Cần đổi mới phương pháp dạy học

Cần đổi mới phương pháp dạy học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Sự “thiếu lửa” ở thầy cô giáo đã góp phần “tiếp tay” cho sự lười biếng, ỷ lại của học sinh.

Dù đã được đề cập nhiều nhưng vấn đề đổi mới phương pháp dạy học vẫn là tâm điểm “nóng” của ngành giáo dục nước ta. Vấn đề này chiếm khá nhiều thời gian của các cuộc họp hành, tập huấn, song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Một lỗ hổng” trong việc vận dụng phương pháp mới là thầy giáo chưa quan tâm đúng mức đến yêu cầu cơ bản của bài học, cho nên nếu áp dụng phương pháp mới, tiết học trở nên sinh động hơn, học sinh hào hứng tham gia sôi nổi, nhưng nội dung bài học không nắm vững thì rốt cuộc phương pháp mới chưa phát huy được tác dụng.

Xã hội - Cần đổi mới phương pháp dạy học

Giáo viên cần chú ý hơn đến phương pháp dạy học để học sinh hứng thú với bài giảng. Ảnh minh họa

Theo phản ánh của học sinh, một số thầy cô chưa tạo ra được sự hưng phấn cho người học, khiến trò không hào hứng với việc phát biểu xây dựng bài. Một kinh nghiệm cho thấy, một giờ dạy thành công phải là giờ dạy nhận được nhiều ý kiến phát biểu của học sinh, nhất là trong giai đoạn mà toàn ngành đang thực hiện cuộc vận động “hai không”, “đoạn tuyệt với đọc chép” và chủ trương “lấy học sinh làm trung tâm”.

Bên cạnh đó, một số học sinh chưa đủ tự tin về năng lực của bản thân nên ngại phát biểu; một số khác do lười biếng, không chuẩn bị bài trước khi đến lớp; số khác nữa, mặc dù biết nhưng sợ trả lời sai thì ngại, xấu hổ với thầy cô, với bạn bè, nhất là bạn khác giới. Thậm chí các em còn cho rằng, lên THPT bản thân các em lớn rồi nên phát biều nhiều sẽ ngượng.

Cùng đó, một số giờ dạy, một số thầy cô chưa thu hút được học sinh. Những hạn chế về năng lực, phương pháp, nghệ thuật giảng dạy và cả độ nhiệt tình, “thiếu lửa” ở thầy cô giáo cũng đã góp phần “tiếp tay” cho sự lười biếng, ỷ lại của các cô tú cậu tú. Và thực tế, việc chưa khích lệ được tính tự giác xây dựng bài của học sinh do năng lực của nhà giáo đã tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa thầy và tro. Khoảng cách này sẽ không thể rút ngắn khi chính thầy cô không biết khắc phục sữa chữa, luôn yêu cầu ở trò quá cao.

Đặc biệt, ấn tượng không tốt của một số thầy cô trong quan hệ thầy - trò cũng ảnh hưởng đến sự hợp tác phát biểu. Thực tế, trong hàng triệu thầy cô giáo trực tiếp tham gia giảng dạy không phải thầy cô nào cũng chiếm được cảm tình của các em như nhau. Một số thầy cô vì những lý do khác nhau nên ít chiếm được cảm tình của người học và đương nhiên, hậu quả là học sinh ít hợp tác, lười phát biểu.

Mặt khác, việc phân chia thời khóa biểu cũng phải chú ý vì các em cho rằng, việc sắp xếp thời khóa biểu trong một buổi học nên tránh sự gặp gỡ giao thoa của các môn tự nhiên hoặc các môn xã hội, bởi nó tạo ra sự mệt mỏi, nhàm chán, căng thẳng cho người học. Mặt khác, tạo điều kiện cho các em tính chủ động, sáng tạo; tư duy có điều kiện phát triển, từng bước tham gia rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho người học, góp phần đào tạo ra thế hệ người lao động có chất lượng, chủ động hơn trong cuộc sống sau này.

Theo đánh giá của chuyên gia ngành giáo dục, muốn nước ta hội nhập vào nền văn minh của thế giới thì giáo dục phải đi trước một bước. Cho nên, ta cần vận dụng những phương dạy học tiên tiến của các nước đi trước.

Tuy nhiên, muốn áp dụng thành công phương pháp dạy học mới, điều cần quan tâm trước hết là trình độ vận dụng của giáo viên cũng như khả năng thích ứng của học sinh; ngoài ra còn phải xem xét phương tiện dạy và học có đáp ứng yêu cầu đổi mới hay không? Đấy chính là những yếu tố quyết định thành công (hay thất bại) của việc đổi mới phương pháp dạy và học. Chúng ta cũng không nên đồng loạt áp dụng phương pháp mới đối mọi trường học, lớp học mà phải cân nhắc tùy theo tình hình thực tế của mỗi trường, mỗi lớp.

P.V