“Cha đẻ” của Điệp viên 007 từng bị đuổi học

“Cha đẻ” của Điệp viên 007 từng bị đuổi học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Trong suốt nửa thế kỷ qua, loạt phim về chàng điệp viên 007 đã vượt giấc mơ của tác giả Lan Fleming khi thu về 50 tỉ USD từ việc bán vé, các sản phẩm ăn theo và hợp đồng quảng cáo.

Viết truyện trong 4 tuần

Hơn nửa thế kỷ qua, ai cũng hiểu James Bond là một tượng đài không thể xô đổ của điện ảnh thế giới. Nhưng, ít người biết rằng cha đẻ của chàng điệp viên điển trai này lại là một tiểu thuyết gia người Anh - Lan Fleming (SN 1908). Sinh tại thủ đô London của nước Anh, Lan Fleming là con thứ hai của một dân biểu Quốc hội vốn nổi tiếng giàu có và thế lực. Cuộc đời ông tưởng chừng sẽ được trải đầy hoa hồng nhưng bỗng một ngày, gia đình ông nhận được tin dữ. Bố của Lan đã tử trận ngoài chiến trường.

Sự kiện - “Cha đẻ” của Điệp viên 007 từng bị đuổi học

Nhà văn Lan Fleming "cha đẻ" của James Bond.

Suốt thời thơ ấu, sống trong sự chiều chuộng của mẹ, Lan Fleming ngày ngày rong chơi lêu lổng cùng chúng bạn. Giống như James Bond, Fleming cũng bị đuổi ra khỏi trường trung học nổi tiếng Eton College, ngôi trường dành cho các cậu ấm cô chiêu của những nhà quyền quý và thượng lưu trong xã hội Anh. Sau khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, ông làm nhiều nghề để kiếm sống. Ban đầu Lan làm phóng viên cho thông tấn xã Reuter. Sau đó, ông buôn bán chứng khoán cho một ngân hàng đầu tư tại London. Tuy nhiên, chẳng nơi nào ông thực sự để lại dấu ấn.

Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra là bước ngoặt thực sự cho cuộc đời Lan. Sau này, theo lời tự thuật của Fleming, ông đã trở thành phụ tá cho một giám đốc tình báo hải quân. Mảnh đất hải quân có vẻ như dễ sống hơn với Fleming, bởi chẳng bao lâu sau, ông đã leo lên đến cấp bậc trung tá (giống như Bond).

Chiến tranh chấm dứt, ông giải ngũ và quay sang làm báo một thời gian rồi viết truyện gián điệp. Dường như nghiệp văn chương mới thực sự là địa hạt giúp ông tỏa sáng. Sau này, ông tâm sự, công việc viết văn đã đem lại mục tiêu cho Lan cuộc sống. Nó đã giúp ông thỏa mãn về tâm lý cũng như mang lại cho ông tài sản đáng kể. Nhất là sau khi Lan lập gia đình vào năm 1952 với Lady Anne Rothmere.

Fleming viết cuốn truyện đầu tiên "Casino Royal" vào năm 1952 với một tốc độ nhanh kỷ lục, chỉ trong bốn tuần. Từ đó trở đi, Fleming sáng tác đều đặn. Hầu như mỗi năm ông đều cho ra một tập mới. Tuy nhiên, tiểu thuyết về James Bond chỉ trở nên nổi tiếng kể từ năm 1961, sau khi tạp chí Life đăng bài phóng sự về Tổng thống Mỹ J. Kennedy. Trong số 10 tựa sách mà ông chủ Nhà Trắng thích nhất có quyển "From Russia with Love" của Lan Fleming.

Về cốt truyện của các cuốn sách này, Fleming cho biết, ông rút ra từ những kinh nghiệm của thời chiến tranh, sau đó tô điểm thêm một chút rồi đặt vào một người hùng và một kẻ xấu. Cấp chỉ huy của Bond được Fleming lấy mẫu từ ông xếp cũ của mình là phó đô đốc John Godfrey, giám đốc tình báo hải quân Anh trong Thế chiến thứ II. Còn Bond là tổng hợp của tất cả những nhân viên tình báo và lực lượng đặc biệt mà ông quen biết trong chiến tranh. Còn thói quen và sở thích trong các tập truyện của nhân vật như những cô gái tóc vàng, quần áo, xe hơi đắt tiền... đều là những thói quen của riêng Fleming.

Tuy nhiên, theo một tiết lộ mới đây, hình mẫu có thật của điệp viên 007 là một nhân viên tình báo đầy đủ tên tuổi trong Thế chiến II. Người này đã từng đối đầu với những kẻ thù tàn bạo nhất và cũng luôn quyến rũ phụ nữ bằng vẻ đẹp trai, hào hoa của mình. Chính nhân vật bí ẩn này đã truyền cảm hứng cho nhà văn Fleming sáng tạo nên nhân vật James Bond. Danh tính của nhân vật trước nay vẫn là một điều bí mật hàng thập kỷ qua bởi tác giả Lan Fleming luôn muốn hình ảnh James Bond chứa đựng nhiều điều bí ẩn đối với người xem.

