Việt Nam 'xuất khẩu' kỹ thuật mổ nội soi

Việt Nam 'xuất khẩu' kỹ thuật mổ nội soi

Thứ 4, 22/05/2013 | 14:36
0
Hơn 3.000 bệnh nhân đã từng được mổ bằng phương pháp nội soi tuyến giáp, hàng trăm lượt bác sỹ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm.

PGS.TS Trần Ngọc Lương - người "sáng tạo" ra phương pháp mổ này vẫn còn nhớ như in từng bước khó khăn trong việc tìm tòi ra cách thức mổ ưu việt nhất không để lại sẹo, không mất nhiều thời gian. 

Trả ơn thầy đã hun đúc... tương lai

Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2 nằm khiêm tốn trên tầng 3 của bệnh viện, PGS.TS Trần Ngọc Lương- Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại- bệnh viện Nội tiết Trung ương càng khiêm nhường hơn khi ngồi lọt thỏm giữa không gian chật kín tư liệu, bệnh án…được chất chồng trên bàn làm việc, kệ sách.

Trò chuyện với chúng tôi, PGS.TS Trần Ngọc Lương nhắc nhiều đến hai người thầy ngoại quốc của mình. Với ông, đó là những người hun đúc cho ông sự nhiệt huyết, đam mê máu lửa đối với nghề. Để đáp lại ơn thầy, bác sỹ Lương đã sáng tạo ra kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp và được mệnh danh là một trong những "bàn tay vàng" trong ngành Y Việt Nam.

PGS.TS Trần Ngọc Lương chia sẻ, trước khi nhận công tác ở bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông đã từng "đầu quân" tại khoa Ngoại- bệnh viện Bạch Mai. Năm 1996, ông được bệnh viện cử sang Pháp học kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng với giáo sư Michel Vankemmel (đại học Lille). Khi ấy, khoa phẫu thuật tiêu hóa sát nách khoa phẫu thuật nội tiết, bác sỹ Lương có cơ duyên tiếp xúc với Giáo sư Charle Proye (Chủ tịch hội Nội tiết Thế giới lúc bấy giờ-PV). Ngoài thời gian học tập chính cùng với giáo sư Venkemell,  bác sỹ Trần Ngọc Lương được thầy Proye truyền thụ các kiến thức về tuyến giáp.

Theo lời kể của PGS.TS Trần Ngọc Lương, sau khoá học tại đại học Lille, ông trở về làm việc tại bệnh viện Bạch Mai chuyên mổ nội soi ổ bụng. Đến năm 2001, ông được mời sang bệnh viện Nội tiết mở và điều hành khoa Ngoại. Một năm sau đó, khoa Ngoại - bệnh viện Nội tiết Trung ương đi vào hoạt động. Khi ấy, bác sỹ Trần Ngọc Lương bắt đầu mổ tuyến giáp bằng những kỹ thuật truyền thống cùng với sự mày mò sáng tạo đã cho ra đời kỹ thuật riêng về mổ mở (mổ mở không khâu và phẫu thuật nội soi tuyến giáp-PV) cải tiến rất nhiều so với kỹ thuật mổ mở truyền thống mà ông đã được học ở Pháp.

Xã hội - Việt Nam 'xuất khẩu' kỹ thuật mổ nội soi

PGS.TS Trần Ngọc Lương được ví là người "xuất khẩu" kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp ra các nước. Ảnh Đ.T

PGS.TS. Trần Ngọc Lương cho hay, trước đây, khi chưa có kỹ thuật mổ nội soi, mỗi lần phẫu thuật tuyến giáp, các bệnh nhân nữ rất tự ti với các vết sẹo dài ở cổ. Họ phải tìm mọi cách để che đi khuyết điểm của mình, thậm chí chấp nhận chi từ 6.000- 10.000 USD để xuất ngoại phẫu thuật. Chứng kiến và ám ảnh với những nỗi khổ của bệnh nhân, bác sỹ Lương đã nhiều đêm thức trắng, trăn trở với câu hỏi: "Tại sao lại không áp dụng kỹ thuật mổ nội soi trong việc điều trị các bệnh tuyến giáp?". Cuối cùng, ông cũng "đánh liều" áp dụng những kiến thức y học đã được tiếp thu từ hai người thầy của mình, bắt đầu tìm ra con đường mới trong phẫu thuật tuyến giáp. Ông bảo rằng: "Có lẽ niềm vui lớn nhất cuộc đời tôi cũng chính là được tự khẳng định mình và có cơ duyên "xuất khẩu" kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp ra các nước".

