Nghệ nhân cuối cùng chế tác tranh bằng than đá

Nghệ nhân cuối cùng chế tác tranh bằng than đá

Chủ nhật, 31/03/2013 | 07:53
0
Chúng tôi biết đến nghề chế tác các sản phẩm tranh, mỹ nghệ bằng than đá qua sự giới thiệu của một cô bạn làm ở đài truyền hình tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, khi về miền đất mỏ, hỏi về cái nghề đầy tính nghệ thuật này, hầu hết mọi người đều ngơ ngác, lắc đầu. Họ cho chúng tôi biết, tranh than đá giờ chỉ còn trong trí tưởng tượng của mỗi người dân đất mỏ... Trên đường về, tạt vào một quán nước ven đường, thật may mắn, chúng tôi gặp được nghệ nhân cuối cùng ở TP. Hạ Long còn giữ được cái nghề đã tồn tại hơn trăm năm.

Nghệ thuật khởi sinh từ những khối than sù sì

Đến vùng mỏ Quảng Ninh, thực sự chúng tôi chỉ hình dung ra những khu hầm than đâm ngang bổ dọc dưới lòng đất và những khuôn mặt lấm lem, nhem nhuốc của những người công nhân trên công trường khai thác. Tuy nhiên, thật bất ngờ, trên mảnh đất trùng điệp than đá ấy lại có một nghề được gọi với cái tên: mỹ nghệ than đá. Và, mấy trăm năm qua, nó đã thở thành bản sắc văn hóa riêng biệt của người dân vùng mỏ.

Trên mảnh đất Quảng Ninh, đâu đâu cũng thấy những công trường khai thác than và tiếng ô tô, máy xúc nổ vang suốt đêm ngày. Lẫn trong những đám người đông đúc đang lấy than ở một công trường thuộc huyện Cẩm Phả, chúng tôi thấy một người đàn bà khoảng 60 tuổi cứ đi lại ở những đống than đen bóng.

Thỉnh thoảng, bà lại khom người, nhặt những hòn than đen nhánh lên ngắm nghía, gật gù vẻ đắc ý. Khi đã quá giờ trưa, bà chọn được một hòn than vuông vức to bằng viên gạch rồi gói cẩn thận vào bao tải đặt lên xe đạp đưa về nhà.

Thấy chúng tôi tò mò, một người đàn ông trung niên lắc đầu bảo: "Giờ người ta vào lò than, cố đào được càng nhiều than càng tốt để đem đi bán. Một ngày có khi họ kiếm cả triệu đồng chứ ai còn loay hoay nhặt than cục rồi đẽo tượng, chế tranh nữa. Có khi, hì hụi cả mấy ngày cũng chẳng bán được mấy trăm nghìn đồng. Bà ấy rõ là gàn dở!". Ấy vậy mà theo lời của nhiều người dân quanh công trường than này, người đàn bà mà chúng tôi vừa quan sát thấy đã đến đây nhặt than từ mấy chục năm nay. Mỗi tuần bà chỉ đến lấy than một lần rồi đem về Hạ Long chế tác tranh.


Miền bắc - Nghệ nhân cuối cùng chế tác tranh bằng than đá
Một sản phẩm hoàn chỉnh nhìn bóng mịn, đẹp mắt.

Đến nay, nhiều người dân Quảng Ninh vẫn còn cất giữ trong tâm trí của mình hình ảnh về những sản phẩm mỹ nghệ than đá nức tiếng một thời. Mỗi khi khách du lịch đến Quảng Ninh, họ thường muốn mua một "đặc sản" gì đó làm kỷ niệm. Nhưng chẳng lẽ lại đi ôm cả khối than thô kệch về nhà. Vậy là họ tìm đến những sản phẩm làm từ than đá. Đó là con trâu, con hổ, cái vòng, bức tranh... được người nghệ nhân duy nhất thổi hồn vào.

Sau thời gian hỏi đường, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đến xưởng chế tác mỹ nghệ than đá của gia đình bà Phan Thị Cộng (ở đường Lê Thánh Tông, TP. Hạ Long). Bà là gia đình cuối cùng ở TP. Hạ Long còn giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại. Nhìn những tác phẩm như sư tử, con trâu, bức tranh Hạ Long, hòn trống mái... được chế tác với những đường nét tinh tế, tỉ mỉ đủ thấy được sức sáng tạo của người thợ chế tác than đá.