Sự kiện - “Cha đẻ” của Điệp viên 007 từng bị đuổi học (Hình 2).

James Bond trong bộ phim "Sky Fall".

"Hollywood hóa" James Bond

Theo miêu tả của các sử gia, khi Fleming bắt đầu viết truyện về Bond, dân chúng Anh lúc đó vẫn trong thời kỳ dùng tem phiếu để mua thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác. Trong mắt thế giới, đế quốc Anh thời đó chỉ còn là một bóng mờ của thời xa xưa. Những cuốn truyện của Fleming vô hình trung trở thành những ảo ảnh đưa độc giả Anh đến những nơi như Haiti hoặc Jamaica. Đây vốn là những vùng đất mà người dân Anh hầu như không bao giờ hy vọng được đến.

Mãi đến đầu thập niên 60, các cuốn truyện của Fleming mới phổ biến tại Hoa Kỳ. Cũng giống như tại Anh, chúng đã đáp ứng một phần nhu cầu trốn tránh thực tại của dân chúng Mỹ khi "chiến tranh lạnh" trở nên căng thẳng hơn vào cuối năm 1961.

Các nhà phê bình cho rằng, hình bóng James Bond trong tiểu thuyết của Lan Fleming thậm chí không giống với những gì đã được "Hollywood hóa" trên màn ảnh cũng chính là những gì đã tạo nên cơn sốt toàn cầu. Bond của Fleming trong văn học có vẻ không đẹp trai, không sở hữu những chiếc xe hơi thể thao đắt đỏ, những chiếc xuồng tốc độ hay các "món đồ chơi" đắt giá có thể ngốn sạch tiền của Hoàng gia Anh.

Trong sách, những người tình của Bond cũng không giống như những "Bond girls" quá sexy mà người ta xây dựng trên màn ảnh. Nhưng đôi khi, những cô gái này còn giỏi giang và thú vị hơn Bond. Thậm chí, người đàn ông này thỉnh thoảng còn gây cảm giác anh ta không xứng đáng với những phụ nữ mà anh ta có được. Dường như, Hollywood đã biến Bond trở thành một nhân vật hoàn toàn khác. Nhưng có lẽ, nếu không như vậy, Bond đã không thể là người đàn ông có ảnh hưởng nhất thế giới, dù anh ta không có thật trên đời.

Từ trước đến nay, nhắc đến James Bond, công chúng toàn thế giới đã nghiễm nhiên công nhận những sở thích được duy trì qua tất cả các phần phim từ trước đến nay của chàng điệp viên này. Đó là xe hơi tốc độ, phụ nữ đẹp, hàng công nghệ cao và rượu vodka Martini lắc.

Nhiều người liên tưởng, ngay cái chết của Lan Fleming cũng có những mối liên hệ với nhân vật của mình. Ông mất vào năm 1964 vì hai thói quen giống với nhân vật James Bond. Đó là thói quen hút 70 điếu thuốc lá và một chai rượu gin mỗi ngày.

Sau khi được chuyển thể, James Bond trở thành một trong những biểu tượng quen thuộc nhất của làng "nghệ thuật thứ bảy". Bộ phim về điệp viên người Anh đã mở ra một kỷ nguyên thành công của các phim hành động gián điệp. Cho đến nay, qua 22 bộ phim gồm 22 cuộc phiêu lưu của chàng điệp viên hào hoa, đã có 6 nam tài tử từng đóng vai này và đều để lại những dấu ấn riêng.

Nhân vật nổi tiếng đến mức người Anh đã dàn dựng cảnh James Bond đã được đến đón và hộ tống Nữ hoàng Anh đi khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012. Năm 2012, thế giới cũng đánh dấu hai đại lễ quan trọng liên quan đến James Bond. Đó là 50 năm ngày ra mắt bộ phim đầu tiên và 60 năm ngày khai sinh điệp viên 007 trong tiểu thuyết.

Tôi chỉ là một tay "thợ viết"

Fleming có một cái nhìn rất thực tế về tác phẩm của mình. Mặc dù thấy sách của mình bán chạy như tôm tươi nhưng ông vẫn phủ nhận mọi tham vọng về văn học. Fleming diễn tả cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình: "Casino Royal" là một "tác phẩm đần độn". Và năm 1963, khi trả lời một cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông nói mình chỉ là một tay "thợ viết". Khi được hỏi phải chăng các cuốn truyện về Bond đã chặn không cho ông sáng tác ra những tác phẩm có tính văn học hơn thì Lan đã thản nhiên trả lời: "Tôi không muốn cạnh tranh với Shakespeare. Tôi không có tham vọng".

Anh Văn