1001 nỗi khổ của thí sinh “lai kinh ứng thí”

1001 nỗi khổ của thí sinh “lai kinh ứng thí”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng hành trang và tâm lý nhưng phụ huynh và thí sinh cũng không khỏi ngán ngẫm vì nơi ăn, chốn ở khi "lai kinh ứng thí".

Sát ngày thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 năm 2012, hàng vạn thí sinh và phụ huynh đổ về hai đầu cầu đất nước là TP.Hà Nội và TP.HCM để chuẩn bị dự thi. Dọc các tuyến đường gần bến xe, hàng trăm lượt xe nối đuôi nhau ra vào bến. Nhiều phụ huynh và sĩ tử ngồi la liệt khắp cổng bến lo lắng khi còn một ngày nữa đến kỳ thi mà vẫn chưa tìm được phòng trọ.

Xã hội - 1001 nỗi khổ của thí sinh “lai kinh ứng thí”

Các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình(Hà Nội) luôn chật cứng người, chủ yếu là người nhà và thí sinh đi thi

Khổ từ lúc cập bến

Với tâm lý đi sớm cho khỏi tắc, lại có nhiều thời gian tìm chỗ trọ nên từ 2, 3 ngày trước, nhiều phụ huynh đã đưa con ra Hà Nội dự thi. Nhiều gia đình khác đợi sát ngày thi mới đi để bớt tốn kém. Nhiều thí sinh hôm qua vừa xuống xe đã tìm cách đến địa điểm thi để làm thủ tục, sau đó mới về đi tìm nhà trọ.

Tại các đường Phạm Hùng, Giải Phóng, rất đông các phương tiện nối đuôi nhau, xếp thành hàng dài. Lượng phương tiện đổ về cùng ngày khiến các tuyến đường này rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ. Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên…, lượng khách đến từ các tỉnh cũng đông gấp nhiều lần ngày thường. Thí sinh kè kè ôm cặp sách, trong khi các bậc phụ huynh tay xách nách mang đồ dùng cá nhân. Lượng xe máy của người thân ra đón thí sinh tại các cổng bến xe tăng đột ngột so với ngày thường khiến tại hầu hết những điểm dừng đỗ đèn đỏ, dòng người phải ì ạch di chuyển mấy nhịp đèn mới thoát khỏi ùn tắc.

Tại cổng vào bến, nhiều xe không có chỗ đậu phải nối đuôi nhau nằm dài trên con đường phía sau bến. Phía cửa chính của bến, hàng ngàn người chen chúc, ai cũng rảo bước mong nhanh chóng thoát khỏi biển người chật như nêm. Hai bên hông của bến xe Mỹ Đình, dòng xe khách ra vào kết hợp với la liệt xe máy đứng đợi người nhà khiến con đường nhỏ nơi đây kẹt cứng. Tiếng còi xe inh ỏi kết hợp cùng tiếng lái xe, phụ xe làm cả khu vực bến xe nhốn nháo.

Tại bến xe bus, bạn Hoàng Văn Nghĩa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) một mình bên những túi đồ đạc cồng kềnh. Hoàn cảnh gia đình Nghĩa khó khăn, bố mất sớm, mẹ cũng đã già yếu, trong gia đình chỉ có Nghĩa là người được học hành tới nơi, tới chốn. Biết cậu bạn sắp lên Hà Nội dự thi, mẹ cùng các chị gái chắt bóp được ít tiền tiết kiệm đưa cho Nghĩa. Cả “gia tài” chỉ có hơn 1 triệu đồng, nhưng Nghĩa rất tự tin nói: “Kiểu gì cũng còn… thừa để mang về cho mẹ nữa. Em sẽ chi tiêu tiết kiệm nhất có thể”.

Tại TP.HCM, trung bình mỗi ngày các bến xe, nhà ga đón từ 800 – 1.200 lượt thí sinh/phụ huynh xuống dự thi. Trong đó, khu vực bến xe Miền Đông, quận 5, quận Thủ Đức có lượng thí sinh, phụ huynh đổ về đông nhất. Bạn Nguyễn Như Thảo Hiền, Đội phó đội tiếp sức tại bến xe Miền Đông cho biết: “Trung bình mỗi ngày tại đây có có gần 1.000 thí sinh, phụ huynh xuống bến, dự báo trong những ngày tới lượng người sẽ đông gấp đôi”.

“Sốt” giá phòng

Khảo sát tại khu vực quận 3, quận 5, quận 10 (TP.HCM), nơi tập trung đông đúc thí sinh vào dự thi cũng như sinh viên của các trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm, ĐH Sài Gòn, ĐH Bách Khoa…thì phòng trọ đã kín gần hết từ khi các trung tâm ở đây mở lớp luyện thi cấp tốc. Ông Khương, chủ nhà trọ ở đường An Dương Vương (Q.5), gần ĐH Sư Phạm cho biết: “Giá phòng trọ tại khu vực này lên cơn sốt từ đầu tháng 6, trung bình một phòng ở đây có giá từ 2,2 – 2,4 triệu đồng/phòng 8 người/4 ngày, còn nếu ở ghép thì 400 nghìn đồng/người. Tại những nơi khác, nhiều chủ trọ ở đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1), Nguyễn Văn Cừ (Q.5), Lý Thường Kiệt, 3/2 (Q.10) cho biết, giá cả trong thời gian tới sẽ tăng lên 10 - 20%, vì bây giờ đang vào “mùa làm ăn” của các chủ nhà trọ.

