Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội

Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội

Thứ 6, 19/05/2017 | 11:26
0
Ngôi nhà tọa lạc ở phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, luôn ắp đầy kỷ niệm về Bác Hồ của những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945.

Bí mật về “ông cụ già mắt sáng”

Tôi tìm đến ngôi nhà số 6 trong một con ngõ nhỏ thuộc phường Phú Thượng, Tây Hồ giữa những ngày tháng Năm cả dân tộc nhớ Bác khôn nguôi. Ngôi nhà giản dị, thanh tịnh như ngày đầu Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về.

Ngôi nhà luôn ắp đầy kỷ niệm của những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 - trước khi Bác vào nội thành tại số 48 Hàng Ngang để soạn thảo ra Tuyên ngôn độc lập.

Phú Thượng là cơ sở cách mạng vững chắc nằm trong an toàn khu của Trung ương Đảng từ 1941-1945. Vì thế, nơi đây được chọn là nơi Bác Hồ dừng chân trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Vợ chồng ông Công Ngọc Dũng tiếp phóng viên với sự thân thiện, cởi mở của một gia đình truyền thống yêu nước, cách mạng.

Ông Dũng cho biết, gia đình ông vẫn duy trì nếp sinh hoạt thường niên, tổ chức họp mặt gia đình đúng ngày 23/8. Ngày đó, bố mẹ kể cho con, ông bà kể cho cháu để những ký ức về 3 ngày đặc biệt đón Bác Hồ không bao giờ phai nhạt và sai lệch dù chỉ là một chi tiết nhỏ. Ông Dũng cũng thừa hưởng những ký ức đẹp đẽ từ gia đình theo cách đó, để kể lại với phóng viên bằng niềm tự hào và vinh dự lớn lao.

Xã hội - Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội

 Ông Dũng kể lại rằng, chính tại gốc cây hoa mộc này, Bác Hồ đã đưa hai tay đỡ cụ nội mình là Công Văn Trường vào nhà cùng ngồi nói chuyện khi quay lại ngôi nhà lần thứ 2 vào năm 1946.(Ảnh: Dương Thu).

Qua lời ông Dũng được biết, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An (bà nội ông Dũng) được bố chồng là cụ Công Văn Trường xây để cụ Công Ngọc Lâm (ông nội ông Dũng – PV) tiếp khách khi giữ chức Chánh tổng. Không may cụ Lâm mất sớm, cụ An một mình nuôi con, chịu thương chịu khó, sau này giác ngộ cách mạng và hoạt động đưa đơn thư bí mật tại địa phương. Cuối năm 1941, cụ được cụ Lê Thị Sáu (tức Sáu Mạc) giới thiệu với “ông thầy cúng” (nguyên Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân Hoàng Tùng - cán bộ An toàn khu ở Phú Thượng lúc bấy giờ). Rồi dần dần, con trai cụ An là ông Công Ngọc Kha cũng được giác ngộ cách mạng.

Xã hội - Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội (Hình 2).

 Ngôi nhà đã được đón nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Từ đó đến năm 1945, ngôi nhà trở thành địa chỉ hoạt động bí mật, an toàn, cũng là nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho cán bộ hoạt động bí mật. Mãi sau này, gia đình ông Kha mới biết, cách mạng chọn gia đình ông cũng vì nhà của Chánh tổng (đã giác ngộ cách mạng), sẽ không ai dám nghi ngờ.

Sau khi đò cập bến cây gạo, đoàn hơn 10 người tháp tùng Bác di chuyển thẳng về nhà cụ An. Bác ở và làm việc tại đây từ chiều 23/8 đến chiều 25/8. Là hội viên hội Cứu quốc, ông Công Ngọc Kha được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Thời điểm năm 1945, chỉ nghe thấy hai từ “chiến khu” đã thấy xúc động dâng trào muốn ứa nước mắt. Bởi thế, sau khi được người em gái gọi về theo chỉ đạo của “ông thầy cúng”, ông Kha đã không nén được xúc động, nói: “Chào các đồng chí ở chiến khu, các đồng chí hãy kể chuyện chiến khu cho chúng tôi nghe đi”. Thấy vậy, ông Hoàng Tùng kịp ngăn lại với lý do các đồng chí mới đi đường xa, còn mệt nên để sau.

“Bố tôi nhìn vào trong nhà đông người, không biết ai, chỉ thấy nổi bật là một cụ già mặc bộ quần áo nâu chàm, tóc bạc, râu dài, đôi mắt sâu nhưng nổi bật nhất vì rất sáng. Sau đó, ông đi bố trí lực lượng bảo vệ vành ngoài như lời dặn của bác Hoàng Tùng”, ông Dũng nhớ lại lời kể của cha.

