Tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ ‘xưng vương’ đến khi nào?

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ ‘xưng vương’ đến khi nào?

Thứ 4, 23/11/2016 | 11:15
0
Sau 9 năm, lần đầu tiên có người soán ngôi ‘người giàu nhất sàn chứng khoán Việt’, tuy nhiên giới đầu tư lại không khỏi hoài nghi trước khối tài sản khổng lồ tăng lên nhanh chóng của vị đại gia này.

Với đà tăng của mã cổ phiếu ROS, rất có thể ông Trịnh Văn Quyết sẽ vượt xa các tỷ phú khác trong cuộc đua tới ngôi vị người giàu nhất thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Tuy vậy, điều này có nghĩa rằng, một khi ROS lao dốc, hàng chục nghìn tỷ đồng ‘tiền giấy’ của vị cựu luật sư cũng dễ dàng theo đó ‘bốc hơi’.

Trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với tốc độ chóng mặt

Ngày 14/11, thông tin ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vượt qua Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng tràn ngập các trang báo.

Lần đầu tiên sau 9 năm, có một doanh nhân đủ tài giỏi vượt qua ‘tượng đài’ nhà họ Phạm.

Kinh doanh - Tỷ phú Trịnh Văn Quyết sẽ ‘xưng vương’ đến khi nào?

 Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết 

Tính đến hết phiên ngày 14/11, giá cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros tiếp tục tăng trần lên 116.200 đồng. Với việc nắm giữ 279,6 triệu cổ phiếu ROS (65%), ông Quyết nắm trong tay 32.484 tỷ đồng quy đổi. Ngoài ra, ông sở hữu 108,9 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng giá trị thị trường khoảng 763 tỷ đồng.

Như vậy, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết đã đạt 33.247 tỷ đồng (so với hơn 31.000 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng), kỷ lục mới trên sàn chứng khoán Việt Nam sau 16 năm thị trường đi vào hoạt động.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/11, giá cổ phiếu ROS đóng cửa ở mức 118.000 đồng; góp phần giúp tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết tăng thêm gần 500 tỷ đồng so với đúng 1 tuần trước, lên 33.737 tỷ đồng, tiếp tục gia tăng khoảng cách với tỷ phú Phạm Nhật Vượng (30.845 tỷ đồng).

Trong 57 phiên giao dịch kể từ thời điểm niêm yết, ROS ghi nhận 45 phiên tăng điểm (34 phiên tăng trần), giúp mã cổ phiếu này tăng một mạch gấp gần 12 lần mệnh giá. Trong đó phải kể tới những ‘dây’ tăng trần liên tục như 12 phiên từ 1/9-19/9; hay 8 phiên từ 27/9-6/10.

Điều gì khiến cổ phiếu ROS tăng mạnh như vậy? Bởi Faros đặc biệt hấp dẫn trong mắt giới đầu tư, hay còn bởi nguyên do nào khác? Nên nhớ rằng chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của ROS trung bình 3 năm qua chỉ ở mức 139 đồng.

Quay trở lại với câu chuyện ông Quyết soán ngôi Chủ tịch VIC để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán. Một điều dễ nhận thấy là khác với thời điểm 9 năm về trước, lần chuyển giao ‘ngôi vương’ này diễn ra một cách ảm đạm. Truyền thông đưa tin tương đối dè dặt trong khi giới đầu tư không khỏi hoài nghi trước khối tài sản đồ sộ tăng lên một cách chóng mặt của vị đại gia quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Dựa trên tiến trình phát triển ‘thần kỳ’ của ROS, những nghi vấn trên không phải không có cơ sở.

Tiềm lực khủng hay chiêu thức 'cao siêu'?

Công ty CP Xây dựng Faros được thành lập năm 2011, với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là cho thuê đồ thể thao, vui chơi giải trí, bán đồ ăn uống với tình hình kinh doanh không có gì nổi bật. Lỗ lũy kế tính đến hết năm 2013 là 600 triệu đồng.

Mọi chuyện nhanh chóng thay đổi khi bước sang năm 2014, vốn điều lệ của ROS được tăng gấp 150 lần, lên 225 tỷ đồng.

Cũng trong kỳ, Chủ tịch Quyết cùng Tập đoàn FLC đã không ngần ngại ‘chơi bài ngửa’, khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa FLC và ROS khi ứng trước số tiền lên tới 553,7 tỷ đồng theo hợp đồng xây lắp ngày 7/5/2014 đối với dự án Sầm Sơn giai đoạn I.

Mặc dù hợp đồng được ký từ đầu năm và nhanh chóng được FLC giải ngân, tuy nhiên suốt khoảng thời gian còn lại trong kỳ, ROS không đưa số tiền này vào sản xuất kinh doanh, mà gom toàn bộ, cộng với vốn góp chủ sở hữu để đi… ủy thác đầu tư.