Còn theo chủ nhà trọ tên Viên, trên đường Nguyễn Đình Chiểu: “Hiện ở đây vẫn còn phòng cho thuê, giá rẻ nhất là 800 nghìn đồng/phòng 5 người/4 ngày khoảng 10m2, đắt nhất là phòng rộng trên 18m2 với giá khoảng 1,5 triệu/phòng 7 người/4 ngày. Từ ngày 1 đến 10/7, giá thuê tăng thêm 100 nghìn đồng/người/4 ngày. Theo giải thích của ông Viên, vì cận ngày thi nhà trọ nào cũng “sốt” phòng nên phải tăng giá. Tình trạng khan hiếm bắt đầu xuất hiện tại các khu gần trường đại học, các điểm thi.

Ở khu trọ trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), đa số các phòng đã được sinh viên thuê từ trước, số còn lại được các thí sinh đặt cọc trước. Chủ nhà trọ tên Lý Tấn Đạt cho biết: “Đây là khu vực trung tâm, thuận tiện trong việc đi lại, ăn uống nên từ khi kết thúc thi tốt nghiệp, nhiều phụ huynh đã khăn gói đến đây đặt cọc trước”. Theo ghi nhận, giá ở đây cũng không phải rẻ, một phòng 6 người/4 ngày có giá 1,6 triệu.

Còn tại khu vực Thủ Đức, nơi tập trung phần lớn các thí sinh dự thi vào các trường ĐH Quốc gia, ĐH Nông Lâm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, tình hình cũng “căng thẳng” không kém. Tại khu vực nhà trọ đối diện trường ĐH KHXH&NV (Q.Thủ Đức), các phòng trọ ở đây đều đã được đặt cọc trước gần một nửa. Một phòng trọ khoảng 12m2 được chủ nhà ra giá 450.000 đồng/phòng/4 ngày. Ông Phạm Chín, chủ nhà trọ đối diện trường ĐH KHTN, cho biết: “Thời điểm này, giá bình quân mỗi phòng là 400 nghìn đồng/phòng/4 ngày, đến ngày thi sẽ tăng thêm 50 nghìn đồng/phòng. Hiện tại, ở đây chỉ còn 3 phòng với giá 600.000 đồng/phòng 5 người, nếu muốn thuê thì đặt cọc ngay bây giờ, nếu để đến mai là hết”.

Lượng thí sinh các tỉnh đổ về thành phố tăng, cộng thêm năm nay các trường đại học tại Thủ Đức mở thêm học kỳ hè, làm lượng sinh viên ở lại đông hơn mọi năm, khiến tình trạng khan hiếm phòng trọ trở nên gay gắt. Theo chủ nhà trọ Đào Xuân Tuyết (Linh Trung, Thủ Đức), mọi năm đến thời điểm này bà cho thuê gần hết 18 phòng ở đây. Nhưng đến bây giờ mới chỉ có 7 phòng là được thí sinh đặt cọc trước với giá 400 nghìn đồng/phòng/4 ngày, còn 11 phòng do sinh viên không chịu về quê do đã đăng ký học hè tại trường, một số ở lại đi làm thêm, học quân sự.

Tận dụng thời điểm gần thi đại học, hàng loạt các phòng trọ đều tăng giá, từ tăng gấp rưỡi lên tới gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Bạn Nam quê Quảng Bình cùng bố lên Hà Nội để ôn thi đại học khá sớm. Công cuộc tìm phòng trọ của hai bố con Hùng đã diễn ra hai ngày nay nhưng vẫn chưa tìm được phòng ưng ý. Những ngày này, một phòng rộng 10m2 khoảng 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Gia đình khó khăn nên dù rất muốn thuê phòng đó nhưng đành chịu. Cuối cùng, Hùng phải thuê một phòng cách địa điểm thi tới 10km với giá 150 nghìn đồng/ngày. Cô Lan, quê Ninh Bình, một phụ huynh khác bức xúc: “Mình từ quê ra khó khăn vất vả mới có đủ tiền cho con đi thi đại học. Thế mà lên đây người ta lại tăng giá. Tiền nhà tăng đã đành, lại cả tiền nước, tiền điện cũng tăng, thế nhưng vẫn phải chịu, biết làm sao”.

Chiều 3/7, nhiều thí sinh vẫn chưa tìm được phòng trọ, nhất là những phòng gần trường thi khi giá cao ngất ngưỡng. Nhiều nhà nghỉ, phòng trọ bình dân đua nhau tăng giá gấp 3 - 4 lần ngày thường. Lợi dụng đợt thi đông thí sinh về Hà Nội, dù đã “hét” giá khá “chát”, một số chủ nhà trọ còn “kiêu”: Nếu không thuê ngay, chiều quay lại chưa chắc còn phòng, hoặc giá sẽ khác - một bà chủ nhà trọ ở khu Cầu Giấy cho biết.

Cao Tuân - Thắng Trần