Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin được tiếp thu ý kiến của các ĐBQH

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin được tiếp thu ý kiến của các ĐBQH

Thứ 6, 31/05/2019 | 20:36
2
Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình ý kiến của ĐBQH xoay quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ. 

Chiều ngày 31/5, quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ.

Cần thiết ban hành luật Sở hữu trí tuệ

Phát biểu tại hội trường, liên quan đến luật Sở hữu trí tuệ, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, cần phải rõ ràng hơn đơn đăng ký trước về nhãn hiệu, đảm bảo tính nhất quán trong việc nộp đơn đăng ký. Với hàng hoá có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạm dừng thủ tục hải quan là không phù hợp với quy định của CPTPP. “Việt Nam không cần luật hóa theo quy định tại điểm b Điều 18.76.4 của Hiệp định CPTPP. Việc quy định nội dung có thể gây khó hiểu đối với chủ thể quyền và các cơ quan hải quan. Do đó, tôi kiến nghị loại bỏ nội dung bổ sung trong dự thảo luật”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất.

Chính sách - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin được tiếp thu ý kiến của các ĐBQH

ĐBQH Dương Minh Tuấn (Ảnh: Quochoi.vn).

Trong khi đó, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết, luật Sở hữu trí tuệ cần thiết ban hành và cần thông qua sớm trong kỳ họp. Dù chỉ có 4 điều khoản nhưng thuật ngữ lại mang tính kỹ thuật chuyên sâu. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo sử dụng cụm từ “có liên quan ở Việt Nam” trong luật này; Nhiều lĩnh vực cam kết sâu rộng, liên quan đến thực tiễn và nhiều doanh nghiệp cần, mà sự tương thích giữa luật với CPTPP chưa đồng nhất. Đơn cử như quy định về các loại dấu hiệu được xem là nhãn hiệu, là phải nhìn thấy bằng mắt, không được từ chối việc đăng ký như là âm thanh đơn thuần, mỗi bên cũng phải cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương.

“Có nghĩa là yêu cầu đăng ký nhãn hiệu với ba loại nhìn thấy được, âm thanh và mùi hương, nhưng Việt Nam lại chỉ mới bảo hộ với loại nhìn thấy được, thì ta lại chưa mở ra với hai loại kia. Vì sao ban soạn thảo chưa sửa hay sau này sửa bổ sung, đề nghị ban soạn thảo thông tin thêm”, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết.  

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đóng góp ý kiến về luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, liên quan đến sửa đổi quy định về sở hữu công nghiệp, hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển nhượng quyền sử dụng thì phải thực hiện thủ tục ở cơ quan quản lý. Nhưng so sánh với quy định pháp lý khác thì có quy định chuyển giao công nghệ, nếu chuyển giao dưới dạng sở hữu công nghiệp thì phải đăng ký, song doanh nghiệp cũng có thể trốn đăng ký bằng cách chuyển giao công nghệ. Dẫn tới nếu không thuộc các đối tượng buộc phải đăng ký thì họ không cần phải đăng ký và có thể chuyển giao bản quyền công nghệ. Vì vậy, đại biểu đặt câu hỏi là nếu có tranh chấp phát sinh thì xử lý như thế nào?

"Khoản 1 Điều 205, tôi trao đổi thêm về mức giá 500 triệu đồng đối với trường hợp không xác định được mức bồi thường thiệt hại theo báo cáo giải trình của bộ Công Thương đã được quy định tại luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và không thuộc phạm vi điều chỉnh nhưng luật này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, có nghĩa là đến nay 10 năm, theo quan điểm của một số cơ quan tư pháp chúng tôi được tham khảo khi tham gia xử lý vụ tranh chấp thì việc ấn định mức bồi thường không quá 500 triệu đồng không phù hợp với thực tế, vì có những hành vi xâm phạm quyền gây thiệt hại thực tế lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, nên quy định trong trường hợp không xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a,b,c của khoản này thì mức bồi thường thiệt hại vật chất do Tòa án ấn định tùy thuộc vào mức độ thiệt hại thực tế mà nguyên đơn chứng minh được", đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.

Băn khoăn về quy định hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Xoay quanh luật Kinh doanh bảo hiểm, các đại biểu nhất trí với tính cần thiết bổ sung một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ Ban soạn thảo cần tiếp tục chỉnh lý để luật hoàn thiện hơn.

ĐBQH Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đi thẳng vào nội dung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. “Dự thảo luật không quy định về đăng kí, cấp giấy thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan Nhà nước thực hiện hậu kiểm. Tôi nhận thấy nội dung của dự thảo luật đã thể hiện rất rõ chủ trương hành động của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Ở đây Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm này của Chính phủ".

Chính sách - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin được tiếp thu ý kiến của các ĐBQH (Hình 2).

