Bà lão 80 tuổi mở trường dạy học cho trẻ bụi đời

Bà lão 80 tuổi mở trường dạy học cho trẻ bụi đời

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Gần 15 năm kể từ lúc mở lớp học tình thương, dù có lúc tưởng không thể duy trì lớp vì không còn kinh phí nhưng bà giáo Mười vẫn cố gắng duy trì lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo lang thang. Nhờ đó, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, có nghề nghiệp hay tiếp tục học cao hơn.

Lớp học của bà Mười (tên thân mật người dân hay gọi của cô giáo Lữ Thị Lệ Nương, 80 tuổi) đơn sơ, nằm nép bên cầu Tân Thuận (khu phố 3, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM). Hỏi những người dân vạn chài sống trên dòng Kinh Tẻ cạnh cầu Tân Thuận, ai cũng biết đến bà Mười, người có gần 15 năm gắn bó với lớp học tình thương do mình sáng lập. Dù mái tóc bạc trắng và bước đi không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng đều đặn hàng ngày bà Mười vẫn đạp xe đến lớp học để dạy cho những trẻ em lang thang không chỉ con chữ, mà còn cả cách sống thành người có ích.

Xã hội - Bà lão 80 tuổi mở trường dạy học cho trẻ bụi đời

Lớp học vẫn hàng ngày có hơn 50 học sinh theo học

Lớp học tình thương

Lớp học của bà Mười nằm trong Trung tâm học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây, quận 7, chỉ có hai phòng, một phòng dùng để chứa đồ dùng học tập, phòng còn lại để cho học sinh đều đặn ngày hai buổi ngồi học bài. Lớp học đơn sơ nhưng đã tạo nền tảng kiến thức cho bao em học trò nơi xóm nghèo được biết đến con chữ, được học nghề và học lên các lớp cao hơn tại nhiều trường trong thành phố. Lớp học nhỏ nhưng hiện đang có hơn 50 học sinh tới học bài mà không phải đóng tiền. Bà Mười chia sẻ: "Đã gần 15 năm gắn bó với lớp học tình thương, nhiều thế hệ học trò đã thành người, bây giờ ngày nào tôi cũng mong được nhận thêm nhiều học sinh nghèo lang thang nữa để có thể góp chút sức mình dạy chúng nên người".

Nhớ về ngày đầu mới mở lớp, bà Mười tâm sự: "Năm 1988, trên đường đi chợ về tôi thấy một đám trẻ ngồi quanh một gốc cây, tò mò tôi đến xem thử thì thấy chúng đang ngồi tập đánh vần, viết chữ với một nhóm thanh niên. Thì ra đó chính là nhóm sinh viên tình nguyện đi "Mùa hè xanh". Cảm động trước những tấm lòng đó, tôi cũng cố gắng hàng ngày ra tại địa điểm này để cùng các em dạy học. Rồi thành thói quen, tôi thường phụ các em sinh viên chuyện cơm nước và đi xin giấy tập cho lũ trẻ học. Chương trình "Mùa hè xanh" kết thúc, lớp học bơ vơ, tôi lại một mình gầy dựng lại từ đầu. Trải qua nhiều năm, thay đổi không biết bao nhiêu là chỗ học, đến giờ đã được UBND phường Tân Thuận Tây (quận 7) đưa vào trung tâm học tập cộng đồng của phường.

"Để giúp những trẻ em lang thang không trở thành những thành phần bất hảo trong xã hội và cũng là để trả cái nợ với đời và niềm đam mê được đứng lớp, tôi đã gom chúng lại để dạy học. Nhưng để tập trung được chúng không phải dễ, bởi chúng chủ yếu là con của dân vạn chài sống nay đây mai đó, hay những trẻ em lang thang bụi đời. Thế là hàng ngày tôi cố gắng đạp xe vào những con hẻm, đến những gia đình nghèo có trẻ em, hay xuống những ghe thuyền lụp xụp để thuyết phục cha mẹ chúng cho con cái đi học. Thời gian đầu rất khó khăn vì các em không thích học và rất quậy phá, nhưng đến giờ các em đã rất chăm chỉ, biết nghe lời, nhiều em còn học rất giỏi và được đi thi ở nhiều cuộc thi trong thành phố nữa. Nhờ đó mà trẻ em vùng này ít quậy phá hơn, người dân cũng bớt phàn nàn về chúng", bà Mười chia sẻ.

Hỏi về động lực gì khiến bà gắn bó với lớp học tình thương ngần ấy thời gian, bà nói: "Trẻ em muốn thành người cần phải được đi học, trẻ em nghèo lại càng phải được đến trường. Các em cũng có ước mơ, có hoài bão về cuộc sống chứ. Bản thân tôi dù đã già, cuộc sống cũng không mấy dư giả những tôi sẽ cố gắng giúp đỡ các em đến bao giờ có thể. Các em học ở đây phải làm đủ thứ nghề để tự kiếm sống, phải mưu sinh từ nhỏ nên các em rất khôn ranh, chỉ cần có người chỉ dạy tận tình là các em học rất giỏi và rất ngoan. Đối với tôi hạnh phúc nhất là được sống bên những em học trò, để chứng kiến chúng ngày càng khôn lớn và làm người có ích".