Thấy chúng tôi nhìn ngắm say sưa những sản phẩm của mình làm ra, bà Cộng tâm đắc lắm. Bà nhấc một sản phẩm lên và giới thiệu: "Sản phẩm mỹ nghệ và tranh bằng than đá có độ cứng như các đồ gốm, sứ nên có thể để trường tồn qua thời gian. Để sản phẩm có được độ bền cao, người thợ chế tác phải dày công đi tìm phôi đá. Ở Quảng Ninh chỉ có 3 nơi là Đèo Nai, Cao Sơn, Cẩm Phả là có phôi đá cứng, than đẹp có thể làm được tranh".

Theo bà Cộng, khi tìm được những khối than đá có chất lượng tốt, các nghệ nhân phải đem cưa máy đi xẻ thành từng khối. Sau khi xẻ được phôi, họ đem về cắt nhỏ ra thành từng khối theo yêu cầu chế tác. Phôi than chất lượng cao là khối than phải đặc, đen. Khi quan sát bằng mắt thường không thấy có những vân, mạch đứt gãy xuyên ngang, dọc. Nếu lấy phải than kém chất lượng thì coi như việc chế tác thành công cốc. Bởi khi đẽo gọt, khối than sẽ bị gãy, nứt...

Nghệ nhân cuối cùng của tranh than đá chia sẻ, khi lấy than về, người thợ phải dùng những dụng cụ như dao gọt, dùi để tạo hình cho sản phẩm. Khi công đoạn này hoàn tất, nghệ nhân phải đánh giấy ráp để sản phẩm nhẵn hơn. "Đánh giấy ráp xong, chúng tôi tiếp tục dùng vải lụa đánh lại để sản phẩm bóng mịn. Trong quá trình chế tác, khâu khó khăn và mất thời gian nhất là việc tạo hình và đẽo gọt các đường nét nhỏ. Nếu khi đẽo, gọt mà không may làm vỡ một chi tiết nhỏ thì coi như sản phẩm hỏng hoàn toàn".

Bà Cộng dẫn chứng, khi làm con sư tử, khó nhất là gọt phần bờm, phải làm cho nó giống như thật. Khi lia dao gọt qua những đường cong của bờm, lỡ tay cứa vỡ những chỗ khác, dẫu mảng đó chỉ bằng một nửa móng tay thì sản phẩm sẽ không bán được. Vì sự tỉ mỉ, tốn nhiều công sức nên một người thợ lành nghề phải mất một tuần mới làm được một sản phẩm. Còn đối với những người thợ mới vào nghề, họ có thể phải bỏ ra 3 tuần, thậm chí vài tháng trời.

Miền bắc - Nghệ nhân cuối cùng chế tác tranh bằng than đá (Hình 2).

Bà Phan Thị Cộng bên một sản phẩm vừa đẽo gọt xong.

Làm chỉ để giữ nghề

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Xuân Nguyên (70 tuổi ở đường 25/4, TP. Hạ Long), một người am hiểu về chế tác tranh bằng than đá. Theo ông Nguyên, nghề chế tác mỹ nghệ than đá đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, do người Pháp du nhập vào. Ngay sau đó, người Pháp đã cho mở một xưởng chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá để đem về đất nước họ. Khi mở xưởng chế tác tranh, người Pháp cũng đã mở một số lớp dạy nghề cho dân bản địa học.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp thua trận và rút khỏi miền Bắc. Cùng với đó, những xưởng chế tác tranh than đá cũng bị giải thể. Một thời gian sau, những người thợ chế tác tranh đá quí được trở lại với nghề bằng việc tham gia vào HTX Hồng Gai. HTX này chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được... đến năm 1986, HTX Hồng Gai giải thể. Những người làm nghề chế tác tranh đá quí tách riêng ra để làm ăn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, cái nghề này đã mai một và dường như mất tích. Bởi lợi ích kinh tế nó đem lại không cao.

Gia đình bà Phan Thị Cộng gắn bó với nghề mỹ nghệ than đá đến nay đã quá ba đời người. Tâm sự với chúng tôi, bà bảo: "Gia đình tôi bám trụ cái nghề lắm truân chuyên này từ khi nó mới xuất hiện và gìn giữ đến tận bây giờ. Nhưng có lẽ đời con, cháu tôi sẽ không giữ được cái nghề độc hại, hao công tốn sức này nữa. Bởi, muốn làm nghề này phải có công cụ bảo vệ sức khỏe như máy hút bụi, khẩu trang... Nếu không, người tiếp xúc với than đá sẽ bị viêm phổi.

