Quản lý giao thông ở Singapore: Nhìn người lại ngẫm đến ta

Quản lý giao thông ở Singapore: Nhìn người lại ngẫm đến ta

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
1
Xét về một chừng mực nào đó, xứ bạn Singapore có nhiều điểm tương đồng Việt Nam (cụ thể là Thủ đô Hà Nội) khi những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống bỗng trở thành những món hàng quá sức đắt đỏ so với thu nhập bình quân của người dân.

Nếu quy đổi ra tiền Việt, một căn hộ chung cư 70m2 ở Singapore loại "làng nhàng" có thể tới giá 7 tỷ đồng (ở Hà Nội khoảng 2 tỷ đồng), còn giá ô tô có thể gấp 2, thậm chí gấp 3 lần khi mua ở Việt Nam. Singapore cũng đánh những mức phí "khủng" nếu ô tô muốn đi vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm. Và đất nước nhỏ bé này cũng ban hành hàng loạt thủ tục nhằm ngăn cản người dân sở hữu phương tiện cá nhân. Thế nhưng, một tuần trải nghiệm giao thông trên xứ bạn, tôi chẳng thấy sự bất bình, đâu đâu cũng thấy những nụ cười mãn nguyện...

Ô tô-Xe máy - Quản lý giao thông ở Singapore: Nhìn người lại ngẫm đến ta

Một ngã tư của Singapore vào giờ cao điểm buổi sáng.

"Cần gì phải mua ô tô"

Tôi lên đường sang đảo quốc xinh đẹp Singapore vào đúng thời điểm có nhiều chuyện xảy ra với giao thông Việt Nam. Trong suốt một tuần bên xứ bạn, tôi liên tiếp đón nhận những thông tin từ đồng nghiệp: Nào là xăng "bất ngờ" tăng giá lên 23.800 đồng/lít; Nào là bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải trình trước UB Pháp luật Quốc hội; Rồi lại phương án cấm xe 5x5 của một cựu phi công nào đó, người đã từng thất bại với phương án "đường bay vàng" từ nhiều năm trở về trước... Tất cả như "đổ thêm dầu" vào những bức xúc vốn đã rất sôi sục của người dân Việt Nam kể từ khi các phương án về hạn chế ô tô cá nhân được đưa ra bởi Bộ trưởng Thăng.

Lần đầu tiên đặt chân lên một đất nước được coi là giàu có bậc nhất thế giới (thu nhập bình quân đầu người của Singapore là gần 60.000 USD/năm, hành trang tôi mang theo mình là những số liệu tìm hiểu trước đó. Xét về các chỉ số, Singapore còn ngột ngạt và bí bách hơn nhiều so với Hà Nội. Với diện tích chưa đầy 700km2, Singapore phải "gánh" tới hơn 5 triệu dân (trong khi đó lúc chưa mở rộng, Hà Nội rộng 900km2 và "chỉ" có 3,4 triệu dân) với giá cả thực phẩm vô cùng đắt đỏ (thực phẩm, rau xanh và nước ngọt ở Singapore đều phải nhập khẩu - PV). Đất nước nhỏ bé này cũng nổi tiếng với giá bất động sản "trên trời" và sự hà khắc của Chính phủ trong việc sở hữu phương tiện cá nhân.

Để sở hữu một căn hộ chung cư loại bình dân rộng chừng 70m2, nếu quy đổi ra tiền Việt, người Sing phải bỏ ra khoảng 7 tỷ đồng. Chi phí để sở hữu một chiếc xe hơi và được quyền đi lại trên đường phố ở đây mới thực sự là khủng khiếp. Hiện tại, muốn sở hữu và cầm lái một chiếc Audi A4 ở đảo quốc này, người ta phải trả khoảng 3,2 tỷ đồng, gấp đôi giá chiếc Audi A4 đang được bán ở Việt Nam. Tương tự, một chiếc BMW 328i có chứng nhận được phép lưu hành có giá 4,05 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với giá bán một chiếc xe cùng mẫu mã tại Việt Nam.

