Tết ấm áp của những người một thời lầm lỡ

Tết ấm áp của những người một thời lầm lỡ

Chủ nhật, 22/01/2017 | 12:46
0
“Câu lạc bộ người hoàn lương” ra đời đã đẩy lùi tội phạm, giúp người lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời, sớm ổn định cuộc sống.

Giúp người lầm lỡ xóa mặc cảm

Trở lại xã cù lao Tân Hoà (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày cuối năm 2016, không khí nhộn nhịp, háo hức đến lạ thường bởi nhà nhà đều đang tất bật làm nốt những công việc còn dở nhằm đón chào năm mới. Những người từng lầm lỡ ở đây đã không còn mặc cảm mà hòa nhập cộng đồng, chí thú làm ăn để phát triển kinh tế nhằm ổn định cuộc sống. Đồng thời, họ quyết tâm không tái phạm tội, luôn chấp hành đúng quy định pháp luật Nhà nước.

Xã hội - Tết ấm áp của những người một thời lầm lỡ

Ông Nguyễn Văn Bo, Trưởng Công an xã Tân Hòa trao đổi với PV (Ảnh Thanh Lâm).

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bo, Trưởng Công an xã Tân Hòa cho biết, Tân Hòa là một trong năm xã Cù lao Tây với 12.774 nhân khẩu. Đa số người dân sống bằng nghề làm ruộng và nuôi trồng thủy sản. Trước năm 1995, xã Tân Hòa là một điểm nóng trong vấn đề an ninh trật tự. Các loại hình tội phạm trộm cắp, đánh bạc, đá gà ăn tiền, ma túy và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật diễn ra hết sức phức tạp.

Qua công tác khảo sát từ năm 2005 đến 2015, số người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa bàn xã là 36 người, trong đó bệnh chết 2 người, 19 người bỏ quê, còn lại 15 người sinh sống tại địa phương. Tuy nhiên, đa số người ở lại địa phương đều gặp khó về nhà ở, không đất sản xuất, thất nghiệp triền miên.

“Qua thực hiện công tác rà soát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù về địa phương, đa số đều muốn được chính quyền, công an và nhân dân quan tâm giúp đỡ để có điều kiện sinh sống tại địa phương lâu dài, gắn bó với gia đình. Đồng thời, họ mong được tham gia các hoạt động xã hội, trọng tâm là giúp đỡ công ăn việc làm, vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất việc chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội, vi phạm pháp luật”, ông Bo chia sẻ.

Xã hội - Tết ấm áp của những người một thời lầm lỡ (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Ru, người từng lầm lỡ vui mừng cho PV biết nhờ có mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương” mà năm nay gia đình sẽ đón Tết tưng bừng (Ảnh Thanh Lâm).

Cũng theo ông Bo, với vai trò là Trưởng Công an xã, ông luôn trăn trở trước việc nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên đã tìm cách giúp đỡ họ và mạnh dạn đề xuất Đảng ủy – UBND xã phối hợp các ban, ngành đoàn thể địa phương mời, tiếp xúc, thăm hỏi người hoàn lương. Thông qua các buổi tiếp xúc này, địa phương sẽ chia sẻ giúp họ có việc làm cho các công ty đóng trên địa bàn (như nuôi trồng thủy sản, đan giỏ xách,...) hoặc học nghề nhưng theo nguyện vọng. Những người hoàn lương còn mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ cho họ vay vốn chăn nuôi để ổn định cuộc sống, không tái phạm.

“Xét thấy nguyện vọng của người hoàn lương là rất thiết thực, UBND xã Tân Hòa đã phối hợp với Công an huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Bình bàn bạc giúp đỡ người hoàn lương vươn lên trong cuộc sống, xóa đi mặc cảm lỗi lầm trở thành công dân tốt, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Từ đó, các ban ngành đã thống nhất xét cho vay 8 đối tượng, mỗi đối tượng 30 triệu đồng thời hạn 5 năm, lãi suất 0,66%, trong đó có 3 đối tường vay từ nguồn quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng của Công an tỉnh Đồng Tháp. Sau khi vay vốn, các đối tượng đều sử dụng nguồn có hiệu quả, đúng mục đích và nhiều gia đình đã giàu lên từ mô hình này”, ông Bo cười hiền, ánh mắt đầy thân thiện nói với PV.

“Mái ấm” của người hoàn lương

Ông Nguyễn Văn Ru (SN 1969, ngụ ấp Tân Dinh, xã Tân Hòa) từng vướng vòng lao lý về tội chống người thi hành công vụ. Thời điểm trước và sau khi chấp hành bản án tù, gia cảnh ông Ru vô cùng khó khăn. Gia đình đông con nhưng lại không ruộng đất, không tài sản nào có giá trị, bản thân ông và vợ đều làm thuê kiếm sống qua ngày. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, ông được chính quyền địa phương nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ vay 30 triệu đồng làm vốn kinh doanh, sản xuất.

Xã hội - Tết ấm áp của những người một thời lầm lỡ (Hình 3).

Ông Ru cho biết, hiện tại trong chuồng bò nhà ông có đến 5 con đang trong giai đoạn phát triển (Ảnh Thanh Lâm).

