Nhiều thí sinh dự thi khối kinh tế

Nhiều thí sinh dự thi khối kinh tế

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Như năm trước, các khối kỹ thuật xã hội rớt so với các khối kinh tế, tài chính. Việc này phản ánh trực tiếp đến nhu cầu xã hội việc làm.

Khối C ít cơ hội tìm kiếm việc làm hơn

Theo phân tích của một số giáo viên lâu năm, nguyên nhân khiến thí sinh ít mặn mà với khối C là do học sinh Hà Nội học phân ban nhiều. Số lượng học sinh học ban Tự nhiên nhiều hơn ban Xã hội. Thậm chí có trường không có ban Xã hội vì học sinh được quyền chọn ban học.

PGS.TS Văn Như Cương cho biết nhà trường chỉ có ban A và ban D vì thế nhà trường không có thí sinh dự thi khối C. Nhận xét về xu hướng “thất thế” của các ngành khối C, PGS.TS Văn Như Cương cũng chia sẻ thẳng thắn: “Đó là xu thế rất bình thường hiện nay. Ở đâu ra trường có việc làm tốt, có lương cao thì các thí sinh người ta đăng ký dự thi. Thậm chí, nhiều thí sinh đã có suy nghĩ lại muốn làm cho các công ty nước ngoài hoặc muốn làm ăn riêng nên đã đăng ký vào các trường ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngân hàng, ĐH Thương Mại…”

Khối A có số lượng hồ sơ áp đảo so với khối C

Thực tế hiện nay các ngành sư phạm, khoa học nhân văn ra trường cũng rất khó xin việc. “Sư phạm Toán ra trường đi tìm việc cũng đã khó, sư phạm Địa và sư phạm Sử thì còn gay go hơn. Nếu học Sư phạm ngoại ngữ thì khi chưa xin dạy ở đâu thì có thể làm những công việc liên quan đến ngoại ngữ như dạy thêm, phiên dịch, lễ tân khách sạn…”. PGS.TS Văn Như Cương chia sẻ.

Trong nhiều năm trở lại đây, xu hướng thí sinh “quay lưng” với khối C ngày càng được thể hiện rõ . Bởi vì thí sinh cũng đã thực tế hơn về việc làm sau khi ra trường với khối C hiện nay rất khó khăn như các ngành Văn học, Lịch sử, Thông tin - Thư viện, Công tác xã hội, Triết học, Chính trị học.

Để thu hút thí sinh, trong nhiều năm trở lại đây các trường thuộc khối xã hội đã chọn cách thi cho thi tuyển đồng thời cả khối C, D nhằm kiếm đủ thí sinh đầu vào. Từ năm 2010, trường ĐH KHXH&NV (ĐH QGHN) đã tuyển sinh đồng thời cả 3 khối thi A, C, D cho các ngành Xã hội học, tâm lý học, khoa học quản lý, chính trị học, triết học… Xu hướng trong các năm tới, một số ngành khác cũng sẽ được tuyển sinh thêm khối A để lấy thêm sinh viên.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia của Bộ GD&ĐT, việc thí sinh chọn các ngành kinh tế do các ngành này có khả năng xin việc tốt với thu nhập cao, trong khi đó khối ngành xã hội rất khó xin việc hoặc thu nhập rất thấp.

Khối A ccơ hội tìm việc dễ hơn

Ông Nguyễn Quang Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết nhà trường có hơn 2.200 hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2011 thì có tới gần 1.100 bộ đăng ký dự thi khối A còn lại là hồ sơ dự thi khối B,D. Năm 2010, trường THPT Việt Đức có 42 bộ hồ sơ của thí sinh dự thi vào khối C, nhưng năm nay chỉ có 3 thí sinh đăng ký. Trung bình, một thí sinh nộp khoảng 3 hồ sơ dự thi ĐH, CĐ.

Theo cán bộ thu hồ sơ tại trường THPT Yên Hòa cho biết nhà trường có khoảng 1.500 hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm 2011 của học sinh nhưng số lượng hồ sơ dự thi vào khối C chỉ có lác đác vài bộ. Năm nay thí sinh vẫn ưu tiên chọn các trường kinh tế như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương Mai… sau đó mới đến ĐH Bách Khoa, ĐHQGHN.

PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, trong hơn 2.000 hồ sơ của học sinh, hơn 50% nộp vào các trường ĐH Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương Mại. Ngoài ra một bộ phận học sinh cũng chọn ngành ngoại ngữ và kỹ thuật để theo đuổi và đăng ký vào các trường ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN), ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách Khoa… Trung bình một thí sinh thường đăng ký 3 bộ hồ sơ và được giữ ổn định so với năm trước.

Theo ông Vũ Mạnh Khiêm, cán bộ trực tiếp thu hồ sơ tại Phòng GD&ĐT quận Hoàng Kiếm, trong số 250 hồ sơ thu được, không có một bộ nào dành cho khối C. Hiện tại có trên 70% các em học sinh đăng ký thi khối A. Ông Khiêm cũng kể ra các trường có đông lượng thí sinh đăng ký đều là các trường thuộc khối ngành kinh tế như ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngân hàng, ĐG Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại.

Bên cạnh đó một số ít thí sinh đăng ký vào các khối ngành kỹ thuật và ngoại ngữ. Trung bình một thí sinh thường nộp từ 2-3 hồ sơ và cá biệt có trường hợp nộp tới 5 hồ sơ.

Tình hình tại Phòng GD&ĐT huyện Từ Liêm, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng trong tình trạng tương tự các nơi khác khi cũng chỉ nhận được lác đác vài bộ hồ sơ dự thi vào trường có khối C.

Theo khảo sát của PV VTC News, tại Hà Nội, học sinh dự thi đông nhất vào các trường thuộc nhóm ngành kinh tế như ĐH Thương Mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế, ĐH Hà Nội…Ngoài ra thí sinh dự thi vào khối kỹ thuật như ĐH Bách Khoa, ĐH Thủy Lợi, ĐH GTVT có xu hướng giảm nhẹ so với năm trước.

Theo thống kê năm 2010 của Bộ GD&ĐT, trong tổng số 460.148 sinh viên đại học hiện nay thì sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn có 34.999 sinh viên (chiếm tỷ lệ 7,61%). Hệ CĐ còn ít hơn, trong tổng số 53.130 sinh viên, sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn là 1.695 sinh viên (chiếm tỷ lệ 3,19%).

Xuân Anh