Thư viện không biển của

Thư viện không biển của "đại gia" sách cũ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Những cuốn sách ngả ố, vàng được bảo quản cẩn thận, đến những quyển sách về đề tài xã hội "hot", mới xuất bản cũng được ông cập nhật. Tất cả được lưu giữ gọn gàng, ngăn nắp trong ngôi nhà trên phố Bát Đàn (Hà Nội) của ông Phan Trác Cảnh.

"Thư viện" của ông đã vinh dự được đón một số học giả nổi tiếng đến đọc và cùng ông đàm đạo về sách.

Xã hội - Thư viện không biển của 'đại gia' sách cũ

Những kệ sách cũ này cho ông Cảnh danh tiếng là "đại gia" của làng sách cũ.

"Đại gia" sách cũ

Một người bạn đặc biệt từ trong TP.HCM gọi cho tôi: "Bác nghe nói ở Hà Nội có một tiệm sách cũ có cả những quyển sách, các tài liệu lịch sử, địa lý từ thế kỷ XIX. Cháu đến và tìm giúp bác quyển Bến sông đón súng”. Thật lạ, một tiệm sách cá nhân mà được cả những người cao tuổi từ TP.HCM biết đến. Trong tôi tự hỏi không biết làm sao để một tiệm sách gia đình có thể có những báu vật với nhiều người Hà Nội từng sống qua những khoảnh khắc lịch sử đặc biệt đó. Nhưng đến tiệm sách, tôi mới hiểu, không chỉ những người hoài niệm mà những người "nghiện" sách khoa học xã hội, sách địa chí, lịch sử các dân tộc Việt Nam, những người tìm hiểu về Hà Nội, đặc biệt là những người từng làm nghiên cứu ngành xã hội đều phải gõ cửa nhà sách này.

Chủ nhân hiệu sách từng làm việc tại trường Đại học Tổng hợp (cũ), rời trường về nghỉ hưu năm 1983, ông Cảnh bắt đầu mở một hiệu sách cũ và bắt đầu hành trình tìm kiếm những cuốn sách cho thư viện của riêng mình. Ngôi nhà 4 tầng nhìn từ ngoài vào không có gì khác biệt nhưng chỉ cần bước vào cầu thang nằm phía sau phòng khách là thấy một thế giới sách hiện ra vừa cổ kính, vừa ngăn nắp.

Theo lời của bà Đào Lệ Mão, vợ ông Phan Trác Cảnh thì chỉ cần lên tầng 3 là có thể gặp được chủ nhân của thư viện đặc biệt này. Từ cầu thang tầng 1, tầng 2 đến tầng 3, những cuốn sách đã được ông Cảnh phân loại xếp gọn gàng và vô số thùng sách xếp dọc cầu thang khiến những người lần đầu tiên đến thư viện của ông như tôi thực sự ngỡ ngàng. Gian phòng không rộng lắm, nhưng từ sàn đến trần chất ngất sách và đúng như tên của tiệm sách, những sách này rất cũ. Toàn bộ tầng 3 được dùng làm nơi trưng bày sách, bất cứ khoảng không gian nào còn trống trong căn nhà này cũng dùng làm nơi để sách.

Tìm được sách quý ở vỉa hè

Tôi tự đặt câu hỏi, thư viện của "đại gia" sách cũ này, có bao nhiêu cuốn sách? Dường như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, ông bảo: "Nhiều người cũng hỏi tôi có khoảng bao nhiêu đầu sách? Câu hỏi làm tôi rất khó trả lời. Quả thực là tôi không thể nhớ, chỉ áng chừng vài tấn sách". Ông Cảnh cho biết, hầu hết các cuốn sách ở đây ông đều đã đọc và nhớ từng nếp gấp nhỏ và nơi để mỗi cuốn. Những cuốn sách thực sự là một phần cuộc đời ông.

Chủ nhân của nhà sách số 5 Bát Đàn chia sẻ, do quá mê văn chương Tự Lực Văn Đoàn mà ông thành "nghiện" sách. Cuốn “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng là quyển sách đầu đời làm ông Cảnh mê mẩn. Đó cũng là bản in đầu tiên mà ông vẫn gìn giữ đến giờ như kỷ vật của đời mình. Mê sách, khi về nghỉ hưu, đời sống thời bao cấp còn nhiều khó khăn, những ngày đầu ông phải tạm quên bữa sáng, gói thuốc lá quen thuộc để có tiền mua sách.

Nghiền sách, sưu tầm sách cũ, ngoài vốn kiến thức rộng về khoa học xã hội, ở ông còn có sự nhẫn nại và cần mẫn lạ thường. Mỗi ngày của ông Cảnh bắt đầu bằng việc lau bụi và sắp xếp lại những cuốn sách và kết thúc cũng bằng việc để từng cuốn sách vào đúng vị trí của nó. Trong gia tài sách của mình, ông có gần 300 cuốn về Hà Nội, cuốn xưa nhất là “Hà Nội chỉ nam” của tác giả Nguyễn Bá Chính xuất bản năm 1923. Cuốn “Souvernirs de Hue” in bằng tiếng Pháp từ năm 1867 của tác giả Michel Duc Chaigneau viết kỷ niệm về Huế đã sờn rách được bọc lại cẩn thận. Các quyển “Hán văn tân giáo khoa thư” xuất bản năm 1928 và “Ngũ thiên tự” năm 1929 cũng còn nguyên vẹn. Nhiều báo, tạp chí đầu thế kỷ trước như Phong Hóa, Phụ Nữ Tân Văn, Gia Định Báo, Gió Mới, Văn Mới, Nông Cổ Mín Đàm, Nam Phong...

Trong thư phòng của gia đình mình, "đại gia" sách cũ đã vinh dự được tiếp những học giả nổi tiếng như giáo sư Phan Huy Lê, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc... đến đọc sách, tìm sách. Ông Lê, ông Phúc cũng thường xuyên qua lại đàm đạo về sách với "đại gia" sách cũ. Không ít người trong những tên tuổi vang bóng như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Quốc Vượng, Vương Hồng Sển, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Phan Ngọc đã rất xúc động khi thấy tác phẩm của mình được nâng niu ở vị trí trang trọng trên kệ sách trong thư viện đặc biệt này.

Đỗ Thơm