Vậy mà những gì tôi nhìn thấy ở Singapore lại không giống những gì tôi nghĩ. Vượt lên tất cả những hạn chế đó, họ đã quy hoạch và xây dựng một thành phố chỉnh tề và ngăn nắp. Đường phố sạch sẽ, rộng rãi và rợp bóng cây xanh. Không có bất cứ quán xá nào được phép kinh doanh trên vỉa hè và cũng không có khái niệm "nhà mặt phố". Ở Singapore, chỉ có giới "siêu giàu" mới có khả năng mua nhà đất và cũng chỉ được mua ở xa trung tâm thành phố. Hầu hết cư dân đều sống trong các căn hộ chung cư được quyền trả góp tới 20 năm, những chung cư khá đẹp đẽ, được xây dựng xen giữa những tán cây um tùm cùng các trảng cỏ xanh mướt.

Trên đường phố, mọi phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ và hầu như không xuất hiện tiếng còi. Đặc biệt ở xứ bạn là một hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời. Tuyệt vời đến mức một vài đồng nghiệp của tôi phải thốt lên ngẩn ngơ: "Họ có đánh thuế ô tô thêm 10 lần nữa cũng được, vì cần gì phải đi ô tô!".

"Choáng" với sự thuận tiện

Với khí hậu khắc nghiệt và môi trường ngày càng ô nhiễm như ở Việt Nam, việc sở hữu một chiếc ô tô là điều đáng mơ ước. Mùa hè, Hà Nội có những lúc nóng rát tới 400C, bụi mù mịt. Mùa đông, trời hanh, khô và lạnh căm căm. Đấy là chưa kể trên các tuyến đường Quốc lộ, xe tải, xe khách đi lại bát nháo hết sức nguy hiểm. Vậy nên, việc phản ứng của người dân về các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân là điều dễ hiểu. Nhưng tại sao chính sách "hà khắc" của Chính phủ Singapore lại nhận được sự đồng tình từ người dân? Tất cả câu trả lời có thể gói gọn trong những gì người đồng nghiệp của tôi đã thốt lên trước đó: "Cần gì phải mua ô tô!". Theo khảo sát, người dân nơi đây tương đối hài lòng với phương tiện giao thông công cộng của nước họ.

Ô tô-Xe máy - Quản lý giao thông ở Singapore: Nhìn người lại ngẫm đến ta (Hình 2).

Đường vào một trạm MRT của Sing, hành khách được đi bằng thang cuốn thay vì phải leo bộ.

Lường trước được vấn nạn kẹt xe trong thành phố, Chính phủ Singapore đã đưa ra những quyết định từ rất sớm nhằm kiểm soát chặt chẽ số lượng xe hơi lưu hành ở nước này, không được phép tăng quá 3%/năm. Bởi vậy, ngoài việc chấp nhận phải mua một chiếc xe hơi với giá "cắt cổ" ở Singapore, mỗi người dân muốn sở hữu ô tô lại phải trả thêm rất nhiều khoản phí nhiêu khê. Để có thể cầm lái một chiếc xe hơi chạy trên đường phố Singapore, người ta buộc phải có chứng nhận xe được phép lưu hành, chứng nhận hạn ngạch lưu hành, thuế đường, phí lưu hành, ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ...

Phức tạp nhất và tốn tiền nhất trong số này là lấy chứng nhận xe được phép lưu hành. Nó giống như một loại quota cho phép một tháng chỉ được bao nhiêu chiếc xe được đăng ký. Và mỗi suất này lại được đấu giá, có lúc lên tới gần 1 tỷ đồng (đã quy đổi tiền Việt) cho mỗi suất. Thế nhưng, người Singapore vẫn tiếp tục phải đóng thêm tiền phí nếu muốn vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm. Mức phí này vào khoảng 4 SGD (bằng một bữa ăn nhanh tại Singapore).

