Câu hỏi khó và bi kịch của các nhà làm phim Việt

Câu hỏi khó và bi kịch của các nhà làm phim Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội khép lại với những thành công không thể không ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn những câu hỏi mà người xem khó tính cũng như nhà làm phim thực sự mang cái tâm với điện ảnh Việt không khỏi không suy nghĩ.

Đạo diễn “Trăng nơi đáy giếng” Nguyễn Vĩnh Sơn không giấu khỏi buồn khi bày tỏ tâm sự: "Chúng ta đang chiều theo thị hiếu công chúng nhiều hơn là chỉnh".

Sự kiện - Câu hỏi khó và bi kịch của các nhà làm phim Việt

Phim "Cát nóng" của đạo diễn Lê Hoàng được lựa chọn là phim chiếu khai mạc LHP khiến khán giả thực sự thất vọng

Phim càng "nhảm" càng ăn khách?

Vị chủ tịch ban Giám khảo phim ngắn của LHP quốc tế Hà Nội đã giãi bày những suy nghĩ của mình trong "Hội thảo quốc tế với chủ đề Điện ảnh Việt Nam thời kì đổi mới" với những trăn trở kể trên. Tuy mục đích muốn điều chỉnh lại thị hiếu xem phim của số đông khán giả Việt đang rất có vấn đề hiện nay nhưng LHP quốc tế tại Hà Nội mới đây đã lại giới thiệu với công chúng không ít những bộ phim vốn được xếp vào dòng phim thương mại để chiều hơn là chỉnh. Trong hoàn cảnh hiện tại, có thể hiểu ban tổ chức LHP khó có thể có lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên về lâu dài, để nền điện ảnh Việt vươn xa hơn thì chúng ta không thể tiếp tục thỏa hiệp theo kiểu chiều thị hiếu khán giả như cách mà LHP đã làm vừa qua.

Đạo diễn Nguyễn Vĩnh Sơn bắt đầu vấn đề suy nghĩ của mình với một câu chuyện khiến cho không ít những đại biểu, phóng viên có mặt tại Hội thảo phải giật mình. Cách đây một năm, có hai nhà sản xuất người Pháp muốn lập một studio tại Việt Nam, để hiểu được thị hiếu và thị trường phim Việt Nam, hai ông này đã tìm xem những bộ phim ăn khách nhất tại thời điểm đó mà ông biết.

Sau khi mua vé vào xem phim (ông không tiện nhắc ra tên của bộ phim với những lý do tế nhị riêng-PV), hai nhà sản xuất đã đứng dậy rời khỏi rạp với một cái lắc đầu ngao ngán. Sau đó, họ cũng nhanh chóng rời khỏi Việt Nam, kế hoạch xây dựng studio với quy mô hoành tráng cũng không thấy nhắc lại tuy tất cả nhân lực, tài chính đã chuẩn bị sẵn sàng.

Bản thân đạo diễn Nguyễn Vĩnh Sơn cũng đã nhiều lần thử "cố" hiểu được thị hiếu của số đông. Ông đã từng đứng trước rạp chiếu phim của hãng phim Giải Phóng, xếp hàng theo những chàng trai cô gái ăn mặc lịch lãm, sành điệu, đứng mua vé vào xem phim. Những bộ phim "nhảm", theo nhận xét của chính vị khán giả này, quả thực là…"nhảm" thật. Ông càng tò mò hơn khi những hình ảnh được trình chiếu trên màn hình rộng gần như không có nội dung gì nhưng lại kéo được nhiều tiếng cười của khán giả. Nội dung thì sơ sài, kĩ thuật thì nhiều lỗi nhưng lại ăn khách, chỉ có đề tài rất thời trang theo kiểu chân dài đại gia, đồng tính…

Vị đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim được chăm chút kĩ càng tới từng động tác máy, từng shot hình và nội dung xoáy sâu vào vấn đề nội tâm nhân vật này càng chạnh buồn hơn khi người làm ra những bộ phim ăn khách phần lớn lại là đạo diễn trẻ và là những người đang được gửi gắm rất nhiều kì vọng. Ông băn khoăn: Có phải phim càng “nhảm” lại càng ăn khách?.

Đừng đổ lỗi cho thị hiếu của khán gi

Trở lại với câu chuyện của vài năm trước đây, khi những bộ phim được xếp vào "không phải phim thị trường" mới đóng máy và nhận được sự chờ đợi lớn của khán giả như "Rừng đen" của Vương Đức, "Áo lụa Hà Đông" của đạo diễn Lưu Huỳnh, thậm chí cả "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Nguyễn Vĩnh Sơn chính thức ra rạp. Xét về nội dung và cả nghệ thuật, những bộ phim này thực sự là những phim chất lượng cao, có câu chuyện hấp dẫn và có sức nặng, dàn diễn viên đẹp, dàn dựng tốt, thậm chí "trên chuẩn". Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Tại sao "Áo lụa Hà Đông" ra rạp lại thu về doanh thu tới chục tỷ đồng còn "Rừng đen", sau gần một năm trời nằm trong kho mới được ra công chiếu, doanh thu không hiệu quả. Riêng "Trăng nơi đáy giếng" lại khiến những người tâm huyết với phim Việt phải đau xót trước những câu hỏi của báo giới: "Phải chăng chỉ là phim để đi dự LHP?". Khán giả chờ đợi trong khi phim thì vẫn cứ "nằm kho"!

