Bàng hoàng trước

Bàng hoàng trước "thú chơi"... xả tiền của nhà giàu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Những sản phẩm dân dụng như bàn ghế, bộ lục bình, tủ trang trí, sập, bàn thờ... bằng gỗ sưa, ngọc am trước đây, được đại gia săn lùng như thế nào thì bây giờ nhà giàu săn lùng những sản phẩm trên bằng ngọc nghiến nhiều hơn thế.

Gỗ nghiến đã tốt rồi, lại còn ngọc nghiến thì chắc hẳn tốt hơn nhiều. Chẳng thế mà, nhà giàu đã bỏ ra cả chục, thậm chí vài chục tỷ đồng để săn bằng được món hàng đẳng cấp đó.

Sự kiện - Bàng hoàng trước 'thú chơi'... xả tiền của nhà giàu

Đây là một cây nghiến cổ thụ trong rừng tự nhiên nhưng chưa chắc đã là ngọc nghiến

Vung tiền tỷ sắm "đồ chơi" đo... đẳng cấp

Bạch Phương là một cái tên khá hot, đáng tin cậy đối với những ông chủ trẻ tuổi giàu có, thích món hàng đẳng cấp bằng gỗ để trang trí tại tư gia. Phương là người dắt mối hàng, chuyên gia tư vấn về gỗ. Trong xe ô tô của Phương, lúc nào cũng có một cái đục. Cái đục này giúp Phương "thăm dò" chất liệu gỗ khi thấy có nghi ngờ mà kinh nghiệm và mắt thường không đủ sự tin cậy cho sự xác nhận của chính mình.

Hình như từ "đại gia" đã bị lỗi mốt, quá nhàm vì thời gian qua, nó bị gắn bừa với những cả những người chẳng có xu dính túi nhưng có phong cách... đại gia, còn đại gia có danh tiếng thật thì dễ bị gắn với các vụ scandal. Bây giờ, những người nhiều tiền, lắm của thực sự thích được nhắc đến với 2 từ "nhà giàu" hơn. Theo giải thích, nó đơn giản lại sang trọng và... không tỳ vết. Một thú chơi mới của nhà giàu đang khiến nhiều người ngạc nhiên. Đã qua thời ngọc am, lim, hương, gụ, nghiến... giờ đến ngọc nghiến. Nghiến và ngọc nghiến khác nhau đến thế nào mà giới nhà giàu lùng sục, tìm mua bằng được để thể hiện đẳng cấp đến vậy? Đây đơn giản là "thú chơi" mang tính đẳng cấp, mua về để nhìn, ngắm "hàng" hay còn là sự toan tính nào khác?

Phương kể, có tay tên Đức (SN 1980) ở TP. Lạng Sơn là một trong những ông chủ trẻ giàu có, xếp hạng top ten của tỉnh vùng biên này. Đức muốn có một bộ bàn ghế “tay to” (7 món đồ /bộ trở lên), chất liệu ngọc nghiến. Đức nhờ Phương tìm giúp. Theo Phương, bộ bàn ghế như yêu cầu của Đức, trị giá khoảng 10 tỷ đồng trở lên. Có thể là 20 - 30 tỷ đồng, tùy theo tuổi ngọc của nghiến. Đức nói với Phương rằng, tuổi ngọc càng nhiều càng tốt, giá cả không thành vấn đề.

Đức cho biết, một nhà giàu top ten khác ở vùng biên này đã có bộ ngọc nghiến 7 món, nên Phương phải tìm được cho hắn một bộ tương tự, nếu tìm được bộ 9 món sẽ thưởng cao. Phương cũng đã từng giúp Đức mua bộ gỗ lũa sưa nên không bận tâm quá đến chuyện thưởng - phạt mà cứ băn khoăn rằng, mua 1 món đồ để trang trí, để trong nhà ngắm thôi mà bằng tổng thu nhập cả năm của ít nhất 2 huyện miền núi thì quả thật là điều đáng nghĩ ngợi lắm.

Vì quen biết rộng trong giới mua - bán đồ gỗ tiền tỷ nên Phương cũng tìm được và "ngắm" cho Đức một bộ bàn ghế ngọc nghiến 7 món đồ. Phương kể, chủ nhân của món đồ này bị phá sản. Ông ta chơi cây cảnh, bị lỗ, bị lừa nên bán để trang trải nợ nần, dù rằng, ông ta giữ lại mấy cây cảnh tiền tỷ. Theo giới thiệu của chủ nhân bộ bàn ghế, đó là ngọc nghiến 300 năm tuổi ở rừng tự nhiên tỉnh Cao Bằng. Tuổi ngọc của nghiến là 50 năm. Nghe đến đó, Đức cười tít mắt, sướng lắm, chấp nhận mua giá 14 tỷ đồng.