ĐBQH Lã Thanh Tân quan tâm nội dung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Ảnh: Quochoi.vn)

Để vấn đề hậu kiểm thực sự có tính khả thi, cân bằng giữa mục tiêu tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị:

Một là, khi chúng ta muốn thị trường bảo hiểm trở thành một thị trường chiến lược thì cần có cơ chế chính sách làm sao cho thị trường này phát triển một cách toàn diện, an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân đảm bảo an sinh xã hội. Doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn quốc tế có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Đặc biệt khi chúng ta hội nhập, chúng ta cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thì chúng ta phải làm sao để cho phụ trợ bảo hiểm phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm. Để đạt mục tiêu này thì yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố đầu tiên và tiên quyết. Mặc dù phụ trợ bảo hiểm được Chính phủ đề xuất là ngành kinh doanh có điều kiện tương tự như 4 ngành nghề theo luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành.

Gồm kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, nhưng chủ thể được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ngoài tổ chức thì cá nhân cũng được cung cấp, trong khi 4 ngành nghề theo luật hiện hành chỉ cho phép tổ chức được cung cấp. Đây là điểm thông thoáng cho mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng trong bối cảnh xu thế chung và xuất phát từ yêu cầu nội tại của thị trường bảo hiểm cũng như yêu cầu quản lý Nhà nước thì dự thảo luật cần được nâng cao hơn nữa điều kiện về chuyên môn, tiêu chuẩn của cá nhân hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Nghiên cứu báo cáo giải trình tôi nhất trí với việc nâng cao điều kiện về trình độ chuyên môn đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm theo hướng yêu cầu phải có trình độ tối thiểu là đại học về chuyên ngành bảo hiểm hoặc tốt nghiệp từ đại học trở lên đối với chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm.

Thứ hai, thông thường việc giám sát hoạt động của cá nhân là tương đối khó khăn so với giám sát hoạt động của các tổ chức. Do đó, nếu chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà chúng ta lại giám sát không chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của thị trường bảo hiểm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, tôi đề nghị trên cơ sở quy định tại khoản 4, Điều 120 cần nghiên cứu để cụ thể hóa trong nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ Tài chính về phương thức quản lý, giám sát đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đặc biệt, có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập”.

Cũng nêu băn khoăn về quy định hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho hay, quy định trong dự thảo là thiếu tính pháp lý và đề nghị sửa đổi theo hướng quy định rõ ngay trong luật về nội dung, hình thức, thể thức hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đồng thời, nghiên cứu, đối chiếu với các Bộ luật, Luật hiện hành, nhất là Bộ Luật dân sự, Luật Thương mại…, cần quy định chi tiết các điều kiện về trình độ, năng lực của người tham gia dịch vụ và các điều kiện về pháp nhân, vốn… đối với tổ chức tham gia dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nhằm tránh những rủi ro cho các bên, nhất là người tham gia bảo hiểm. 

Chính sách - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin được tiếp thu ý kiến của các ĐBQH (Hình 3).

ĐBQH Thạch Phước Bình (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngoài ra, trên phương diện luật pháp quốc tế, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu, bổ sung những quy định phù hợp với luật của các tổ chức quốc tế và luật các nước khác mà Việt Nam đã tham gia ký kết hợp tác. Tránh tình trạng phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo luật sửa đổi một số điều của luật Kinh doanh bảo hiểm và luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi lời cảm ơn những ý kiến đóng góp của các ĐBQH trong phiên thảo luận tổ cũng như các ý kiến trong phiên thảo luận này để giúp ban soạn thảo trong việc hoàn thiện dự thảo luật, xem xét thông qua ngay trong kỳ họp với chất lượng đáp ứng được yêu cầu. 

Chính sách - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin được tiếp thu ý kiến của các ĐBQH (Hình 4).

Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về 2 dự án luật (Ảnh: Quochoi.vn).

“Trong nội dung các ĐBQH có nêu, tôi thấy có nội dung bộ Công Thương và cá nhân tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ), liên quan tới việc yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục rà soát đánh giá các điều luật trong 2 luật này, cũng như liên quan tới các khuôn khổ hội nhập khác mà chúng ta đã tham gia và những cam kết hội nhập mà chúng ta tham gia. 

Báo cáo với Quốc hội và đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Ban soạn thảo đã làm việc rất kỹ và cũng đã rà soát rất cẩn trọng các bộ luật cũng như nội dung của các bộ luật có liên quan đến lĩnh vực này, đối chiếu với hiệp định CPTTP mà còn đối chiếu với những hiệp định chúng ta đã tham gia và một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta có tham gia trong đó có CPTPP, sắp tới đây là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu.

Về cơ bản, những nội dung trong sở hữu trí tuệ liên quan đến luật Sở hữu trí tuệ cũng như luật Kinh doanh bảo hiểm thì đã được cập nhật và được chuẩn bị để bộ Xây dựng tương thích, có sự phù hợp với các Bộ với nhau, đặc biệt là thế hệ cao các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta sắp tới sẽ ký kết.