Đêm đầu tiên ở nhà cụ An, cụ làm việc rất khuya. Tới tận khi ông Kha đi gác về vẫn thấy cụ ngồi trên chiếc trường kỷ làm việc dưới ánh sáng đèn dầu. Ông Kha chào, thấy cụ ngẩng lên cười rồi cũng không dám hỏi gì. Sớm hôm sau, ông cụ dậy sớm ra bờ ao trước nhà tập thể dục. “Bố tôi kể, chị gái của tôi khi đó 3 tuổi đã được Bác Hồ bế và dạy hát”, ông Dũng nói.

Xã hội - Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội (Hình 3).

 Chiếc gương, chậu rửa mặt của gia đình là những vật dụng Bác Hồ đã từng dùng, nay được gia đình ông Dũng lưu giữ như kỷ niệm quý giá. (Ảnh: Dương Thu)

Một kỷ niệm sâu sắc nữa là chiều ngày 25/8. Bác Hồ gọi ông Kha: “Chú hai – vì là con thứ hai, gọi những người trong gia đình xuống đây cho tôi gặp”. Bác nói: “Tôi về đây mấy hôm, được sự chăm lo giúp đỡ của gia đình, chiều nay tôi phải đi công tác, tôi xin cảm ơn gia đình đã giúp đỡ tôi cùng các anh em trong đoàn. Hẹn khi nào có dịp tôi sẽ quay trở lại”.

Sau đó, Bác cùng đoàn rời đi. Đến hôm gia đình có người tham dự mít tinh ở Quảng trường Ba Đình nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập cũng chỉ ngờ ngợ. Thấy Bác Hồ giống với “ông cụ già mắt sáng” đã ở nhà mình mấy hôm trước mà không ai dám nói ra. Mãi khi về nhà, ông Hoàng Tùng cười và khẳng định là Bác Hồ, mọi người trong gia đình mới được bật mí về bí mật.

Những bài học sâu sắc

Trong những ngày Bác Hồ ở nhà cụ An, mọi việc rất bí mật. Ngay cả vỏ hộp thịt ông Hoàng Tùng đưa cho cụ An làm cơm cho Bác cũng yêu cầu dìm sâu xuống đáy ao, không được vứt lung tung. Sau này, gia đình và nhân dân Phú Thượng có duyên đón Bác Hồ lần 2 vào ngày 24/11/1946. Nghe tin Bác về, ông Kha và cụ An phấn khởi, cả đêm không ngủ.

Xã hội - Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội (Hình 4).

 Trải qua năm tháng thời gian, tường cũ của ngôi nhà đã có những mảng bong tróc. Gia đình ông Công Ngọc Dũng bày tỏ mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư, tu bổ di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ. (Ảnh: Dương Thu).

Bác vào đến nhà cụ An là hỏi ông Trường đâu? Ông Kha được lệnh lên mời ông nội (lúc này đã 90 tuổi) xuống gặp Bác Hồ. Cụ Trường mặc áo the, khăn xếp trịnh trọng xuống gặp Bác, đến chỗ cây hoa mộc trước cửa nhà, cụ vội vàng chống gậy định quỳ xuống, lễ Bác Hồ. Nhưng Bác nhanh nhẹn chạy ra bậc cửa, hai tay đỡ cụ Trường đứng lên. “Bác nói: “Chúng ta là anh em cả, không còn chế độ thực dân phong kiến nữa nên mời cụ vào nhà nói chuyện”. Ông nội tôi không quỳ nữa, nhưng đáp lại, ông nội nói, đất nước có trên có dưới, dân có tôn trọng, đất nước mới phồn thịnh”, rồi hai người tiếp tục trò chuyện”, ông Dũng nói.

“Trong cuộc trò chuyện, Bác Hồ hỏi: “Bây giờ giặc Pháp đánh ta, cụ nghĩ thế nào?”, cụ Trường trả lời: “Thưa Bác, giặc có nhiều tàu bay, xe sắt to lắm”. Bác nói: “Tuy giặc Pháp có máy bay nhưng chúng ta có lòng dân đoàn kết, nhất định đánh thắng giặc Pháp”. Cụ Trường đồng ý và nói “được như vậy thì tốt quá”. Bố tôi đứng cạnh, nghe câu chuyện rất xúc động, sau này khi kể lại, bố tôi vẫn không nén được cảm xúc dâng trào, nể phục cách ứng xử của vị Lãnh tụ vĩ đại”, ông Dũng nhớ lại.

Xã hội - Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội (Hình 5).

