây đàn tới mức không còn để ý tới xung quanh. Thậm chí cả với cô hàng xóm vẫn thường cười rúc rích mỗi khi "cậu trẻ" Bôi xách đàn đi qua. Rồi tình yêu với cây đàn giống như một sợi chỉ xe duyên cho hai ông bà đến với nhau, bất sự ngăn cản của những người xung quanh. Anh trai bà vẫn thường than phiền mãi cho đến về sau: "Đã nghèo thì chớ lại còn thêm "bệnh nghệ sĩ" nữa thì bao giờ mới khá được em ơi?". Không biết quyết định của mình có đúng hay không, nhưng cho tới khi đã lên chức ông, chức bà của 8 đứa cháu nội ngoại bà cũng chưa một lần phải ân hận.

Đỗ Huệ


Cùng chuyên mục

Người mẹ lĩnh án tù vì nhờ "chạy tại ngoại" cho con trai

Thứ 5, 09/05/2024 | 20:35
Bị cáo Nguyệt đã đưa cho Hồng 90 triệu để “lo” cho con trai được tại ngoại. Hồng không lo được, cũng không trả tiền nên Nguyệt tố cáo và cả 2 đều bị bắt.

Vụ buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam: Khởi tố thêm 23 đối tượng

Thứ 5, 09/05/2024 | 19:25
Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can đối với 23 đối tượng, liên quan đến đường dây buôn lậu trên 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.

Bình Dương: Chủ hụi dùng chiêu, lập “hội viên ma” chiếm đoạt tiền

Thứ 5, 09/05/2024 | 19:20
Khi làm chủ hụi, Dân thu tiền của nhiều người rồi lập nên các “hội viên ma” để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Khởi tố đối tượng thuê 6 xe ô tô rồi đem cầm cố lấy tiền trả nợ

Thứ 5, 09/05/2024 | 19:12
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng thuê 6 chiếc xe ô tô vào tỉnh Quảng Nam cầm cố lấy tiền để trả nợ.

Người chồng dùng khí CO sát hại vợ và ba con bị tuyên án tử hình

Thứ 5, 09/05/2024 | 17:42
Bị cáo Hồ Xuân Hải bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên mức án cao nhất là tử hình vì đã ra tay sát hại vợ và các con của mình.