Thị trường hóa biểu tượng tinh thần võ sĩ đạo

Thị trường hóa biểu tượng tinh thần võ sĩ đạo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Từ sự khan hiếm và đắt đỏ của Katana, người ta đã làm nhái và bán tràn lan cho những ai có nhu cầu.

Ở Nhật Bản, kiếm, ngọc và gương là ba bảo vật truyền quốc, được coi như biểu tượng của hoàng gia, là những linh vật trong thần đạo. Trong số ba bảo vật truyền quốc trên, cho tới hôm nay, Katana vẫn được đánh giá cao hơn cả. Thế giới biết Katana như một biểu tượng đẳng cấp của hiệp sĩ Nhật và trở thành nét văn hóa điển hình xuyên suốt tiến trình lịch sử của đất nước "Mặt trời mọc".

Sự kiện - Thị trường hóa biểu tượng tinh thần võ sĩ đạo

Các sản phẩm kiếm Nhật được rao bán trên nhiều trang mạng

Sau nhiều thăng trầm, nhất là trong Thế chiến II, quân đội Mỹ ra lệnh hủy tất cả vũ khí, trong đó có cả các thanh kiếm Katana cổ xưa quý giá. May mắn thay, vẻ đẹp của những thanh kiếm này làm cho Tổng chỉ huy là Tướng MacArthur thay đổi ý kiến. Katana lại càng trở nên thiêng liêng và giá trị hơn.

Trong xã hội hiện đại, Katana không chỉ là niềm tự hào về một nghệ thuật rè đúc loại vũ khí siêu việt với công thức bí ẩn mà còn là một nét đẹp văn hóa đã vượt ra ngoài xã hội Nhật. Thế giới biết đến Katana như ngưỡng vọng, trân trọng giá trị của một nền văn hóa, tôn vinh nét đẹp tinh thần Võ sĩ đạo huyền thoại. Ngày nay, Katana được săn tìm như một vật sưu tầm đầy ý nghĩa và giá trị và trở thành một thú chơi với nhiều ý nghĩa khác nhau.

Một trong những niềm đam mê mà Katana đem lại cho những tín đồ của mình là nó từng là một huyền thoại kết tinh những tinh hoa nghệ thuật rèn đúc vũ khí, tinh thần nhân văn cao cả. Những người mê kiếm Nhật không chỉ muốn được sở hữu một loại vũ khí có tiếng gắn liền với nét văn hóa của một quốc gia mà còn muốn được lĩnh hội và tôn thờ tinh thần Võ sĩ đạo cao đẹp.

Ý nghĩa về mặt phong thủy cũng là một trong những lý do khiến Katana vượt ra khỏi biên giới Nhật để đi vào văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Người ta tin rằng, kiếm Nhật đem lại sự hưng thịnh cho sự nghiệp và bình an cho tổ ấm, cuộc sống. Do vậy, việc tìm mua kiếm Nhật để treo phong thủy đã trở thành một trào lưu của xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, cũng từ trào lưu và giá trị truyền thống to lớn của mình, nét đẹp trong thú chơi kiếm Nhật vốn thanh tao nay đã bị thị trường hóa. Nhiều thập kỷ trước, kiếm Nhật thường là bảo vật gia truyền khan hiếm chỉ xuất hiện một cách trang trọng trong những gia đình bề thế, có bề dày truyền thống. Do vậy, việc tìm mua để sưu tầm cũng đã là một chuyện quá sức với những ai yêu thứ vũ khí mang trong mình những nét đẹp truyền thống này.

Hiện nay, khi giới kinh doanh sớm nhận thấy món hời lớn mà Katana có thể mang lại, họ đã biến kiếm thiêng trở thành một mặt hàng đại trà. Và ý nghĩa cao quý, thiêng liêng của thú chơi tao nhã, này ngày càng bị lu mờ khi giới kinh doanh đem Katana ra rao bán công khai trên các trang mạng.

Để trở thành một thanh kiếm thứ thiệt, Katana phải được các nghệ nhân rèn đúc với những công đoạn, công thức bí truyền trong thời gian dài. Do vậy để đảm bảo nguồn hàng cung cấp một cách đại trà, kiếm thiêng đã bị giới kinh doanh làm giả, làm nhái có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặt hàng dỏm này sẽ được các tay buôn bán chuyên và không chuyên rao bán trên các trang mạng, các diễn đàn buôn bán trực tuyến với những mức giá khác nhau.

Đánh vào tâm lý thích chơi trội và theo phong trào, giới kinh doanh kiếm Nhật tung những chiêu quảng cáo rầm rộ với nhiều ưu đãi khác nhau như: Giao hàng tận nơi, tạo điều kiện cho khách hàng thử kiếm trước khi ngã giá. Và dù là kiếm thật hay kiếm giả, tất cả đều được hét với giá cao ngất ngưởng. Theo đó, mỗi thanh kiếm được trang trí đẹp mắt, cầu kỳ sẽ có giá từ 2 triệu đến 4 triệu, chưa kể đến những sản phẩm được "nâng giá" bởi tiếng là hàng xịn, hàng nhập.

Kinh doanh trên văn hóa là một việc làm phát sinh nhiều lợi nhuận nhưng nó cũng có những đặc thù riêng mà người mua lẫn kẻ bán phải tuân thủ và trân trọng, để giá trị văn hóa không bị xem nhẹ và trường tồn đẹp đẽ.

Hà Nguyễn