Anh Thơ: Không đày đọa mình vì...cát xê cao

Anh Thơ: Không đày đọa mình vì...cát xê cao

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa, Anh Thơ là một ví dụ điển hình cho nỗ lực không mệt mỏi của người nghệ sĩ. Với những ca khúc như Khúc hát sông quê, Xa khơi, Mưa rơi, Đợi... chị đã để lại nhiều cảm xúc mãnh liệt mà lắng đọng trong lòng công chúng.

“Cảm giác thần tượng không còn...”

Giải Sao Mai 2011 đã kết thúc. Theo đánh giá của nhiều người, dòng nhạc dân gian năm nay kém hơn so với các dòng nhạc khác và so với mọi năm? Có phải dòng nhạc kén khán giả này đang có xu hướng đi xuống?

Tôi không nghĩ là dòng nhạc dân gian đang đi xuống hay bị mai một, lãng quên như một số người vẫn nghĩ. Những năm gần đây, không chỉ dân gian mà hầu hết các dòng nhạc khác đều không thể tìm thấy nhân tài trong các cuộc thi của mình. Đơn giản vì có quá nhiều các cuộc thi liên tục tổ chức.

Ca sĩ Anh Thơ

Các thí sinh không đủ thời gian để tập luyện, kĩ thuật chưa nắm vững, kinh nghiệm ca hát chưa nhiều thì việc họ bị chê hay không thành công đó là điều đương nhiên. Kể cả giải nhất cũng bị chê. Vì giải cũng chỉ là giải, nhất là nhất lúc đó, trong phạm vi đó. Đã thi thì ban giám khảo cũng phải cố tìm ra một người nổi trội nhất để trao giải. Nói gì thì nói, để hát hay thì phải có sự đào tạo. Mà đào tạo thì phải có quá trình, có thời gian.

Trong số những giọng hát dân gian gần đây, chị thấy ấn tượng với ai nhất?

Trong nghề để khen hay ấn tượng ai đó thì khó lắm. Thế hệ trước, tôi từng thần tượng các cô, các chú như Thu Hiền, Thanh Hoa, Quang Thọ, Trung Đức... nhưng rồi đến lúc được đứng biểu diễn cùng họ, cảm giác thần tượng không còn nữa. Thay vào đó là một tình cảm khác, đó là sự trân trọng giữa những đồng nghiệp. Với các em trẻ sau này, tôi thấy có Bùi Lê Mận hát khá tình cảm nhưng giọng vẫn còn bị hạn chế nhiều, hát quãng vẫn còn ngắn.

Tiền ai cũng thích nhưng phải biết giới hạn

Có phải bây giờ khi đã thành danh thì chị cũng nổi tiếng là người kén show diễn?

Tôi kén không phải là chảnh hay hét giá đâu. Mà đó là một cách để nâng niu và tôn trọng chính mình. Tiền thì ai cũng thích cũng cần nhưng phải biết giới hạn. Rất nhiều lần tôi được mời đến hát ở các bàn nhậu với lượng cát xê rất cao. Nhưng sau đó tôi nghĩ việc gì phải đày đọa mình như thế. Người ta mặc bộ váy 15 - 20 triệu thì mình chỉ cần mặc lấy bộ 3 - 5 triệu, vẫn đẹp mà lại nhàn cái thân. Chứ cứ lăn hết chỗ này sang chỗ kia thì không chỉ tiếng hát mà cả nhan sắc, cuộc sống của mình cũng sẽ bị phai phôi đi thôi. Bây giờ tôi chỉ đi hát ở những hội nghị sang trọng, những chương trình có ý nghĩa.

Thế mà người ta vẫn bảo chị giàu lắm?

Tôi cũng nghe nhiều người hỏi thế. Nhưng kì thực so với nhiều em trẻ mới vào nghề tôi còn kém xa họ về tiền. Họ mới vào nghề vài ba năm nhưng đã có nhà cửa, ô tô. Tôi thì nhà cũng là do chồng mua. Tiền tôi kiếm chỉ đủ góp vào nuôi con.

Chị có con gái khá lớn, chị có định hướng cho con theo sự nghiệp ca hát giống mình?

Con gái tôi cũng có năng khiếu về âm nhạc. Thuộc lời và nhạc rất nhanh, đặc biệt thích nghe mẹ hát. Nhiều lúc bé có những góp ý khiến tôi giật mình. Ví dụ như có lần tôi hát ca khúc Tháng tư về với bản phối pop kết hợp dân gian. Có đoạn tôi hát theo phong cách dân gian, con gái tôi bảo: “Bài này nhạc trẻ, mẹ nên bớt đi những chỗ luyến láy”. Tôi nghe lời bé và đúng là thấy hay hơn thật. Còn tương lai nghề nghiệp của con gái, tôi muốn nó được phát triển tự nhiên.

