Tô Lịch-hai phía dòng sông: “Thế gian biến cải vũng nên đồi”

Tô Lịch-hai phía dòng sông: “Thế gian biến cải vũng nên đồi”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Sông Tô Lịch khai sinh từ bao giờ thì không ai biết, chỉ biết sử sách ghi tên con sông này cách thời chúng ta đang sống dễ chừng đã gần hai nghìn năm.

Khi Thăng Long được hoài thai trong lòng châu thổ thì Tô Lịch là cuống rốn đưa thức ăn của Mẹ Đất Đai đến nuôi cái bào thai ấy lớn dần lên qua mỗi mùa đắp đổi, bồi tích phù sa cho những cánh đồng Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Dịch Vọng, Thanh Trì... tạo nên những bầu vú ăm ắp nguồn sống nguyên khai chờ đón đứa con Thăng Long chào đời trong vòng tay ôm ấp của sông Cái. Và khi ấy, Tô Lịch trở thành dòng sữa dồi dào cho kinh thành bú mớm.

Sự kiện - Tô Lịch-hai phía dòng sông: “Thế gian biến cải vũng nên đồi”

Sông Tô Lịch năm 1885

Nhưng tại sao con sông nổi tiếng này lại có một biệt danh nữa là Nghịch Thủy? Số là, Tô Lịch lúc bình thường khá hiền lành nhưng đến mùa lũ, bao nhiêu nước đồng dồn hết cả xuống Tô Lịch, thế nước chênh hơn mực sông Cái, đâm ra nước lại chảy ngược từ Nhuệ Giang ra Nhị Hà. Vì thế người ta mới gọi Tô Lịch bằng cái tên nghe khá ngỗ ngược: Nghịch Thủy - con sông chảy ngược!

Giờ đây, trên dòng sông ấy đâu còn ai đủ gan hứng thú buông chèo, thả hồn miên man, ngẫm ngợi đến thân phận một dòng sông đang mất đi vẻ thơ mộng và huyền ảo. Cũng chẳng còn tao nhân mặc khách nào lắng nghe sóng vỗ dưới mạn thuyền và câu hát mơ màng: “Sông Tô nước chảy quanh co/Cầu Đông sương sớm, quán Gò trăng khuya…”.

Ôi, hai phía của một con sông, dữ dội và êm đềm khiến ta chợt nhận ra: thế giới hiện đại hay ho thật, Hà Nội bây giờ to đẹp hơn trước thật, nhưng lắm lúc nhớ lại những "thế gian biến cải vũng nên đồi" mà giật mình thon thót. Lắm lúc, thay vì chờ nghe bản tin dự báo thời tiết hay bản phân tích những gì sắp diễn ra của các nhà dự báo học, ta thèm nghe dân gian kháo nhau: Thường hễ bông lúa nếp trắng mà cánh ít thì giá gạo rẻ, còn vụ chiêm lúa nếp cánh đã nhiều lại vàng khè thì thóc còn cao, gạo còn kém nữa…

Trên cái đất kinh đô đã không ít cuộc ba đào và binh lửa, hết đánh Nguyên, đuổi Minh, đại phá Thanh lại tử chiến với Phú-lãng-sa và không tặc “Sao và vạch”, lại nhớ câu thơ “đất thanh bình ba trăm năm trước”! Thời mọi người sống trong cái nếp lãng mạn mà thực tế. Cái ăn, cái mặc, sự tiêu pha, sắm sửa vẫn thúc bách ngay sau lưng mà cuộc mưu sinh vẫn không vì thế mất đi vẻ mơ mộng, tiêu sái. Nghĩa là trước, trong và sau chiến cuộc lại lo toan dựng vợ gả chồng cho con cái, chôn cất phúng viếng người chết, cúng giỗ ông bà tổ tiên, hương hoa khấn vái ngày sóc ngày vọng. Nông gia vẫn cứ cuốc đất, trồng tỉa lo mùa màng. Đám thương nhân tiếp tục ngược xuôi buôn bán. Chợ búa vẫn cứ họp không sót một phiên. Các phường nghề lại nhộn nhịp hoạt động…(Còn nữa)

Long Đỗ Nhân