Chuyện của các ban giám khảo

Chuyện của các ban giám khảo

Thứ 4, 24/07/2013 | 14:02
0
Vốn dĩ, các cuộc thi sinh ra là để khích lệ mọi người hưởng ứng và hăng say phát huy tài năng của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khỏi cần nói, ai cũng biết bao giọt mồ hôi, nước mắt thầm lặng rớt xuống chỉ đợi chờ sự công tâm, tỉnh táo và tài năng của ban giám khảo.

Quy luật chung là vậy nhưng có lẽ gần đây, nhiều cuộc thi sinh ra không hẳn để định lượng những tài năng đã đạt độ chín cần được gặt hái đem lại lợi ích cho xã hội mà thực sự chỉ là "đánh bóng" các phong trào, "thổi phồng" các ý tưởng nhằm trục lợi và đánh lừa người hâm mộ. Một trong những dấu hiệu để nhận biết điều đó là sự bất cập của các ban giám khảo. Bởi thế, các cuộc thi tưởng như sẽ đạt đến độ hoàn hảo lại trở nên nhạt nhẽo trong tâm trí người xem, bởi đều có form giống nhau ở cách tổ chức, cách chấm, trao giải và tế nhị hơn nữa còn là cách nhận xét của ban giám khảo.

Bất luận đó là cuộc thi nào, người chấm điểm luôn là người nắm giữ "sinh mệnh" của các tài năng mà theo cách chúng ta đang ví von mỹ lệ là "sao mai" gì gì đó. Dẫu biết rằng, đôi khi khoảng cách giữa các giải, giữa người ở lại và người đi tiếp chỉ rất nhỏ nhưng nếu có được một lập luận vững chắc dựa trên nền tảng kiến thức, khách quan sẽ tốt hơn là "thích", "yêu" đầy cảm tính. Hơn nữa, việc cảm tính rất dễ gây mặc cảm cho những thí sinh không được vị giám khảo đó "thích", cảm thấy mình bị ghẻ lạnh. Cũng từ cách làm không thật sự chuyên nghiệp như thế, dù có một ban giám khảo nhẵn mặt với người hâm mộ và luôn miệng tuyên ngôn về làm nghề mà những người xem khách quan ngoài cuộc hay những tài năng trẻ sắp sửa dấn thân vào cuộc thi bỗng vẫn chờn và thất vọng.

Sự kiện - Chuyện của các ban giám khảo

Một trong các chương trình hút khán giả với sự góp mặt sôi động các thành viên ban giám khảo

Ở lĩnh vực nào cũng vậy, người đi thi sẽ thật sự "tâm phục" người chấm, khi họ vừa có kinh nghiệm của một đàn anh, đàn chị đi trước trong nghề, vừa có cái tầm tri thức của một người thầy, lại vừa có cái tâm của một người bạn. Nhưng qua nhiều cuộc thi gần đây, nhìn vào cách cho điểm, đánh giá, nhận xét của những "nhân vật đình đám" ngồi vào ghế ban giám khảo, tôi lại chợt thấy đáng tiếc và đáng thương cho những người đi thi quá. Nghe nói, ở nhiều địa phương đang muốn "làm sang" cho các cuộc thi của mình bằng việc mời các "nhân vật sừng sỏ" trong nghề về chấm giải. Sự thay đổi đó bỗng dưng đạt được nhiều mục đích khác nhau. Người xem hẳn sẽ hào hứng tin vào chất lượng ban giám khảo; những ý đồ sắp đặt kết quả của họ rất thuận lợi bởi kẽ hở là sự nương tay, nể nang của những tên tuổi lớn trước đàn em, học trò. Còn ở phía ngược lại, một số tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật nhưng khi đã thành danh lại muốn được trọng vọng nên chấp nhận bán rẻ danh tiếng của mình trong các cuộc thi như thế.

Hậu quả là, không phải chỉ vì có quá nhiều cuộc thi khiến người xem không nhớ hết những tên tuổi mới được vinh danh mà bởi các "ông trạng" này ngày càng bị "lỗi kĩ thuật" bởi được vinh danh từ cách làm ăn này, từ những ban giám khảo đặc biệt như thế. Khi tất cả mọi rùm beng qua đi, sau những chiến dịch quảng cáo là sự chán nản, thất vọng của người yêu thích vào sự phát triển của ngành nghệ thuật đó. Nhưng, tệ hại nhất phải là sự thất vọng và oan ức của những tài năng thực sự bị bỏ rơi, "chết yểu" từ chính cách lựa chọn thiếu công tâm và chưa có trách nhiệm này. Tất cả những nỗ lực, khát khao và hy vọng vào chân lý của nghệ thuật, thành quả của lao động nghệ thuật bỗng dưng hóa trò đùa chua chát. Một cuộc thi tài năng trong mắt những người tổ chức đôi khi chỉ là một "mùa vụ" nhưng với những người thi đó là một cơ hội, thậm chí là cơ hội duy nhất. Mặc dù mọi cuộc thi cũng chỉ là điểm khởi đầu cho một tài năng nhưng nếu không được lựa chọn cũng đồng nghĩa với một lời chối từ của số phận.

Chúng ta vẫn thường ngầm phân chia thi cử thành hai dạng theo kiểu "nhất bên trọng nhất bên khinh". Trong khi quá thận trọng trong các kỳ thi tuyển sinh thì lại coi nhẹ tất cả các cuộc thi tài năng và coi nó chỉ là trò chơi giải trí. Chính từ lối suy nghĩ ấy đã tạo kẽ hở cho cách tổ chức, cách chấm giải của một số cuộc thi cũng tùy tiện mà không bị xã hội lên án gay gắt. Trong khi, suy xét một cách nghiêm túc thì tài năng trong bất cứ một lĩnh vực mang ý nghĩ tiến bộ, văn minh, lành mạnh nào cũng có ích cho xã hội, tài năng nào trong lĩnh vực đó cũng đóng góp những thành quả to lớn cho đất nước. Bởi thế, chúng ta hãy thực sự tôn trọng khán giả, tôn trọng các tài năng và cũng là tôn trọng bản thân bằng cách làm công tâm và thành thật như khi đang vun đắp những hạt mầm vừa lên khỏi mặt đất.       

> Mr. Đàm thẳng tay loại Vũ Cát Tường, 'giăng bẫy' 3 HLV                        

Bảo Vy

Hot boy The Voice Kids bị dân mạng 'ném đá'

Thứ 7, 20/07/2013 | 13:04
Việc cover lại hit có chủ đề về tình yêu đã khiến cho Đỗ Hoàng Dương nhận được những phản hồi đa chiều của dư luận.

The Voice Kids: Cả thế giới không có ca khúc phù hợp

Thứ 3, 16/07/2013 | 16:21
Ban tổ chức và các huấn luyện viên của The Voice Kids nên trả các em về đúng tuổi thiếu nhi phù hợp của mình.

The Voice Kids, Đô-rê-mí 'đánh cắp' sự hồn nhiên của trẻ em?

Thứ 4, 10/07/2013 | 09:32
Sẽ là phản tác dụng nếu biến các cuộc chơi đó thành chuyện ăn thua “một mất một còn” trên truyền hình.