Tiết lộ thú vị về bức tượng sư tổ Pháp viện Minh Đăng Quang

Tiết lộ thú vị về bức tượng sư tổ Pháp viện Minh Đăng Quang

Thứ 6, 09/08/2013 | 16:54
0
Tác phẩm tạc dựng hình ảnh vị sư tổ Pháp viện Minh Đăng Quang đang có nguy cơ xuống cấp do thiếu nguồn kinh phí đầu tư về chất liệu cũng như điều kiện bảo quản.

Tác giả của bức tượng độc đáo này là Vũ Hồng Hải (SN 1985) hiện đang là họa sỹ sáng tác của xưởng phim hoạt hình Việt Nam. Được biết, Hải tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội loại giỏi, chuyên ngành Điêu khắc và ngay từ những năm đầu đại học cậu đã từng đại diện cho trường tham dự triển lãm gốm và nghệ thuật Việt Nam lần 1 (2008) và giành được giải thưởng cao.

Thiền++ - Tiết lộ thú vị về bức tượng sư tổ Pháp viện Minh Đăng Quang

Thượng tọa Thích Minh Hóa đang hành lễ trước bức tượng

Bài tốt nghiệp gây tiếng vang

Với tác phẩm điêu khắc về vị sư tổ pháp viện Minh Đăng Quang, Hải đạt số điểm 9,1 mà nhiều người mơ ước. Bức tượng được xây dựng trên ý tưởng là chân dung một con người có thật. Đó là Đức Tôn sư Minh Đăng Quang (1923 - 1954), thế danh Nguyễn Thành Đạt tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Với tinh thần hướng thượng sẵn có, nhiều lần Ngài xin phép với thân phụ được xuất gia tầm chân lý. Thân phụ vì quá thương con nên không đành lòng.

Qua nhiều đêm suy nghĩ, Ngài tự nhủ không thể tầm thường như bao người trong trần tục để kiếp phù sinh cứ mãi lăn xoay trong vòng sinh lão bệnh tử nên đã quyết tâm cất bước ra đi, cắt đứt tình thân. Sau khi tỏ sáng lý pháp "Thuyền bát nhã" ngược dòng đời cứu độ chúng sanh, Ngài trở về làng Phú Mỹ (tỉnh Mỹ Tho cũ) thành lập Giáo hội tăng già Khất sỹ Việt Nam, nối truyền Thích ca chánh pháp.

Bức tượng được tạc bằng chất liệu thạch cao với kích thước gần bằng người thật: Chiều cao 1,3 m, rộng hơn 80 cm. Dựa trên nguyên mẫu có thật nên bức tượng là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và nghệ thuật hình tượng hóa. Hải cho biết, trước khi bắt tay vào tạc bức tượng vị sư tổ này, cậu đã mất khá nhiều thời gian tìm đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và chùa Tây Phương để tham khảo về nghệ thuật của các bức tượng gỗ đã từng được giới chuyên môn đánh giá là đỉnh cao của điêu khắc Việt Nam.

Với mặc định đề tài về tôn giáo vốn nhạy cảm, đặc biệt với những người trẻ thường "ngại" việc đưa tôn giáo vào trong sáng tác nghệ thuật. Trải qua ba lần xét duyệt và bảo vệ đề tài của lớp, khoa rồi trước toàn trường, Hải đã thành công bước đầu ở màn thuyết phục giám khảo.

Suốt thời gian hoàn thành tác phẩm (từ tháng 6/2010 đến tháng 9/2011), cậu hầu như ăn ngủ tại xưởng vẽ của trường. Không ngại khó khăn, Hải đã tìm đến họa sỹ Trịnh Yên - họa sỹ có tiếng về vẽ tranh sơn dầu theo trường phái Phật pháp để học tập kinh nghiệm, đồng thời tìm đến thầy Phạm Sinh - một giảng viên trong trường đã từng tạc dựng thành công bức tượng về Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở thế ngồi thiền.

