Bài 2: Người học thờ ơ với trường nghề

Bài 2: Người học thờ ơ với trường nghề

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
– Người học nghề thờ ơ với trường nghề thế nên công tác tuyển sinh của các trường gặp vô vàn khó khăn. Nhìn chung, các trường nghề đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Công tác tuyển sinh hàng năm luôn là khó khăn với các trường nghề, đặc biệt là năm nay, nhiều lãnh đạo trường nghề cho biết, tình hình tuyển sinh còn nan giải hơn. Theo đó, cho đến năm nay công tác tuyển sinh gặp vô vàn khó khăn, khi đến thời điểm này nhiều trường mới chỉ tuyển được khoảng 10 đến 20%, thậm chí có trường, số học sinh tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay, xã hội nhìn nhận đào tạo nghệ thấp.

Xã hội - Bài 2: Người học thờ ơ với trường nghề

Người học thờ ơ với trường dạy nghề (Ảnh: minh họa)

Với chỉ tiêu đặt ra trong năm học 2012-2013 là 1.200 nhưng số hồ sơ mà Trường CĐ nghề Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Ninh nhận được mới được khoảng 50%. Trường trung cấp nghề Tôn Đức Thắng, Trường trung cấp Công nghệ viễn thông Đồng Nai cũng mới chỉ nhận được số hồ sơ khoảng con số 100. Trường cao đẳng công nghiệp cao su Bình Phước do tuyển sinh khó khăn đã thu hẹp chỉ còn đào tạo nghề điện công nghiệp cho hệ trung cấp chuyên nghiệp nhưng hệ này cũng chỉ thu hút được khoảng từ 40 đến 50 học sinh/năm....

Hệ thống các cơ sở dạy nghề trên nhiều tỉnh thành thời điểm này cũng mới chỉ tuyển sinh được khoảng 40-60% chỉ tiêu theo kế hoạch. Cá biệt có trường thậm chí chưa tuyển được học sinh nào. Tuy vậy, những con số ít ỏi trên cũng không phải là các trường đã “ăn chắc” vì việc học sinh nộp hồ sơ với quyết định vào học tại trường còn là khoảng cách.

Nguyên nhân thì có nhiều: hạn chế trong công tác hướng nghiệp, tâm lý coi trọng bằng cấp, hạn chế trong việc nhận thức về nghề nghiệp... Nhưng phải nói đến nguyên nhân chủ quan từ phía nhà trường đó là các trường nghề hiện nay chưa tạo dựng được cho mình một thương hiệu, một thế mạnh riêng.

Ông Lại Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề công nghiệp – kinh tế và chế biến lâm sản, một trong số ít trường tuyển sinh khá khả quan trong năm nay cho biết: đến thời điểm này, nhà trường đã tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu được giao. Để có được con số này, cán bộ tuyển sinh của trường đã phải đến từng thôn, xã tiếp thị, trực tiếp làm việc với các đoàn thể để làm sao thông tin về trường đến với từng người học. Tuy nhiên, ngoài việc đó thì cái chính vẫn là việc nhà trường đã khẳng định được thương hiệu, khiến học sinh yên tâm khi đăng ký vào học tại trường.

Trao đổi với Nguyễn Văn Định học sinh sau khi trượt đại học ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: “em đạt số điểm thi dưới mức điểm sàn nên cơ hội vào các trường đại học và cao đẳng coi như không còn, em sẽ tìm cơ hội khác chứ e không đi học nghề, nhiều anh chị học nghề ra hiện nay có tìm được việc đâu, nếu đi làm công nhân thì cứ vào công ty họ tuyển và tự đào tạo mình, nếu đi học nghề mà các bạn em đi học cao đẳng, đại học thì buồn lắm”.

Cùng quan điểm với học sinh nói trên một phụ huynh Nguyễn Đại Hải ở Vĩnh Phúc có con thi trượt đại học chia sẻ “ Giờ cho cháu đi học nghề nó không đồng ý, mà bản thân tôi cũng không muốn, hiện nay đào tạo nghề có chất lượng đâu, nói chung là không đáp ứng được nhu cầu người học, ra trường không được làm việc những chỗ mình mong muốn, mà đi làm công nhân thì cần gì phải đi học mất 2 đến 3 năm, cứ vào thẳng làm và có lương luôn đỡ tốn chi phí học mấy năm trời”.

Nguyên An

Bài tiếp: Giáo viên dạy nghề yếu kém về trình độ chuyên môn