Amip “ăn não” đáng sợ nhưng rất hiếm gặp

Amip “ăn não” đáng sợ nhưng rất hiếm gặp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Trong thời gian hơn 1 tháng, Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp tử vong do nhiễm loại amip ăn não người có tên gọi Naegleria Fowleri. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia y tế hàng đầu nước ta, đây là loại bệnh nguy hiểm nhưng rất hiếm gặp và có thể phòng chống.

Nhiều phụ huynh hoang mang

Tại khoa khám bệnh của bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thời gian này luôn chật kín người. Lác đác trong số đó có một vài trường hợp đưa con đến khám nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Chị Đặng Thị Thu, trú tại Thanh Oai, Hà Nội với tay chỉ đứa con trai 11 tuổi của mình đứng kế bên cho biết: Sau buổi học chiều cháu T. (con trai chị Thu) cùng các bạn trong lớp thường rủ nhau ra cái ao cạnh đường quốc lộ 21B để tắm, đùa cùng nhau với nước. Thời gian trước thì không vấn đề gì, mấy ngày nay bỗng thấy cháu bị viêm họng, hay đau đầu, sốt cao cộng với thông tin về loại amip ăn não người cho nên tôi đã phải vội vàng đưa con lên bệnh viện khám, điều trị. Rất may qua kiểm tra, thăm khám và làm các xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ của bệnh viện cho biết cháu T. chỉ bị sốt virus, về nhà uống thuốc vài ngày là khỏi.

Xã hội - Amip “ăn não” đáng sợ nhưng rất hiếm gặp

Người dân xếp hàng để khám chữa bệnh.

Anh Đỗ Thiện Trung, ở Phủ Lý, Hà Nam phân trần: "Trước thông tin về loại amip ăn não người khiến những người làm cha làm mẹ như chúng tôi hoang mang. Bởi các trẻ nhỏ ở quê thường xuyên tắm, rửa chân tay ở ao, hồ là chính. Hôm qua đứa con đầu nhà tôi bỗng dưng sốt cao, liên tục kêu đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, lo sợ sức khỏe cho con tôi đã tức tốc đưa con đến bệnh viện khám, điều trị. Qua khám chữa các bác sĩ cho biết cháu bị viêm họng, sốt cao, mất nhiều nước dẫn đến sức khỏe yếu chứ không liên quan gì tới căn bệnh amip ăn não người như người dân lo lắng.

Đề cập tới loại bệnh quái ác này, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Đây là một bệnh lạ, nói về tính chất thì bệnh này vô cùng nguy hiểm. Cả 2 ca được ghi nhận đầu tiên ở nước ta đều đã tử vong, với những nước đã ghi nhận bệnh này trước đó thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy nhiên bệnh chỉ đáng sợ mà không quá đáng ngại, bởi tỷ lệ gặp rất hiếm. Chẳng hạn ở Mỹ, amip Naegleria Fowler đã xuất hiện từ năm 1962 của thế kỷ trước, nhưng suốt 50 năm qua mới chỉ ghi nhận tổng cộng khoảng 133 ca mắc. Tương tự ở Oxtraylia mấy chục năm qua cũng chỉ ghi nhận khoảng 20 ca...

Rất hiếm gặp

Cũng theo bác sĩ Lâm, mặc dù amip ăn não người tồn tại ở vùng sông ngòi, ao hồ, nước ấm, lây sang người qua tiếp xúc với nguồn nước có chứa mầm bệnh nhưng nó khó xâm nhập vào cơ thể con người. Nó thường xâm nhập vào cơ thể từ đường mũi. Sau đó, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não, gây viêm màng não, làm tăng bạch cầu trong dịch não tủy.

Tuy nhiên, bản chất của amip là các ký sinh trùng, thông thường rất hiếm khi xâm nhập vào cơ thể người. Ngay cả khi tiếp xúc trong môi trường nước có chứa nguồn bệnh thì không phải ai cũng mắc bệnh này. Hiện chưa có thông tin cụ thể nào về những đối tượng có nguy cơ cao bị loại amip ăn não người xâm nhập. Song có thể những người có tiền sử bệnh hô hấp, đang có sẵn bệnh về mũi, họng thì khi tiếp xúc với môi trường nước nhiễm amip sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Theo TS. Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bộ Y tế thì: Đây là một bệnh rất hiếm gặp nhưng có tỉ lệ tử vong rất cao, diễn biến bệnh nhanh. Do vậy, người dân nên thận trọng đối với những nơi nước hồ, ao, sông, suối không được khử khuẩn. Đặc biệt là những hành vi nguy cơ cao như ngụp, lặn, bơi thì nên sử dụng kẹp mũi tránh để nước sộc vào mũi, vì đơn bào có trong nước bẩn rất dễ theo các niêm mạc mũi vào mạch máu và lên não. Trường hợp bị sặc nước lên mũi thì tốt nhất nên dùng dung dịch sát khuẩn mũi họng để xịt rửa mũi, đề phòng đơn bào di chuyển lên não vì khi đơn bào đã lên não thì tỉ lệ tử vong rất cao. Ngoài ra, người có các biểu hiện sốt, sốt cao, đau đầu, cứng gáy, rối loạn thị giác thì nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời".

Trường hợp cháu bé 5 tuổi bị amip ăn não đã tử vong nhưng không đi tắm, nghịch nước ở hồ, ao bao giờ, được giải thích như thế nào? Liệu trong nước sinh hoạt có ký sinh trùng amip tồn tại không? Tiến sỹ Bình và bác sỹ Lâm đều chung nhận định: Phải xem xét lại xem có đúng là không đi tắm bể bơi công cộng, nghịch nước hồ ao thật hay không? Nếu đúng như vậy, đó là một trường hợp cần phải nghiên cứu để biết thêm quy luật hoạt động của loại ký sinh trùng này.

Hoàng Văn