Đề xuất cho xe buýt, xe điện chạy như taxi: Đừng phản biện cảm tính!

Đề xuất cho xe buýt, xe điện chạy như taxi: Đừng phản biện cảm tính!

Thứ 5, 18/05/2017 | 21:45
0
“Xe buýt giúp người dân chuyển dịch sang sử dụng phương tiện công cộng, giảm bớt xe cá nhân. Đó là cách đúng để “gỡ” rối ùn tắc giao thông tại TP, sao lại bảo nó làm rối thêm", TS. Lương Hoài Nam nói.
Xã hội - Đề xuất cho xe buýt, xe điện chạy như taxi: Đừng phản biện cảm tính!

TS. Lương Hoài Nam: "Tôi ủng hộ đề xuất này". (Ảnh: Internet)

Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa gửi đề xuất lên Chính phủ về việc kiến nghị cho xe buýt dưới 17 chỗ và xe điện hoạt động cơ động tại các tuyến phố ở Hà Nội và TP.HCM.

Liên quan đến đề xuất này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Lương Hoài Nam, một chuyên gia nhiều tâm huyết với vấn đề giao thông hiện nay.

PV: Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa có đề xuất về việc cho phép xe buýt dưới 17 chỗ, xe điện chạy trong các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Quan điểm của ông ra sao với đề xuất này?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi cho đó là đề xuất tốt. Tôi ủng hộ đề xuất này. Mọi phát triển giao thông công cộng đều là tốt, kể cả xe buýt, taxi, các phương tiện vận chuyển loại nhỏ.

Ở các nước có hạ tầng, đường xá chưa phát triển nhiều tương tự Việt Nam, có nhiều hẻm nhỏ, hẻm sâu, xe buýt không thể đi vào được thì việc phát triển các loại xe, phương tiện loại nhỏ có điểm đỗ linh hoạt sẽ giải quyết rất tốt nhu cầu đi lại như thế. Kể cả loại xe tuk tuk như ở Thái Lan, Myamar... là rất phù hợp.

Tôi có thấy một số ý kiến đề nghị giảm taxi nhưng thực tế số lượng taxi chiếm phần nhỏ trong tổng thể số lượng ô tô của Hà Nội, TP.HCM khoảng 500.000 – 600.000 chiếc. Chúng ta có giảm một ít hay kìm hãm sự phát triển của phương tiện vận tải công cộng như taxi hoặc không cho phép các phương tiện vận tải nhỏ chạy bằng xăng hay điện hoạt động trong thành phố thì cũng không tác động nhiều đến việc giải phóng mặt đường. Trong khi đó, chúng ta đang cần tăng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Phương tiện cá nhân ở đây là cả ô tô và xe máy. Dựa trên thực tiễn này, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Như nhà tôi có ô tô riêng nhưng sử dụng rất ít. Chúng tôi đi lại rất nhiều bằng taxi, uber, grab… vì tiết kiệm hơn, linh hoạt hơn. Với các lý do như vậy thì sử dụng xe riêng làm gì?

PV: Trái ngược với ủng hộ của ông, nhiều người cho rằng đề xuất này chỉ làm rối thêm giao thông tại các thành phố lớn?

TS. Lương Hoài Nam: Không, không phải như thế. Chúng ta đừng phản biện cảm tính mà phải nhìn vào con số. Hiện nay ở các TP lớn, phương tiện ô tô đăng ký nằm trong khoảng 500.000 – 600.00 chiếc. Số lượng phương tiện công cộng đưa vào hoạt động như xe buýt, taxi, xe điện, minivan… có đáng là bao so với tổng số phương tiện ô tô hiện nay trong thành phố để nói nó làm gia tăng tắc đường.

Trong khi đó, nó lại giúp chuyển dịch người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm bớt đi ô tô, xe máy cá nhân. Đó là cách đúng để “gỡ” rối vấn đề ùn tắc giao thông tại thành phố chứ sao lại bảo nó làm rối thêm!

PV: Như ông lý giải thì đây là đề xuất đúng hướng để giải quyết ùn tắc giao thông?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi không chỉ ủng hộ xe điện, xe buýt trong đề xuất này mà tôi ủng hộ việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Chúng ta nên cấp phép cho các loại phương tiện này phát triển, còn ô tô, xe máy cá nhân lại cần phải siết lại.

PV: Nếu đề xuất này được cho phép, một số chuyên gia có nói rằng các quy định hiện hành chưa cho phép xe buýt được đón trả khách như taxi. Vậy nếu chấp thuận có thể chúng ta phải sửa các quy định?

TS. Lương Hoài Nam: Tôi cho rằng không nên quá máy móc. Nếu chúng ta không coi nó là xe buýt mà coi như các phương tiện giao thông khác thì có sao đâu. Tại sao phải coi nó là xe buýt? Chúng ta đừng suy nghĩ máy móc như thế!

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thơm - Lan

Cùng tác giả

Chụp ảnh trẻ ngày khai trường đưa lên mạng có bị phạt?

Thứ 5, 29/03/2018 | 11:37
“Khi các nhà báo làm tin ngày khai trường mà sử dụng hình ảnh các học sinh trong bài báo có bị vi phạm khi không phải ai chụp ảnh cũng xin phép? Lúc này có thể xảy ra khiếu kiện, tranh chấp nếu các quy định và định nghĩa về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân không rõ ràng và phù hợp văn hóa Việt Nam”, TS.Nguyễn Trọng An nêu băn khoăn về việc xử phạt vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vừa được bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến.

Vụ phụ huynh ép cô giáo quỳ: Giáo dục sẽ về đâu?

Thứ 2, 26/03/2018 | 19:00
Dù đang mang bầu, nữ sinh thực tập tại trường mầm non Việt – Lào (TP. Vinh, Nghệ An) vẫn bị phụ huynh ép quỳ gối xin lỗi. Nếu không ngăn chặn hiệu quả những vụ bạo lực với giáo viên như vậy, tôi lo nền giáo dục của chúng ta chưa biết sẽ đi về đâu?

Vụ tin đồn Phó Bí thư Thanh Hóa có “bồ nhí”: Cần xử lý nghiêm kẻ tung tin

Thứ 7, 24/03/2018 | 06:00
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, lần này Thanh Hóa cũng phản ứng tương đối nhanh với tin đồn liên quan đến Phó Bí thư tỉnh. Bởi ứng xử với thông tin xấu, độc chỉ bằng chính thông tin chính thống, minh bạch, kịp thời thì tự thông tin sai sẽ bị loại bỏ.

Nếu còn PCCC qua loa, sẽ có vụ tương tự cháy chung cư Carina Plaza

Thứ 6, 23/03/2018 | 14:10
PGS.TS. Đại tá Ngô Văn Xiêm cho rằng, vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP.HCM) khiến 13 người chết thực sự là quá đau lòng. Còn nhiều chung cư khác ở TP.HCM, TP.Hà Nội... chưa đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn cho người dân về ở. Nếu có cháy, hậu quả sẽ thảm khốc.

Giới siêu giàu “phất” lên nhờ bất động sản: Nên mừng hay lo?

Thứ 6, 23/03/2018 | 06:10
Nhìn vào top những người giàu nhất Việt Nam và các tỉ phú vừa được Forbes vinh danh, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, bất động sản ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực béo bở, tạo ra siêu lợi nhuận.