'Ở Hà Nội có nhiều đồi núi, có rừng và có dốc không chú?'

'Ở Hà Nội có nhiều đồi núi, có rừng và có dốc không chú?'

Thứ 5, 04/04/2013 | 12:54
0
Có hơn 3.500 khẩu (970 hộ) đồng bào các dân tộc Mnông, Gia Rai, Tày, Nùng và Dao di cư vào xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức – Đắk Nông) từ sau năm 2000. Tất cả đang xâm canh và lập buôn làng trên các Tiểu khu 1520, 1522, 1528 và 1534 là “rừng hoang” của xã Quảng Trực. Số hộ này bao năm qua luôn sống trong tình trạng thiếu thông tin và bị buông lỏng quản lý.

> Việt Nam Xanh, hành trình đi tới tương lai!

Nơi “rừng hoang mênh mông”

“Ở Hà Nội có nhiều đồi núi, có rừng và có dốc như ở các tiểu khu này không chú?”. Tôi giật mình khi nghe Ma Văn Mới hỏi rất ngô nghê như vậy. Mới là người dân tộc Tày, sinh năm 1981, có hộ khẩu thường trú ở xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1991, khi Mới đang học lớp 4 thì phải bỏ học theo gia đình di cư vào Đắk Nông tìm nơi khai hoang để sinh kế, lập nghiệp.

Việt Nam Xanh - 'Ở Hà Nội có nhiều đồi núi, có rừng và có dốc không chú?'

Vài cây gỗ tạp còn sót lại tại Tiểu khu 1528.

Năm 2007, Mới cưới Nguyễn Thị Biên hơn mình một tuổi làm vợ. Biên có hộ khẩu thường trú ở huyện Đăk Song. Năm 2008, vợ Mới sinh con gái đặt tên là Ma Thị Nhíp, nhưng đến nay vợ chồng Biên – Mới vẫn chưa có Giấy đăng ký kết hôn và cũng chẳng biết làm giấy khai sinh cho con ở đâu.

Con gái Biên chuẩn bị đến tuổi vào tiểu học nhưng cả khu “rừng hoang” mênh mông này có 970 hộ dân sinh sống chẳng có trường mầm non và cũng chẳng có trường tiểu học.

Giống như hoàn cảnh của Mới, Đồng Văn Tuân sinh năm 1988, là người dân tộc Tày, khi đang học lớp 6 ở Trường trung học cơ sở Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, năm 2001 cũng phải bỏ học để theo gia đình di cư vào Đắk Nông tìm miền đất mới để khai hoang, lập nghiêp cùng gia đình.

Tháng 6/2010, Tuân và Hoàng Thị Huyền lập gia đình cũng không có Giấy đăng ký kết hôn. Tháng 11/2011, đứa con đầu lòng là Đồng Thị Thủy Tiên ra đời ở đại ngàn xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) đến nay hơn một tuổi vẫn chưa được làm Giấy khai sinh.

Năm 2000, bố Tuân là cựu chiến binh Đồng Ích Dương được Chủ tịch nước thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang, nhưng gần 1000 hộ dân ở các Tiểu khu 1520, 1522, 1528 và 1534 vẫn không có các tổ chức đoàn thể xã hội để tham gia sinh hoạt.

Di cư tìm gió mới

Tạm bỏ lại câu chuyện của Mới và Tuân ở gác nhà sàn thuộc Tiểu khu 1522, ông Dương dẫn đường đưa chúng tôi đến nhà ông Triệu Văn Sáy ở Tiểu khu 1528 để tìm hiểu về hoàn cảnh sống của những công dân tại đây.

Ông Sáy là người dân tộc Dao, thân hình vạm vỡ, quắc thước, khuôn mặt tròn nỡ, tóc tốt, rối và điểm bạc, râu quanh cằm xồm xàm; có hộ khẩu thường trú ở bản Pò Lầu, xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Có lẽ, ông Sáy là người có uy tín cao nên người dân di cư đến ở Tiểu khu 1528 suy tôn ông Sáy làm trưởng bản.

