Bảo tàng văn hóa độc đáo của ông già phương Nam

Bảo tàng văn hóa độc đáo của ông già phương Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Ở tuổi đầu bạc, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường đã gom góp cho mình hơn năm chục ngàn trang viết và lập kỷ lục người sở hữu hơn 100kg tiền cổ.

Vẫn rong ruổi khắp đầu sông cuối ghềnh

Cái duyên để Trương Ngọc Tường đến với đam mê sưu tầm đồ cổ cũng thật khác người. Thời trẻ, ông nằm trong nhóm nghiên cứu lịch sử Đảng của huyện. Những ngày tháng “ăn ngủ” với lịch sử đã gieo vào tâm ông một tình yêu kì lạ. Khát khao muốn biết thêm, hiểu nhiều về cuộc sống và sinh hoạt của người xưa đã thôi thúc ông bắt đầu hành trình khám phá lịch sử qua những món đồ cổ quý hiếm.

Sự kiện - Bảo tàng văn hóa độc đáo của ông già phương Nam

Dù đã có tuổi nhưng ông Trương Ngọc Tường vẫn miệt mài nghiên cứu lịch sử văn hóa nước nhà

Ông dẫn chúng tôi đến những chiếc tủ kính sạch bóng trưng bày vô số đồ cổ, từ cái bát thời nhà Trần cho đến chiếc ống điếu hút thuốc của người dân tộc cổ. Ông tâm đắc nhắc mãi câu nói: “Lịch sử Việt Nam hay lắm, đồ cổ Việt Nam quý lắm, quý hơn cả đồ cổ Trung Quốc. Vua chúa Việt Nam, người Việt Nam ta nổi tiếng cần kiệm không thích khoe khoang, phô trương nên ít làm ra mấy vật dụng đắt giá. Nhưng đã làm thì vừa quý vừa hiếm, hiếm hơn cả đồ cổ Trung Quốc”.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường học lịch sử, viết sách về văn hóa từ dân gian. Ông cho dân gian là kho kiến thức rộng lớn và đầy đủ nhất. Những chuyến thâm nhập dân gian cho ông thêm nguồn kiến thức văn hóa phong phú. Ông không khái quát hết tất cả vì như vậy bao la quá. Ông chọn cho riêng mình con đường tìm hiểu văn hóa nông nghiệp Nam Bộ. Lịch sử và văn hóa chính là những món đồ cổ ông bỏ công thu nhặt về.

Bộ sưu tập ông không thiếu thứ gì từ cái đèn dầu, cái chén, tượng ông Địa bằng đất nung cho đến đồ mỹ nghệ bằng tre của người Nhật Bản. Loại nào cũng lạ cũng hiếm và đặc trưng văn hóa vùng miền. Chỉ nói đến đèn thôi, ông cũng bày ra đủ loại nào là đèn chân cao xài bấc, đèn chân cao có dĩa đựng dầu. Các loại đèn này chủ yếu người Tiều và người Quảng sử dụng nhưng được sản xuất ở Lái Thiêu (Bình Dương).

Sự kiện - Bảo tàng văn hóa độc đáo của ông già phương Nam (Hình 2).

Góc nhỏ trong số những món đồ cổ vô giá của ông Trương Ngọc Tường

Kỷ lục gia tiền đồng và đồ cổ độc lạ Việt Nam

Trên hành trình sưu tập tiền cổ, Trương Ngọc Tường xem việc sưu tầm này là cách chơi, cách học thú vị nhất. Sau những ngày rong ruổi, ông gom được vài kg tiền cổ về rồi đổ ra sàn nhà ngồi lựa. Tiền đẹp giữ lại, đồng xấu hoặc trùng lặp ông gom bán ve chai. Việc làm đó cứ như một trò chơi xếp hình, miệt mài sắp xếp, nhìn ngắm và rồi nó nhiều dần và giá trị cứ tăng lên.

Mấy ai như ông ngồi tỉ mỉ viết “lý lịch” cho từng bộ tiền, xuất xứ ở đâu, thời gian nào, mua được trong dịp nào. Từ những đồng tiền cổ đó, ông mở ra những trang sử mới, chứng minh nhiều thứ mà người khác chỉ biết đoán mò.

Ví như lần ở Hà Tiên, để minh chứng tiền đồng cổ họ Mạc đã đi khắp nơi trong vùng Đông Nam á, ông đã đem đến cả bộ tiền từ thời Mạc Cửu, rồi ông chứng minh đất Hà Tiên là điểm giao thương buôn bán với rất nhiều tàu buôn các nước. Tiền ở Hà Tiên có cả tiền của Mạc Cửu, tiền Trung Quốc, tiền Nhật Bản, bạc Bồ Đào Nha, bạc Tây Ban Nha. Ông cho biết thêm dấu tích đồng tiền của Mạc Cửu có ở một số bảo tàng nước ngoài.

Bộ sưu tập tiền cổ của ông không thể thiếu thước đo tiền kẽm, một khung gỗ đen mun, một đầu cao do gối lên một bệ gỗ, đầu còn lại nắm sát đất. Khung gỗ ấy được khoét lõm bốn rãnh, mỗi rãnh vừa vặn bề hoành đồng tiền kẽm khi được xỏ xâu. Ông nói đó là cái thước đo tiền kẽm, người xưa gọi là cái di, cái di từng được Trương Vĩnh Ký nhắc đến trong tác phẩm nhưng mấy ai hiểu được đó là cái gì.

Trong gian phòng khách “bộn bề” sách vở và cổ vật linh tinh, một chiếc bàn làm từ gỗ quý, nơi nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường ngày nào cũng miệt mài ngồi ở đó làm bạn với chiếc kính lúp và đống sách vở đã ngả màu vàng đậm, ông chỉ cho chúng tôi xem những báu vật yêu quý nhất. Đó là mấy chiếc tù và treo trên vách đen bóng. Tù và thường xuất hiện trong mấy cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam. Tù và làm bằng sừng trâu biểu trưng cho nền văn minh lúa nước, được nhiều dân tộc trong khu vực Đông Nam á sử dụng. Hơn hết, vài chiếc nọc cấy còn sót lại, dùng để cấy lúa của nông dân khắp vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ đều được nhà nghiên cứu cất giữ kĩ lưỡng.

Ông ước ao có một bảo tàng nông nghiệp để những “báu vật” có chỗ bảo quản và trưng bày cho mọi người tìm hiểu. Vì chúng là những đồ vật minh chứng cho một nền văn minh lúa nước đã đi vào lịch sử.

Ông Trương Ngọc Tường đã đạt 2 giải ba tại cuộc thi Những cuốn sách vàng lần III 2006 với 2 cuốn: Kim Vân Kiều tân truyện (bản chữ Nôm) Nguyễn Du, khắc in năm 1879 và Dictionnaire élémentaire Annamite Francais (Từ điển Việt - Pháp) của Legrand de la Liraye, in 1874. Ông cũng là người giữ kỷ lục có hơn 100kg tiền cổ

Ngọc Lài


Tag: ve chai