Viết trên bàn bếp

Viết trên bàn bếp

Chủ nhật, 03/02/2013 | 08:58
0
Giấc khuya thức dậy đi vô bếp lấy nước uống, thấy trăng ngoài cửa sổ, sực nghĩ hôm nay là mùng mấy âm lịch? Lâu rồi tôi chỉ còn xài âm lịch vào ngày giỗ và tết, tết trung thu và tết nguyên đán. Hôm bữa em tôi gởi thư nhắc bữa nay ngày giỗ má, tôi giật mình chống chế: Ở đây không có lịch ta nên tôi không tính được ngày.

Nhưng thực ra chỉ cần mở máy tính gõ vài cái là tôi có thể biết ngay ngày nào trong âm lịch tương đương với ngày nào của dương lịch trong cả một ngàn năm. Tôi đã đánh dấu ngày 10 tháng 2 là mùng một Tết. Rồi tính lùi lại ngày nào đưa ông Táo về trời. Trăng khuya tròn trịa như vầy là rằm tháng Chạp chưa?

Trở về giường nằm trằn trọc mãi không ngủ được, lại trở vô bếp. Nắm gạo hồi hôm tôi bỏ vô nồi cơm điện với một tô nước, chờ sôi rồi bật sang nút giữ ấm suốt đêm, giờ đã thành cháo chín, hột gạo nở và mềm, nước cháo sánh và nóng. Tôi trút cháo vô tô, lấy thêm vài trái ô liu muối, ngồi bên bàn bếp ăn một mình.

Chồng tôi thường dậy trễ và chỉ ăn một món duy nhứt trong bữa điểm tâm: bánh mì nướng quết mứt táo. Quanh năm. Thưở ban đầu tôi cũng tập ăn uống giống anh, nhưng rồi sớm nghiệm ra rằng vợ chồng không nhứt thiết phải giống nhau. Người  ta có thể chăm sóc nhau mà không cần phải ép mình vô một cái khuôn chung. Tôi thường dậy sớm, thừa lúc ấy tự chế biến cho riêng mình những món ăn mà ở Sài Gòn tôi chỉ cần bước ra ngõ kêu một tiếng là có ngay: Hủ tíu, cháo lòng, bún cà ri, bún nước lèo, bánh canh, bánh cuốn … Hiềm nỗi, với tất cả những cục nêm và gia vị cô đặc có thể mua ở đây, tôi chỉ nấu được những tô “gọi là” bún riêu, bún bò Huế… Đã  chẳng ngon lành gì, lại cực thân.

Xã hội - Viết trên bàn bếp

Dần dà cái bao tử nhỏ nhẹ phát ra thông điệp sau mỗi bữa ăn: không tiêu nỗi món này, không chịu được gia vị kia. Tôi loại trừ riết còn mỗi một món là cháo trắng ăn kèm một thứ gì đó mằn mặn: thịt kho, cá kho, chà bông, tương, chao, trứng muối. Hồi ở Sài Gòn thỉnh thoảng ba tôi mua trái cà na muối để ăn với cháo. Về sau ít thấy bán, chắc là ít người trồng, hay ít người tiêu thụ. Chồng tôi thích ẩm thực vùng Địa Trung Hải, nên trong nhà luôn có dầu ô liu và trái ô liu muối.   Không có cà na tôi ăn đỡ ô liu, thấy ngon miệng rồi quen miệng. Rốt cuộc, bây giờ tôi giống ông chồng mình, sáng dậy an lòng đã có sẵn món ăn vừa bụng, không bận tâm lựa chọn hay tìm kiếm gì cả.

Trên cái bàn bếp này luôn để sẵn hủ ô liu muối, chai dầu ô liu, chai giấm đỏ, hủ tiêu, hủ muối. Một dĩa mây đựng trái cây tùy mùa, đôi khi lẫn một hai củ hành, một hai khúc gừng khô quéo, một hai trái ớt cũng héo quắt queo, tiện tay tôi để đó rồi quên. Đôi khi có bình hoa, nhưng thường là một cái ly  cắm mấy nhánh rau thơm hành ngò hái trong vườn nhưng chưa dùng hết. Mấy cái khăn ăn gấp lại để một góc, vài cuốn sách nấu ăn có đánh dấu trang những món tôi muốn thử chế biến mà chưa thực hành. Vài cuốn tạp chí, báo và giấy quảng cáo của các cửa hàng, siêu thị. Cứ đầu tuần bưu điện lại mang đến đủ thứ giấy quảng cáo  kèm phiếu tặng quà, khuyến mãi, giảm giá. Tôi đọc mấy thứ đó trong lúc ngồi bên bàn bếp chờ bánh đang nướng trong lò.

