Nghề hướng dẫn 'phụ' ở Sa Pa

Nghề hướng dẫn 'phụ' ở Sa Pa

Chủ nhật, 27/01/2013 | 11:02
0
Theo thống kê của đội liên ngành quản lý du lịch huyện Sa Pa, (tỉnh Lào Cai) hiện trong địa bàn huyện có khoảng 80 hướng dẫn viên du lịch "xịn" người H'mông và Dao đỏ. Già có, trẻ có, tất cả đều sinh sống ở các làng bản, hơn nữa 100% đều xuất thân từ những người bán hàng rong và chưa từng đi học tiếng Anh một ngày nào.

Chặng đường dài mưu sinh

Sa Pa mùa lạnh, cái giá lạnh cắt da, cắt thịt của vùng núi cao, chúng tôi men theo con đường mù sương, uốn lượn trên triền núi vào trung tâm thị trấn. Trời mù mịt sương giăng cách 5-10m không thấy được chiếc xe máy chạy phía trước. Đã 8h sáng mà người đi đường ai cũng phải bật đèn pha để xe đi phía trước không đâm vào mình.

Thứ 7 nên người H'mông lên thị trấn đông hơn để trao đổi mua bán và đặc biệt tham gia phiên chợ tình vào buổi tối. Các thiếu nữ trong bộ váy áo mới sặc sỡ, cùng các chàng trai người H'mông say sưa chuyện trò quên cả việc chính là bán hàng. Hàng hóa thì vô cùng đơn giản, đều là các sản phẩm do họ tự tay làm ra. Đó là những chiếc khăn thêu, túi sách nhỏ, mũ thổ cẩm, váy áo hoặc các loại rau củ quả trồng trong vườn nhà, rau cải mèo, quả su su, củ sắn, củ dong. Một số người còn đem các sản vật kiếm được trên núi Hoàng Liên như phong lan, quả mây rừng hay các loại lá thuốc, vài con chim Ngũ Sắc hay Quế Lâm đựng trong chiếc lồng nhỏ làm bằng tre nứa bán cho khách du lịch.

Theo chân đoàn chúng tôi từ thị trấn Sa Pa là 5 phụ nữ người Mông đen, người già nhất khoảng trên 50 tuổi, còn người trẻ nhất năm nay mới 16 nhưng đã có con nhỏ địu sau lưng. Người hướng dẫn của đoàn cho biết: "Tất cả các chị này đều là người Mông đen và đã có gia đình vì họ đều cuốn mái tóc lên đầu và đeo chiếc khuyên tai rất to. Họ lên thị trấn đi theo khách để bán hàng".

Không như những vùng khác, ở Sa Pa, do đặc điểm địa hình núi cao (trung bình từ 1600 - 1800m so với mực nước biển) cao nhất là đỉnh Phan xi păng 3143m, nên khí hậu lạnh giá quanh năm. Bởi vậy mỗi năm người H'mông ở đây chỉ canh tác một vụ lúa, ngoài ra có trồng xen ngô gối vụ, vất vả quanh năm mà đời sống vẫn rất khó khăn. Bởi vậy khi công việc mùa màng nhàn rỗi, họ thường rủ nhau lên thị trấn Sa Pa bán hàng cho khách du lịch.

Lạ & Cười - Nghề hướng dẫn 'phụ' ở Sa Pa

Nghề hướng dẫn phụ cho khách du lịch đang trở thành một nguồn thu nhập lớn của bà con vùng cao

Những phụ nữ H'mông đích thực với đôi bàn tay xanh màu lá Chàm, quanh năm suốt tháng không hề nghỉ ngơi. Hết công việc trên nương rẫy, thì họ lại chăm sóc gia đình, bó sợi lanh lúc nào cũng để sẵn trong gùi, khi rảnh rỗi lại mang ra se lại từng bó nhỏ như sợi chỉ. Từ bao đời nay, người H'mông vẫn tự làm lấy trang phục cho mình. Đến nay, họ luôn tự hào vì vẫn giữ được văn hóa truyền thống dân tộc. Mỗi sáng sớm họ lại đùm cơm nắm lá chuối với ít măng rừng, vài con cá khô, chai nước nhỏ trong gùi rồi vượt cả chục cây số đường rừng lên thị trấn Sa Pa. Khi có những đoàn khách đi bản, họ đi theo trò chuyện và giúp đỡ khách qua những đoạn đường khó.

