Bác sĩ để cô gái ở Cà Mau chết bị xử quá nhẹ?

Bác sĩ để cô gái ở Cà Mau chết bị xử quá nhẹ?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Cơ quan chức năng ra kết luận, ê kíp trực này đã bỏ sót tình trạng bệnh lý, không khám toàn diện dẫn đến chẩn đoán sai, nạn nhân không được siêu âm tổng quát, chụp X quang đầu cũng như theo dõi diễn tiến bệnh thường xuyên nên đã tử vong sau một ngày đêm nhập viện.

Gần một tuần sau sự việc nạn nhân Dương Thị Thu H (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chết sau khi không được các bác sĩ cứu chữa kịp thời, cơ quan chức năng ra kết luận, ê kíp trực này đã bỏ sót tình trạng bệnh lý, không khám toàn diện dẫn đến chẩn đoán sai, nạn nhân không được siêu âm tổng quát, chụp X - quang đầu cũng như theo dõi diễn tiến bệnh thường xuyên nên đã tử vong sau một ngày đêm nhập viện.

Cổng bệnh viện Năm Căn bị phá tan hoang

Dù ngành chức năng đã có những biện pháp xử lý kỷ luật với kíp trực này, nhưng dư luận vẫn "nóng" với câu hỏi: "Theo quy định của pháp luật, các y bác sĩ này có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không vì thực tế ngay từ khi xảy ra sự việc, điều khiến hàng ngàn người dân địa phương phẫn nộ chính là thái độ, cách hành xử của các y bác sĩ?". Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp luật để giải đáp câu hỏi này.

Khi lương y "vô cảm"!

Hôm 4/7, nguồn tin từ Sở Y tế Cà Mau cho biết, cơ quan này đã chưyển toàn bộ hồ sơ đánh giá việc khám chữa bệnh của kíp trực, cùng với kết luận của Hội đồng khoa học về những sai sót của các y bác sỹ sang cơ quan điều tra. Trước đó, Giám đốc Sở này đã ký quyết định cách chức, chuyển công tác sang bộ phận khác đối với bác sĩ Nguyễn Huy Tú, Phó Trưởng khoa sản Bệnh viện đa khoa Năm Căn. Hai cán bộ và êkíp trực hôm xảy ra sự việc dẫn đến cái chết của bệnh nhân gồm điều dưỡng viên Hồ Minh Cảnh, y sĩ Tô Văn Phước cũng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

Dù cơ quan chức năng đã có động thái "trảm tướng" bằng những việc làm trên nhưng dư luận vẫn chưa mấy đồng tình với "án phạt" này. Một người dân cho biết: "Cán bộ, bác sĩ thiếu trách nhiệm gây hậu quả chết người như thế chỉ bị cách chức, chuyển sang công tác khác 1 năm. Biết đâu một năm sau khi hết án phạt, ông này sẽ lên chức Trưởng khoa hoặc Phó Giám đốc bệnh viện?. Theo chúng tôi, nếu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chết người thì cơ quan chức năng cần xem xét xử lý hình sự đúng người, đúng tội để tránh những trường hợp tương tự".

Liên quan đến kiến nghị trên, đại tá Lê Thanh Sơn, Trưởng công an huyện Năm Căn cho biết đến nay vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức từ phía người thân của nạn nhân về việc xem xét trách nhiệm hình sự của các y bác sĩ đối với cái chết của em H. "Nếu gia đình có đơn yêu cầu, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ cân nhắc và xem xét", ông Sơn nói.

Y, bác sĩ có dấu hiệu phạm tội?

"Quy trình cấp cứu trong bệnh viện theo qui định của Bộ Y tế gồm 4 bước sau:

1. Xe cấp cứu vào cổng bệnh viện và được nhân viên y tế đón bằng xe đẩy hoặc băng ca. Sau đó đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Tiến hành sơ cứu: Tại phòng cấp cứu sẽ được lấy máu xét nghiệm, xử trí các trường hợp hôn mê, dùng các biện pháp cầm máu (nếu có).