Vì vậy, sau phiên làm việc này của Quốc hội, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ và rà soát tiếp để có sự tiếp thu. Đảm bảo cho sự khả thi và trong quá trình thực thi sau này một khi luật được thông qua”, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nhóm PV Quốc hội

ĐBQH: Các đơn vị y tế lúng túng, chưa thống nhất được cách hiểu, cách làm trong cơ chế tự chủ

Thứ 6, 31/05/2019 | 13:00
“Gần đây nhất là ngày 19/5/2019 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện thuộc bộ Y tế, tuy nhiên với các bệnh viện còn lại thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào”, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt bày tỏ sự trăn trở.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình 7 phút, ĐBQH tranh luận đòi quyền lợi cho thí sinh mất chỗ

Thứ 6, 31/05/2019 | 10:07
Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có 7 phút để giải trình các ý kiến của đại biểu về vấn đề giáo dục. Ngay sau đó, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) đã xin quyền tranh luận đóng góp vào bài phát biểu của vị tư lệnh ngành giáo dục.

ĐBQH Thái Trường Giang: Tìm được một học sinh yếu kém khó hơn “mò kim đáy bể”

Thứ 5, 30/05/2019 | 21:00
Đây là ý kiến của ĐBQH Thái Trường Giang khi bàn về vấn đề giáo dục tại hội trường ngày 30/5.
Cùng tác giả

Kỳ tích: Mẹ suy buồng trứng nặng vẫn đón hai con khỏe mạnh

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:53
Theo BS.Nguyễn Thành Trung, chỉ số dự trữ buồng trứng giảm thì cơ hội có con sẽ khó khăn hơn, giảm đến mức suy buồng trứng thì cơ hội có thai tự nhiên rất thấp.

Vì sao từng tiêm vắc-xin AstraZeneca không cần xét nghiệm D-Dimer?

Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:09
Theo BS.Hoàng, xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca.

Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống

Thứ 7, 04/05/2024 | 20:35
Luật Đất đai 2024 đã được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian...

Bộ Nội vụ thông tin về tiến độ thực hiện cải cách tiền lương

Thứ 7, 04/05/2024 | 18:56
Để thực hiện chính sách cải cách tiền lương, thời gian qua Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.

Du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế 4 tháng đạt 6,2 triệu lượt

Thứ 7, 04/05/2024 | 18:55
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin Kkinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 3,93%
Cùng chuyên mục

Mức phạt lỗi đè vạch kẻ đường khi dừng đèn đỏ mới nhất năm 2024

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:49
Đè vạch kẻ đường khi dừng đèn đỏ bị phạt bao nhiêu là vấn đề nhiều người thắc mắc khi tham gia giao thông.

Người từ 6 tuổi trở lên phải thu nhận sinh trắc học khi làm căn cước

Thứ 7, 04/05/2024 | 08:00
Bộ Công an cho biết, từ ngày 1/7, người từ 6 tuổi trở lên phải thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt

Đề xuất phạt tới 50 triệu nếu lập hội, nhóm trên mạng vu khống người khác

Thứ 6, 03/05/2024 | 15:00
Ngày 2/5, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất VNeID trong dịch vụ công trực tuyến

Thứ 6, 03/05/2024 | 14:29
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thống nhất sử dụng một tài khoản là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính từ ngày 1/7/2024.

Làm căn cước từ ngày 1/7, có bắt buộc thu thập ADN và giọng nói?

Thứ 6, 03/05/2024 | 10:28
Nhiều người thắc mắc từ 1/7/2024 khi đi làm căn cước mới có bắt buộc phải cung cấp thông tin ADN, giọng nói không và việc cung cấp thông tin mống mắt sẽ như thế nào?
     
Nổi bật trong ngày

Người từ 6 tuổi trở lên phải thu nhận sinh trắc học khi làm căn cước

Thứ 7, 04/05/2024 | 08:00
Bộ Công an cho biết, từ ngày 1/7, người từ 6 tuổi trở lên phải thực hiện thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt

Mức phạt lỗi đè vạch kẻ đường khi dừng đèn đỏ mới nhất năm 2024

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:49
Đè vạch kẻ đường khi dừng đèn đỏ bị phạt bao nhiêu là vấn đề nhiều người thắc mắc khi tham gia giao thông.

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:00
Sáng 5/5, Ban chỉ đạo TW kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ chức tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chủ trì chỉ đạo, kiểm tra buổi Tổng duyệt.

Mây dông đang kéo tới, cảnh báo Hà Nội mưa rất to

Chủ nhật, 05/05/2024 | 21:40
Tối 5/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo mưa lớn cục bộ, dông, lốc, sét khu vực Hà Nội.