Chị Giàng Seo Sủi ở bản Lao Chải - huyện Sa Pa tâm sự: "Mỗi sáng, mình đều đi cùng mấy chị em gần nhà lên thị trấn từ lúc 5h, bởi nhà ở trên núi cao đường rất nhỏ nên chỉ có cách đi bộ tắt qua rừng để lên thị trấn". Mới 23 tuổi mà chị trông chị già như ngoài 30. Chị có tới 3 đứa con và mỗi sáng đều phải nấu sẵn cho chúng một nồi cơm cùng một ít đồ ăn để chúng ăn cả ngày khi vợ chồng chị không có nhà. Hai đứa lớn có thể tự chăm nhau, rủ nhau đi chơi, khi chán thì về nhà tự lấy cơm ăn, còn đứa nhỏ mới được 8 tháng tuổi nên chị phải địu nó theo cùng.

Trẻ em người Mông ở đây bao đời nay đều như vậy. Nói vui như mấy hướng dẫn viên du lịch thì trẻ em người Mông đều tự sinh ra, tự chăm nhau và tự lớn lên. Vì phải mang theo con nhỏ nên chị Seo Sủi không đem theo được nhiều hàng hóa, chỉ có cái túi nhỏ đeo phía trước, ngoài ra chị phải nhờ mấy người bạn cõng dùm đồ ăn trưa và chai nước nhỏ.

Ngày nắng cũng như ngày mưa hay sương mù lạnh giá, những phụ nữ H'mông đều có mặt ở thị trấn từ rất sớm. Họ ăn sáng đơn giản với cái bánh lá, xôi trắng hay cơm nắm rồi tranh thủ qua chợ mua một ít thực phẩm cần thiết cho gia đình. Với chị Giàng Seo Sủi cũng như tất cả những phụ nữ H'mông khác, quan trọng nhất vẫn là tìm được khách để đi theo, bởi vậy họ thường đợi khách ở những khu vực nhất định, thường là các văn phòng du lịch, cổng khách sạn, nhà hàng. Dọc theo phố Cầu Mây, đây là tuyến đường bắt đầu dẫn xuống nhiều bản làng và các đoàn khách thăm bản đều phải đi qua. Thường thì 5-10 người một nhóm đứng đợi ở một góc cổng khách sạn, hay đứng thành hàng dọc các mái hiên nhà hàng, văn phòng tour. Khi hướng dẫn viên bắt đầu đưa khách đi tham quan, họ xin phép để được đi theo, nếu khách đồng ý họ sẽ tiếp tục. Nhiều trường hợp khách khó tính và không muốn ai đi cùng thì họ sẽ quay lại để tìm đoàn khách khác.

Mới đầu họ chỉ chào hỏi làm quen bằng những câu xã giao đơn giản. Rồi suốt dọc đường họ chỉ lẳng lặng đi theo phía sau, chỉ khi nào hướng dẫn viên đã giới thiệu hết các thông tin cho du khách và để họ đi tự do, vừa trò chuyện, chụp hình thì mới bắt chuyện, hỏi han một cách rất thân thiện,

Tới những đoạn đường dốc đứng, những con suối khó đi, một người hướng dẫn viên không thể nào giúp đỡ cả đoàn khách. Lúc này họ mới thực sự phát huy vai trò của mình, thường dắt tay, đỡ du khách qua những con dốc trơn trượt mà họ đã quen từng bước chân, từ khi còn là một đứa trẻ.

Kết thúc hành trình những vị khách tốt bụng thường mua lại của họ những món đồ lưu niệm. Đa số là các món đồ thủ công như khăn, váy áo, vỏ gối, túi vải thổ cẩm do tự tay họ làm ra. Người H’mông cũng sáng tạo thêm nhiều món đồ phù hợp với khách du lịch như túi đeo điện thoại, túi thổ cẩm mang bình nước lọc, móc chìa khóa.

Chị Giàng Thị Xua, 36 tuổi ở bản Tả Van cho biết: "Có những ngày mình gặp khách "xịn" mua cho cả triệu tiền hàng, trên đường đi còn mời uống nước và mua cho con nhỏ của mình rất nhiều bánh kẹo". Ở một số bản nằm cách xa trung tâm thị trấn, những chị em ở đây không thể đi bộ lên để theo khách được. Họ đành phải đợi khi nào có xe đưa khách xuống bản thì đi theo.

Khởi nghiệp ở “vị trí” bán hàng rong

Hiện nay đa số những người phụ nữ H'mông tại Sa Pa đều theo nhau đi bán hàng cho khách du lịch. Đó như là một nghề phụ để kiếm thêm thu nhập, khi mà đời sống còn nhiều khó khăn. Sau những chặng đường dài, họ có thể kiếm được từ 20 đến 50 ngàn đồng, có hôm may mắn được vài trăm ngàn, nhưng cũng có thể ra về tay không hoặc chỉ với câu cảm ơn cùng cái bắt tay suông. Với số tiền này, họ có thể trang trải cho cuộc sống gia đình trong vài ngày.

