Kỳ nhân 30 năm sửa giày sau chợ Bến Thành

Kỳ nhân 30 năm sửa giày sau chợ Bến Thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Quán của người tự nhận mình là “công dân yêu nghề sửa giày” lúc nào cũng đông ngẹt khách.

Quán của ông Tạ Văn Hiếu (65 tuổi) ở góc đường Lê Thánh Tôn - Phan Bội Châu (quận 1, TP.HCM). Ngoài 60 tuổi nhưng mắt ông vẫn tinh, đôi tay vẫn thoăn thoát và tỉ mỉ đến từng chi tiết khi sửa giày. Khách hàng của ông Hiếu có đủ mọi thành phần, từ tầng lớp thượng lưu đến những người nghèo khổ, kể cả Việt kiều và người nước ngoài. Ông bảo: “Mỗi năm, tôi chỉ nghỉ đúng 5 ngày Tết cổ truyền”…

Sự kiện - Kỳ nhân 30 năm sửa giày sau chợ Bến Thành

Ông Hiếu và các đệ tử đang sửa giày cho khách

Học nghề từ... nhạc phụ

Trước khi bắt tay vào nghề sửa giày, ông Hiếu làm thợ trong một xưởng mộc ở Sài Gòn. Ngày ấy làm mộc vất vả lắm, tất cả mọi công đoạn cưa, bào, khoan, đục… đều làm bằng tay. Công việc vất vả nhưng tiền lương chẳng được bao nhiêu. Thấy vậy, bố vợ ông Hiếu là ông Hoàng Văn Hùng đã đưa ông về phụ sửa giày ở chính góc đường hiện nay ông Hiếu hành nghề. Ban ngày, ra phụ với bố vợ, tối lại nhận thêm giày về may tiếp. Được sự chỉ bảo tận tình của nhạc phụ nên chưa đầy bốn tháng, ông Hiếu đã trở thành thợ sửa giày chuyên nghiệp.

Sau ngày giải phóng miền Nam, bố vợ mất, ông Hiếu lọc cọc làm một mình, thi thoảng đông khách vợ ông lại ra phụ, rồi tối lại đem về nhà làm. Điều ông học được nhất từ bố vợ chính là sự khắt khe trong công việc, đôi giày nào khách giao ông đều ghi chú rõ ràng, làm cẩn thận đến từng chi tiết. Làm xong, ông lại tự kiểm tra lại lần nữa. Khách đến nhận hàng, ông yêu cầu họ đi thử xem đã hài lòng chưa.

Tạo được niềm tin cho khách hàng, mỗi ngày lượng người mang giày đến nhờ ông sửa ngày càng đông. Để có thể hoàn thành xong tất cả lượng giày khách mang đến, ông Hiếu đã nhận thêm học trò vừa để phụ giúp vừa truyền nghề. Hiện nay, ông Hiếu có hàng chục “đệ tử” đã lành nghề ở khắp Sài thành cũng như ở một số tỉnh thành khác.

Ông Trần Văn Quang, hành nghề lái xe ôm gần đó, cho biết: “Tôi ở gần chỗ ông Hiếu lâu ngày cũng học lỏm được chút ít, giày mình hư thi thoảng vẫn tự sửa, chỗ nào khó quá không làm được thì đem nhờ ông Hiếu. Ông Hiếu làm lâu rồi nên có uy tín lắm. Khách từ nhiều nơi đem giày tới sửa, nhiều hôm khách không biết ông Hiếu ngồi đâu mấy anh em xe ôm ở khu vực này toàn phải chỉ chỗ cho họ...”.

Cả nhà đeo đuổi nghề sửa giày

Ông Hiếu hiện đang sống hạnh phúc với vợ và hai con trong ngôi nhà ở quận 4. Từ nhà ra góc phố hành nghề sửa giày khá xa nhưng hơn 30 năm qua, ông chỉ cuốc bộ đi làm. Ngày nắng cũng như mưa, ông bắt đầu ra khỏi nhà đi làm từ 6 giờ sáng, đi bộ từ quận 4 sang quận 1 và chiều 17h30 ông lại tiếp tục đi bộ về nhà. Ông tự nhủ: “Đi bộ cũng là cách thư giãn và tâp thể dục để rèn luyện sức khỏe sau một ngày cặm cui lao động”.

Ngoài việc sửa giày ông còn kiêm luôn cả việc may vá lại túi xách cũ, thắt lưng, dây đồng hồ… Không chỉ có khách hàng cá nhân mà cả một số của hàng giày nổi tiếng ở TP.HCM như Gucci hay Milano cũng thường xuyên gửi giày cho ông Hiếu sửa. “Có khách hàng mang đôi giày đã cũ tưởng có thế vứt đi nhưng năn nỉ nhờ ông sửa vì là vật kỷ niệm” - ông Hiếu xúc động kể.

Ông Hiếu kể: “Khoảng ba năm trước, trong một phút sơ ý tôi đã giao lộn giày cho khách. Hai đôi giày cùng hiệu nhưng chỉ có kích thước là khác nhau. Mỗi đôi giày đó có giá cả trục triệu đồng. Sau đó, phải mất gần 5 tháng, tôi mới tìm lại được đôi giày đã giao lộn đó. Vì rất tình cờ, người cầm đôi giày ngày đó một thời gian sau lại mang ra sửa nhưng tôi thấy không vừa chân nên ngờ ngợ. Thế là tôi gọi điện cho người bị mất giày ra nhận lại. Ai dè hai người bị nhầm giày đó lại là hai cậu cháu. Cũng may mà họ thấy mình nhiệt tình, thật thà nên họ chỉ mắng vốn mà không bắt đền. Nhưng vì lương tâm và trách nhiệm với công việc nên mình vẫn cố gắng tìm lại cho họ”.

Nhờ vào khoản thu nhập hằng ngày ông Hiếu đã nuôi sống được cả gia đình và lo cho hai đứa con ăn học thành đạt. Nhiều lần, vợ và các con ông khuyên ông nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già nhưng ông nhất quyết không nghe. Ông bảo: “Mình còn sức khỏe, lại quen làm việc rồi, giờ về nhà ngồi không buồn lắm, thế nào cũng nhớ góc phố này, nhớ dòng xe cộ ồn ào qua lại”.

Gia đình ông Hiếu có ba anh em trai thì cả ba đều chọn nghề sửa giày để mưu sinh: Ông Tạ Hữu Ngọc đang sửa giày phía sau chợ Bến Thành; ông Phan Văn Ngà là em trai út cũng đang sửa giày tại Đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh). Cả hai người em trai đều học nghề từ chính bàn tay tài hoa và chịu thương chịu khó của ông Hiếu.

Tâm sự với chúng tôi, ông Hiếu cho biết, dự định đến 70 tuổi ông sẽ thôi nghề sửa giày. Lúc đó, lớp “đệ tử” của ông cũng đã vững nghề hơn nhiều, họ sẽ là những người thay ông chỉnh từng đường kim mũi chỉ trên những đôi giày cũ của khách hàng.

Quyên Triệu