2. Người nhà làm thủ tục, đóng tiền xét nghiệm.

3. Bệnh nhân sẽ được chỉ định cận lâm sàng. Sau khi bác sĩ kết luận có cần nhập viện hay không.

4. Nếu nhập viện: Người nhà cầm giấy nhập viện của bác sĩ đưa, ra sảnh đăng ký khám bệnh để đóng tiền tạm ứng đăng ký phòng nhập viện.

Như vậy, so sánh với quy trình trên thì các bác sĩ tại Bệnh viện Năm Căn đã làm sai quy trình".

Bác sĩ Nguyễn Thanh Huy

(Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM)

Nhận định về sự việc, ông Võ Văn Thêm (Viện Kiểm sát và xét xử phúc thẩm VKSND tối cao tại TP. HCM) nhận định, trong sự việc này, rõ ràng bác sĩ trực tiếp khám cho bệnh nhân đã có lỗi. "Theo phản ánh, người nhà bệnh nhân đã cầu cứu bác sĩ nhiều lần nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ, khám bệnh cho qua. Họ đã không nhiệt tình với công việc, bỏ mặc sự sống chết của bệnh nhân nên có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp. Còn bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm liên đới như bồi thường cho gia đình nạn nhân".

"Xét về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội thì những y bác sĩ này thật sự đáng trách, không thể chấp nhận được. Trong khi người dân xa lạ còn đưa bệnh nhân đến bệnh viện cứu chữa, thế mà với tư cách bác sĩ, họ lại làm việc vô lương tâm như vậy", ông Thêm bình luận.

Luật sư Phạm Văn Minh (Đoàn luật sư TP. HCM) cũng đồng quan điểm nêu trên. Ông cho rằng: "Cứu người như cứu hỏa" bất kể vì lý do gì mà bác sĩ chậm trễ trong việc cứu chữa cho người bệnh là họ đã sai. Các y bác sĩ của bệnh viện không thể phủi tay chối bỏ trách nhiệm. Tôi tin rằng sắp tới sẽ có một quyết định hợp lí từ phía cơ quan chức năng".

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP. HCM) thì khẳng định: "Các y, bác sĩ này đã vô trách nhiệm, không làm việc hết lòng, bỏ sau lưng sự nguy kịch của bệnh nhân, không bận tâm đến sự nài nỉ của gia đình người bệnh, dẫn đến bệnh nhân tử vong. Những hành vi này đã có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm với công việc gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS)".

Thân nhân người chết có thể khiếu nại

Một số chuyên gia pháp luật khác thì lại có ý kiến dè dặt hơn. Luật sư Ngô Thị Ngọc (Đoàn Luật sư TP. HCM) phân tích: Cần phải xem xét trên toàn diện sự việc để quy lỗi đúng người đúng tội. Không cứ lúc nào bệnh nhân chết thì lỗi đều thuộc về bác sĩ, nếu vậy chắc sẽ không ai dám hành nghề y. "Xét riêng về vụ việc này, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của em H do nhiều lí do khác nhau, trong đó một phần trách nhiệm thuộc về các bác sĩ của bệnh viện, song nếu kết luận tội danh ngay lúc này e rằng còn quá sớm. Tôi tin tưởng và hi vọng cơ quan chức năng điều tra công tâm và sớm đưa ra quyết định đúng đắn, để an lòng gia đình nạn nhân và dư luận", bà Ngọc nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng thì phân tích cụ thể hơn: Chỉ khi nào có đủ cơ sở hoặc có khiếu nại từ phía người nhà bệnh nhân, cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận bác sĩ chẩn đoán sai thì khi đó bác sĩ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội vô ý làm chết người. Theo ông Hùng: "Bản thân tôi sau nhiều ngày theo dõi tiến trình vụ án, tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về nhiều người, các bác sĩ bệnh viện cũng không tránh khỏi liên quan vì tội thiếu trách nhiệm trong công việc cứu người".

Điều 99 BLHS. Tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính:

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nhóm phóng viên