Việt Nam Xanh - 'Ở Hà Nội có nhiều đồi núi, có rừng và có dốc không chú?' (Hình 2).

Cả 4 Tiểu khu, duy nhất nhà anh Cường có một cái radio để nghe dự báo thời tiết.

Vì đông con lại thiếu đất canh tác, năm 2004, ông Sáy đưa toàn bộ gia đình gồm vợ và 6 con (3 trai, 3 gái) di cư vào lập nghiệp tại Tiểu khu 1528.

Ông Sáy kể: “Mùa đông năm 2004, ở miền núi Lạng Sơn có nơi nhiệt độ xuống dưới O độ, tuyết rơi phủ trắng cả đồi nương. Lạnh lắm. Cả nhà rời bản Pò Lầu di cư vào Tây Nguyên, đến Đắk Lắk thấy khí hậu mùa đông mà nắng ấm, gió núi hầm hập, nhưng mát như trời mùa thu ngoài Bắc. Được những người quen ở Pò lầu vào Đăk Nông trước vài năm, họ dẫn đường, hai ngày sau gia đình mới tìm đến Tiểu khu 1528 của xã Quảng Đức thuộc huyện Tuy Đức”.

Lúc này, theo ông Sáy, rừng nguyên sinh ở Tiểu khu 1528 bị lâm tặc chặt phá hết rồi, chỉ còn gốc và những gỗ cành bị mối gặm bìa sót lại. Ông Sáy sai các con gom gỗ rơi vãi mang về dựng lán trại. Còn đất canh tác thì tha hồ phát quang làm rẫy. Có hôm, ông Sáy và các con còn cuốc phải bom, mìn thời chiến tranh còn sót lại, nhưng rất may bom, mìm bị thối nên không nổ.

Đất bazan ở đây tươi au au, gia đình ông Sáy chỉ cần bổ nhát vài cuốc gieo ngô, vãi lúa nương, trồng đậu, trồng lạc, trồng mỳ, hết mùa mưa là tha hồ thu hoạch.

Mấy năm sau, ông Sáy thấy người ta trồng điều và cà phê mua được máy cày, ông cũng sai các con phát nương trồng được gần 2 ha, nay đang cho thu hoạch.

Cuộc sống của cả gia đình ông Sáy từng bước no đủ và có của để dành. Có năm, thu hoạch lúa, ngô, cà phê và hạt điều xong, ông Sáy cùng các con trở về quê cũ đón xuân vui Tết ở Pò Lầu. Bà con thôn, bản nghe chuyện ông Sáy kể về vùng đất mới với nhiều niềm vui đầy hứa hẹn, nên dân làng bỏ quê kéo nhau vào Đắk Nông rất đông, có nơi đã tự phát thành lập chòm, bản.

Ở chòm bản mà người Dao của ông Sáy đang sinh sống bên dòng sông Đắk jen, nay đã có vài chục nóc nhà. Cả 6 đứa con của ông Sáy đã được dựng vợ gã chồng và làm nhà riêng; nay chúng đã sinh cho ông Sáy 2 cháu nội và 5 cháu ngoại.

“5 không”

Cả đại gia đình ba thế hệ của nhà ông Sáy đều không có hộ khẩu thường trú, các con ông được lấy vợ gả chồng đều không có đăng ký kết hôn, đứa thì biết chữ đứa thì không, riêng 7 đứa cháu đều đến tuổi đi học nhưng không được đi học (vì không có trường tiểu học) và không có đứa nào có Giấy khai sinh.

Gần 1.000 hộ dân đang sinh sống ở các Tiểu khu 1520, 1522, 1528 và 1534 này đều không có Trạm y tế. Các con ông Sáy mỗi lần sinh đẻ đều nhờ các bà đỡ đến nhà “làm phép”, dùng “bùa để trừ tà ma, mong cho mẹ tròn con vuông”.