Trước đây nhiều người làm nghề phải đi đến bệnh viện rửa phổi định kỳ để tránh viêm phổi do bụi than bay vào. Chính vì thế mà lớp con cháu bây giờ chẳng ai muốn làm nghề truyền thống này nữa". Hiện gia đình bà Cộng, chỉ có 6 cụ già đã 70 - 80 tuổi phụ giúp bà làm tranh than đá. Vì tuổi cao sức yếu, mỗi ngày họ chỉ làm 2 tiếng đồng hồ. Họ làm không phải kiếm kế mưu sinh mà chỉ để gìn giữ nghề cho con cháu sau này. Và, từ khi HTX Hồng Gai giải tán, bà Cộng là người vẫn trụ lại được với tranh than đá. Thỉnh thoảng buồn chân, tay, bà lại lóc cóc đạp xe đi tìm than đá và vận động con, cháu học chế tác tranh, mỹ nghệ than đá. Người đàn bà này quyết tâm không để nghề lạc vào dĩ vãng...

Khách du lịch nước ngoài xin "bái sư học đạo"

Theo bà Phan Thị Cộng thì hiện nay, mỗi sản phẩm tranh, mỹ nghệ than đá có giá trung bình khoảng 350 ngàn đồng. Khách hàng mua những sản phẩm này chủ yếu là khách du lịch vãng lai. Số lượng sản phẩm được bán ra không nhiều. Gia đình bà chỉ làm theo kiểu "cầm hơi" để giữ nghề chứ không muốn phát triển ra thị trường. Bà Cộng cho biết, hạnh phúc lớn nhất từ khi làm nghề của bà là được một khách du lịch nước Mỹ đến xin làm "đệ tử" truyền nghề. Tuy nhiên, dù rất tâm huyết nhưng do điều kiện công việc, người này đã phải về nước. Thỉnh thoảng sang Việt Nam công tác, "đệ tử" của bà lại ghé qua xưởng chế tác của "sư phụ" và cùng điêu khắc tranh than đá.

Quách Minh Trí

Nghệ nhân có bộ sưu tập nhạc cụ nổi tiếng Sài thành

Thứ 5, 07/03/2013 | 14:16
Với Nghệ sĩ Đức Dậu, âm nhạc dân tộc là huyết mạch của sự sống. Vậy nên, không phải tự nhiên, ông bỏ cả đời người phiêu dạt vạn nẻo đất Việt để thỉnh về những chiêng, chống, đàn, sáo là hồn thiêng của núi rừng, của dân tộc về với mảnh đất Sài thành.

Gặp truyền nhân của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Thứ 2, 04/03/2013 | 08:14
Nói đến điệu hát xẩm vùng quê Yên Mô (Ninh Bình), có lẽ ai cũng biết đến nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, thế nhưng vẫn còn có một thiếu nữ nổi tiếng không kém: Truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Cùng chuyên mục

Áo ấm vùng cao - Góp yêu thương cho mùa giá lạnh

Thứ 5, 05/12/2013 | 14:36
Vừa qua, các tình nguyện viên của chương trình 'Áo ấm vùng cao' đã có mặt tại xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai để trao tặng những chiếc áo ấm, giúp các em học sinh chống chọi với cái lạnh của mùa đông.

Xe camry tông chết cô gái trẻ

Thứ 6, 29/11/2013 | 10:06
Không làm chủ được tốc độ, chiếc ôtô 4 chỗ đã tông thẳng vào cô gái đang đi trên đường khiến người điều khiển xe máy tử vong, tài xế chấn thương nặng.

Con trai trưởng công an xã tự tử gây rúng động làng quê

Thứ 4, 27/11/2013 | 15:00
Đang có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, bỗng nhiên, anh Nguyễn Mạnh C., ngụ tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội lại uống thuốc diệt cỏ tự tử. Cái chết của anh Nguyễn Mạnh C. đang gây xôn xao dư luận địa phương vì nghi có “dính líu” đến xã hội đen.

Xe tải chở nhựa đường bất ngờ bốc cháy

Thứ 3, 26/11/2013 | 15:12
Vào 7 giờ sáng nay 26/11, một vụ cháy xe tải đã xảy ra tại ngã ba Quyết Thắng, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La). Lái xe kịp thời thoát nạn song vụ cháy đã gây ách tắc giao thông.

Nhà báo ép xe, truy bắt cướp trên phố Hà Nội

Thứ 3, 26/11/2013 | 08:04
Một đôi nam nữ đang đi trên đường thì bất ngờ bị nam thanh niên đi xe Exciter lao lên giật túi xách. Đúng lúc này một nhà báo đã dũng cảm đuổi theo ép xe và cùng người dân khống chế tên cướp thì liền bị đối tượng chống trả. Sau đó tên cướp bỏ lại xe máy cùng túi xách của nạn nhân rồi nhanh chóng bỏ trốn.