Thế nhưng với chính sách thắt chặt sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân, Chính phủ đảo quốc sư tử dường như không vấp phải nhiều sự phản đối. Họ hiểu những gì người dân cần và trước khi ban hành các loại thuế "cắt cổ" ấy, họ đã hoàn thiện (và vẫn đang tiếp tục nâng cấp) một hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời. Ở Singapore, việc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng (xe bus và tàu điện ngầm - MRT) rất dễ dàng, thuận tiện với chi phí hợp lý.

Điều khá đặc biệt là ở đảo quốc xinh đẹp này, xe bus hay MRT đều không có người soát vé. Người dân có thể đi vé chặng bằng cách mua ở máy bán vé tự động hoặc nạp tiền vào một loại thẻ từ gọi là EZlink. Cứ vào trạm MRT hay lên xe bus, chỉ việc đưa thẻ lại gần chiếc máy tính tiền ở cửa lên, một tiếng tít vang lên là bạn đã được chấp nhận. Lúc xuống xe, hãy làm lại một lần nữa ở chiếc máy tính tiền ở cửa xuống. Tôi đem thắc mắc này hỏi với một người dân bản xứ, họ giải thích rằng camera được đặt ở khắp mọi nơi, và khi phát hiện ra ai đó trốn vé, mức phạt sẽ rất nặng.

EZlink được chấp nhận ở bất cứ phương tiện nào xuất hiện trên đất nước Singapore, cho cả xe ôm lẫn taxi. Tuy nhiên, chớ nên đi taxi vào giờ cao điểm. Người đi có thể bị đội phí thêm 35% bởi bản thân chiếc xe đó khi lưu thông đã phải đóng phí đi vào thành phố trong khoảng thời gian ấy.

Ngoài việc đi loại thuận tiện đó, việc đứng chờ xe bus hay chờ MRT (tàu điện ngầm) cũng đem lại cho người đi một cảm giác thích thú. Bất cứ trạm chờ xe bus nào cũng có mái che, nhiều ghế ngồi và sạch sẽ, một số trạm còn có tia nước phun ra cho hành khách chờ đỡ nóng nực. Còn MRT lại càng tuyệt vời hơn nữa, tất cả đều sâu dưới lòng đất, dưới chân các trung tâm thương mại, có thang máy đi lại và điều hòa mát lạnh. Quả thực với ngần ấy tiện ích, chẳng có lý do gì người dân lại chọn ô tô để đi lại.

Cá nhân tôi cũng đã nán lại vào giờ cao điểm để trải nghiệm cảm giác đi lại bằng MRT hay xe bus tại nơi đây. Tuy có đông đúc hơn hẳn những giờ thấp điểm, nhưng hãy yên tâm rằng bạn vẫn có một chỗ đứng đàng hoàng, đủ rộng để đọc sách chứ không phải đứng bằng một chân như những chuyến xe bus tại Hà Nội. Thế nhưng, tôi đã thực sự "choáng" khi một người dân bản xứ tiết lộ rằng, Chính phủ của họ đang tiếp tục xây thêm vài đường tàu điện ngầm nữa, họ muốn không ai phải đứng mỗi lần đi MRT.

Hai loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại Singapore là xe bus và tàu điện ngầm (MRT). Hai loại phương tiện này phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, đến mọi ngõ ngách trên khắp đất nước Singapore. MRT hoạt động từ 5h30’ sáng đến 0h30’ sáng hôm sau, mỗi chuyến tàu cách nhau từ 3 - 8 phút, đều đặn và sạch sẽ. Xe bus công cộng hoạt động từ 5h30’ đến tận nửa đêm với đủ các loại từ bình thường giống ở ta đến các loại nối dài và 2 tầng. Giá vé xe bus hoặc MRT từ 0,8 đến 1,8 SGD/lượt (khoảng từ 13.000 đến 30.000 đồng).

Long Nguyễn (từ Singapore)