Chị là người kín đáo nên ít nói về gia đình mình trên báo chí hay chị không thực sự hài lòng với hạnh phúc của mình nên ngại khoe?

Có nhiều báo mời tôi lên chuyên mục hạnh phúc gia đình nhưng tôi luôn từ chối. Có lẽ vì thế mà họ nghĩ là gia đình tôi không trọn vẹn chăng? ở tuổi tôi bây giờ mọi thứ đã lắng xuống rồi. Hạnh phúc nào mới mẻ mà chẳng bị cũ đi. Tuy nhiên tôi là tuýp phụ nữ gia đình. Thay vì chạy show kiếm tiền tôi dành thời gian đó để chăm sóc con cái. Tôi không quá mải mê sự nghiệp để đánh đổi tất cả. Vậy thì có lí do gì để chồng phàn nàn nữa.

Không thể có bước đi dài nếu thiếu sự tập luyện

Điều gì đã giúp chị hát hay đến thế, nhất là với những ca khúc trữ tình quê hương như Khúc hát sông quê, Xa khơi?

Có lẽ đó là sự mộc mạc, giản dị. Ngoài khả năng kĩ thuật được rèn luyện, hát dân gian phải thực sự cảm xúc mới có thể chạm đến trái tim người nghe. Có lần đi diễn ở nước ngoài, có một khán giả đã nói với tôi rằng, họ khóc khi nghe tôi hát Khúc hát sông quê. Với họ đó gần như là Quốc ca. Tôi thực sự hạnh phúc vì những tình cảm đó.

Gần đây chị lại trượt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trong khi nhiều người cho rằng chị xứng đáng được nhận danh hiệu đó?

Tôi nghĩ danh hiệu cao quý nhất đó là sự công nhận của nhân dân thì tôi đã có rồi. Giải thưởng nào cũng đều dựa trên những quy tắc, quy chế nên việc xét duyệt trở nên cứng nhắc là điều bình thường. Tôi thiếu số năm biên chế nên bị loại dù được nhà trường đề cử với diện đặc cách. Nhưng tôi cũng không buồn lắm đâu, không được trước thì được sau.

Theo chị điều quan trọng nhất đối với các ca sĩ trẻ là gì?

Đó là sự tập luyện bài bản. Nếu không có điều đó, họ khó có thể đi dài trong sự nghiệp ca hát.

Chị nhấn mạnh sự rèn luyện khiến tôi nhớ đến tuổi thơ vất vả của chị. Dường như Anh Thơ thành công là nhờ có những nỗ lực hơn người?

Đúng vậy. Nhưng tôi không muốn nhắc đến tuổi thơ nghèo khó của mình nữa. Dù biết rằng thật khó để quên đi những ngày tháng cơ cực ấy.

Tôi vốn xuất phát điểm thấp. Ngày xưa cha mẹ nghèo nên mình mang sự tự ti, mặc cảm. Tôi thích hát và hát khá hay nhưng chưa bao giờ dám mơ trở thành ca sĩ nổi tiếng. Cho đến lúc đã chạm tay vào cánh cửa giấc mơ đó, tôi đã phải nỗ lực không chỉ gấp đôi mà là gấp 3, 4 lần so với người khác.

Ngày đó, tôi luôn là người đến sớm nhất để dành lấy một phòng tập, vì tôi sợ đến muộn thì sẽ không còn phòng cho mình nữa. Thậm chí nhiều lúc đến sớm quá phải đứng lặng lẽ đợi ngoài cửa chờ người ta ăn cơm xong mới dám vào mượn chìa khóa phòng tập. Rồi đi hát ở các quán bar, phòng trà vì mưu sinh. Hồi đó cát xê không cao như bây giờ. Chỉ có mấy chục nghìn đủ để ăn cơm bụi. ấy thế mà tôi vẫn sống được bằng những đồng tiền ít ỏi ấy. Không cần đến sự chu cấp của bố mẹ vì họ còn phải lo cho 3 đứa em sau tôi nữa. Ở Hà Nội ngày đó tôi cô đơn lắm. Không có ai thân thiết, họ hàng (dù là họ hàng xa) cũng không có.

Đào Bích