'Là người sáng tạo thì coi như phăng teo đời sống thực'

'Là người sáng tạo thì coi như phăng teo đời sống thực'

Thứ 4, 28/08/2013 | 17:14
0
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến ngậm ngùi: "Nghệ sĩ thì ở lĩnh vực nào cũng khổ. Đã là người sáng tạo thì coi như phăng teo đời sống thực".

Nhiều người thích thơ Đoàn Thị Lam Luyến bởi giọng thơ cá tính, thông minh và đầy bạo liệt. Khác với sự thành công trong đời thơ, cuộc đời của nữ thi sĩ lại truân chuyên và lắm nỗi đa đoan.Hai, ba lần bước vào hôn nhân nhưng bà vẫn không có được một mái ấm gia đình trọn vẹn. Như "chim sợ cành cong", sau tất cả những thất bại trong tình yêu, giờ đây nữ thi sĩ Gửi tình yêu đã không còn thiết tha với việc tìm kiếm cho mình một "bến đỗ" mới nữ.

"Sống ảo" nên khó có hạnh phúc thật

Đã bước vào tuổi lục tuần, sao bà không cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn tự "đày ải" khi đảm nhận cương vị Tổng thư ký hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam?

Cuộc đời có ý nghĩa ở sự cống hiến. Người trồng cây thật sự là người liên tục trồng mà không quan trọng kết quả. Bây giờ, cho tôi nghỉ ngơi thì tôi cũng không nghỉ ngơi được, khi thành công, biết đâu tôi lại nghĩ ra cái gì mới. Trong bài thơ Em gái, tôi có viết: "Em đầy ngộ nhận như tôi/ Cũng yêu chí chết cái người mình yêu", nhưng thực ra, tôi yêu "chí chết" thì ít mà làm "chí chết" thì nhiều! Khi bước chân vào lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả cách đây 12 năm, tôi cũng không lường trước được những khó khăn quá nhiều. Có khoảnh khắc, tôi cảm thấy thất vọng nhưng không cho phép mình bại hoại ý chí hay chán nản. Như Nguyễn Du nói: "Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa", đối với tôi, công việc này đã trở thành cái nghiệp, dù chỉ chuốc lấy lo toan, vất vả.

Công việc bận rộn khiến bà không có thời gian để sáng tác?

Đúng là công việc bản quyền khiến cho việc sáng tác của tôi đình trệ. Nhưng cũng có một phần nguyên do là khi mình cảm thấy sáng tác không hay nữa thì không muốn công bố. Tôi quan niệm: Phải có nghìn thước sống mới có thể đậu một thước viết; khi đã có nghìn thước viết chỉ nên có một thước in. Có một số người quan niệm khác tôi, viết được cái gì in ngay, tạo thành thượng vàng hạ cám. Đối với tôi, không tự phá được kỷ lục của chính mình thà không có tác phẩm. Văn chương vốn nghiệt ngã, để có trang viết hay không phải muốn là được.

Mặt khác, tôi nghĩ, cống hiến cho đời có nhiều cách, không cứ phải là thơ. Công việc bảo vệ quyền tác giả mà tôi đang làm đây, cũng đáng làm lắm chứ? Làm được tốt, sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo và phát triển nền kinh tế, văn hóa của đất nước, nhất là ở một quốc gia đang dần dần định hình nền kinh tế tri thức như Việt Nam. Còn, phải ăn đong, ăn vay, nhập khẩu tri thức mãi thì khó phồn thịnh.

Xã hội - 'Là người sáng tạo thì coi như phăng teo đời sống thực'

Nữ thi sĩ “Gửi tình yêu” đã không còn thiết tha với việc đi tìm kiếm cho mình một bến đỗ mới.

Bà có nghĩ rằng, người duyên nợ với văn chương, nhất là phái nữ thì thường khó có thể đạt được hạnh phúc riêng trong đời thực?

Tôi nghĩ điều ấy xảy đến với tất cả những người làm công việc sáng tạo chữ nghĩa chứ không riêng phái nam hay phái nữ. Nhà văn sống bằng "cái ảo" nên thường không gặt hái được hạnh phúc thật. Bạn có thể thấy những người tưởng tượng rất giỏi thì hoàn toàn thoát ly khỏi cuộc sống thực. Những nhà viết tiểu thuyết, làm thơ, sáng tác nhạc, làm điện ảnh... thường hay sống giữa cái mơ và cái tỉnh. Họ có thể rất giỏi trong nghề nhưng lại rất lơ mơ về cuộc sống đời thường. Ai lấy họ làm chồng, làm vợ chắc sẽ khổ. Như nhà văn viết truyện cổ tích hàng đầu người Đan Mạch, Andersen chẳng hạn, hạnh phúc cá nhân của ông hoàn toàn bằng không. Tất cả những ai là "Nhà" thì đều không mưu cầu cuộc sống như bình thường. Còn nếu người cầm bút đặt ra cho mình mục tiêu phải nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con khôn thì tác phẩm của anh ta lại thường gây thất vọng. Thực tế là những nghệ sĩ thực sự trong lĩnh vực nào cũng khổ, bù lại, họ lấy sự sáng tạo làm hạnh phúc. Đã là người sáng tạo thì coi như phăng teo đời sống thực, sống hoàn toàn bằng "cái ảo", đồng nghĩa phải hi sinh cuộc sống thật.