Theo Phương, đã là "thú chơi" của sự so bì đẳng cấp thấp - cao trong giới nhà giàu thì không thể cản được. Phương tâm sự: "Mỗi lần đưa ông chủ nào đó đi tìm những món đồ gỗ tiền tỷ, hắn luôn tự hỏi, làm gì mà họ lắm tiền thế nhỉ? Nhiều tiền thế, sao không làm từ thiện, không kinh doanh lấy lợi nhuận mà lại để cả đống tiền chỉ để ngắm thế? Thế mới biết "thú chơi" của nhà giàu nhiều lúc cũng khác người".

Nghiến thật, ngọc bị... "kênh" tuổi

Hải Cử, một "chuyên gia" về gỗ một ở làng nghề chế biến lâm sản (khu vực thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) giải thích: "Nghiến tự hóa thạch trong thân cây. Bộ phận nghiến hóa thạch đó gọi là ngọc. Không phải cây nghiến cổ thụ nào cũng hóa thạch, không phải cây nghiến tuổi càng cao thì thạch hóa càng lâu. Nó giống như cây dó bầu ấy. Không phải cây nào cũng có thể sinh trầm hương, dù đã là cây cổ thụ. Tức là không có một "công thức" bất biến nào để tính, theo cách nghĩ của dân gian là 100 năm cây thì được 20 năm ngọc. Nhưng thực tế có cây nghiến 150 tuổi nhưng chưa hề có ngọc".

Sự kiện - Bàng hoàng trước 'thú chơi'... xả tiền của nhà giàu (Hình 2).

Đây là bộ bàn ghế ngọc nghiến 7 món đồ có giá... 14 tỷ đồng

"Vậy chuyện, 60 tuổi nghiến, 10 tuổi ngọc là giả?", tôi hỏi. Cử cười mà rằng: "Chẳng giả thì thật sao? Giả mà có tiền tỷ, ai chẳng giả được". Cử khẳng định, chủ nhân nhà giàu mua được bàn ghế, lục bình, tràng kỷ... bằng gỗ nghiến là thật. Nhưng có phải là ngọc nghiến hay không thì hoàn toàn khác và ngọc đó bao nhiêu tuổi thì chỉ có trời mới biết.

Theo Cử, giá thị trường hiện nay, có thể chấp nhận được, một bộ bàn ghế 7 món đồ, gỗ nghiến từ 70 - 100 năm tuổi gỗ, nhà giàu mua với giá 1,2 đến 2 tỷ đồng là phù hợp; 9 món đồ thì dao động từ 1,9 đến 2, 5 tỷ đồng. Tuổi của ngọc thì giá vô cùng lắm. Thường thì 1 năm ngọc được cộng thêm 500 - 800 triệu đồng. Thế nên, tuổi ngọc của nghiến bị "kênh" khá nhiều so với thực. Hơn nữa, có nhà giàu nào được nhìn nghiến nguyên cây, nguyên khúc đâu để mà biết được nó có phải là ngọc hay không.

Theo Cử, những chỗ gọi là tật của cây nghiến, nó phình ra, trông dị thường thì đó là chỗ ngọc. Ngọc nghiến có vân gỗ cực kỳ lạ mắt, hoa văn biến hóa độc đáo, sóng lớp cuồn cuộn, sờ vào thấy mát lạnh như chạm vào băng đá. Cây càng lâu năm, càng cổ thụ thì ngọc nghiến càng chất lượng, vân gỗ càng lung linh và đắt giá.

Món đồ có "đẳng cấp bất khuất" giá... 14 tỷ đồng

Theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của Phương về gỗ thì 300 năm tuổi nghiến thật nhưng chưa chắc đã được 50 năm ngọc. Bởi không phải cây nghiến cổ thụ nào cũng sinh được ngọc và càng không phải là 6 tuổi cây/1 tuổi ngọc. Chẳng có "nguyên tắc" nào thế cả. Phương nghĩ như vậy nhưng không thể giải thích cho Đức nghe được, vì Đức kết "món đồ"- bộ bàn ghế 7 món quá rồi. Theo kinh nghiệm của Phương, thì ngọc đó cùng lắm chỉ được 5-6 năm là cùng. Song Đức đã rước nó về với giá không thể cao hơn, 14 tỷ đồng, tức món đồ nhỏ, to tự bù cho nhau, bình quân là 2 tỷ đồng/món. "Chắc chắn, về đến quê, Đức lại có những cuộc tỷ thí bằng miệng với giới nhà giàu để thể hiện đẳng cấp chơi "bất khuất" của mình", Phương khẳng định.

Nguyên Hằng

Kỳ sau: Công nghệ "chém gà" và "kênh" tuổi ngọc nghiến