Theo đó, vào các ngày 26/4 và 25/8/2014, ROS đã lần lượt lập hợp đồng ủy thác đầu tư với bà Lê Thị Thơm (390 tỷ đồng) và bà Nguyễn Thị Hồng Dung (360 tỷ đồng). Các hợp đồng ủy thác trên đều có thời hạn 3 năm, lãi suất 6%/ năm, lợi tức ủy thác sẽ được ROS thanh toán vào ngày kết thúc hợp đồng.

Trong năm 2015, ‘bổn cũ được soạn lại’ khi HĐQT doanh nghiệp này trong tháng 5 và tháng 7 liên tiếp đưa ra 2 nghị quyết tăng vốn điều lệ lên lần lượt 1.125 tỷ đồng và 3.037,5 tỷ đồng.

Điều thú vị là ở bên kia bảng cân đối kế toán, số dư danh mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, mà cụ thể là các khoản ủy thác đầu tư dài hạn, cũng tăng lên tương ứng, từ 750 tỷ đồng lên 3.093,8 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý là 3 hợp đồng ủy thác cho các cá nhân Nguyễn Quang Trung (15/1: 225 tỷ đồng); Trần Văn Toản (11/5: 400 tỷ đồng); Hồ Thị Hiền (27/5: 370 tỷ đồng).

Tổng giá trị ủy thác của 3 cá nhân trên là 995 tỷ đồng, suýt soát con số 900 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm theo Nghị quyết tăng vốn số 03/2015/NQ-ĐHĐCĐ-FAROS ngày 28/05/2015.

Chưa xét về mối quan hệ chằng chịt của những cái tên ủy thác hay các cổ đông mới với ông Trịnh Văn Quyết (Sẽ được ANTT.VN phân tích trong các kỳ tới), sự trùng hợp về con số cũng như thời điểm ủy thác, tăng vốn đặt ra câu hỏi: Liệu ROS có đang dụng chiêu trò ‘lấy mỡ nó rán nó’, khi bắt nguồn từ một khoản tiền ‘mồi’ từ công ty ‘mẹ’ FLC, sau đấy liên tục thực hiện các hợp đồng ủy thác, các khoản ủy thác này sau đó được ‘phù phép’ quay trở lại góp vốn trong các đợt tăng vốn của ROS(!?).

Giả thiết trên càng có cơ sở khi Công ty Kiểm toán ASC đã phải nhấn mạnh trong báo cáo tài chính bán niên soát xét 2016 của ROS với nguyên văn như sau:

“Như đã nêu tại thuyết minh số V.17.c, đợt tăng vốn điều lệ trong quý I năm 2016 do 03 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 08/1/2016”.

Như vậy, chính công ty thực hiện kiểm toán cho ROS cũng phải đưa ra cảnh báo đối với các cổ đông công ty này, khi mà các giao dịch ủy thác và góp vốn gần như diễn ra cùng thời điểm. Với chiêu bài này, giá trị góp vốn của ROS thực tế không tăng lên, nhưng trên sổ sách thì ngược lại, ban lãnh đạo doanh nghiệp này không mấy khó khăn để liên tục thực hiện các đợt tăng vốn khủng.

Nếu điều này là sự thật, thì chỉ với một phần ‘tiền mồi’ bỏ ra ban đầu, vốn điều lệ của ROS dễ dàng tăng trưởng gấp nhiều lần, qua các thương vụ ủy thác đầu tư đầy mờ ảo.

Được biết, sau đợt tăng vốn gần đây nhất lên 4.300 tỷ đồng hồi tháng 3/2016, ROS sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 29/11 tới và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thông qua phương án tăng vốn lên 5.375 tỷ đồng, tiếp tục đứng hàng Top trong khối các doanh nghiệp xây dựng xét về vốn điều lệ (chỉ sau VIC và chính FLC).

Trong hệ thống các doanh nghiệp liên quan tới vị cựu luật sư Trịnh Văn Quyết, có không ít ‘bản sao’ của ROS, như Công ty CP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF) tăng vốn gấp 331 lần từ 5 tỷ đồng năm 2011 lên 1.654 tỷ đồng cuối quý III/2016; Công ty CP Nông dược HAI (HSX: HAI) tăng vốn gấp 7 lần trong năm 2015 từ 174 tỷ đồng lên 1.173 tỷ đồng (sau thời điểm nhóm cổ đông thân hữu với ông Trịnh Văn Quyết thâu tóm HAI); hay chính trường hợp của FLC khi vốn điều lệ của tập đoàn này tăng tới 840 lần từ vỏn vẹn 7,6 tỷ đồng thời điểm thành lập năm 2008 lên 6.380 tỷ đồng cuối quý III/2016.

