6 tỷ đồng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

6 tỷ đồng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Là một trong bảy địa phương được chọn làm điểm triển khai Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn 20112014 của Chính phủ, Hà Nội đang tích cực triển khai chương trình này.

Theo luật gia Trần Minh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công tác hỗ trợ pháp lý DN, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Chánh văn phòng Câu lạc bộ pháp chế DN Trung ương, Bộ Tư pháp hiện nay đa số các DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp lý. Nhiều DN tại các tỉnh Tuyên Quang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… phản ánh, họ phải mất rất nhiều thời gian để tra cứu một VBQPPL bởi việc cập nhật các VB này trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành còn rất hạn chế. Trong khi đó, một số trang web cập nhật thông tin VBQPPL đầy đủ thì DN phải trả phí để được tải VB về. Nhiều vụ việc cần tư vấn, DN lại phải sử dụng đến dịch vụ tư vấn của các văn phòng luật sư, Cty luật. Nhưng với hơn 97% DN mới chỉ hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ như hiện nay, mức phí dịch vụ còn quá cao so với năng lực tài chính của DN. Chưa kể nhiều trường hợp tiền mất nhưng chất lượng dịch vụ tư vấn pháp lý chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Ông Phan Hồng Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội (Ảnh: Phan Chính)

Với sự ra đời của Nghị định 66/2008/NĐ-CP, lần đầu tiên Chính phủ có riêng một VBQPPL điều chỉnh hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN. Trên cơ sở Kế hoạch của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN với nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn của Hà Nội.

Theo đó, thay vì là đối tượng chịu sự quản lý hành chính như trước đây, DN là đối tượng Nhà nước phục vụ các dịch vụ pháp lý và tất cả DN trên địa bàn TP Hà Nội đều được hỗ trợ pháp lý không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh, lĩnh vực hoạt động. Thành phố cũng sẽ trích ngân sách 6 tỷ đồng để triển khai một số hoạt động hỗ trợ cụ thể. Trước mắt sẽ tập trung vào việc xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của DN. Với nội dung này, sẽ xây dựng trang thông tin điện tử dành riêng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN; đồng thời tiến hành rà soát các VBQPPL liên quan đến DN của Trung ương và văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND TP ban hành để tích hợp website hỗ trợ pháp lý dành riêng cho DN.

Bên cạnh đó sẽ tiến hành khảo sát xem DN cần các văn bản nào để biên soạn theo các chuyên đề, phổ biến đến DN. Ngoài ra, sẽ tổ chức thường xuyên các Hội thảo chuyên đề mà ở đó DN là những người chủ động, trao đổi, bình luận, đưa ra những kiến nghị của mình đối với hệ thống VBQPPL hiện hành. Kế hoạch của TP cũng sẽ tổ chức giải đáp pháp luật cho DN thông qua các hình thức như mạng điện tử, giải đáp trực tiếp, thuê chuyên gia tư vấn…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn, các hoạt động hỗ trợ pháp lý DN muốn hiệu quả cần sự phối hợp của các cơ quan Trung ương, các sở, ban ngành, cộng đồng DN trên địa bàn TP. TP sẽ vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, phấn đấu làm thế nào qua việc triển khai tốt hoạt động hỗ trợ tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của DN, tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để DN kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN

Hoàng Nguyên