NSƯT Thoại Mỹ kể về tuổi thơ cơ cực

NSƯT Thoại Mỹ kể về tuổi thơ cơ cực

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Thuở ấy, để được đi học, Thoại Mỹ phải quen dần với việc thường xuyên đi bộ. Buổi trưa phải đội nắng chang chang hàng chục cây số về nhà ăn vội bữa cơm trưa, rồi lại tất tả trở về trường học cho kịp giờ học.

Tuổi thơ cơ cực

Lúc bấy giờ, Thoại Mỹ được tiếp xúc với nghệ thuật nhiều hơn. Mọi người trong đoàn của chị năm Thoại Miêu thấy bóng dáng của bé Ngọc Mỹ xuất hiện trong đoàn là họ không thèm gọi em là bé Ngọc Mỹ nữa, mà lấy chữ Thoại trong tên của chị Thoại Miêu để gọi cho bé Ngọc Mỹ. Như một định mệnh, từ đây Ngọc Mỹ có một nghệ danh mới. Nghệ danh này gắn chặt vào cuộc đời cô đào cho đến tận ngày nay, để rồi trên con đường nghệ thuật ai cũng trìu mến gọi cô bé Sầu Riêng năm nào bằng cái tên trìu mến Thoại Mỹ.

Sự kiện - NSƯT Thoại Mỹ kể về tuổi thơ cơ cực

Ban đầu con đường đến với nghệ thuật của Thoại Mỹ cũng ngập tràn nước mắt. Những tưởng khi đậu vào trường Trần Hữu Trang cuộc đời Thoại Mỹ sẽ bớt khổ cực hơn, vì được có lương. Nhưng khi cái nghèo vẫn đeo dai dẳng thì cuộc đời Thoại Mỹ vẫn còn đong đầy nước mắt.

Thuở ấy, để được đi học, Thoại Mỹ phải quen dần với việc thường xuyên đi bộ. Buổi trưa là lúc cực nhất vì cô phải đội nắng chang chang hàng chục cây số về nhà ăn vội bữa cơm trưa, rồi lại tất tả trở về trường học cho kịp giờ học. Tuy mệt mỏi nhưng đôi bàn chân nhỏ bé của cô gái nghèo vẫn kiên trì vượt đường xa. Không chỉ chăm lo cho việc học diễn xuất, chiều tối, Thoại Mỹ lại tiếp tục đi học văn hóa để nâng cao kiến thức.

Như một con ong chăm chỉ cô gái nhỏ đều đặn đi học và không bỏ sót bất kỳ một buổi học nào. Thấy con siêng năng học hành, người mẹ mừng thầm trong bụng. Bà mong cho con gái sớm được đi hát và sẵn sàng xách giỏ trầu đi theo lo cho con. Tuy nhiên, ước mơ ấy đã sớm vụt tắt.

Sau một năm Thoại Mỹ đi học ở trường Trần Hữu Trang thì người mẹ qua đời. Ngày mẹ mất, Thoại Mỹ cứ nghĩ mẹ đi đâu mấy ngày rồi sẽ về với mình nhưng niềm mong chờ ấy mãi mãi chỉ là một giấc mơ, mẹ không bao giờ quay về được nữa. Cô gái nhỏ sớm phải chịu cuộc đời mồ côi buộc mình phải tự lập hơn trong cuộc sống. Những lúc không học bài cô bé Thoại Mỹ chọn việc đi làm bảo mẫu giữ con cho gia đình người ta để kiếm thêm thu nhập trang trải trong gia đình. Khi bắt đầu có show hát, khoảng 3h chiều Thoại Mỹ tiếp tục đi bộ từ nhà đến rạp hát. Suốt tuổi trẻ của mình, Thoại Mỹ chưa từng biết đến cảm giác được đi xe đạp là như thế nào, bởi gia đình còn nghèo thì chiếc xe đạp vẫn còn là một vật xa tầm với.

Mê tập diễn đến gãy chân

Năm 16 tuổi, sau khi ra trường, Thoại Mỹ bắt đầu đi hát ở nhiều nơi như Đoàn 3, Đoàn Huỳnh Long, đoàn Sông Bé, Nhà hát Trần Hữu Trang. Đi đến đâu chị cũng được tiếng không bao giờ kén chọn vai diễn. Vai nào vào tay Thoại Mỹ đều được chị hoàn thành xuất sắc. Khán giả thì hồi hộp nhìn Thoại Mỹ lột xác từ vai ác, vai mùi, vai độc, vai lẳng, sang con nít, bà già... ngọt xớt mà lòng tràn đầy cảm xúc. Khán giả khi thì giận bầm gan tím ruột, lúc lại thương đứt ruột đứt gan cô đào mang dáng người nhỏ nhắn nhưng có giọng ca thật truyền cảm. Đến khi vào vai Phi Loan trong Sở Vân cưới vợ, Thoại Mỹ như đánh được một tiếng vang lớn, nhiều khán giả biết đến tên chị hơn. Họ yêu mến và say sưa xem chị diễn hết vai này đến vai khác một cách nồng nhiệt.

