Những trọc phú mang thẻ ‘Vip’

Những trọc phú mang thẻ ‘Vip’

Thứ 2, 29/08/2016 | 18:19
0
“Cái vé VIP ấy chỉ là một cái vé. Tôi có thể mua vé VIP cho một con gà và nó vẫn là một con gà vì con gà ấy chẳng thể nào có được một hành vi thuộc về văn hóa”.

Trong tiếng Anh, VIP là viết tắt của "Very Important Person", Nghĩa tiếng Việt là "nhân vật rất quan trọng". Những người được gọi là VIP trong cách nhìn lâu nay ở Việt Nam là những người có vị thế trong xã hội ở cả ba lĩnh vực chính: chính trị, trí thức và kinh tế. Nhưng thực tế, danh từ VIP có lẽ được dùng nhiều hơn cho các doanh nhân, những người giàu nổi lên từ ngày đất nước đổi mới.

Cũng từ đó, theo tôi biết, ở Việt Nam sinh ra một thuật ngữ khá đặc biệt mà ở các nước khác hầu như không có: DOANH NHÂN VĂN HÓA. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, thuật ngữ này sinh ra từ một số nguyên nhân.

Thứ nhất, nó sinh ra từ bản chất của một nền kinh tế: không có văn hóa thì kinh tế không thể phát triển bền vững. Thứ hai nó sinh ra từ sự đòi hỏi của xã hội đối với những doanh nhân phải có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động văn hóa và thứ ba, nó sinh ra từ những hành vi thiếu văn hóa của không ít những người giàu mà xã hội thấy họ cần phải có văn hóa.

Có một thời gian rất dài, từ “trọc phú” gần như rất ít được sử dụng trong đời sống thường nhật của người Việt Nam. Nhưng sau khi có rất nhiều người giàu xuất hiện ở Việt Nam thì từ này lại được “hồi sinh” nhằm chỉ những người giàu nhưng lại mang một lối sống coi đồng tiền là trên hết. Họ đi những chiếc xe sang trọng nhất thế giới, họ xây những lâu đài diêm dúa nhất, họ tổ chức những sự kiện rùm beng nhất, họ phát ngôn những điều kỳ dị nhất... Không ai cấm họ làm những chuyện đó vì đấy là tiền của họ. Nhưng họ hiện ra trong mắt mọi người chỉ là những trọc phú mà thôi bởi những hành xử của họ đối với con người và thiên nhiên. Một người dùng tiền như một thứ đặc quyền để phá hủy một vùng thiên nhiên cần được bảo tồn và xây một công trình tâm linh hay văn hóa thì đó cũng chỉ là một hành động phi văn hóa.

Có một hiện thực là càng ngày càng nhiều hơn những doanh nhân đã biết sống cho cá nhân họ một cách văn hóa và đóng góp cho sự phát triển cộng đồng một cách tích cực và có hiệu quả thì cũng nhiều hơn những trọc phú mang thẻ VIP. Chỉ nói riêng những hành vi của khách VIP trên các chuyến bay nội địa mà gần đây báo chí nói đến thì chúng ta đã thấy được những ông/ bà lắm tiền nhưng lại không có lấy một mẩu văn hóa mang theo mình.

Chúng ta từng biết đến những khách VIP ăn nói oang oang, thô lỗ trong khoang VIP, xem phim sex, quấy rối tình dục nữ tiếp viên, chửi và đánh nữ tiếp viên.... Một số nữ tiếp viên nói họ cảm thấy sợ khi phải phục vụ các khách trong khoang VIP. Những hành khách này cầm chiếc vé VIP và bước vào khoang VIP với một thái độ ngạo mạn vô lối. Họ luôn nghĩ cái vé VIP ấy định vị họ là những kẻ hơn người. Một doanh nhân đã nói với tôi: “ Cái vé VIP ấy chỉ là một cái vé. Tôi có thể mua vé VIP cho một con gà và nó vẫn là một con gà vì con gà ấy chẳng thể nào có được một hành vi thuộc về văn hóa”.

Đấy là suy nghĩ của một người mà tôi biết ông rất giàu có. Ông nói với tôi ông thường xuyên đi vé VIP vì điều kiện của ông cho phép như vây. Ông đi vé VIP để có thời gian và không gian tốt cho việc nghỉ ngơi, cho việc đọc một cuốn sách hay xem xét một dự án mà ông đang phác thảo. Chứ không phải ông đi vé VIP để cho người khác thấy ông là một kẻ giàu có và hơn người.

Một điều chắc chắn rằng: nếu so về tiền thì những khách VIP thiếu văn hóa kia so với các VIP trên thế giới thì chỉ là một con kiến so với một con voi. Nhưng rất nhiều các tỷ phú trên thế giới mà chúng ta biết đã sống một cách khiêm nhường, tinh tế. Họ chia sẻ và bỏ phần lớn tiền của họ kiếm được để lập các quỹ bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ những khu rừng nguyên sinh, bảo vệ các nguồn nước hay chống bạo lực gia đình cũng như chống nạn lạm dụng tình dục trẻ em, lập quỹ văn hóa, quỹ giáo dục… Họ là những “doanh nhân văn hoá” đúng nghĩa và có tác động vào những cải biến tốt đẹp cho xã hội con người. Đấy là ta chưa nói đến họ là những người có sự hiểu biết về văn hoá, lịch sử, âm nhạc, văn học, hội hoạ… Nhưng nói một cách logic thì một người không có những hiểu biết nhất định về văn hoá, lịch sử, âm nhạc, văn học, hội hoạ… thì sẽ không thể nào có một đời sống văn hoá. Và khi một doanh nhân không có được một nền tảng văn hoá trong cuộc sống và trong công việc kinh doanh của mình thì sự phát triển của họ sẽ “đoản mệnh” mà không bao giờ đến được đỉnh cao. Họ sẽ chẳng bao giờ đóng góp được cho sự phát triển của xã hội một cách tích cực. Họ chỉ là những kẻ vô ích sống trong những lâu đài dát vàng của họ mà thôi.

Tôi thực sự trân trọng những người giàu chân chính. Bởi những người làm giàu chân chính đó là một nhân tài. Phải bằng tài năng và ý chí họ mới có thể vươn lên được như thế. Và họ là một tấm gương sống cho cá nhân tôi. Khoảng hơn hai mươi năm trở lại đây, đời sống vật chất của người Việt Nam thay đổi rất nhiều. Chưa bao giờ người Việt Nam lại nhập nhiều xe sang, nhập hàng hiệu, nhập cả thực phẩm cao cấp… nhưng sự văn minh của các nước tiên tiến hình như chúng ta lại không nhập. Có không ít người đã sai lầm khi nghĩ rằng: ở trong những căn hộ hiện đại, những biệt thự sang trọng, dùng hàng cao cấp hay đi vé máy bay hạng thương gia là họ đã trở thành người văn minh rồi. Văn minh không đến từ những thứ hàng hóa đó mà đến từ cách sống văn hóa và hiện đại. Nghĩa là nó đến từ ý thức, tư duy và những hành xử của con người. Đấy là sự thật. Bởi nếu chúng ta có bọc cựa cho một con gà bằng vàng, đeo vào cổ nó một chuỗi kim cương, bọc mỏ nó bằng bạch kim và nuôi nó trong một chiếc chuồng bằng đá ngọc thì nó cũng không thể tiến hóa lên được mà vẫn chỉ là một con gà mà thôi.

Minh Luận