Bão số 4: Miền Trung sẵn sàng trước giờ G

Bão số 4: Miền Trung sẵn sàng trước giờ G

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Trong lúc mưa to gió lớn, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, hai vợ chồng chèo ghe đi bủa lưới trên sông Đại Giang. Hậu quả là lật ghe khiến 2 người này thiệt mạng.

Ngay từ ngày hôm qua, khi áp thấp mạnh lên thành bão số 4, lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã kịp thời tổ chức họp khẩn để lên phương án đối phó. Trước thời điểm bão số 4 đổ bộ vào đất liền (dự báo vào tối nay), các địa phương đã có những động thái rất tích cực để đề phòng mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, chiều qua 25/9/2011 Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp triển khai các phương án phòng chống bão số 4. Đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính chủ trì cuộc họp.

Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã kêu gọi được 2460 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, hiện nay chỉ còn 1 tàu với 6 thuyền viên đang hoạt động tại vùng biển Vũng Tàu, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh Quảng trị đang đánh bắt ở các nơi giữ được liên lạc với đất liền và đã đến nơi trú tránh bão an toàn.

Do mưa lớn diễn ra với cường độ mạnh trong 5 ngày qua nên đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có trên 2500 ha lúa, 200ha hoa màu và 1,6ha cá nước ngọt bị ngập. Riêng huyện Hải lăng đã thu hoạch lúa xong, nhiều địa phương còn lại chỉ mới thu hoạch trên 50% diện tích nên nguy cơ lúa đang trong thời kỳ thu hoạch bị ngâm lâu trong lũ là điều khó tránh khỏi. Trong đó một số huyện có diện tích lúa chưa thu hoạch lớn như Gio Linh chỉ mới thu hoạch 400 ha/3100 ha, Triệu Phong thu hoạch 1600 ha/5300 ha, Đông Hà thu hoạch 100 ha/1030 ha…

Họp triển khai chống bão số 4 tại Nghệ An

Tại cuộc họp đồng chí Nguyễn Quân Chính yêu cầu các Sở, Ban ngành, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai các phương án phòng, chống bão số 4. Trong đó chú ý tăng cường các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở các địa phương huy động giúp dân chằng chống nhà cửa, trực 24h/24h trong ngày ở các hồ đập thủy lợi và triển khai nhanh công tác thông thoáng tiêu thoát lũ ở các công trình.

Đặc biệt ở các vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng nguy cơ ngập sâu và lũ quét các địa phương tích cực triển khai di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tăng cường công tác thông tin về diễn biến của cơn bão số 4.

Cũng nằm trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, Chiều 25-9-2011, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp để triển khai công tác phòng chống.

Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh chủ trì hội nghị. Tại cuộc họp, các sở, ngành đã báo cáo công tác chuẩn bị đối phó với lũ. Về tàu thuyền, cả tỉnh có 4283 tàu thuyền, đến chiều 25-9 đã gọi vào nơi trú ẩn 4266 tàu, thuyền, còn 17 chiếc theo báo cáo là đã tìm nơi ẩn nấp tại các tỉnh phía bắc. Các ngành chức năng đã chuẩn bị phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão lụt...

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Tuân đã nhấn mạnh một số công việc cấp bách để đối phó với bão. Cụ thể: thực hiện nghiêm túc 4 tại chỗ trong từng thôn xóm, thôn xã, từng gia đình; các đơn vị chức năng chuẩn bị vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai khi có sự cố xẩy ra, chú trọng những phương tiện trong nhân dân; đốc thúc nhân dân nhanh chóng thu hoạch lúa hè thu; bảo vệ các ao hồ nuôi thủy sản; tổ chức thường trực những nơi xung yếu, các công trình trọng điểm, có các ban chỉ đạo PCLB cụ thể tại từng công trình; Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh nắm bắt cập nhật diễn biến bão số 4 để kịp thời cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh...

Theo dự báo là chịu ảnh hưởng của bão số 4, tỉnh Nghệ An cũng đã lên phương án đối phó với bão. Ngày hôm qua, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban PCLB&TKKN tỉnh, cuộc họp khẩn nhằm đối phó với bão đã được diễn ra tại TP.Vinh.

Tại cuộc họp đã thống nhất 4 yêu cầu: Bằng mọi biện pháp trong ngày 25 và 26/9 liên lạc, thông báo các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin chủ động ứng phó. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. Khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè, tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền. Hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Phòng chống bão tại Hà Tĩnh

Đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An có 4.323 phương tiện/19.453 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Có 127 phương tiện/731 lao động đang hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc Bộ; 03 phương tiện/25 lao động đang hoạt động ở khu vực Bạch Long Vỹ - Hải Phòng. Số phương tiện/lao động còn lại đang hoạt động gần bờ (đi, về trong ngày).

