Anh chàng mang

Anh chàng mang "niềm vui màu sắc" đến người nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Delgarde đi khắp nơi, xin các hộp sơn cũ hoặc còn thừa về, tái chế số sơn đó để có một hộp sơn mới rồi đem tặng những gia đình chưa biết đến sơn màu là gì.

Ý tưởng xin sơn thừa và mục đích nhân đạo

Rony Delgarde di cư từ Haiti đến Mỹ chỉ với duy nhất 5 USD và một cuốn kinh thánh trong người. Hình ảnh đầu tiên anh thấy khi xuống sân bay Quốc tế Miami là các ngôi nhà được sơn sặc sỡ đầy màu sắc. Anh kể lại: "Các ngôi nhà ở đây được sơn màu vàng, trắng, đỏ, xanh rất đẹp và bắt mắt. Khi đó, tôi đã thốt lên: "Ồ, đây chính là đất nước của sơn!". Ngay lúc đó, tôi đã quyết tâm sẽ kiếm tiền và mua thật nhiều sơn để mang về quê hương mình".

Từ ý tưởng đó, tổ chức Sơn Toàn Cầu vì mục đích từ thiện đã ra đời. Ở Mỹ, Delgarde (38 tuổi) là một tư vấn viên chuyên về chăm sóc sức khỏe. Anh nung nấu trong mình ý tưởng "tái chế sơn còn thừa xin từ các công ty và người dân, tặng lại cho các gia đình nghèo ở các nước đang phát triển trên thế giới".

Delgarde cho hay: "Ở Haiti, chúng tôi phải chặt phá rất nhiều cây để nhóm lửa. Sau đó, chúng tôi nhặt đá ở sông, ném vào giữa ngọn lửa, canh lửa cháy trong một tuần. Khi hoàn thành, chúng tôi sẽ thu được một loại bột cực kỳ tuyệt vời làm sơn". Tuy nhiên, việc làm này ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hơn nữa, khuyết điểm của loại sơn bột này là dễ dàng bị trôi đi khi gặp mưa. Tổ chức phi lợi nhuận của Delgarde muốn làm một điều gì đó khác biệt mà vẫn bảo vệ được môi trường.

Hai năm trước, Delgarde bắt đầu đi đến các khu vực xây dựng tại vùng Atlanta, thu thập sơn thừa từ người dân. Anh đã thuyết phục họ cho anh số sơn còn dư thừa sau khi sơn nhà. Anh nói: "Tôi muốn thu thập phần sơn thừa và mang chúng đến những nơi con người chưa biết đến sơn là gì. Chúng tôi sẽ thay đổi cuộc sống của họ. Đó chính là thời điểm tôi bắt đầu thu thập sơn".

Xã hội - Anh chàng mang 'niềm vui màu sắc' đến người nghèo

Rony Delgarde bên các thùng sơn thừa trong kho Lulburn, Georgia, Mỹ.

Ed Spencer, một nhà tư vấn ở Atlanta nhận xét: "Tôi nghĩ, Delgarde đang làm một việc rất khó. Mọi người cho rằng, Delgarde đang làm một việc bất khả thi và sẽ ít người ủng hộ anh. Ngay việc thuyết phục mọi người cho sơn cũng mất khá nhiều thời gian, chưa kể đến việc tái chế. Tuy nhiên, đây lại là ý tưởng rất thông minh và nhân đạo. Delgarde chỉ mất công đi xin sơn thừa, không mất nhiều tiền mua sơn mà người nghèo vẫn có được một ngôi nhà với nhiều màu sơn đẹp được miễn phí".

Máy tái chế sơn mang lại niềm hi vọng

Delgarde đã tặng 6.000 gallons (khoảng 22.712 lít) sơn cho các dự án xây dựng ở Kenya, Haiti và Uganda. Gần đây, anh đã quay lại Guinea xích đạo, nơi anh đã tài trợ 200 gallons (khoảng 757 lít) sơn cho một trại trẻ mồ côi nuôi dưỡng những đứa trẻ mất cha mẹ vì bệnh HIV/AIDS. Delgarde cho biết: "Khi nhìn các trường học, bệnh viện, các gia đình không được sơn màu, trái tim tôi như bị bóp nghẹt. Tôi tự nhủ, mình cần phải làm một điều gì đó".

Nhà tư vấn Ed Spencer hoàn toàn ủng hộ dự án của Delgarde. Ông cho biết: "Tôi giúp Delgarde vì hai mục đích: Thứ nhất là tái chế để bảo vệ môi trường, thứ hai là giúp đỡ mọi người". James Doherty, chuyên gia về thông tin tại Thư viện và Bảo tàng Jimmy Carter ở Atlanta rất vui mừng khi tặng số sơn còn lại cho Delgarde vì mục đích tốt: "Tôi rất hứng thú khi nghe về Sơn Toàn Cầu và mục đích sử dụng sơn cho các quốc gia đang phát triển còn nghèo, vì chúng tôi cũng không biết làm gì với số sơn còn thừa đó. Sơn Toàn Cầu đã giúp tôi giải quyết vấn đề nan giải này. Họ vừa giúp chúng tôi giải tán số sơn không dùng đến, vừa giúp chúng tôi làm được việc tốt".

Ngoài số sơn thừa, Delgarde còn nhận được tiền từ các nơi tài trợ để giúp anh bù đắp phần chi phí vận chuyển sơn. Sau khi nhận được sơn, Delgarde thường lái xe đến một trong ba kho chứa. Delgarde nói: "Chúng tôi phải tách sơn theo màu, theo thương hiệu, đặc tính và sau đó là quá trình hợp nhất màu sơn. Rồi sơn được đổ các thùng loại 5 gallons (khoảng 19 lít) và chuyển sơn đến các gia đình nghèo". Delgarde còn cho biết, các cuộc gọi tài trợ sơn đã tăng từ 12 cuộc mỗi tuần lên đến 30.000 - 40.000 cuộc mỗi ngày. Hiện tại, anh đang tìm một nhà kho mới để tiếp tục quá trình tái chế.

Các sinh viên từ trường Công nghệ Georgia đã kết hợp với Sơn Toàn Cầu, chế tạo một chiếc máy phục vụ cho quá trình tái chế. Tổ chức Sơn Toàn Cầu cũng đầu tư 95.000 USD để lắp đặt chiếc máy này. Delgarde hi vọng: "Chúng tôi có thể tái chế 3.000 gallons (khoảng 11 lít) sơn mỗi ngày nếu có chiếc máy này. Tôi mong giấc mơ này sẽ thành hiện thực".

An Mai (Theo CNN)