Nhớ lần đầu tiên tôi tập làm bánh táo, đổ bột trên bàn trộn và nhồi như sách hướng dẫn. Bột dính tùm lum, tôi phải dùng dao cạo mặt bàn, khiến cho sau khi cạo sạch sẽ, cái mặt bàn mang thẹo. Chỉ là những vết cắt khó thấy nếu không soi mói. Vậy mà ông chồng tôi vẫn thấy và giảng cho tôi một hồi về cách đối xử với đồ vật, khiến tôi nổi điên và thề là không bao giờ làm bánh táo nữa. Thời gian qua, có vết cắt mờ đi, có vết cắt dường như hằn sâu. Dù được lau chùi thường xuyên mặt bàn vẫn đổi màu, có chỗ phai nhạt, có chỗ đậm dần một vết cà ri hay nước trái dâu đen. Cuộc sống vợ chồng cứ tiếp nối những đợt sóng gió và ngày tháng bình yên.

Cái bàn bếp này là nơi bữa ăn dọn lên đúng sáu giờ chiều mỗi ngày, để vợ chồng kể nhau nghe chuyện đã xảy ra trong ngày. Đây là nơi tôi đã cười sặc cơm vì những câu chuyện anh kể, cũng là nơi tôi đã khóc nghẹn vì cơn thịnh nộ anh dằn chén xáng mâm. Một người bạn ở xa đến chơi muốn tặng một món quà, gợi ý thay cái bàn bếp (trông khá nham nhỡ). Bạn nói tụi này cứ đi lựa cái bàn vừa ý, bạn sẽ thanh toán hóa đơn.  Tụi này cám ơn. Cũng có lúc vô Ikea ngắm nghía mấy hàng mẫu trong đó. Rồi lơ luôn. Hôm rồi trong lúc tôi băn khoăn chọn gì làm quà sinh nhật cho chồng, anh bảo chỉ cần làm cho anh một cái bánh táo. Tôi đã thề là sẽ không bao giờ làm bánh táo nữa, và qua bao năm chung sống anh biết tôi “để bụng” lâu như thế nào.   

Trong lúc nhồi bột tôi chạm lại những vết cắt còn hằn trên mặt bàn. Bây giờ thì tôi đã biết là dùng nước rửa là bột trôi đi hết (chỉ cần thời gian cho bột ngấm nước và tan ra). Hồi trước tôi đâu biết làm bánh, hay làm bếp. Hồi nhỏ ở quê, tôi rất phẫn nộ khi thấy đàn ông con trai thì  ở nhà trên, nhà trước, (có vẻ bàn chuyện quốc gia đại sự),  còn đàn bà con gái thì chúm nhụm sau bếp thì thầm những câu chuyện hành tỏi. Tôi đã quyết chí tự  tách xa mình khỏi cái bếp. Tôi coi sự đi đông đi tây, đọc rộng, trải nghiệm, sáng tạo, tranh luận, dạy học, viết lách là những hoạt động xứng đáng được dành cho  nhiều  thì giờ hơn trong khoảng đời người ngắn ngủi.

Mười năm đầu sau khi lập gia đình, tôi thường chợt nghĩ mình đang làm gì đây trong những lúc lặt rau thái thịt; và nhiều lần thảng thốt hỏi sao mình có thể tự giam trong nhà bếp như vầy? Điều tôi sợ nhứt là không gian cái bếp sẽ khiến sáng tác của tôi quẩn quanh và “bốc mùi hành tỏi”. Nhưng đây là chọn lựa của tôi. Không ai khác phải chịu trách nhiệm.  Cũng không cần ai khác thuyết phục tôi rằng nhà bếp không phải là một thế giới hạn hẹp. Tôi tự biết rằng thế giới ở trong đầu người viết, trong trí tưởng tượng, trong suy tư,  chứ không phải trong không gian sống.