Tất cả các phương tiện đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của cơn bão số 4, không có phương tiện nào ở vùng nguy hiểm. Khối lượng lúa hè thu chưa thu hoạch khoảng 30%, mực nước tại các sông, hồ đập đang còn ở mức cao.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng yêu cầu: Sau cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp về các địa bàn phân công chỉ đạo các địa phương có các biện pháp ứng phó với bão số 4.

Tổ chức di dân ở các vùng ven biển, ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Theo dõi sát tình hình, nắm bắt diễn biến cơn bão số 4, giao các địa phương trực 24/24 giờ các vị trí xung yếu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Trước tình hình bão số 4 có khả năng đổ bộ trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế trong khoảng thời gian từ 4-8h sáng 27/9, sáng 26/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn số 86/PCLB yêu cầu các địa phương, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai phương án đối phó với bão.

Nội dung công văn yêu cầu các địa phương cần tổ chức triển khai di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá,… đến nơi an toàn; tổ chức neo đậu tàu thuyền vào vị trí cụ thể an toàn; phối hợp với các lực lượng công an, quân đội đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mọi tình huống; kiểm tra và bổ sung dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu cầu yếu phẩm khác trong trường hợp lũ bão chia cắt 2 huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và các huyện vùng trũng; thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão lụt.

Ngoài ra, cần tổ chức chằng chéo nhà cửa, kho tàng, công sở, trường học, chặt tỉa cành cây; đảm bảo an toàn điện lưới và hệ thống thông tin được thông suốt; yêu cầu các hồ chứa thủy điện Hương Điền và Bình Điền tổ chức vận hành điều tiết lũ hợp lý về hạ du theo đúng quy trình vận hành và quy chế phối hợp giữa Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cùng chủ đập, đảm bảo an toàn công trình và chống lũ cho hạ du.

Theo báo cáo nhanh số 83/PCLB về tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh và công tác triển khai đối phó với cơn bão số 4 của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 25/9, mực nước đo được tại các trạm trên các triền sông như sau: trạm Kim Long trên sông Hương: 0,97m, dưới báo động I là 0,03m; trạm Phú Ốc trên sông Bồ: 1,65m, trên báo động I là 0,15m; trạm Phong Bình trên sông Ô Lâu: 1,82m, trên báo động II là 0,62m.

Về tình hình thu hoạch lúa hè thu, cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch diện tích lúa. Theo đó, cả tỉnh đã có hơn 24 nghìn ha lúa được thu hoạch xong. Riêng huyện A Lưới, do lịch thời vụ lệch với khung các huyện khác nên sẽ tiến hành thu hoạch vào tháng 10 sắp tới.

Phòng chống bão ở Huế

Cũng do ảnh hưởng của đợt áp thấp, trên đại bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế những ngày qua xuất hiện các đợt mưa to kéo dài khiến nhiều tuyến đường đi lên các huyện miền núi bị sạt lở nặng ở nhiều điểm. Cụ thể, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi huyện A Lưới bị sạt lở taluy tại vị trí đèo Pakê (xã Hồng Thủy); tại Km 62, Km 75 thuộc Quốc lộ 49A Huế đi A Lưới, đoạn qua xã Hồng Hạ đến Bốt Đỏ bị sạt lở ở nhiều điểm, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Cho đến thời điểm này, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã xảy ra một vụ chết đuối do lật ghe khiến 2 người dân thiệt mạng. Trước đó, vào lúc 18h30 ngày 25/9, vợ chồng anh Phạm Thăng (50 tuổi) và chị Nguyễn Thị Chung, (42 tuổi, trú tại tổ 3, Lương Hậu, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), đang chèo ghe đi bủa lưới trên sông Đại Giang thì gặp mưa to, gió lớn. Chiếc ghe bị lật úp khiến cả hai vợ chồng chết thảm. Đến trưa ngày 26/9, cùng với sự phối hợp của các cơ quan chức năng, thi thể của 2 nạn nhân mới được tìm thấy, đưa về tổ chức mai táng.

Cũng trong sáng nay (26/9), Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai phương án và cứu thành công 3 ngư dân trên chiếc thuyền đánh cá do ông Trần Văn Long (trú thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) làm thuyền trưởng đang bị trôi dạt. Trước đó, sáng 25/9, dù đã được địa phương thông báo về cơn bão số 4 đang tới gần nhưng ông Trần Văn Long vẫn cho thuyền đánh cá nổ máy ra biển đánh bắt.

Tương tự, để chủ động đối phó với cơn bão số 4, ngày 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công điện số 24/CĐ-UBND để giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp phòng chống. Được biết trong ngày hôm nay, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã cho học sinh nghỉ học để cùng gia đình đối phó với bão số 4.

Nhóm PV Nguoiduatin.vn tại miền Trung sẽ tiếp tục cập nhật liên tục về tình hình cơn bão số 4 tại các tỉnh vốn hứng chịu nhiều cơn thịnh nộ của thiên nhiên này.

PVMT (tổng hợp)