Rõ ràng, những bộ phim này có sức "nóng" khiến khán giả chờ đợi không kém những bộ phim thị trường được quảng cáo rầm rộ cùng thời điểm. Nếu nói thị hiếu khán giả chỉ chạy theo dòng phim "càng nhảm càng ăn khách", rõ ràng là một sự đánh giá không đúng đắn và có phần hơi xem nhẹ "gu" xem phim của người Việt. Khán giả vẫn cần những bộ phim chất lượng cao, đầu tư kĩ lưỡng cả về hình ảnh lẫn nội dung. Việc những phim thị trường trở nên ăn khách chẳng qua là chúng ta đang thực sự thiếu những bộ phim có sức nặng.

Giải thích về lý do "thừa" và "thiếu" cũng không phải là quá khó. Cũng giống như quy luật của thị trường, cái những nhà làm phim "khôn ngoan" lựa chọn không phải là cái mà mình muốn làm mà là cái khán giả muốn xem. Trong khi làm một bộ phim được đầu tư kĩ lưỡng như "Trăng nơi đáy giếng" tiêu tốn của Nhà nước một khoản không nhỏ ở thời điểm lúc bấy giờ (1,2 tỷ đồng).

Số tiền không nhỏ, nhưng cái không nhỏ hơn chính là sự miệt mài lao động của cả một ê-kíp làm phim ròng rã hàng tháng trời ở Huế, trong cái nắng và mưa dầm dề để có được những khuôn hình đẹp, chỉ để có một shot hình tốt, có khi đoàn làm phim phải quay tới cả chục lần. Sự kiên nhẫn đó nếu không phải những nghệ sĩ thực sự có tâm thì khó có thể làm được. Bù lại với công sức lao động nghệ thuật của họ là gì? Những giải thưởng lớn ở các LHP trong và ngoài nước, được đánh giá bằng những kỉ niệm chương, danh hiệu nhưng thua thiệt hơn hẳn những phim thị trường vì "tiền đâu?".

Nếu chỉ nói đến tiền có lẽ là một sự xúc phạm lớn với những người làm phim chân chính. Khi phỏng vấn một đạo diễn trẻ có mặt tại LHP quốc tế tại Hà Nội lần thứ 2 vừa qua, anh đã bày tỏ: "Không phải chúng tôi không muốn làm những phim có chất lượng thực sự. Chúng tôi cũng không muốn nhận phải những cơn "mưa đá" từ phía những khán giả khó tính và những nhà nghiên cứu. Có điều, cũng phải "bóc ngắn cắn dài". Đầu tư cho một phim nghiêm túc cần có tài chính lớn. Cũng một phim thị trường, số tiền này có thể được giảm đi một phần không nhỏ.

Hơn thế nữa, để có một kịch bản tốt và hay thực sự không phải là dễ". Chỉ cần có một kịch bản gọi là tương đối, dễ xem, dễ hiểu, có gì đó gọi là hấp dẫn là đủ để có thể thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền ra làm rồi. Nói gì thì nói, tài chính vẫn là một trong những vấn đề quyết định đầu tiên, có tiền đầu tư cho một dự án chẳng nhẽ không làm. Nhất là với những đạo diễn trẻ, tiếng tăm cũng chỉ gọi là "mới" thì càng cần tần suất xuất hiện cao với công chúng để khỏi bị lãng quên.

Nghe lý do rất hợp lý của những người làm phim kể trên, chúng tôi cũng tìm đến ý kiến của những khán giả có mặt trong chính LHP. Bộ phim "Cát nóng" của đạo diễn Lê Hoàng là phim được chiếu đầu tiên trong LHP cũng nhận được những khen chê trái chiều chứ không hoàn toàn chỉ là chê như nhiều báo đã nêu. Nhà phê bình, nhà chuyên môn chê vì nội dung phim không có gì đặc sắc, lối kể chuyện thiếu mạch lạc, đưa người xem vào những mê hồn trận không thể hiểu, nhiều cảnh phản cảm như những cảnh máu me đầu bếp chết biến món ăn, cảnh hàng trăm con dông bị cháy… Thế nhưng chính khán giả có mặt lại khen vì: Cảnh quay lung linh, bối cảnh đẹp, dàn diễn viên "hot", phim dễ xem…

Một khán giả tên Mai ở Đống Đa cho biết: "Gọi là phim giải trí cũng được. Hàng ngày phải đối diện với những thứ quá nặng đầu rồi, mình cũng cần xem những phim coi xong chỉ để cười cho thoải mái là được". Rõ ràng, nhu cầu về giải trí cũng là môt nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Khi đã có cầu chắc chắn sẽ có cung. Bài toán khó dành cho những nhà quản lý chính là làm sao để cân bằng được cung của hai dòng phim nghệ thuật và thị trường này. Chắc chắn đó là một bài toán không dễ giải trong những năm sắp tới khi phần lớn những bộ phim đang và sắp ra lò đã đi theo một quỹ đạo: Dễ làm, dễ ra rạp và dễ lấy tiếng cười, nước mắt của người xem.

Đỗ Hu

Đọc thêm các tin tức về phim Việt:

“Kinh đô điện ảnh Việt” - Bao giờ sẽ thành hiện thực?

Điện ảnh Việt bao giờ cho hết ngậm ngùi?

Người đầu tiên... hôn môi trong điện ảnh Việt Nam