Mỗi gia đình người Mông và Dao đỏ ở đây tương đối đông con, thường từ 5-7 đứa. Nếu chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa nương thì cuộc sống của họ thực sự rất khó khăn. Chính vì thế việc đi bán hàng rong theo khách trở thành một nghề phụ rất hấp dẫn đối với họ. Nguồn thu nhập này tuy không ổn định nhưng khá cao so với đời sống của người dân nơi đâỵ. Chỉ tính riêng một vụ du lịch, số tiền thu được đã đủ để có thể bù đắp cho những tháng vắng khách.

Cuộc sống nơi rừng núi nhu cầu không nhiều, nhưng có thêm đồng tiền mua cho con cái áo ấm, sắm cho chồng chiếc khăn đã là cả một vấn đề với những người phụ nữ làm nghề này. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là được, rào cản lớn nhất của họ vẫn là ngôn ngữ. Không có trường lớp, bà con tự dạy cho nhau theo con đường truyền khẩu. Ban đầu, họ theo khách với việc giúp đỡ mang vác, đi lại để tranh thủ học tiếng, dần dần một thời gian sau mới có thể giao tiếp tốt. Có những người bắt đầu làm nghề này từ rất sớm nên hiện nay, khả năng nói và nghe đã rất chuẩn. Nhiều người được học hành bài bản ngoại ngữ từ dưới xuôi lên không khỏi ngạc nhiên trước cách phát âm chuẩn không khác gì người nước ngoài của họ.

Khi đã quen việc thì ai trong số họ cũng có thế đi dẫn khách đi tham quan, tết những vòng hoa bằng các loại hoa rừng, có thể làm những con ngựa bằng cỏ hay cào cào từ những nhánh tre non. Đó là những món quà nhỏ, với nguyên liệu sẵn có, mà khách nước ngoài rất thích thú. Chỉ cần nhìn mặt khách, họ có thể biết khách đến từ đâu, khách "xịn" hay chỉ là Tây “ba lô", khách dễ tính, vui vẻ như dòng khách Úc hay khó tính và khó gần, luôn xem mình là số một như khách Do Thái.

Ngôn ngữ được dùng phổ biến ở đây chủ yếu là tiếng Anh và Pháp. Anh Lê Đăng Hưng, chủ khách sạn và văn phòng du lịch Sa Pa Unique cho biết: "Những hướng dẫn người H'mông thực thụ chủ yếu học tiếng Anh từ khách du lịch, bằng cách học từng ngày, khi đi cùng khách. Sau vài năm đi theo khách bán hàng, họ có thể trò chuyện với khách bằng tiếng Anh dễ dàng. Thêm vào đó, họ tự học thêm ngôn ngữ chính của khách du lịch làm vốn riêng, đó là một bí quyết làm hài lòng du khách".                   

Thông Hà - Đỗ Huệ

Mưu sinh nơi phố cổ Hội An

Thứ 3, 08/01/2013 | 08:40
Lần đầu tiên đặt chân vào phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), có lẽ điều khiến tôi ấn tượng nhất lại là hình ảnh những chiếc ghe nhỏ đang xuôi ngược trên sông Thu Bồn. Và nếu không tìm hiểu, hẳn mọi người nghĩ rằng đó là những ghe đang làm nghề bủa cá. Thực ra, đó ghe của những người bán hàng trên sông...

Nhọc nhằn quang gánh mưu sinh chốn Sài thành

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Họ là những bà mẹ, người vợ từ khắp các vùng quê của miền Trung nắng cháy tha hương vào TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng trộn. Trong đêm, những bàn chân thoăn thoắt trên vai kĩu kịt một đôi quang gánh mà bên trong là đủ các loại thức ăn vặt.

Thắt lòng cảnh "công nhân trẻ con" mưu sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
"Công nhân" Bảo mới 12 tuổi, mặt mày nhem nhuốc, ngước đôi mắt đen láy nói hớn hở với tôi: "Tách mỗi kí hạt điều được 3700 đồng, mỗi ngày con làm hơn 4 kí cũng đủ tiền phụ gia đình mua gạo".

Chênh vênh những phận đời mưu sinh trên đỉnh núi Bà Đen

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Giữa cái nắng chói chang như thiêu như đốt bước chân của du khách quyết tâm chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông Nam Bộ, người ta thấy lẫn trong đó vài người với đôi chân trần bám víu mỏm đá gập ghềnh,...

Muôn nẻo mưu sinh của lái tuk-tuk Việt tại Campuchia

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Giữa muôn nẻo mưu sinh có nhiều giọt mồ hôi nhưng lấp lánh đâu đó là tình người với những câu chuyện cổ tích thời hiện đại.