Không có nguồn tài trợ lâu dài, bà Mười lại phải một mình vận động bà con cho thêm tập sách. Nhiều người hảo tâm gần xa giúp đỡ nên bà quyết tâm duy trì lớp học đến cùng, tám năm nay, lớp học được một bác sĩ tài trợ cho tiền trả lương giáo viên (lớp học thuê 3 giáo viên đứng lớp) nên bà cũng bớt lo lắng thêm phần nào. Bà Mười giờ tuổi đã cao, không trực tiếp dạy học nữa, nhưng bà vẫn hàng ngày đến lớp theo dõi, chỉ dạy cho học sinh. Không chỉ dạy kiến thức sách vở mà chính tấm gương vượt khó của bà còn giúp học sinh hoàn thiện bản thân trong giao tiếp xã hội, giúp các em học đạo lý làm người, biết yêu thương chia sẻ.

Xã hội - Bà lão 80 tuổi mở trường dạy học cho trẻ bụi đời (Hình 2).

Bà Mười luôn tâm đắc với lớp học

Chắp cánh cho học trò nghèo

Với nhiều học sinh nghèo, lớp học của bà Mười là động lực, là bước đệm không thể thiếu trong hành trình tương lai của bản thân. Chính tại đây trẻ em nghèo được lớn lên, được học văn hóa và học lẽ phải. Không phải tự nhiên mà lớp học này tồn tại, chính tình thương yêu đối với học trò của bà Mười đã chắp cánh cho chúng trên con đường đời.

Cô giáo Tôn Nữ Thanh Trúc, người đang dạy tại lớp học của bà Mười cho biết: "Bà Mười như một bà giáo tiên của trẻ em nghèo. Bà Mười có cái tâm tốt, luôn nghĩ cho những mảnh đời bất hạnh. Tuổi già giờ đáng lẽ bà Mười phải được nghỉ ngơi, vậy mà bà vẫn miệt mài đạp xe đi tìm trẻ em lang thang để dạy học. Tôi rất cảm phục trước tấm gương của bà Mười, mong rằng bà luôn khỏe để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến lớp, để tuổi thơ chúng không phải vất vả mà đầy ắp tiếng cười".

Em Nguyễn Hoàng Phong (học sinh lớp 5) kể: "Ba mẹ con mất khi con còn nhỏ nên con sống với bà ngoại, bà con nghèo nên không có tiền cho con đi học. Cô Mười đã đến tận nhà động viên và cho con học miễn phí mấy năm nay. Cô không lấy tiền mà còn cho tụi con tập sách, bút để học nữa. Những dịp Trung thu hay ngày Quốc tế Thiếu nhi cô Mười đều cho tụi con quà, con rất vui và sẽ cố gắng học để được vào lớp 6. Mấy bạn con trước đây phá lắm, đêm cứ lang thang ngoài đường, từ khi vào đây, được cô Mười và những cô giáo khác dạy bảo, giờ ai cũng ngoan và rất thương nhau nữa. Hàng ngày tụi con đi bán vé số, có người đi phụ bán quán cơm cho người ta, nhưng có thời gian rảnh là đến lớp để học".

Thương lũ trẻ nghèo khổ, bà Mười còn xin nhiều việc làm thêm cho chúng như phụ giữ xe, phụ quán giải khát để chúng có thêm tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Hầu hết các em đến học đều không có giấy khai sinh, bà lại phải lặn lội một mình đi xin làm giấy tờ và học bạ cho chúng, để khi chúng học hết chương trình ở lớp của bà, có thể học lên các lớp cao hơn của các trường trong thành phố, để lũ trẻ có thể dễ dàng hòa nhập với những bạn bè cùng trang lứa. Bà Mười còn có dự định sẽ nhờ các trường dạy nghề về tại lớp học dạy cho lũ trẻ, để sau này nếu không có điều kiện học cao lên, chúng cũng có nghề để mưu sinh.

Gần 15 năm dạy học, hàng trăm trẻ em nghèo, lang thang tại lớp học được cô giáo không lương dạy cho cái chữ để biết phân biệt đâu là lẽ phải cuộc đời. Ngần ấy vốn liếng kiến thức và tình thương yêu vô vị lợi của bà Mười đã tiếp thêm sức mạnh, khơi dậy trong các em lòng trắc ẩn sâu xa để vào đời kiếm sống bằng những nghề chân chính. Mặc dù chưa một ngày được học về phương pháp sư phạm, nhưng chính tấm lòng nhiệt huyết của bà Mười đã khích lệ, chắp cánh ước mơ cho những trẻ thơ hiếu học bên dòng kênh Tẻ nghèo nàn. Từ lớp học này, các em sẽ hòa nhập, và tôi tin rằng các em sẽ không bao giờ quên hình ảnh bà giáo già tận tụy, hết lòng vì chúng.

"Bà Nương là một tấm gương sáng"

Bà Lữ Thị Lệ Nương là một công dân tốt, là tấm gương cho nhiều bạn trẻ phải noi theo. Lớp học tình thương chính là tâm huyết của bà, đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của tuổi già mà không phải ai cũng làm được. Chúng tôi rất tự hào vì có một công dân gương mẫu như thế trên địa bàn.Ông Trần Văn Phú, trưởng Khu phố 5, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM.

Công Thư