Làm nghệ thuật bằng sự say mê nên mỗi lần ra sân khấu là chị rút hết nội lực để hóa thân vào các nhân vật. Vì vậy, trong những ngày đầu quân cho đoàn Huỳnh Long (một đoàn tuồng cổ rặt ở Sài Gòn những năm trước -PV), Thoại Mỹ cũng không nhớ mình đã xỉu biết bao nhiêu lần trên sân khấu. Chị chỉ nhớ bao nhiêu lần khép màn là bấy nhiêu lần chị bất tỉnh nhân sự trên vòng tay của bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng đã trót mang lấy nghiệp vào thân thì như phận tằm phải nhả tơ. Hằng đêm, Thoại Mỹ lại buông lời ca tiếng hát dưới ánh đèn huyền hoặc của sân khấu để cống hiến những vai diễn đầy cảm xúc đến khán giả. Dù có đôi khi sân khấu đã đem lại cho chị những nỗi đau, những vết thương mang di chứng suốt đời.

Cuối năm 2003, khi tập tuồng Xử án Bàng Quý Phi, trong lúc mải mê tập đến đoạn nhảy từ trên cao xuống, chị đã bị té đau điếng. Ban đầu, Thoại Mỹ cứ nghĩ mình bị bong gân nên chị cố gắng kìm nén cơn đau lại để tiếp tục tập với đồng nghiệp. Những đợt diễn liên tiếp đến khiến chị quên cả việc phải điều trị đôi chân. Cho đến một ngày, khi cơn đau dồn dập đến khiến cho cơ thể bé nhỏ đã không còn sức chịu đựng được nữa, Thoại Mỹ đành đến bác sĩ để khám, thì chị hay tin: Khớp gối của mình bị bể, kèm theo đó là chứng bệnh teo cơ.

Suốt thời gian đó Thoại Mỹ phải đi nạng để bảo vệ vết thương. Nằm ở nhà nghe tiếng đờn réo rắt bên tai khiến lòng chị lại nhớ nghề quay quắt. Đến khi vừa bỏ được cặp nạng chị chạy ùa về ngay với sân khấu như đứa con được ùa vào lòng mẹ ấm áp. Rồi chị tiếp tục tập vai công chúa Ngọc Hân trong vở Hồn Thơ Ngọc để tham gia cuộc thi Diễn viên tài sắc năm 2004.

Trong vở diễn này Thoại Mỹ đã khắc họa đậm nét hình tượng của người đàn bà có khát vọng khắc khoải muốn được sống xứng đáng với tình yêu của chồng và chống lại định kiến bất công của xã hội. Giữa chập chùng lửa cháy trước sự bao vây của kẻ thù, Thoại Mỹ đã diễn được sự quyết tâm. Ánh mắt chị bừng cháy lên ngọn lửa quyết bảo vệ đến cùng giọt máu của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Nỗ lực được ghi dấu bằng những mốc son

Năm 1990, Thoại Mỹ đoạt huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu toàn quốc, vai Lan trong vở Giũ áo Bụi Đời. Năm 1992 đoạt huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang trong vai Hồng Phụng, tuồng Ngọc Kỳ Lân. Cũng năm này Thoại Mỹ là diễn viên được yêu thích nhất do báo Sân khấu và Hội Sân khấu tổ chức trưng cầu ý kiến. Năm 1995 là diễn viên xuất sắc được yêu thích nhất và đoạt giải Mai Vàng, vai Võ Tắc Thiên trong vở Thái Bình Công Chúa. 12/09/2003 đoạt huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu. Cũng trong năm 2003 đạt Giải Mai Vàng, vai Lan, trong vở Lời thú tội muộn màng. Năm 2003 - 2004: Huy chương Vàng diễn viên tài sắc, vai Ngọc Hân trong vở Hồn Thơ Ngọc. Năm 2003: Huy chương Văn hóa. 14/01/2004 đoạt giải Mai Vàng do báo Người Lao động bình chọn. Năm 2004: Gương mặt sân khấu ấn tượng (trưng cầu ý kiến của báo Tuổi trẻ). Năm 2005 giải Mai Vàng, vai Phượng trong vở Rồng Phượng. Đặc biệt, cũng trong năm 2005, chị đoạt huy chương Vàng cải lương toàn quốc trong vai "Rồng Phượng". Năm 2007, chị đoạt danh hiệu NSƯT.

Hợp phố