"Đừng nghĩ mình là số 1, khán giả sẽ không thương"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Từ nhỏ, NSƯT Bảo Quốc luôn ước mơ trở thành một cầu thủ bóng đá, nhiều lúc ông còn trốn học để vào sân cỏ. Rồi, sau nhiều biến cố cuộc đời, Bảo Quốc rẽ vào hài kịch như cái duyên tiền định

NSƯT Bảo Quốc tên thật là Lư Bảo Quốc, sinh năm 1949 tại Tây Ninh. Cha ông là Lư Hòa Nghĩa, còn gọi là Năm Nghĩa, một nghệ sĩ cải lương có tiếng tại miền Nam thời trước. Mẹ ông bà Nguyễn Thị Thơ, còn gọi là bà Bầu Thơ, người được mệnh danh là bà bầu của những bà bầu vì bà rất giỏi trong việc quản lý và rất chịu đầu tư cho nghệ thuật cải lương.

Sự kiện - 'Đừng nghĩ mình là số 1, khán giả sẽ không thương'

NSƯT Bảo Quốc

Vì ba, "tôi phải là kép chính"

Từ ngày còn nhỏ, tiếng tăm của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga do mẹ ông một tay chèo lái đã vang danh khắp chốn, khiến ai cũng yêu thích. Đến nỗi, trong ngôn ngữ hằng ngày của người miền Nam thời đó, cũng đưa tên của đoàn Thanh Minh -Thanh Nga vào để sử dụng.

Vì mắc bệnh lao phổi, nghệ sĩ Năm Nghĩa đã đột ngột qua đời. Ông mất khi đang ngồi trên bàn viết kịch bản cho con trai của mình đóng. "Ba luôn kỳ vọng tôi sẽ là một kép chính, được thành danh. Ông mất đi để lại cho tôi nỗi buồn khủng khiếp. Tôi thấm thía những lời ông khuyên nhủ khi còn sống. Mỗi buổi học ca với thầy Út Trong, tôi thèm được nhìn thấy ánh mắt của ba đau đáu theo dõi đứa con trai và ân hận vô cùng. Từ đó, tôi vào nghề, quyết tâm biến ước mơ của ba tôi thành hiện thực - tôi phải là kép chính", NSƯT Bảo Quốc tâm sự.

Năm 1968, NSƯT Bảo Quốc đoạt huy chương Vàng giải Thanh Tâm với vai kép chính trong vở Hiệp sĩ mù nhưng chị gái là nghệ sĩ Thanh Nga động viên: "Em diễn hề được đó, nên chuyển đi". Với sự khích lệ đó, Bảo Quốc đã có một cuộc chuyển đổi nhưng chưa tự tin lắm. Chỉ đến năm 1972, với vai diễn chàng sinh viên trong vở Con ma nhà họ Hứa mới thật sự là một bước ngoặt trên con đường hài kịch của ông.

Trong một lần ra mắt vở hài kịch, không may nghệ sĩ Thanh Việt - một cây hài nhất nhì Sài Gòn lúc bấy giờ gặp sự cố không thể tham gia. Bảo Quốc ra sân khấu thế vai. Trước đó, vốn dĩ NSƯT Bảo Quốc chỉ đóng những vai mùi, kép phụ hay những vai lẳng, không ngờ sự chuyển vai này lại được khán giả tán dương. Vở diễn đã làm thay đổi cuộc đời ông và đánh dấu sự thành công của NSƯT Bảo Quốc khi chuyển hẳn qua vai hài.

Sự kiện - 'Đừng nghĩ mình là số 1, khán giả sẽ không thương' (Hình 2).

NSƯT Bảo Quốc cùng bạn diễn trong một vở diễn

"Đừng nghĩ mình là số 1, khán giả sẽ không thương"

Ngày còn trẻ, khi NSƯT Bảo Quốc nhận được một vai chính rất hay trong phim hài Năm vua hề về làng với tiền cát - xê thỏa thuận là 500 đồng. Chẳng may NSƯT Bảo Quốc lại có việc nên phải vắng mặt. Lúc đó có một nghệ sĩ có tên tuổi hơn ông liền chen vào nhận vai với giá chỉ 300 đồng. Việc hạ tiền cát - xê xuống không chỉ đơn giản vì muốn có vai mà vì không muốn đàn em nổi hơn, tranh giành địa vị với mình. Biết bị mất vai, NSƯT Bảo Quốc hụt hẫng và mất niềm tin kinh khủng. Nhưng sau chuyện đó, ông tự dặn mình phải cố gắng hơn nữa. Đến bây giờ, trong đầu ông lúc nào cũng ghi nhớ câu: "Không bao giờ được chèn ép người trẻ hơn mình".