Cái bàn bếp, dù muốn dù không, cũng đã trở thành nơi “làm việc” của tôi trong mười mấy năm qua. Băm hành giã tỏi nơi đây, lóc cóc gõ máy tính nơi đây. Từng ngồi đây làm thơ , viết tiểu thuyết, từng ngồi đây cắt phiếu giảm giá dầu ăn, đường bột dán vô danh sách đi chợ. Bạn bè em cháu đến chơi đã ngồi đây nghe tôi kể lễ hay kể lễ tôi nghe. Đã nhiều lần tôi đập chén quăng nồi biến cái bếp thành bãi chiến trường. Đã nhiều lần tôi ngồi bên cái bàn bếp không làm gì cả, chỉ nhìn ra cửa sổ, có khi thấy một vầng trăng, có khi nghe một tiếng ngỗng  giữa trời, có khi tuyết đang rơi, có khi hoa anh đào chớm nở,  lòng bình an.

Chẳng lẽ cái đầu tôi cũng giống như cái bao tử của tôi, thử đã đời rồi ưng mỗi món cháo trắng? Tôi không biết, có thể do tuổi tác, có thể ảnh hưởng của bệnh tật, cũng có thể tại cái bếp, tôi bớt coi việc đời là quan trọng, buông thả dần những ước mơ, những khát vọng, những đam mê, những toan tính, những dự định, những “quyết tâm”. Tự nhiên một ban mai thức giấc vì tiếng chim hót ngoài vườn, nằm im lắng nghe mà cảm giác lâng lâng chẳng khác gì được tán tụng văn tài. Có lúc chữ nghĩa dắt díu nhau tràn ra đầy trang giấy, viết vừa xong là quên gần hết điều mình đã viết, lòng nhẹ nhõm như mới đi cầu xong.  Rồi bỗng nhiên nhìn người đàn ông đã chia sẻ cuộc đời với mình ngồi gọt táo và nói chuyện biến đổi khí hậu trên trời dưới biển, mà  xúc động không thốt nên lời.

Lật bật mà tháng chạp ào tới, vút qua. Tôi tính nhắn em tôi gởi qua bộ đồ thờ ông Táo thường thấy bán ở Chợ Lớn dạo gần Tết, lúc người ta sửa sang nhà cửa dọn dẹp bếp núc. Tôi giải thích cho chồng: Nhà phải có cái bếp, mà bếp phải có ông Táo. Ổng là người ghi chép mọi việc xảy ra trong nhà để cuối năm viết sớ đem lên trời. Anh không thể tin là có ông trời nào nghe hay đọc nỗi những câu chuyện gia đình của mấy tỉ nhà trên thế gian. À, không chừng ông trời thu thập các lá sớ để yên tâm rằng mấy ngàn năm nay trên khắp hành tinh này, câu chuyện mọi gia đình vẫn luôn y chang nhau.

Đặt cái bánh táo lên bàn, tôi nói:  Tết nhứt tới nơi, cũng nên đổi mới để đón tân xuân. Có lẽ đã tới lúc thay cái bàn bếp này. Nhưng anh phản đối quyết liệt. (Lẽ ra tôi nên giả bộ nói ngược lại thì anh sẽ cải đúng ý tôi.) Anh nói: Cái bàn bếp này lâu nay vẫn làm cái việc ghi khắc những câu chuyện trong  nhà này, không gì thay thế nó được. Cứ để cho những câu chuyện chép chồng lên nhau, đan kết hay thay đổi, xóa đi hay nối tiếp. Nó không phải cái sớ của ông Táo, nó là một tiểu thuyết mà chúng ta phải viết cho tới cùng, không thể lửng lơ “hồi sau sẽ rõ”.

Nhà văn Lý Lan

Tết đơn thân đầu tiên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Tết này là cái Tết đơn thân đầu tiên trong đời mình. Cuộc hôn nhân kéo dài 6 năm đã chấm dứt.

Tết Chợ Lớn

Thứ 4, 30/01/2013 | 10:39
Tôi về Chợ Lớn ăn Tết, người bà con nói “Tết ở Seattle cũng có múa lân, có cả đốt pháo nữa. Đợi sau Tết hẵng về Việt Nam thì có hai cái lợi: giá vé máy bay rẻ được một phần ba, và có thể ở chơi đến Thanh Minh đi tảo mộ luôn.”

Nghỉ Tết, sinh viên tranh thủ qua đêm với người yêu

Thứ 5, 31/01/2013 | 16:12
Dù đã được nghỉ Tết nhưng nhiều sinh viên vẫn tranh thủ lúc bạn ở vùng về hết, còn mình nán lại ít hôm để “gặp gỡ” người yêu của mình trong phòng trọ.