Tôi đã quá tin vào tình yêu

Cao điểm lớn là tình yêu

Con người có thể có nhiều cao điểm nhưng tôi luôn đặt cao điểm lớn nhất là tình yêu, để tình yêu là động lực đạt được những cao điểm khác. Tôi từng nghĩ, có tình yêu là có tất cả nhưng lại không gặp được ai cùng chung tay vun đắp với mình. Tôi cũng nghĩ, không ai kham nổi tôi. Người nghệ sĩ tâm hồn như cấp số nhân nhưng luôn gặp bạn đời theo cấp số cộng thì phải rời xa nhau.

Cố nhà thơ Thúy Bắc từng nói về bà, yêu thì đắm đuối hết mình, nhưng toàn gặp những mối tình ngang trái. Sống thì thật với mọi người đến ngây thơ, dại dột. Phải chăng, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến yêu nhiều lắm?

Tôi nghĩ những người yêu nhiều cũng chả khác gì Trư Bát Giới ăn nhân sâm, ăn hấp tấp, ăn nhanh quá nên không biết được mùi vị. Như câu thơ tôi viết: "Trái tim anh rất nghèo/ Biết bao giờ cho đủ", nếu yêu mà giống như "thợ săn", tìm kiếm và "làm giàu" cho mình bằng những cuộc tình thì đáng thương lắm. Mọi người thường hỏi tôi, yêu nhiều chắc sung sướng, hạnh phúc lắm nhưng tôi chỉ thấy mình thua thiệt nhiều hơn trong mỗi mối tình.

Từ mối tình thứ hai trở đi chỉ là khiên cưỡng như câu thành ngữ: "Mối tình thứ hai chỉ là sự tìm lại hình ảnh của mối tình đầu". Suốt năm tháng tuổi trẻ, tôi  kiêu hãnh và luôn cảm thấy tâm hồn mình giàu có bởi không kham nhiều mối tình như mọi người. Khi yêu, tôi yêu tận tụy, thủy chung, nhưng không thể ngờ, "bàn tay số phận" lại sắp đặt mọi thứ trái ngược với điều mình mong muốn, khó ai có thể thoát khỏi sự trớ trêu của số phận, khi số phận đã "dòm ngó" tới mình.

Càng về sau, tôi càng thấm thía hơn câu nói của văn hào Andersen: "Ái tình chỉ đẹp trong tưởng tượng và chỉ trong tưởng tượng ái tình mới là thơ, là mộng". Lúc trẻ, tôi đọc nhiều tác phẩm hư cấu về tình yêu và thấy tình yêu quá đẹp, nó giúp thăng hoa tâm hồn con người nên tôi đã quá tin vào tình yêu. Bao thế hệ cũng nhờ những tác phẩm hư cấu như thế mà thần thánh hóa tình yêu và dấn thân vào tình yêu. Tiếc thay, tình yêu thực sự lại hiếm hoi và vô cùng ngắn ngủi.

Nhiều lần đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân, phải chăng, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến "không ôm nổi trái tim một con người"?

Đúng vậy. Cho đến bây giờ tôi vẫn không phủ nhận điều này. Trước khi viết bài thơ Gửi tình yêu, tôi có viết nhật ký: "Tuy có sống nhà riêng một mái/Tuy hàng ngày cơm đúc lại một niêu/ Nhưng trái tim trong có lửa nồng yêu/Anh gửi tận phương trời xa tắp".

Khi sống cuộc sống vợ chồng, tôi luôn cảm thấy chồng tôi thể xác ở bên nhưng hồn thì luôn phiêu bạt tận nơi nào. Bạn biết đấy, quan niệm về hôn nhân của đàn ông và người đàn bà vốn khác nhau. Khi tổ chức đám cưới, người phụ nữ bắt đầu bước vào ngôi nhà tình yêu, nhưng chính là lúc người đàn ông lại rời khỏi ngôi nhà ấy. Nghiệt ngã như thế đấy! Người đàn ông, cũng coi chuyện cưới vợ là làm xong một việc lớn như thể làm xong sổ đỏ mảnh đất mà mình sở hữu, sau đó thì để tâm vào các mục tiêu khác, chủ yếu vào danh và thức. Họ nghĩ đó cũng là mục tiêu số một để chăm lo cho gia đình, trong khi người phụ nữ dành mục tiêu số một là tổ ấm gia đình. 

Vậy bà có định tìm kiếm cho mình một hạnh phúc mới?

Tôi không có ý định đi tìm kiếm cho mình một hạnh phúc mới từ rất lâu rồi. Cụ thể là sang thế kỷ XXI này gần như tôi không màng yêu đương nữa. Không biết có phải vì tôi quá mệt mỏi khi đã phải "đánh vật" với tình yêu trước đó hay không. Chỉ biết rằng, tôi bắt đầu tin vào số phận là mình không thể có một hạnh phúc thật sự trong đôi lứa. Ngay khi chưa đến tuổi 50, tôi không nghĩ mình sẽ đi bước nữa vì thực ra, mình có mấy bước sai lầm rồi. Khi yêu, thường ít ai đặt trái tim đúng chỗ. Riêng tôi, sự nhầm lần, sự mù quáng như thể còn nhân đôi: "Càng say càng gặp tình vờ/Non non nước nước lập lờ lứa đôi" (Yêu để cho thơ - PV).

