Khu vực tư là nơi “trú ẩn”, rửa tiền của quan chức tham nhũng

Khu vực tư là nơi “trú ẩn”, rửa tiền của quan chức tham nhũng

Dương Thị Thu
Thứ 4, 13/06/2018 | 15:20
1
Đây là ý kiến của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa khi thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Vị ĐBQH tỉnh Nam Định cũng cho rằng, luật Phòng, chống tham nhũng không phải là biện pháp cứu cánh duy nhất để phòng, chống tham nhũng.

Doanh nghiệp thường phải "lại quả" tổ chức tín dụng

Ngày 13/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về nội dung luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, ĐBQH tỉnh Nam Định đánh giá cao và nhất trí với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật.

Về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước (tức là khu vực tư), ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cho rằng, khi nói đến hành vi tham nhũng thì quan niệm thông thường là chỉ có thể là hành vi của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước có hành vi chiếm đoạt, vụ lợi đối với tài sản của Nhà nước. Ít ai cho rằng, hành vi của giám đốc của một doanh nghiệp cổ phần mà không có phần vốn góp của Nhà nước chiếm đoạt tiền, tài sản của doanh nghiệp cũng là hành vi tham nhũng.

Khu vực tư là nơi “trú ẩn”, rửa tiền của quan chức tham nhũng

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đã có những ý kiến sắc sảo, được nhiều ĐBQH đồng tình, ủng hộ tại phiên thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng 13/6.

"Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quan niệm về vấn đề này. Vì vậy, tôi nhất trí với việc quy định về áp dụng luật Phòng, chống tham nhũng đối với khu vực tư với những lý do đã nêu trong Báo cáo giải trình", vị ĐBQH tỉnh Nam Định nói.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đưa thêm 3 lý do để ủng hộ nội dung này trong dự thảo Luật. Thứ nhất, thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra khá nghiêm trọng, phức tạp, làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2010-2016 do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện cho thấy tham nhũng được coi là một trong 5 yếu tố ảnh hưởng nhất đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo nghiên cứu này, để được tiếp cận nhanh nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp đã trích % tiền mặt để cảm ơn cán bộ tín dụng, các khoản “lại quả” mà doanh nghiệp thường trích lại là khoảng dưới 5% giá trị hợp đồng. Có thể nói rằng, đây là ví dụ điển hình nhất về hành vi tham nhũng trong khu vực tư.

Thứ hai, tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi “trú ẩn”, rửa tiền, “sân sau” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả nếu bỏ qua khu vực tư; hơn nữa, phòng chống tham nhũng trong khu vực tư cũng là để góp phần phòng chống tham nhũng trong khu vực công có hiệu quả hơn.

Thứ ba, tham nhũng trong khu vực tư còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi các nhà đầu tư không thể dự đoán được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh và chắc chắn sẽ không “thoải mái” khi làm ăn với những đối tác áp dụng phương thức kinh doanh thiếu liêm chính và cuối cùng khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm chính là những người cuối cùng phải gánh chịu những chi phí này, từ đó gián tiếp làm chậm sự phát triển của nền kinh tế.

Chống tham nhũng trong vực công thường khó khăn

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng, với định hướng của Đảng tại Kết luận số 10 là “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước”, bà tán thành việc trước mắt chỉ áp dụng đối với 2 nhóm chủ thể, đó là: Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Đồng thời, chỉ áp dụng bắt buộc một số chế định như công khai minh bạch hoạt động, trách nhiệm người đứng đầu mà không áp dụng toàn bộ các chế định của luật Phòng, chống tham nhũng như đối với khu vực công.

Tuy nhiên, để những quy định mới này có tính khả thi cao, vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư Pháp lưu ý: Việc mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư phải không được làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng trong vực công đã và đang được thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu trong thời gian qua. Hay nói cách khác là, phòng chống tham nhũng trong khu vực công vẫn phải là chủ đạo.

Cần tránh nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng từ khu vực công sang khu vực tư, bởi phòng, chống tham nhũng trong vực công thường khó khăn và “động chạm”, nên các cơ quan này có thể sẽ ưu tiên phòng chống tham nhũng trong khu vực tư hơn.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng chống tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền tại các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên cần tránh nguy cơ lạm dụng quyền lực, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp, tránh hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.

Đây là chính sách mới, có tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, cần có tuyên truyền phổ biến pháp luật một cách rộng rãi và thấu đáo để doanh nghiệp, người dân có nhận thức sâu sắc và đúng đắn về chính sách này.

