Tôi yêu Sài Gòn

Tôi yêu Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Tôi cũng không hiểu vì sao mình yêu Sài Gòn. Thực ra, tôi viết điều đó ra mỗi ngày như thể đổ trí nhớ và cảm xúc của mình xuống trang giấy.

Khi tôi lên Sài Gòn, tôi nói với mọi người là tôi đi học, đi tìm văn minh. Tôi ghét đô thị. Cũng như hàng chục nghìn sinh viên khắp cả nước, tôi đổ về Sài Gòn khi đậu đại học. Lúc đó, thế giới của tôi hào hứng mở ra ở một thành phố lớn đến nỗi tôi chưa bao giờ được thấy và chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ chinh phục hết từng ngõ phố của nó. Tôi cũng không quan tâm – bởi đấy không phải là quê hương và không có nhiều thứ làm tôi mê mải.

Nhưng rồi tôi bị đắm đuối bởi cái làn sóng chuyển động khủng khiếp ở thành phố này. Bất kể chuyện gì, to nhỏ cỡ nào, nó đều tạo ra những làn sóng ở rất đông dân chúng. Điều này làm tôi thích lắm, vì tôi thích thấy sự thay đổi, đặc biệt là sau mỗi buổi sáng mở báo đọc và kiểm nghiệm bản tin mình và các bạn đồng nghiệp đã viết. Sài Gòn phát cuồng vì thông tin cũng y như bao thành phố lớn khác mà tôi thấy qua tivi. Đó thực sự là điều kì diệu độc đáo. Sự thay đổi đem lại cho tôi ý niệm về sự sống một cách rõ ràng, như thể tôi đang sờ thấy từng ngày vậy...

Pháp luật - Tôi yêu Sài Gòn

Và rồi cũng có những ngày tôi rất cay lòng khi thấy hàng chục nghìn sinh viên và thanh niên khác cũng đang đổ ào ào lên Sài Gòn như tôi. Cuộc sống sao mà quá ngắn, đời thì viển vông. Người ta vẫn làm tất cả theo một dòng chảy mà không sao dám cưỡng lại. Ai cũng sợ mình sẽ bị cuốn trôi. Đáng sợ hơn, ai cũng tha thiết không muốn mình bị hủy diệt bởi tập tính chung của bầy đàn. Tôi thấy ghê sợ điều đó bởi tôi đã hỏi và phỏng vấn rất nhiều người cùng tuổi với tôi và tôi nhận ra rằng họ chẳng biết mình đang sống từng ngày vì cái gì và vì sao mình lại sống từng ngày như thế.

Người thì tin rằng Sài Gòn là nơi có thể đổi đời. Kẻ thì bảo rằng họ đi học vì trường ở Sài Gòn lấy điểm thấp hơn Hà Nội. Có những người vào Sài Gòn chỉ vì...cha/mẹ/anh/chị/chú/bác của họ đã sắp xếp cho họ là nên vào Sài Gòn để bắt đầu tất cả. Tôi đi tìm cái ý nghĩ rằng mỗi người vào Sài Gòn mang theo một ước mơ riêng để rồi phải tuyệt vọng chỉ vì nhận ra rằng họ có một ước mơ chung hết sức/hết sức mơ hồ là: kiếm được nhiều tiền.

Tiền thì ai chả muốn nhiều (Tôi còn muốn rất nhiều là khác). Nhưng tiền lại là cái kết quả cuối cùng của hàng trăm thứ biến đổi tinh vi trong đời con người ta kia mà. Tại sao những người trẻ ở tuổi tôi, đi lên giảng đường với sách vở, giấy bút lại chỉ biết trả lời mỗi một câu rỗng tuếch và đơn điệu như thế. Tôi thấy sợ.

Tôi sợ rằng cả tôi và hàng chục bạn bè cũng như những người tôi đã phỏng vấn đang sống trong một thế giới đầy mơ hồ và ảo tưởng về cuộc đời họ. Sài Gòn cho người ta mọi thứ người ta muốn, ngay cả anh bán hủ tiếu gõ cũng có thể kiếm sáu, bảy triệu/tháng cho lao động chăm chỉ. Thế nên người ta chỉ tìm đến Sài Gòn để thổi tung cái khao khát hào nhoáng “nhiều tiền” đó lên chứ không chịu nhận ra rằng đây là kinh đô khổng lồ của những niềm mơ ước mà bạn sẽ không nghĩ tới nếu ở nơi xa xôi.

Tôi thấy đời mình là một cơn mù quáng dài tập – hay thấy điều đó qua hàng chục nghìn người khác đang đổ xô lên Sài Gòn. Tính bầy đàn và sự vô mục đích đang tạo lên những làn sóng di dân khổng lồ mất kiểm soát. Người ta mất kiểm soát bởi những lời rỉ tai bóng gió về sự “kiếm được nhiều tiền lắm” ở Sài Gòn, hay “nghề gì cũng xin được việc tất” ở các cổng trường cao đẳng, đại học dán đầy bảng quảng cáo nghề “hot” và mấy cái cam kết có việc làm sau tốt nghiệp...

Sự mù quáng vây quanh cuộc đời của quá nhiều người trẻ trung. Tôi chẳng biết có bao giờ họ tự hỏi rằng điều gì đó tốt cho bạn bè họ nhưng chắc gì có tốt cho họ không? Có bao giờ họ tự hỏi họ có ước mơ đẹp như thể mộng mị và đã từng bắt tay thử làm nó mà chẳng chút oán trách không? Có bao giờ họ ngừng viện lí do “vì gia đình”, “ổn định đã” hay “vào biên chế đã” để bắt đầu làm những gì mà họ nghĩ họ đã khao khát nhiều lắm không? – Tôi lập tức buồn nôn với những lời so sánh kẻ cả như “em còn trẻ, còn hăng”, hay “ cậu có điều kiện chứ tụi mình làm gì...”, hoặc “cậu liều quá, tớ cũng có thể liều nhưng mẹ tớ sẽ lo lắm!”.