Ai được, ai mất?

Trong 19 phiên giao dịch đầu tiên sau khi lên sàn, từ 1/9 – 28/9/2016, giá cổ phiếu ROS tăng 16 phiên, trong đó có 14 phiên tăng trần; 2 phiên đứng giá và chỉ có 1 phiên giảm, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên là 877.410 đơn vị.

Ở 19 phiên tiếp theo từ 29/9 – 25/10, ROS tăng 15 phiên, trong đó có 14 phiên tăng trần; 4 phiên giảm điểm, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên là 1.040.892 đơn vị.

Trong 19 phiên gần đây nhất, từ 26/10 – 21/11, ROS tăng 14 phiên, trong đó chỉ còn 6 phiên tăng trần; 5 phiên giảm điểm, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên là 2.159.647 đơn vị.

Như vậy, có thể thấy đà tăng giá của ROS đang giảm dần, tỉ lệ nghịch với khối lược cổ phiếu được khớp lệnh.

Điều này không khó hiểu với một cổ phiếu có tính cô đặc cao như ROS, khi một nhóm cổ đông nắm phần lớn cổ phần lưu hành (Chỉ riêng ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp hiện nắm giữ tới 69,7% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại ROS).

Lúc này họ có thể dễ dàng chi phối thị trường, đẩy giá lên cao bằng cách bán ra nhỏ giọt, thể hiện ở khối lượng khớp lệnh rất thấp ở giai đoạn đầu tiên. Sau khi giá đã tăng đến một ngưỡng nhất định phù hợp mong muốn của nhóm cổ đông kể trên, hàng trăm triệu cổ phiếu sẽ dần dần được đẩy ra thị trường để chốt lời. Lúc này, người chịu thiệt sẽ là các cổ đông nhỏ lẻ - những người không nắm quyền tự quyết trong tay.

Kịch bản này đã xảy ra không ít lần đối với các doanh nghiệp liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết: Giá cổ phiếu FLC rớt một mạch từ đỉnh gần 30.000 đồng năm 2012 xuống quanh mức 6.800 đồng hiện nay; tương tự là KLF (Đỉnh gần 20.000 đồng năm 2013 về 1.900 đồng chốt phiên 21/11); hay HAI (từ gần 25.000 đồng cuối năm 2015 về 3.760 đồng).

Việc đẩy hàng trăm triệu cổ phiếu ra thị trường chắc chắn sẽ kéo thị giá xuống rất thấp, mà minh chứng FLC, KLF hay HAI hãy còn chưa ‘ráo mực’.

Tuy nhiên như đã phân tích, nếu quả thực hàng nghìn tỷ đồng tăng vốn của ROS được thực hiện với chiêu trò quay vòng vốn ‘lấy mỡ nó rán nó’, thì thực chất là ông Trịnh Văn Quyết cùng các cộng sự không phải bỏ ra một đồng nào, vẫn nắm trong tay hàng trăm triệu cổ phiếu ROS. Lúc này, thậm chí bán ra thị trường với giá của một mớ rau chợ quê cũng đã thu về lượng tiền tươi thóc thật khổng lồ.

Ở một kịch bản khác, với giá trị cổ phiếu cao ngất ngưởng, các cổ đông của ROS có thể mang thứ ‘tiền giấy’ này đi cầm cố vay tiền ở các ngân hàng. Bên cạnh đó, sau khi ROS niêm yết được 6 tháng, cổ phiếu này cũng sẽ đủ điều kiện để các công ty chứng khoán cho vay margin, qua đó thu hút nguồn tiền đầu tư đổ vào. Hãy nhớ rằng vị chủ tịch FLC còn một doanh nghiệp ‘sân sau’ hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, là Công ty CP Chứng khoán Artex (OTC: ART).

Trong lúc này, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vẫn chưa có bất cứ một động thái chính thức nào trước nhiều ý kiến quan ngại về sự tăng trưởng ‘phi mã’ một cách bất thường của cổ phiếu ROS.

Thông thường, một mã cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tục sẽ phải thực hiện giải trình theo quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên mặc dù đã tăng trần tới 34/57 phiên kể từ khi lên sàn, trong đó có chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp từ 1/9-19/9, song ROS vẫn chưa có bất kỳ lời giải đáp thỏa đáng nào cho phía các nhà đầu tư đang ‘khát tin’ hơn bao giờ hết.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin

Nghi Điền – Hoa Liên (Theo ANTT.VN)

Cùng tác giả

Nhìn lại đà tăng 14 lần của cổ phiếu VND

Thứ 4, 26/10/2022 | 09:20
VND là mã đại chúng có mức tăng mạnh nhất trong 2 năm vừa qua, xen giữa là các đợt tăng vốn liên tục, với biên độ cũng nằm trong Top đầu.

