Người nguyên thủy sống ở Cao Bằng từ 20.000 năm trước

Người nguyên thủy sống ở Cao Bằng từ 20.000 năm trước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Các nhà khảo cổ đã đào thám sát và phát hiện dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị đổ sập, nằm sâu dưới mặt đất là một lớp ngói vỡ, ngói mũi sen, ngói bò nóc và đầu hồi.

Trong nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành điều tra, thám sát khảo cổ trên nhiều huyện thị đã chứng minh Cao Bằng là một trong những nơi cư trú của loài người nguyên thủy, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nhận thức về văn hóa tiền sử ở Việt Nam.

Cuối năm 2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Cao Bằng tiến hành khảo sát, điều tra khảo cổ học tại Thị xã đã phát hiện được một số di tích khảo cổ học quan trọng. Tại thềm cổ có nguồn gốc là thềm bậc II của sông Bằng Giang, thuộc địa phận thôn Bó Mạ, xã Hưng Đạo (Thị xã), các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng chục di vật là công cụ lao động của người nguyên thủy. Tất cả những di vật này đều được chế tác từ đá cuội sông suối, với kỹ thuật ghè đẽo thô sơ.

Xã hội - Người nguyên thủy sống ở Cao Bằng từ 20.000 năm trước

Mặt cắt mà đoàn khai quật vẽ lại tại xã Hưng Đạo, huyện Hòa An

Việc tìm thấy công cụ lao động trên thềm sông chứng tỏ Bó Mạ là di tích cư trú của người tiền sử. Dựa vào kỹ thuật ghè đẽo và kiểu dáng cùng với sự so sánh với các di tích tiền sử ở quanh vùng, bước đầu các nhà khảo cổ xếp di tích Bó Mạ thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, có tuổi cách nay vào khoảng trên dưới 20.000 năm.

Sau khi khảo sát tại Bó Mạ, đoàn khảo cổ tiếp tục kiếm tìm vết tích khảo cổ quanh xã Hưng Đạo, theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, đoàn khảo sát đã phát hiện được một di tích kiến trúc cổ. Di tích nằm trong vườn nhà ông Đoàn Trọng Tú, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo.

Các nhà khảo cổ đã đào thám sát và phát hiện dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị đổ sập, nằm sâu dưới mặt đất là một lớp ngói vỡ, ngói mũi sen, ngói bò nóc và đầu hồi. Dưới lớp ngói vỡ là hàng gạch lớn. Bằng kỹ thuật xử lý chuyên ngành, các nhà khảo cổ đã làm lộ dần một lớp móng gồm những hàng gạch xây chồng so le nhau. Chất kết dính để xây là loại vật liệu đường, mật, vôi, cát.

Trong số những hiện vật thu được có một số mảnh gạch trang trí, có mảnh trang trí phần đầu của linh vật thường thấy trong các kiến trúc thời Lê - Mạc. Điều đáng chú ý là phát hiện được nhiều vết than cháy nằm xen kẽ trong lớp ngói. Các nhà khảo cổ nhận định hỏa hoạn là nguyên nhân chính, khiến kiến trúc này bị sụp đổ. Căn cứ vào dấu vết, các nhà khảo cổ cho rằng đây là một dinh thự khá lớn có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII, chủ nhân của ngôi nhà có thể là một người có địa vị quan trọng ở thời kỳ đó.

Ông Phùng Chí Kiên, giám đốc Bảo tàng tổng hợp Cao Bằng cho biết: Trong đợt khai quật khảo cổ tại xã Hưng Đạo, huyện Hòa An do Bảo tàng Cao Bằng phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện từ tháng 11 đến nay, đã phát hiện thấy dấu tích người nguyên thủy từ 20.000 năm trước qua các công cụ lao động bằng đá tìm thấy ở bãi đá trầm tích bên sông Bằng Giang. Chúng được chế tác bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ để tạo rìu lưỡi, mũi nhọn, rất gần gũi với công cụ ghè đẽo thuộc thời kỳ đá cũ. Người nguyên thủy dùng những công cụ này để săn bắt, hái lượm.

Còn nhiều di tích khảo cổ dưới lòng đất

Việc phát hiện một số di tích kiến trúc ở xã Hưng Đạo cho thấy mảnh đất này có vị trí đặc biệt trong lịch sử non nước Cao Bằng. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn với nhiều di tích và truyền thuyết lịch sử. Qua khảo sát bước đầu cho thấy còn nhiều di tích kiến trúc khảo cổ có giá trị còn ẩn giấu dưới lòng đất. Việc khai quật và nghiên cứu những di tích kiến trúc ở xã Hưng Đạo đóng góp vào việc xây dựng giá trị văn hóa và lịch sử của cố đô.

Cao Tuân - Bảo Yên