 Bộ trường kỷ nơi Bác Hồ ngồi làm việc... (Ảnh: Dương Thu).

Xã hội - Ấm áp kỷ niệm về Bác Hồ trong ngôi nhà lịch sử ở Hà Nội (Hình 6).

 ... và chiếc phản năm xưa Người đã từng nằm như vẫn còn nguyên hơi ấm. (Ảnh: Dương Thu).

Một kỷ niệm nữa mà cụ An nhớ như bài học răn dạy con cháu, ấy là vào bữa cơm cuối cùng ngày 25/8. Biết “ông cụ già mắt sáng” là người quan trọng, cụ An chuẩn bị 3 mâm cơm và để 1 mâm ở trên giường, tỏ ý kính trọng, mời Bác. Nhưng Bác Hồ thẳng thắn nói với cụ An để mâm xuống chiếu cùng ăn với mọi người. Cụ An để mâm xuống, đứng lại phía nồi cơm ý chừng khách đến nhà có gia chủ đứng xới cơm. Nhưng Bác Hồ lắc đầu và bảo cụ An để nồi cơm ra giữa, ai ăn hết tự xới. Bài học về sự bình đẳng trong cách ứng xử của Bác đến nay vẫn được gia đình truyền dạy con cháu.

Bác Hồ còn về Phú Thượng lần 3, đúng mùng 1 Tết năm 1957, nhưng lần này không về nhà cụ An mà về UBND xã Phú Thượng và đi thăm một số gia đình đặc biệt nhất xã.

Năm 1996, ngôi nhà xây dựng năm 1929 của gia đình ông Công Ngọc Dũng được TP.Hà Nội công nhận là di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ. Gia đình ông Dũng được đón rất nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội về thăm. Mỗi lần đến, các vị lãnh đạo đều chụp ảnh lưu niệm. Những bức ảnh ấy được gia đình ông Dũng treo trang trọng ở phòng khách như một cách lưu giữ ký ức đẹp và giáo dục con cháu về truyền thống tốt đẹp. Ông Công Ngọc Điệp, Bí thư Chi bộ 3, Đảng bộ phường Phú Thượng cho biết: “Đây là di tích giữ gần như nguyên vẹn trạng thái ban đầu. Chúng tôi có trách nhiệm khai thác, giữ gìn những gì thế hệ trước truyền lại. Đó là điều đáng trân trọng và tự hào của quê hương chúng tôi”.

Dương Thu

Tổng thống Mỹ Obama thăm nhà sàn Bác Hồ vào trưa nay

Thứ 2, 23/05/2016 | 11:16
Sau khi kết thúc lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch sáng nay, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có cuộc trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại nhà sàn Bác Hồ...

Chuyện về tiếng đánh máy chữ vang lên trong đêm khuya của Bác Hồ

Thứ 5, 03/09/2015 | 08:54
Sau này bà Bô mới biết rằng tiếng đánh máy chữ vang lên trong đêm khuya ấy chính là Bác Hồ đang soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.

Tổng thống Mỹ Obama thăm nhà sàn Bác Hồ vào trưa nay

Thứ 2, 23/05/2016 | 11:16
Sau khi kết thúc lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch sáng nay, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có cuộc trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại nhà sàn Bác Hồ...

Chuyện về tiếng đánh máy chữ vang lên trong đêm khuya của Bác Hồ

Thứ 5, 03/09/2015 | 08:54
Sau này bà Bô mới biết rằng tiếng đánh máy chữ vang lên trong đêm khuya ấy chính là Bác Hồ đang soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.
Cùng tác giả

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Đầu tư công hiếm nơi nào như Việt Nam

Thứ 2, 29/10/2018 | 09:44
Đề cập đến vấn đề đầu tư công dàn trải thời gian qua, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc.

Tín dụng đen tạo ra “chị Dậu thời đại mới”

Thứ 6, 26/10/2018 | 15:27
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại, băn khoăn về tình trạng tín dụng đen hoành hành gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

"Chúng ta không được phép quên những hy sinh của thế hệ cha anh"

Thứ 6, 27/07/2018 | 08:30
Trong 71 năm qua, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

"35 cảnh sát cơ động được tổ chức ôn thi rất kỹ"

Thứ 6, 20/07/2018 | 06:00
PV báo Người Đưa Tin có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng cục An ninh chính trị nội bộ A83, (bộ Công an) về những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, nơi có 35 cảnh sát cơ động dự thi.

Nguyên ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ đột ngột qua đời

Thứ 4, 04/07/2018 | 11:26
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khóa XIII đột ngột qua đời sau khi đến một cơ sở làm đẹp trên địa bàn.