Thầy giáo Lê Việt - giảng viên bộ môn điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, đồng thời cũng là cố vấn về tạo hình cho tác phẩm của Hải nhấn mạnh về chi tiết đường bay của tà áo cà sa được gió thổi ngược từ phía sau đã hoàn toàn phá cách chuẩn mực thông thường. Chi tiết này được hình tượng hóa dựa trên giáo lý của nhà Phật khuyên con người ta đừng vội đi xuôi mà hãy dành thời gian quay ngược lại để chiêm nghiệm.

Chính sự tinh tế trong cách tạo hình này đã góp phần tỏ sáng lý pháp "Thuyền bát nhã" ngược dòng đời cứu độ chúng sanh. Năm đó, Đức Ngài tròn 22 tuổi: "Mãn khai vô thượng liên đài/ Trang nghiêm thị hiện Như Lai tọa thiền…". Thầy Việt cho biết, toàn bộ cái tâm của bức tượng gửi gắm ở trong chi tiết này.

Tuyệt tác trước nguy cơ xuống cấp

Với Hải, bức tượng này không chỉ là kết quả đánh giá công sức học tập, nghiên cứu của bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà anh muốn bức tượng có một ý nghĩa nhân văn hơn nữa.

Chính vì thế, Hải đã tình nguyện gửi biếu và hiện đang được trưng bày tại Pháp viện Minh Đăng Quang (phường An Phú, Q.2, TP.HCM). Bức tượng và thu hút khá nhiều khách thập phương tìm đến chiêm bái.

Hải chia sẻ: "Về mặt tâm linh cũng như điều kiện bảo quản sẽ hợp lý hơn bởi kích cỡ khá to mà chất liệu bằng thạch cao rất cần bảo vệ che phủ cẩn thận cũng như diện tích rộng để lưu giữ".

Thượng tọa Thích Minh Hóa cho biết, Pháp viện đã tổ chức làm lễ nhập thần cho bức tượng và hiện được trưng bày trang trọng trong tòa chính của Pháp viện để các tăng ni phật tử mọi miền đất nước đến chiêm bái.

Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Hóa, ngoài giá trị về mặt nghệ thuật, bức tượng được tạc mang ý nghĩa ở chỗ đã chuyển tải được thần thái của một vị đức tôn sư của pháp viện bằng lòng thành kính của các thế hệ trẻ đối với cuộc đời giáo hóa và ân đức khai sơn sáng lập của Tổ sư.

Tuy nhiên, điều kiện khí hậu của Việt Nam khiến công tác bảo quản tác phẩm đòi hỏi sự kỳ công, nhất là khi chất liệu của bức tượng là thạch cao sơn giả đồng và đá vốn không có độ bền, rất dễ bị bong tróc khi thời tiết mưa nắng thất thường. Điều này khiến chủ nhân của tác phẩm không khỏi trăn trở.

Mong muốn lớn nhất của chàng họa sỹ trẻ và tâm huyết với nghề này là có Mạnh Thường Quân tài trợ về kinh tế giúp mình chuyển tải nguyên mẫu bức tượng sang chất liệu đồng hoặc đá để việc lưu giữ và bảo quản được tốt hơn.

Tuệ Linh

Tượng Phật trên núi Cấm đạt kỷ lục châu Á

Thứ 6, 03/05/2013 | 08:36
Sau 7 năm xác lập kỷ lục Việt Nam, tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm ở An Giang được công nhận đạt kỷ lục châu Á.

Cái 'duyên' của tượng Phật triệu đô nơi địa đầu Tổ quốc

Thứ 6, 22/03/2013 | 16:25
Trước khi tượng Phật ngọc Thích ca Mâu ni Thiền định an tọa tại chùa Thành (Lạng Sơn), pho tượng này đã trải qua nhiều lần ngã giá đến cả triệu đô la Mỹ và thậm chí có người đặt cọc trước nhưng vẫn bất thành. Những người trong cuộc cũng không thể lý giải được vì sao lại có nhiều sự kiện sự trùng hợp đến kỳ lạ như thế mà chỉ có thể tựu trung trong một chữ "duyên".

Yếu tố lịch sử tượng Phật 'lạ' phạm sắc giới

Thứ 2, 05/08/2013 | 16:34
Một tượng Phật bị “ném đá” trên mạng vì tạo hình được cho là quá sắc dục.