Ðất rừng Sóc Sơn ngày càng bị thu hẹp

Ðất rừng Sóc Sơn ngày càng bị thu hẹp

Thứ 6, 24/05/2013 | 14:27
0
Trong những năm gần đây, do buông lỏng quản lý, nhiều héc-ta rừng Sóc Sơn giao khoán cho các hộ dân đã bị chuyển nhượng, thay đổi mục đích sử dụng, làm diện tích đất rừng ngày càng bị thu hẹp, gây bức xúc trong dư luận.

Diện tích rừng bị thu hẹp

Cách tuyến đường 35 gần 3 km, ngay sát dưới chân núi Hàm Lợn là vùng đất bằng phẳng, rộng hàng chục héc-ta. Nơi đây có nhiều ao, hồ, có chức năng điều tiết nước trong khu vực và phòng, chống cháy rừng, cây rừng phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, diện tích mặt nước, cây xanh ở đây dần bị "teo lại", nhường chỗ cho những công trình xây dựng. Anh Ðức, một người dân thôn Phú Hữu, xã Minh Phú cho biết, đây là diện tích đất rừng của Lâm trường Sóc Sơn giao khoán cho công nhân khoảng 20 năm trước. Sau khi nhận đất, nhiều hộ đã bán đất cho người khác, xây dựng nhà cửa kiên cố, khiến đất rừng ngày càng bị thu hẹp.

Hiện toàn bộ khu đất trong khu vực đã được phân chia thành nhiều khuôn viên, xây dựng tường rào chắc chắn. Nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên, trong đó có nhiều ngôi nhà cao ba, bốn tầng và công trình phụ trợ, hình thành khu dịch vụ du lịch khép kín. Trong khu vực này còn có công trình xây dựng đồ sộ thuộc dự án nhà dưỡng lão đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khi được hỏi về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đại diện thanh tra xây dựng xã Minh Phú quả quyết, từ giữa năm 2011 đến nay, xã có bảy công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, năm công trình tự khắc phục sai phạm, hai công trình bị cưỡng chế tháo dỡ. Các vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu trên đất giãn dân và đất nông nghiệp. Trên địa bàn xã không còn tồn đọng vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể về công trình xây dựng thuộc dự án nhà dưỡng lão, vị cán bộ thanh tra xây dựng lúng túng cho biết, công trình xây dựng không phép cho nên đã bị đình chỉ thi công vào năm 2011. Chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để xin giấy phép xây dựng.

Việt Nam Xanh - Ðất rừng Sóc Sơn ngày càng bị thu hẹp

Hàng chục lô đất đã được quây tường bao tại hai xã Minh Phú và Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn.

Trao đổi với phó chủ tịch UBND xã Minh Phú Ðào Xuân Tân, chúng tôi được biết, từ năm 1993 đến năm 2003, Minh Phú là "điểm nóng" về vi phạm trật tự xây dựng, tình trạng cấp đất trái thẩm quyền và gần 100 trường hợp chuyển nhượng đất rừng trái phép với diện tích hơn 64 ha... Bí thư Ðảng ủy và cán bộ địa chính - nhà đất bị xử lý kỷ luật vào năm 2006.

Từ năm 2007 cho đến nay, công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã được chấn chỉnh. Chính quyền đã thực hiện tách đất ở nằm chồng lấn đất rừng, do người dân tự khai hoang, xây dựng nhà ở từ trước năm 1990. Tuy nhiên, do chưa thực hiện cắm mốc và xác định ranh giới tại thực địa, cho nên công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương gặp vướng mắc. Gần 100 hộ dân đã sinh sống ổn định nhiều năm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác quản lý đất đai và việc phối hợp chính quyền địa phương để xử lý các sai phạm của đơn vị quản lý rừng còn thiếu chặt chẽ.

Sớm thực hiện quy hoạch rừng

Sở tài nguyên và môi trường Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra tại công ty TNHH một thành viên đầu tư và Phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn, tiền thân là Lâm trường Sóc Sơn, địa chỉ tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội)- đơn vị được giao quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển gần 2.100 ha rừng tại huyện Sóc Sơn. Kết luận thanh tra chỉ rõ, trong quá trình quản lý, sử dụng, công ty đã để hình thành khu dân cư lâm nghiệp với diện tích hơn 31 ha; ký hợp đồng cho Công ty cổ phần Cờ Ðỏ thuê hơn 2.000 m2 đất làm nhà xưởng sản xuất. Ðặc biệt, tình trạng người dân nhận đất giao khoán của công ty, sau đó chuyển nhượng, biến đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng phòng hộ, đặc dụng thành đất ở.

Theo phó giám đốc sở tài nguyên và môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, những sai phạm trên đã được thanh tra chính phủ kết luận tại Văn bản số 754/TTCP ngày 17-04-2006. Sau đó, công ty lâm nghiệp Sóc Sơn đã phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn và UBND các xã xử lý nhiều trường hợp xây dựng trái phép, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn xử lý dứt điểm. Trách nhiệm này thuộc về giám đốc và tập thể lãnh đạo công ty lâm nghiệp Sóc Sơn.

Theo chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt, thực hiện kết luận của thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện đã kiểm điểm trách nhiệm và xử lý các cán bộ sai phạm; chấn chỉnh công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng; rà soát, phân loại xử lý vi phạm về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất ở; xử lý vi phạm trật tự xây dựng... Ðối với một số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng với diện tích lớn, huyện đang kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. UBND huyện đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và bóc tách được gần 1.000 ha đất ở của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993 nằm chồng lấn với quy hoạch rừng năm 1988. Sau đó, UBND huyện chỉ đạo ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng huyện Sóc Sơn tiến hành lập dự án điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2008, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm trễ.

Trước tình hình này, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Sở Xây dựng cùng UBND huyện Sóc Sơn rà soát, kiểm tra, đề xuất phương án xử lý đối với các công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp. Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm... Về lâu dài, UBND thành phố cần chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch rừng năm 2008, nhất là việc cắm mốc giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính về rừng; tiếp tục rà soát các công trình xây dựng trên đất rừng, rà soát việc xét duyệt, giao đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; sắp xếp lại bộ máy quản lý, bảo vệ rừng...

Theo Nhân dân

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội bị đánh giá tiêu cực nhất

Chủ nhật, 07/04/2013 | 11:56
Gần 90% người được hỏi không hài lòng với thái độ giải quyết công việc của Sở Tài nguyên Môi trường một trong 5 sở được Thành ủy Hà Nội khảo sát.

Doanh nghiệp "chạy làng", ngành Tài nguyên vô can?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Hằng năm lượng cát, sỏi được khai thác từ hai con sông này lên tới cả triệu mét khối, nhưng số tiền thu được cho ngân sách địa phương chẳng là bao…

Nhân lực tài nguyên môi trường đang mất cân đối

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Cơ cấu nhân lực giữa các ngành tài nguyên môi trường của Việt Nam đang rất mất cân đối. Nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2%, nhân lực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn chỉ chiếm 1%; địa chất khoáng sản chiếm 1,8%...

Coi chừng "mắc lừa" kẻ xấu "tận diệt" tài nguyên quốc gia

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta nên nhìn vào những "bài học" trước mà rút kinh nghiệm.