Có phải bà sợ sẽ khó có người đàn ông nào đồng cảm được với trái tim đa cảm của một thi sĩ?

Trong cuộc sống, tôi luôn luôn coi trọng phần tinh thần. Thất bại trong tình yêu của tôi chính là do lối sống quá ư thiên lệch như vậy. Những ai sống lãng mạn đều bị quăng vào đời một cách nghiệt ngã, không nương tay. Tuy nhiên do bản tính bướng bỉnh, không dễ bị khuất phục, tôi phải nhiều phen "sống mái" với đời thường và nhiều lần ê chề thất bại. Điều đáng tiếc là tôi chưa tường tận thấy được tình yêu. Nó mong manh quá, hư ảo quá! Tôi soi lại mình, hóa ra mình quá cầu toàn, lý tưởng hóa người mình yêu. Thế là tôi đã phạm một điều mà rất nhiều năm tôi không tự nhận biết: Tôi không biết dung hòa được lãng mạn và thực tế, không dung hòa được ảo và thực. Tôi đành bằng lòng: "Lấy bấy nhiêu cái thất tình làm vui"!

Xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!

Loan Thanh

Phát hiện khuẩn E.coli gây chết người trong 'trà chanh phố Nhà Thờ'

Thứ 4, 24/07/2013 | 09:16
Trong những đồ uống “khoái khẩu” trên đường phố Hà Nội như trà chanh phố Nhà Thờ, trà bát bảo phố Cát Linh, nước mía, nhân trần..., không chỉ phát hiện khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy mà còn nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc cấp tính và mạn tính, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư.

'Khó hiểu' quanh cái chết của nhà thơ vĩ đại nhất thế kỷ XX

Thứ 7, 08/06/2013 | 11:32
Cách đây hơn 40 năm, nhà thơ Pablo Neruda, người từng giành giải Nobel Văn học năm 1971 đã qua đời với kết luận do bệnh ung thư. Tuy nhiên, tài xế đồng thời là trợ lý cá nhân của nhà thơ, ông Manuel Araya lại cho rằng, nhà thơ Neruda đã bị tướng độc tài Augusto Pinochet đầu độc.

Nhà thơ Chăm từng bỏ giảng đường về cày ruộng

Thứ 3, 14/05/2013 | 14:39
Khi quyết định từ bỏ giảng đường để quay về quê cày ruộng ông luôn tìm cách để học hỏi, nghiên cứu sáng tác các tác phẩm liên quan đến văn hóa Chăm.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Các bạn trẻ luôn thèm là người tốt

Thứ 3, 30/04/2013 | 09:05
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: "Thanh niên không thiếu bản lĩnh đâu, cần tạo điều kiện để họ bộc lộ bản lĩnh tốt đẹp".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nói thơ tôi Tây hoá là sai lầm

Thứ 2, 25/03/2013 | 12:46
"Có thể họ gọi thơ tôi Tây hoá ở chỗ trong thơ tôi có những biểu tượng khác, cách nói khác, hay do tôi không viết lục bát nhưng nó chỉ là một yếu tố nhỏ để định danh cho tính truyền thống chứ không phải yếu tố quyết định", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Tuổi thơ khốn khó của một nhà thơ lập dị

Thứ 5, 07/03/2013 | 17:15
Ngày làm lụng giúp mẹ, đêm về học bài cho đến khi gà trong xóm lên tiếng gáy động canh, cậu bé mới xếp sách đi ngủ.

Câu chuyện kỳ lạ của nhà thơ Mỹ 'mê' nước mắm Việt

Thứ 5, 07/02/2013 | 11:12
Một người nào đó đã từng nói: "Những nhà văn, nhà thơ không bao giờ là kẻ thù của nhau vì trong trái tim họ luôn mang nặng tình yêu thương con người". Đối với Bruce Weigl cũng vậy. Đã có quá nhiều mỹ danh dành cho ông, từ vị giáo sư nghệ thuật đầy khả kính, vị "đại sứ nước mắm người Mỹ" đến lão cựu binh hàn gắn vết thương chiến tranh... nhưng ông vẫn thích mọi người gọi mình bằng cái tên dân giã: Nhà thơ của người Việt. Ông đã từng thốt lên rằng: "Tôi không biết tại sao tôi không phải là người Việt Nam. Đôi lúc tôi cảm thấy tôi là người Việt, hoặc tôi đã từng một lần sống cuộc đời của một người Việt"...

Nhà thơ hàng đầu của Mỹ say đắm... nước mắm Việt Nam

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:07
Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ. Mọi người cũng thường gọi ông bằng cái tên thân thuộc "Đại sứ nước mắm" vì "mối tình" đặc biệt của ông với sản vật đất Việt này.