Tôi chỉ muốn xối ngay li trà đá uống dở vào họ và nói rằng họ hèn nhát đến mức chẳng làm gì chứ chẳng có cái điều kiện hay bà mẹ thân yêu nào đủ sức cấm cản đời họ cả, vả lại đó là do họ không thích - thế thôi - chứ chả phải vì này vì kia. Tôi thù ghét những lời tiếc nuối của những người lớn tuổi ở xung quanh nhà và thầy cô của tôi. Tôi nghe nó hàng ngày từ thuở biết lắng nghe và rồi vận dụng chúng để mà tưởng tượng. Tôi rùng mình sợ hãi khi nghĩ rằng mai mốt tôi già tôi cũng sẽ nói y như thầy cô và y như mấy ông bà già hàng xóm.

Những lúc ngồi và tự phân tích về ý nghĩa cũng như mục đích của đời mình, tôi nhận ra Sài Gòn và tất cả những con người bên trong nó lúc nào cũng sẵn sàng giang tay đón những kẻ dám thực hiện và đương đầu với chính những giấc mộng điên khùng nhất của bản thân. Đây là một thành phố đặc biệt!

Song song với sự tuyệt vời đó, tôi chợt bừng tỉnh và hoảng hốt nhận ra rằng đôi khi mình đã quá choáng ngợp và điên rồ với những tham vọng mà bản thân đang dựng lên khi bước chân lên Sài Gòn khởi nghiệp. Một thành phố tuyệt vời, cởi mở đến hết lòng, khắc nghiệt đến đau đớn, văn hóa và êm đềm, điên rồ với những hỗn loạn... Đủ cả! – Tôi biết, từng ngày qua đi, mình đang cố hút hết những cảm giác đó vào lòng để tạo nên ý niệm cụ thể nhất về cái nơi đã làm mình nhớ nhung khi đi xa này... Đây không phải là quê hương, đây là mái ấm để đi về.

Sài Gòn làm tôi căng mắt ra để nhìn xem đời mình rốt cuộc có gì và phải làm gì hơn nữa để bản thân đáng sống hơn. Tôi yêu nó vì những cuộc đối thoại không ngừng, niềm yêu tha thiết và những xúc cảm chân thành tự đáy lòng mà những con người nơi đây đem đến cho tâm hồn trẻ con của tôi.

Sự xô bồ có thể làm người ta phát cuồng nhưng cũng có thể làm người ta bừng tỉnh và biết mình đang tụt hậu ra sao ở phía sau cuộc đời đó.

Khải Đơn

Cảm nhận cuộc sống cùng Người đưa tin blog

Độc giả có những cảm nhận về cuộc sống cần chia sẻ cùng bạn bè, người thân, hãy viết cảm xúc đó, và vui lòng gửi về chúng tôi theo địa chỉ email: blog@nguoiduatin.vn. Bài viết có tính chất phi thương mại nên không tính nhuận bút. Trân trọng!


Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Bắt giữ đối tượng đốt 4 xe máy trên xe đặc chủng của CSGT

Thứ 2, 29/04/2024 | 08:30
Người đàn ông vi phạm nồng độ cồn đã tự ý trèo lên thùng xe tải chuyên dụng của CSGT và đốt chiếc xe máy của mình. Ngọn lửa bùng phát, lan sang các phương tiện khác.

Huế: Nam thanh niên tông vào CSGT khi bị dừng xe để kiểm tra

Thứ 2, 29/04/2024 | 06:05
Khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, Phạm Ngọc An đã bất ngờ tông thẳng xe máy vào người trung tá Minh khiến chiến sĩ này bị thương phải nhập viện.

Bắt đối tượng đánh người thương tích rồi trốn nã

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:55
Sau khi biết mình bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích, Nguyễn Dương Tùng đã bỏ trốn nhưng không thoát khỏi sự vây bắt của lực lượng công an.

Tiết lộ về kẻ cầm đầu trang web phát tán 19 triệu nội dung đồi trụy

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:45
Nhóm đối tượng do Vinh cầm đầu trực tiếp điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" với hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu.

Thông tin mới vụ cô gái chết khô trên sofa: Ô tô biến mất, sim bị tháo

Chủ nhật, 28/04/2024 | 15:21
Liên quan tới vụ việc cô gái chết khô trên sofa khu căn hộ cao cấp ở Hà Nội, cơ quan chức năng vừa thông tin thêm một số tình tiết quan trọng.
     
Nổi bật trong ngày

Hành trình lật mặt kẻ thủ ác vụ án sát hại người tại Đồng Nai

Chủ nhật, 28/04/2024 | 09:08
Đối tượng ra tay giết người tình là bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai: Bắt giữ đối tượng đốt 4 xe máy trên xe đặc chủng của CSGT

Thứ 2, 29/04/2024 | 08:30
Người đàn ông vi phạm nồng độ cồn đã tự ý trèo lên thùng xe tải chuyên dụng của CSGT và đốt chiếc xe máy của mình. Ngọn lửa bùng phát, lan sang các phương tiện khác.

Lâm Đồng: Bắt giám đốc trốn truy nã 22 năm

Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:22
Sau 22 năm trốn lệnh truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phạm Văn Bộ đã thay tên đổi họ, làm giám đốc 3 công ty trước khi bị công an bắt giữ.