Động thái tái cơ cấu của Him Lam ở Postef

Thứ 3, 26/04/2022 | 08:25
Theo đuổi suốt 11 năm và bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng, Him Lam Group có nhiều động lực để phát triển tổ hợp 61 Trần Phú, đồng thời duy trì, tăng tỉ lệ sở hữu tại Postef.

"Thế kẹt" của Thành Công Group ở Eximbank

Thứ 6, 18/02/2022 | 11:11
Động thái chấp thuận bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch Eximbank của nhóm Thành Công - Âu Lạc ít nhiều mang tới những kỳ vọng về tầm nhìn chung giữa các nhóm cổ đông.

Làm dâu ngày Tết

Thứ 4, 02/02/2022 | 13:25
Tôi từng líu ríu tay chân, sợ bình hoa đặt sai chỗ, sợ món ăn không hợp khẩu vị nhà chồng... Rồi tôi nhận ra, mâm cỗ nào cũng sẽ ngon, nếu Tết có hương vị đoàn viên.

Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội: Ranh giới giữa tốt và vĩ đại

Thứ 2, 04/10/2021 | 10:19
Nếu chọn thu lợi 1.000 tỷ đồng từ 25 triệu kit test nhanh Covid-19 hay đánh đổi chữ Tín của một tập đoàn sở hữu khối tài sản 420.000 tỷ đồng, bạn sẽ chọn cách nào?
Cùng chuyên mục

Chính phủ đồng ý Luật Kinh doanh BĐS, Nhà ở có hiệu lực sớm 6 tháng

Thứ 7, 18/05/2024 | 10:56
Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành từ ngày 1/7/2024, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.

Nông dân Bình Định chế “máy bay nông sản”, vươn tầm hội nhập

Thứ 7, 18/05/2024 | 10:36
Rồng dài 9m đến xe đạp, tàu và cả máy bay được các nông dân Bình Định “chế tạo” từ chính nông sản của mình, nhằm đa dạng hóa, vươn tầm hội nhập, xuất khẩu.

Thanh Hóa: Thúc đẩy dự án đưa cây tre vươn ra thế giới

Thứ 7, 18/05/2024 | 10:00
Dự án sản xuất ván tre OSB staBOO với sự hợp tác từ Công ty staBOO Holdings AG hứa hẹn sẽ giúp đưa các sản phẩm từ cây tre Thanh Hóa vươn ra thị trường thế giới.

Giá vàng 18/5: Vàng thế giới tăng vọt, vàng trong nước đứng im

Thứ 7, 18/05/2024 | 09:07
Sáng nay, giá vàng thế giới tăng vọt lên mức 2.415 USD/ounce trong khi tại thị trường trong nước giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn vẫn đứng im.

Elon Musk tìm ứng viên thứ 2 cấy chip não Neuralink, ai đủ điều kiện?

Thứ 7, 18/05/2024 | 06:15
Dự án chip Neuralink của Elon Musk được cho là có kế hoạch thử nghiệm trên 11 người trong năm nay, và nhắm mục tiêu đạt hơn 22.000 người dùng vào năm 2030.
     
Nổi bật trong ngày

Giá vàng 18/5: Vàng thế giới tăng vọt, vàng trong nước đứng im

Thứ 7, 18/05/2024 | 09:07
Sáng nay, giá vàng thế giới tăng vọt lên mức 2.415 USD/ounce trong khi tại thị trường trong nước giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn vẫn đứng im.

Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam

Thứ 6, 17/05/2024 | 06:00
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, đạt 53.404 tấn, tương đương 12,43 triệu USD.

4 tháng đầu năm, xuất khẩu ớt mang về 12,7 triệu USD

Thứ 7, 18/05/2024 | 06:00
Tính đến hết ngày 30/4, sản lượng xuất khẩu ớt của Việt Nam đạt 5.076 tấn với kim ngạch đạt 12,7 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 46,8% về trị giá.

Việt Nam thúc đẩy sáng tạo số vì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững

Thứ 6, 17/05/2024 | 15:00
Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số và từ công nghệ thông tin sang công nghệ số nhằm tăng trưởng xanh và bền vững.

Giá vàng 17/5: Vàng SJC giảm nhẹ, mất mốc 90 triệu đồng/lượng

Thứ 6, 17/05/2024 | 09:46
Cùng chiều giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng 17/5 giảm nhẹ, trong đó vàng miếng SJC mất mốc 90 triệu đồng/lượng.