Luật không phải là biện pháp cứu cánh

Liên quan đến nội dung về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32, dự thảo luật), Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến 2 phương án: Phương án 1 và cũng là phương án Chính phủ chọn là: Giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phương án 2, thanh tra Chính phủ chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ từ Giám đốc sở trở lên công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương. Còn đối với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa bày tỏ ủng hộ phương án 2 của dự thảo Luật với các lập luận như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và nhấn mạnh thêm: "Thứ nhất, nói cho cùng thì công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và việc kiểm soát tài sản, thu nhập nói riêng là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ, giúp cho việc theo dõi, đánh giá cán bộ có tính chất hệ thống, đồng bộ và toàn diện hơn. Quy định như phương án 2 sẽ nâng cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu ngành, đứng đầu cơ quan và bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ. Nếu có sai phạm xảy ra trong công tác kiểm soát tài sản, thu nhập thì dễ dàng quy trách nhiệm cho những người này.

Thứ hai, có ý kiến lo lắng rằng, việc giao cho các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm soát tài sản, thu nhập tại ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì khó bảo đảm khách quan. Tôi cho rằng với quy định mới của dự thảo Luật về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng và thống nhất quản lý thì những thông tin về tài sản thu nhập sẽ không bị “khép kín” trong cơ quan đó. Với mô hình này, Thanh tra Chính phủ vẫn giữ vai trò đầu mối trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện.

Thứ ba, với tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của cơ quan thanh tra hiện nay thì chỉ riêng việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở trở lên trong các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng đã là quá tải. Theo Báo cáo đánh giá tác động số 618 thì nếu theo phương án 1 thì Thanh tra Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập của 4861 người, trong khi đó chỉ có 43 người đang làm việc ở Cục chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ. Trong khi đó, số lượng vụ việc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành mà Thanh tra Chính phủ trực tiếp đảm nhiệm không phải ít và phần lớn là các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Vì vậy, việc tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ không khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, thành lập thêm bộ máy; ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng về thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế".

"Luật Phòng, chống tham nhũng không phải là biện pháp cứu cánh, là duy nhất để phòng, chống tham nhũng. Cho dù chúng ta có thành lập một cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập độc lập đi chăng nữa, mà không thực hiện công khai minh bạch hoạt động, không kiểm soát tài sản thu nhập của toàn bộ người dân trong xã hội, không thực hiện giao dịch qua tài khoản, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ chính cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập thì cũng không giải quyết triệt để vấn đề phòng chống tham nhũng", ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

 

Quốc hội thảo luận luật Phòng, chống tham nhũng, kiểm soát "sân sau" của quan chức

Thứ 4, 13/06/2018 | 08:02
Luật Phòng, chống tham nhũng được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến sắc sảo trong ngày 13/6.

ĐBQH lo lắng phòng, chống tham nhũng chỉ là bề nổi

Thứ 5, 31/05/2018 | 20:21
Bày tỏ ý kiến của mình tại phiên thảo luận ở tổ về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ĐBQH Bùi Đặng Dũng lo lắng diễn biến tham nhũng ngày càng tinh vi.

Thảo luận luật Phòng, chống tham nhũng: “Công khai minh bạch để tự hào về tài sản của mình”

Thứ 5, 31/05/2018 | 17:39
Thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ cần kiểm soát chặt chẽ tài sản của quan chức, tránh “sân sau” và sợ kê khai tài sản.
Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.
Cùng chuyên mục

Hạn chế ô tô dịp 30/4 - 1/5 và cuối tuần để tránh ùn tắc phà ra Cát Bà

Thứ 6, 26/04/2024 | 13:25
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cuối tuần kéo dài đến hết 30/7, các chuyến phà từ bến Đồng Bài ra đảo Cát Bà sẽ tạm dừng chở xe ô tô con, ô tô tải trong khung giờ cao điểm.

Muốn làm trật tự thôn phải qua hội đồng xét tuyển

Thứ 6, 26/04/2024 | 11:33
Bộ Công an đã ban hành Thông tư 14/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chậm nộp phạt vi phạm giao thông có bị thu thêm tiền?

Thứ 6, 26/04/2024 | 10:51
Theo quy định, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Đổi mới, hướng công tác dân vận về cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân

Thứ 5, 25/04/2024 | 12:08
Điện Biên xác định làm tốt công tác dân vận để củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

4 trường hợp cảnh sát giao thông được dừng xe trên cao tốc

Thứ 5, 25/04/2024 | 11:06
Cảnh sát giao thông được dừng xe trên cao tốc trong trường hợp nào là vấn đề nhiều người quan tâm.
     
Nổi bật trong ngày

Muốn làm trật tự thôn phải qua hội đồng xét tuyển

Thứ 6, 26/04/2024 | 11:33
Bộ Công an đã ban hành Thông tư 14/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chậm nộp phạt vi phạm giao thông có bị thu thêm tiền?

Thứ 6, 26/04/2024 | 10:51
Theo quy định, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Hạn chế ô tô dịp 30/4 - 1/5 và cuối tuần để tránh ùn tắc phà ra Cát Bà

Thứ 6, 26/04/2024 | 13:25
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cuối tuần kéo dài đến hết 30/7, các chuyến phà từ bến Đồng Bài ra đảo Cát Bà sẽ tạm dừng chở xe ô tô con, ô tô tải trong khung giờ cao điểm.