Giai đoạn 1988-1990, NSƯT Bảo Quốc là một trong những nghệ sĩ hài tiên phong phát triển chương trình Tiếng cười Sân khấu. NSƯT Bảo Quốc kể: "Lúc còn sống, mẹ tôi ít khi cười lắm. Bà xem nhiều vở hài nhưng rất khó có ai làm cho bà cười. Vậy mà một lần xem tôi diễn tiểu phẩm hài Lên đường tòng quân với nghệ sĩ Duy Phương, bà đã cười thật giòn. Tiếng cười của mẹ đã động viên tôi rất nhiều. NSƯT Bảo Quốc cho biết sau lúc mẹ lìa trần, ông đã vươn tới những vai diễn ấn tượng: Y xì ke (vở Bóng tối và ánh sáng), chư hầu (Tiếng trống Mê Linh), Hiếu Danh (Bên cầu dệt lụa)…

Suốt chặng đường đi hát, NSƯT Bảo Quốc chưa hề tranh giành với bất cứ ai trong nghề. Ông hiền lành, và dễ mến. Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc đến NSƯT Bảo Quốc, khán giả đều nhớ một cây hài duyên dáng, chọc cười nhưng không bao giờ dung tục. Năm 1991, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT.

Sự kiện - 'Đừng nghĩ mình là số 1, khán giả sẽ không thương' (Hình 3).

NSƯT Bảo Quốc

Những nỗi đau

Chưa nguôi nỗi đau sau khi cha mất, Bảo Quốc lại gánh thêm nỗi đau là NSƯT Thanh Nga, người chị thứ ba của ông bị ám sát tại nhà riêng cùng chồng là Phạm Duy Lân. Chỉ có đứa con trai nhỏ là nghệ sĩ hài Hà Linh bây giờ còn sống sót. Đây là nỗi đau ám ảnh suốt đời ông.

NSƯT Bảo Quốc tâm sự: "Năm ngày sau đám tang của chị ba Thanh Nga, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga. Tôi đóng vai Đinh Lăng, khi ra sân khấu xướng Bẩm thái hậu, Đinh Lăng ứng hầu mà không cầm được nước mắt. Nghệ sĩ Kim Hương đóng thế vai thái hậu của NSƯT Thanh Nga cũng không nén được xúc động. Tất cả các anh em nghệ sĩ trong đoàn đều nức nở khóc".

Nỗi mất mát với gia đình nghệ sĩ của ông còn là khi nghệ sĩ Hữu Thìn (ba của Hữu Châu và Hữu Lộc) cũng qua đời. Tre già lại khóc măng non, khi chính NSƯT Bảo Quốc lại là người đi đưa tiễn đứa cháu trai Hữu Lộc về với lòng đất mẹ trong một tai nạn giao thông khi còn nhiều dự định ấp ủ dành cho sân khấu.

Nỗi đau xen nỗi đau, và có lẽ nỗi đau lớn nhất trên đời của một người con đó là khi mẹ mất. NSƯT Bảo Quốc còn nhớ như in năm 1988, vì một căn bệnh nặng mẹ ông đã vĩnh viễn ra đi. Với một người luôn xem mẹ là một thần tượng: "Mẹ tôi là một người phụ nữ giỏi đúng nghĩa. Chồng mất năm bà ngoài 30 tuổi, vẫn ở vậy nuôi một đàn con, rồi lo toan đoàn hát. Ngày mẹ mất, tôi tưởng như không đứng vững nổi. Mẹ mất lúc tôi đang đi diễn phục vụ ở ngoại thành, hay tin về đến nơi thì mẹ tôi đã đi rồi", Bảo Quốc tâm sự.

Hợp Phố

Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222.