“Nỗi ân hận lớn nhất của tôi là khiến 3 người con phải bỏ ngang việc học. Khi tôi đi tù, cả 3 đứa đều phải bỏ học để đi làm phụ giúp mẹ. Lúc ấy, tội nhất là vợ tôi phải gồng gánh nuôi con, chịu đựng vất vả chờ tôi về mà không một lời than trách. Đó cũng là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh để tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Thời điểm vừa được trả tự do, trở về địa phương tôi không có nghề nghiệp, đi làm thuê thì không ai mướn vì mình đã có tiền án, gia đình lâm vào cảnh khốn đốn”, ông Ru nghẹn ngào kể.

Đang lúc khốn cùng, ông Ru may mắn được chính quyền địa phương đến động viên và hỗ trợ vốn làm ăn. Toàn bộ số tiền vay đó, ông Ru tậu một cặp bò để chăm sóc. Chỉ sau 9 tháng, thương lái đến mua cặp bò của ông với giá 54 triệu đồng. Thấy việc nuôi bò đem lại thu nhập, ông tiếp tục mua cặp bò cái về nuôi.

Số tiền còn lại ông và người con trai đầu tư xây 9 bồn nuôi lươn. Không quản công ngày đêm chăm sóc, hiện tại trong chuồng bò nhà ông có đến 5 con đang trong giai đoạn phát triển, dự định đến cuối năm là có thể bán. Riêng về 9 bồn nuôi lươn có đến 9.000 con cũng đang trong giai đoạn phát triển rất khả quan.

“Năm nay, gia đình tôi sẽ đón Tết tưng bừng. Tình hình chăn nuôi hiện tại tôi tự tin đến năm sau sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã vay. Nhờ có số tiền vay từ mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương” mà tôi mới gây dựng lại được cơ ngơi như bây giờ, nhà cửa khang trang. Rất cảm ơn các cấp chính quyền, nhất là Trưởng Công an xã – Nguyễn Văn Bo, người đã hết lòng vì dân, đã tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ như chúng tôi có cơ hội cải thiện cuộc sống gia đình, xóa đi mặc cảm. Tôi sẽ cố hoàn trả lại số tiền đã vay để cho những trường hợp tương tự đang chờ được vay nhằm thực hiện những dự định, mơ ước còn dang dở”, ông Ru hạnh phúc nói.

Xã hội - Tết ấm áp của những người một thời lầm lỡ (Hình 4).

Cắt cỏ cho bò ăn là công việc quen thuộc mà thường ngày ông Ru phải làm (Ảnh Thanh Lâm).

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Bình (SN 1987, cùng ngụ ấp Tân Dinh) cũng tương tự. Gia cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định nên trong một lần lầm lỡ nam thanh niên này đã phạm tội Trộm cắp tài sản. Sau khi ra tù, Bình được hỗ trợ vay vốn từ “Câu lạc bộ người hoàn lương” của xã Tân Hòa. Số tiền 30 triệu đồng vay được, Bình cũng đầu tư nuôi một cặp bò hết 16 triệu đồng, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên việc chăn nuôi không mấy khả quan. Không nản chí, Bình liền chuyển hướng, thuê thợ đóng chuồng nuôi trăn và thuê đất để làm rẫy trồng đậu nành.

Theo anh Bình, hiện tại hơn 50 con trăn của anh đã bước vào giai đoạn trưởng thành, có thể xuất bán trong thời gian tới. Riêng việc trồng đậu nành, Bình tự bỏ công chăm sóc, cứ 2,5 tháng là thu hoạch bán cho thương lái, trừ mọi chi phí thì anh lời được khoảng 5 triệu.

“Nhờ có mô hình này mà tôi đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội, không còn mặc cảm. Hiện tôi đã lấy vợ, đứa con đầu lòng cũng sắp chào đời. Có được mái ấm hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ vào sự vận động, tạo điều kiện giúp đỡ hết lòng của chính quyền địa phương. Đáp lại sự tận tụy đó, tôi nguyện sẽ trở thành người công dân hữu ích cho xã hội. Mặc dù vẫn chưa hoàn trả số tiền vay nhưng hy vọng trong đợt bán trăn sắp tới, tôi sẽ trả được số nợ trên, đồng thời dư ra một ít để tiếp tục chăn nuôi”, anh Bình khẳng định.

Mô hình cộng đồng đầy ý nghĩa

Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Văn Tồn, Phó trưởng Công an huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) vui mừng thông tin: “Mô hình Câu lạc bộ người hoàn lương của xã Tân Hòa là mô hình cộng đồng đầy ý nghĩa. Ngoài việc xóa đi mặc cảm, câu lạc bộ còn giúp những người lầm lỡ làm lại cuộc đời, vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế bằng chính nghị lực của mình. Hiện Câu lạc bộ người hoàn lương xã Tân Hòa có 18 thành viên, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi để đạt hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng mục đích, chí thú làm ăn. Đặc biệt, các thành viên này không dính vào tệ nạn xã hội, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Từ khi có mô hình đến nay, người chấp hành xong án phạt tù không tái phạm, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương”.

Thanh Lâm