Ngẫm chuyện trách nhiệm của các bộ trưởng qua lời xin lỗi

Ngẫm chuyện trách nhiệm của các bộ trưởng qua lời xin lỗi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Nhiều ý kiến cho rằng xin lỗi là một chuyện, việc sửa lỗi ấy như thế nào mới là điều đáng quan tâm.

Mấy ngày nay, trên các diễn đàn, sự kiện “tư lệnh” của ngành giao thông cất lời “xin lỗi” lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã trở thành đề tài nóng hổi. Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là ai sẽ giám sát các bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình, hay lời hứa cũng chỉ là… “lời nói gió bay”

Nhịp sống - Ngẫm chuyện trách nhiệm của các bộ trưởng qua lời xin lỗi

Chưa thấy có lời xin lỗi nào về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan

Bộ trưởng “sở hữu” nhiều lời... xin lỗi?

Trong một cuộc họp gần đây nhất với Hà Nội, bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã xin lỗi lãnh đạo UBND TP. Lời xin lỗi của vị “tư lệnh” ngành giao thông được cất lên sau khi có kết luận thanh tra của bộ này liên quan đến việc quản lý lòng đường, trong đó có kết luận thất thoát 20 tỷ đồng/năm của Hà Nội. Theo bộ trưởng Đinh La Thăng thì kết luận này chưa có sự thống nhất với lãnh đạo Bộ, chưa có bàn thảo với Sở GTVT Hà Nội. Cùng lời xin lỗi, vị “tư lệnh” ngành giao thông hứa "sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc".

Nhiều ý kiến cho rằng, bản kết luận của Bộ GTVT đã chỉ ra rất rõ những sai phạm nhưng lạ thay sau khi Hà Nội phản bác, cơ quan thanh tra (Bộ GTVT) đã phải xin lỗi? Việc bộ trưởng GTVT đưa ra lời xin lỗi trong khi chưa nêu rõ kết luận thanh tra có sai trái ở điểm gì, không căn cứ trên quy định, chính sách pháp luật nào cũng là điều khó hiểu.

Trên diễn đàn mạng, có rất nhiều ý kiến đánh giá tích cực việc xin lỗi của bộ trưởng GTVT. Bởi, theo quan niệm của họ, sai thì phải sửa, phải xin lỗi là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, xin lỗi là cách bộ trưởng Đinh La Thăng lấy điểm một cách khôn ngoan nhất.

Để chứng minh cho những hoài nghi của mình, nickname tuanhai23@gmail.com dẫn chứng: Cách đây chưa lâu, hồi đầu tháng 4/2012, bộ trưởng Thăng đã đưa ra lời xin lỗi với người đi ô tô bởi phát ngôn chưa thấu đáo của mình. Ông nói “Tôi hoàn toàn chia sẻ và thành thật xin lỗi những người đi ô tô, tôi không nói đi ô tô là giàu, nhưng đỡ nghèo hơn những người không đi ô tô”. Và cuối tháng đó, ngày 24/4, vị bộ trưởng này cũng đã phải nói lời xin lỗi người dân tại phiên điều trần của ủy ban Pháp luật của Quốc hội “Tôi thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT xin nhận lỗi trước nhân dân về tình trạng tiến độ công trình chậm, chất lượng công trình GTVT chưa đảm bảo theo yêu cầu”. Và chỉ cần gõ cụm từ bộ trưởng xin lỗi tìm kiếm trên Google, người đọc dễ dàng tìm thấy hàng loạt bài viết có lời xin lỗi của bộ trưởng Thăng.

Theo thống kê của bạn đọc, bộ trưởng Đinh La Thăng là người đưa ra lời xin lỗi nhiều nhất trong các bộ trưởng ở nhiệm kỳ mới. Không dừng lại ở việc “sở hữu” nhiều lời xin lỗi, bộ trưởng Đinh La Thăng còn được mệnh danh là người có nhiều kiến nghị, đề xuất và phát ngôn gây… sốc nhất.

Ai giám sát lời hứa của các Bộ trưởng

Sau sự việc bộ trưởng Đinh La Thăng xin lỗi Hà Nội, điều mà dư luận đặc biệt quan tâm đó là việc vị “tư lệnh” kiên quyết thực hiện lời hứa như thế nào. Bởi từ trước đến nay, bộ trưởng Đinh La Thăng không phải là trường hợp duy nhất cất lời xin lỗi.

Gần đây nhất, ngày 7/4/2012, tại cuộc đối thoại trực tuyến với người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang cũng đã nhận lỗi về tình trạng quản lý, để mất phôi sổ đỏ khi nhận được một câu hỏi của người dân về chuyện này. Tại một kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010, bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã xin lỗi các đại biểu Quốc hội về những nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2010 khi nhiều dự án luật chuẩn bị chậm, không đảm bảo tiến độ.

Cựu bBộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng từng đưa ra lời xin lỗi rõ ràng về vụ sập, cầu Cần Thơ làm chết nhiều công nhân năm 2008. Cựu bộ trưởng nói: "Đây là sự cố công trình và tai nạn lao động nghiêm trọng nhất của ngành, bất luận nguyên nhân nào. Tôi xin gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, những người bị nạn và gia đình người bị nạn”. Thậm chí ông còn nói đến việc xem xét từ chức hay không, sau khi làm rõ nguyên nhân cầu sập.

Mặc dù vậy, các bộ trưởng dám công khai xin lỗi nhân dân vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Người ta vẫn thấy, trong nhiều lĩnh vực, còn tồn tại rất nhiều yếu kém do lỗi của người quản lý. Đó là tình trạng quá tải ở các bệnh viện, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng dạy thêm, học thêm của ngành giáo dục... Nhưng trong các phiên chất vấn, trả lời trước Quốc hội, cử tri về các vấn đề này, vẫn ít lời xin lỗi thực sự được đưa ra, chứ đừng nói đến văn hóa từ chức.

Nguyễn Hồng Hà (sinh viên Đại học Luật, Hà Nội) cho rằng: “Từ thực tế rất ít vị bộ trưởng dám đứng ra nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi vì những việc chưa làm được, người ta càng thấy rõ, bộ trưởng GTVT vẫn là người ý thức được trách nhiệm vị trí của mình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mạnh dạn đưa ra lời xin lỗi là một chuyện còn thực thi trách nhiệm đầy đủ để giải quyết những yếu kém, phải nói lời xin lỗi là một chuyện khác. Nếu làm được cả hai thì lời xin lỗi mới có giá trị và được chấp nhận. Còn không những lời nói suông chỉ làm mất thêm lòng tin ở phía người dân”.

Không chỉ bàn về việc xin lỗi trên các diễn đàn, lời hứa của các vị bộ trưởng cũng được đưa ra mổ xẻ. Tại các kì họp Quốc hội, hầu hết các Bộ, ngành đều đưa ra lời hứa thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, đạt được những mục tiêu đã đề ra. Nhưng do không có sự giám sát chặt chẽ nên chỉ như “lời nói gió bay”. Bởi thế, bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ giám sát các bộ trưởng thực hiện lời hứa với dân.

N.Giang- H.Mai