Trẻ học được điều gì hay từ chàng Lía trong truyện cổ tích?

Trẻ học được điều gì hay từ chàng Lía trong truyện cổ tích?

Thứ 5, 10/11/2016 | 10:42
0
Nếu là người bình thường, khi gặp được hiện thân của chàng Lía ở thời hiện đại chắc chắn sẽ co giò chạy trước, sau đó khẩn trương tìm cách báo với cơ quan chức năng.
Tin cũ - Trẻ học được điều gì hay từ chàng Lía trong truyện cổ tích?

Từ thuở thiếu thời, bản thân tôi đã rất hâm mộ các hiệp sĩ áo vải - những người luôn đứng về phía dân nghèo và không bao giờ luồn cúi trước cường quyền. Ngọn cờ "Cướp của giàu chia cho người nghèo" do Robin Hood trong văn học dân gian của Anh hay chàng Lía (chú Lía) trong văn học Việt Nam dựng lên cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả.

"Chiều chiều én liệng Truông Mây,

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành."

Câu vè theo thể lục bát ở trên phần nào thể hiện tình cảm đặc biệt của người dân Bình Định dành cho chàng Lía – người anh hùng mang trong mình khát vọng và lý tưởng của nhân dân.

Tuy vậy, gần đây suy nghĩ của tôi về chàng hiệp khách trẻ tuổi đã thay đổi ít nhiều sau khi nghiêm túc đọc xong... truyện cổ tích về chàng. Nói thật, nếu là người bình thường khi gặp được hiện thân của chàng Lía trong truyện ở thời hiện đại chắc chắn sẽ co giò chạy trước, sau đó khẩn trương tìm cách báo với cơ quan chức năng. Sống trên đời từng ấy năm, tôi chưa thấy ai gặp cướp ngoài đường mà bút ra xin chữ ký hay chụp ảnh tự sướng cả?!

Bạn nghĩ tôi có vấn đề về thần kinh? Vậy hãy thử đọc một vài dòng miêu tả về thời niên thiếu của chàng Lía:

“Từ đó, Lía phải đi học. Ông đồ tuy dữ đòn nhưng Lía không sợ. Chàng thích học võ hơn là học chữ. Chàng thường lén thầy ra vườn, đi những bài quyền học lỏm được của người khác. Mấy luống rau của ông đồ chả còn có cây nào mọc được. Một hôm, giữa lúc bị thầy nọc cổ xuống đánh, Lía lấy roi bẻ vụn từng khúc. Ông đồ nhìn Lía tặc lưỡi. Ngày hôm đó ông dắt đứa học trò cứng đầu ấy đến trả cho mẹ nó.

Lía khoái chí vì ngày ngày khỏi phải ê a chán ngắt. Chàng lại cầm đầu bọn trẻ đùa nghịch như xưa. Một hôm, Lía chọn mấy đứa lớn khỏe, cùng mình lên núi vắng đón những người lạ mặt đi chợ về cướp lấy gánh gồng tay nải. Được thứ gì, Lía thường chia cho anh em cùng hưởng. Người ta lại mách cho mẹ Lía biết. Lần này mẹ Lía hết đánh con đến van vái con. Lía thề xin chừa. Chàng rất thương mẹ, không muốn để mẹ cực khổ về mình. Nhưng rồi chứng nào vẫn giữ tật ấy.

[...]

Một hôm, Lía hứa với bạn ngày mai sẽ đãi tiệc. Chúng chỉ phải chuẩn bị dao nồi và mắm muối. Hôm sau, khi chúng tập hợp đầy đủ, Lía bảo: - "Chúng mình làm thịt nghé ăn chơi!". Chúng nói - "Không sợ chủ nó bắt đền à?" - "Cứ ăn ngay con nghé của chủ tao, tội vạ tao chịu". Nói rồi giết ngay con nghé tơ xẻ thịt nấu ăn. Chàng bảo chúng:

- Về nhà cứ nói hộ tao rằng cọp tha mất nghé là đủ.

Lần ấy quả có "động rừng" cho nên mưu của Lía đắt. Người nhà giàu tìm nghé mãi không được, tin là bị hổ vồ nên không căn vặn gì lắm. Được ăn quen mùi, chúng giở mưu đó làm đi làm lại hết nghé chủ này đến bò nhà khác.”[1]

Ngày nay, một đứa trẻ quá ngỗ nghịch như cậu bé Lía có thể bị đưa vào trại giáo dưỡng bất cứ lúc nào; cậu là nỗi ám ảnh kinh hoàng của xóm giềng và là một thất bại của giáo dục gia đình.

Ta có thể dễ dàng nhìn ra bóng dáng của “Lía” qua clip trò phi thân đánh thầy trên bục giảng hay những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm vị thành niên. Liệu có phụ huynh và giáo viên nào muốn nuôi dưỡng, dạy dỗ hoặc cho con mình tiếp xúc, chơi đùa với trẻ hư?

Dù biết rằng cuộc đời tồn tại nhiều biến cố, nhưng người ta vẫn nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời”, kẻ mang tâm địa bất thiện khó mà hoàn lương.

Quan niệm này hoàn toàn đúng với những sự việc xảy ra với Lía sau này. Có sức khỏe và võ nghệ, chàng dễ dàng leo lên cầm đầu toán cướp (hay nói theo cách “sang” hơn là Tướng cướp) ở Truông Mây. Nhờ “trích một nửa phân phát cho những người nghèo trong vùng”, chàng nhận được rất nhiều lời ca tụng.

Truyện cổ tích không ghi chép thái độ của chàng với người thân, bằng hữu của những người giàu bị chàng cướp, giết. Chỉ biết rằng sau khi chém một viên chánh chủ khảo, chàng đã bắt luôn vợ hắn về sơn trại. Chuyện người phụ nữ đáng thương đó sau này bày mưu hại Lía, khiến chàng tự sát vì quá hổ thẹn (“mắc mưu một đứa nhi nữ” theo lời chàng) âu cũng do chàng gây thù chuốc oán.

Khi chia sẻ điều còn băn khoăn về chàng Lía với bạn bè, tôi chỉ nhận được... tràng cười dài hoặc những ánh nhìn khó cắt nghĩa. Có người mắng tôi lo xa, cả nghĩ vì chưa có một nghiên cứu toàn diện nào chứng minh ảnh hưởng tiêu cực của truyện cổ tích tới sự phát triển nhận thức và nhân cách của trẻ.

Nhưng "cẩn tắc vô ưu", tôi thà để con mình thiếu hiểu biết về các nhân vật huyền thoại, chứ nhất định không để nó tôn sùng những chi tiết méo mó, phi thẩm mỹ như trong truyện cổ tích về chàng Lía!

Ngọc Hà/NĐT

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

[1] Theo “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” xuất bản năm 1957