Băn khoăn trước đề xuất cấm ô tô ngày chẵn - lẻ

Băn khoăn trước đề xuất cấm ô tô ngày chẵn - lẻ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Mấy ngày qua, nhiều người dân Tp Hồ Chí Minh đang băn khoăn vì việc Sở Giao thông vận tải địa phương này sẽ đề xuất lên UBND TP về phương án quy định biển số chẵn hoặc lẻ đối với xe ô tô khi vào trung tâm thành phố.

Nhiều chuyên gia ngành giao thông nhận định, phương án này cứng nhắc, không phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đề xuất cấm xe ô tô lưu thông ngày chẵn - lẻ của Sở GTVT Tp HCM vấp phải nhiều phản bác

Không nên học kiểu rập khuôn

Theo chủ trương của Sở GTVT, nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng xe ô tô cá nhân đi vào trung tâm TP từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần, những xe ô tô có biển số chẵn (số cuối là 0, 2, 4, 6, 8) sẽ chỉ được phép đi vào nội thành thứ 2, 4, 6 trong tuần và ngược lại, xe có biển số (1, 3, 5, 7) sẽ được đi vào thứ 3, 5, 7.

Đối với ngày Chủ nhật, tất cả các loại xe nói trên đều được lưu hành bình thường. Tuy nhiên, đề xuất này vừa được Giám đốc Sở GTVT đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Việt Nam cho biết: "Tôi được biết Hà Nội trước đây cũng đã đề xuất vấn đề này áp dụng đối với xe máy. Trên thế giới, cũng có nhiều nước trong đó có Singapore đã áp dụng biện pháp này để giảm ách tắc giao thông".

"Tuy nhiên, việc áp dụng đề xuất này cần phải cực kỳ cẩn trọng bởi cơ sở hạ tầng của TP HCM khác với Singapore. TP HCM là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, có mối quan hệ kinh tế với rất nhiều địa phương nên lưu lượng xe tham gia giao thông lớn dẫn đến ùn tắc cũng là vấn đề dễ hiểu".

"Nếu quyết định này được thông qua thì sẽ rất lỡ dở cho hoạt động của thành phố. Năm 2002, đề xuất tương tự tại Hà Nội đã bị dư luận bác bỏ vì việc giải quyết ùn tắc là vấn đề quan trọng, không phải nhiều ô tô là nguyên nhân duy nhất dẫn đến ùn tắc giao thông".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng, thành phố Seoul (Hàn Quốc) có 4 triệu xe ô tô nhưng không xảy ra cảnh ùn tắc giao thông như nước ta, trong khi đó, cả Việt Nam chỉ có 1 triệu xe mà vẫn "hát điệp khúc" tắc đường mọi lúc mọi nơi.

Theo ông Hùng, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nói chung, Tp HCM nói riêng còn chưa được bằng các nước khác. Hơn nữa, việc tổ chức giao thông ở thành phố này đang có vấn đề và đây mới là nguyên nhân chủ chốt giải thích cho tình trạng tắc đường.

Ông Thái Văn Chung, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM nhận định: "Đề xuất này không phù hợp với thực tế ở Việt Nam. Khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở thành phố này là rất lớn, nếu 50% xe bị giảm lưu thông sẽ dẫn đến lượng cung ứng hàng hóa cho nhà máy xí nghiệp cũng sẽ bị giảm 50% ảnh hưởng đến sản xuất. Trên thế giới có một số nước cũng áp dụng biện pháp này để chống ùn tắc giao thông nhưng mỗi nước có cơ sở hạ tầng pháp luật khác nhau, không thể rập khuôn vào Việt Nam".

"Chỉ là giải pháp tình thế"

Bà Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện quản lý giao thông (Đại học Xây Dựng Hà Nội) có ý kiến không đồng tình với đề xuất này. Theo bà Bình, đề xuất này tác động trực tiếp đến người sở hữu ô tô nên phải xem xét đến yếu tố công luận và yếu tố pháp lý, xem xét xem có mâu thuẫn gì hay không?

Bà Bình cho biết, hiện tại Tp HCM cơ sở hạ tầng trong giao thông, cung đang không đủ đáp ứng cầu. Nhiều con đường quốc lộ đi vào trung tâm rất đông trong khi đó hệ thống vận tải hành khách công cộng còn kém, hoặc mới đang triển khai. Chúng ta chưa có gì để đáp ứng trong khi nhân dân luôn có nhu cầu đi lại.

"Các cơ quan chức năng cần phải xem xét, khi cấm người ta thì phải có biện pháp đáp ứng nhu cầu đi lại của họ. Tôi lấy ví dụ, có một doanh nghiệp có xe mang biển số lẻ ông ta thoải mái đi vào ngày lẻ, trong khi đó hệ thống vận tải công cộng còn kém thì ngày chẵn ông ta đi bằng gì?. Rõ ràng, việc Sở GTVT TP HCM kiến nghị phương án trên chỉ là một giải pháp tình thế", bà Bình góp ý.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu đề xuất cấm xe biển chẵn đi vào ngày lẻ và ngược lại được thông qua, còn gây khó khăn cho việc theo dõi xử phạt của lực lượng công an giao thông.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Việt Nam khẳng định: "Tôi cho rằng, thời điểm hiện tại, việc xử phạt đối với các phương tiện vi phạm luật lệ giao thông đã quá tải đối với lực lượng công an giao thông rồi chứ chưa nói gì đến việc đề xuất này đi vào thực hiện. Chắc chắn là lực lượng công an không có đủ người để phân bổ giao thông ở tất cả các điểm, chú ý vào từng biển số xe để xử phạt được".

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Văn Công, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa nhận được bản đề xuất về việc ô tô biển số chẵn chỉ được đi ngày chẵn và biển số lẻ đi ngày lẻ. Nếu có, cần phải cân nhắc kĩ vì nếu muốn cho đề xuất này đi vào thực tế thì việc đầu tiên phải nâng cao chất lượng xe công cộng (xe bus). Trước đây, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có đề xuất tương tự nhưng áp dụng đối với xe máy và bản đề xuất này đã không được thông qua".

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, hiện TP có trên 5 triệu phương tiện (4,5 triệu xe máy và hơn 500.000 ôtô, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 xe ô tô đăng kí mới), với khoảng 60% lượng xe trên lưu thông/ ngày. Nếu mỗi xe chỉ cần giảm 1/4-1 lít xăng dầu thì TP sẽ tiết kiệm được 700.000 lít, tương đương 15 tỉ đồng /ngày.

Được biết, Sở GTVT cũng đang phối hợp với các ban ngành đoàn thể vận động mọi tầng lớp nhân dân với khẩu hiệu "mọi người cùng buýt". Đặc biệt, đối với cán bộ công chức phải gương mẫu thực hiện đi xe buýt ít nhất một ngày /tuần.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, xe buýt chỉ phù hợp với công nhân viên chức, học sinh, sinh viên, những người chỉ đi theo một tuyến cố định. Trong khi đó, các doanh nhân, việc đi lại của họ rất đa dạng chứ không theo một tuyến cố định thì làm sao có thể sử dụng được xe buýt, sẽ rất bất tiện. Trong khi đó, nhiều người đang "kêu trời" về chất lượng xe buýt tại thành phố này.

Văn Chương