"Xuất khẩu" kỹ thuật mổ nội soi

Nói về kỹ thuật mổ nội soi mà ông đã dày công đã sáng tạo ra, PGS.TS Trần Ngọc Lương vui lắm. Ông bảo rằng, ngoài bướu cổ, đến nay tất cả các bệnh lý tuyến giáp, trong đó có cả bệnh nhân ung thư tuyến giáp di căn hạch đã được phẫu thuật bằng nội soi. Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, tuyến giáp nằm ở cổ không có khoang sẵn như khoang ngực, khoang bụng, vì thế để lấy được các khối u, bác sỹ phải tạo ra được "khoang làm việc" ở vùng cổ. Tuy nhiên, do tuyến giáp có liên quan mật thiết đến dây thần kinh nói và tuyến cận giáp (tuyến điều hòa canxi trong cơ thể-PV) nên việc mổ cắt tuyến giáp bằng nội soi không đơn giản. Để khắc phục, ông sáng tạo kỹ thuật dùng khí CO2 để tạo khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da, đồng thời bộc lộ tuyến giáp theo cách riêng của chính mình đã làm cho việc xử lý thương tổn bên trong cũng an toàn và thuận lợi hơn. Ưu điểm của phương pháp tạo khoang này là đơn giản, dễ làm, việc tiếp cận tuyến giáp để xử lý các thương tổn bên trong cũng an toàn và thuận lợi hơn.

PGS.TS Trần Ngọc Lương vẫn nhớ như in ca mổ đầu tiên mà ông đã áp dụng kỹ thuật mổ nội soi. Công việc đầu tiên là chọn bệnh nhân vì đây là kỹ thuật mới buộc lòng ông chỉ có thể chọn bệnh nhân có đường kính bướu cổ 2-3cm. Hôm đó, phải mất đến 3 giờ đồng hồ phẫu thuật, ca mổ thành công ngoài mong đợi. Từ đó đến nay, bệnh viện Nội tiết Trung ương đã phẫu thuật nội soi thành công cho hơn 3.000 ca bệnh về tuyến giáp. "Với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất không có bút nào tả xiết", PGS. Lương nói.

PGS.TS Trần Ngọc Lương chia sẻ, nếu như trước kia theo phương pháp cũ vết sẹo sẽ dài 8-12cm ở cổ thì nay dùng phương pháp nội soi chỉ còn hai vết sẹo nhỏ 1cm ở nách và ngực, hơn nữa thời gian nằm viện chỉ còn 2-3 ngày chứ không kéo dài cả tuần như thông thường. Điều quan trọng, thời gian mổ chỉ mất 30 phút.

PGS.TS Trần Ngọc Lương vui vẻ nói: "Năm 2012, tôi đã tham gia thuyết trình về phẫu thuật tuyến giáp không khâu và phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại Hội nghị phẫu thuật nội tiết châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Singapore. Đến nay đã có 170 giáo sư, bác sỹ ở các nước sang đây học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp. Tôi cũng đã tham gia báo cáo khoa học ở một số hội nghị khác và được mời giảng dạy tại các trường đại học của Thái Lan, Malaysia, Úc, Singapore, Inđônêxia, Ấn Độ, Siri…".

PGS.TS Trần Ngọc Lương cho biết, tháng 7 tới, ông sẽ sang ba bệnh viện thuộc ba trường đại học tại Băng- Cốc (Thái Lan) để giảng về kỹ thuật mổ nội soi này. Sau đó một tháng, ông cũng có bài giảng tại một trường đại học ở Ấn Độ. Với ông, việc "xuất ngoại" kỹ thuật mổ tuyến giáp chỉ giản đơn là mang đến cho bệnh nhân cơ hội điều trị bệnh hiệu quả nhất.                         

Vinh danh 10 thành tựu y học Việt Nam nổi bật

Những năm gần đây, phẫu thuật nội soi được các bác sỹ của Việt Nam ứng dụng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh, ở một số lĩnh vực thậm chí đi đầu trong khu vực như nội soi ổ bụng, xương khớp, lồng ngực... PGS.TS Trần Ngọc Lương là người tiên phong trong lĩnh vực trên và đã có sáng kiến sử dụng kỹ thuật nội soi để mổ tuyến giáp không để lại sẹo. Ngày 23/2/2012, nhân dịp 57 năm ngày "thầy thuốc Việt Nam", bộ Y tế đã tôn vinh 10 thành tựu y học Việt Nam nổi bật nhất (trong 5 năm) trong đó có công trình của PGS.TS Trần Ngọc Lương.

Hương Lan- Đỗ Thơm

Kho tàng kiến thức trong lòng bàn tay

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Trong tủ sách của họa sĩ Thành Đàm có nhiều sách quý nhưng ông tâm đắc nhất với cuốn Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gặp cụ bà hơn 70 năm chữa bệnh vô sinh ở xứ Thanh

Thứ 6, 05/04/2013 | 11:19
Dù năm nay đã 94 tuổi nhưng bà Mụi vẫn một mình vượt suối, leo đèo để vào rừng sâu tìm dược liệu về cứu giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Bác sĩ Nguyễn Tài Thu: Chữa bệnh bằng tình yêu

Thứ 3, 19/03/2013 | 22:28
Nhắc đến thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Tài Thu thì chắc hẳn không ai còn xa lạ. Tên tuổi của ông không chỉ "phủ sóng" ở Việt Nam mà còn lừng lẫy khắp chân trời Âu Mỹ với những ca châm cứu chấn động thế giới. Nhiều người quý mến và nể trọng vẫn phong tặng cho ông là: Cây kim vàng, huyền thoại sống, ông vua châm cứu, nhưng ông chỉ khiêm tốn nhận mình là một người thầy thuốc chữa bệnh cứu người mà thôi.