Việt Nam Xanh - 'Ở Hà Nội có nhiều đồi núi, có rừng và có dốc không chú?' (Hình 3).

Gần 1.000 hộ dân di cư vào Tiểu khu 1520, 1522, 1528 và 1534 đến nay vẫn không được quản lý, đăng ký hộ tịch.

Theo ông Sáy, người Dao, người Tày, người Nùng ở Cao Bằng, Bắc Kạn… và Lạng Sơn di cư vào Tiểu khu 1520, 1522, 1528 và 1534 của xã Quảng Đức, họ đều mang theo các bài cúng và các bài thuốc lá truyền thống. Mỗi khi người dân Mnông, Gia Rai trong các vùng này bị ốm đau do “rừng thiêng, nước độc” gây ra, họ cũng nhờ người Dao, người Tày, người Nùng đi tìm lá thuốc và mời thầy mo về khua chiêng, gõ trống vang cả góc đại ngàn…

Qua câu chuyện của Mới, Tuân, ông Dương và ông Sáy, có thể tựu trung lại, gần 1.000 hộ với hơn 3.500 người dân ở các Tiểu khu 1520, 1522, 1528 và 1534 cũng đang sống trong hoàn cảnh tương tự.

Họ đang sinh sống trong tình trạng pháp lý không có hộ tịch (gồm không có hộ khẩu thường trú, lấy vợ lấy chồng không có đăng ký kết hôn, sinh con không có giấy khai sinh, chết không cơ quan nào đứng ra làm giấy khai tử); trẻ em đến tuổi đi học nhưng không có trường mẫu giáo, trường tiểu học; người bị ốm đau nhưng ở đây không có Trạm y tế.

Gần 1.000 hộ dân với hơn 3.500 khẩu đang sinh sống trên diện tích hàng nghìn ha “rừng hoang” là tương đương với dân số của một đơn vị hành chính xã ở các tỉnh miền Bắc. Thế nhưng, họ đang lập thôn, bản tự phát, không có các tổ chức đoàn thể xã hội, không đường (vì đường đi là những lối mòn do ô tô của lâm tặc vào các tiểu khu khác thác gỗ lậu), không điện, nên không được nghe đài, xem ti vi, thiếu thông tin nghiêm trọng.

Do vậy, trong số hơn 3.500 người dân nói trên vẫn có bộ phận công dân sống trong tình trạng đói thông tin, có sự hiểu biết như Ma Văn Mới. Đến nay, Ma Văn Mới vẫn cứ tưởng rằng: “Ở Hà Nội có nhiều đồi núi… như ở các tiểu khu này!”.

Theo Lê Trọng Hùng / Pháp luật Việt Nam

Bí ẩn phương Đông: Vị đạo sỹ có thể chữa bách bệnh (2)

Thứ 5, 04/04/2013 | 11:17
Đạo sỹ trên đỉnh Tuyết Sơn: 'Khi trở về với chính mình, với con người nguyên thuỷ, hoà hợp với thiên nhiên thì bệnh tật và sức khoẻ chỉ là những gì tương đối, không còn tranh chấp nữa. Khi ăn uống đúng cách, ta loại bỏ yếu tố gây nên bệnh tật, và cách tập Yoga giúp ta lấy lại quân bình nguyên thuỷ, trở về với con người thật của mình, như vậy là “tự mình chữa cho mình”, không ỷ lại vào một tha lực hay một yếu tố bên ngoài nào hết".

Khoa học phương Đông: Vị đạo sĩ có thể chữa mọi thứ bệnh (1)

Thứ 4, 03/04/2013 | 15:42
Ram Gopal Mukundar là một đạo sĩ nổi tiếng có thể chữa trị mọi bệnh tật. Ông thành lập một đạo viện (Ashram) ở ngoại ô Rishikesh và có khá đông môn đệ.