Bất cập chuyện nuôi dạy những đứa trẻ Việt tại Nga

Bất cập chuyện nuôi dạy những đứa trẻ Việt tại Nga

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Tự tin ở lớp, nhút nhát ở nhà, bập bẹ tiếng Việt, nhưng lại nói rành rọt tiếng Nga... Đó là tình cảnh của những đứa trẻ Việt Nam sinh sống và học tập tại các thành phố của nước Nga.

Những đứa trẻ này rơi vào hoàn cảnh hết sức éo le nếu không nhận được sự quan tâm đặc biệt của bố mẹ.

Tự tin ở lớp, nhút nhát ở nhà

Do bố mẹ hàng ngày phải đầu tắt, mặt tối buôn bán ở chợ hoặc làm những công việc khác nên những đứa trẻ Việt đều được chăm sóc dưới bàn tay của các "nhia -nhia" (bảo mẫu người Nga). Sáng 8h đón, chiều 8h về.

Tại nhà của các bảo mẫu, tất cả đều được dạy dỗ lời ăn, tiếng nói theo nết ở của người Nga, giao tiếp bằng tiếng Nga. Vì vậy, hầu hết những đứa trẻ người Việt đều rất giỏi tiếng Nga, đến tuổi đi mẫu giáo, các cháu dễ dàng thích nghi và hòa nhập với thầy cô và bạn bè. Phần đông, sau này học rất tốt ở trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, đạt giải cao trong các kỳ thi Olimpic quận, thành phố và tỉnh.

Dù vẫn nói được tiếng Việt, nhưng điều đáng tiếc là hầu hết trẻ người Việt lại không biết đọc, biết viết tiếng Việt và phong cách sống thì hệt người Nga.

Anh Lưu Văn Thu, một tiểu thương tại chợ Magnhi có cậu con trai 8 tuổi đang học lớp 2 tâm sự: "Không phải riêng em, ở đây, nhà ai cũng vậy cả thôi. Em đi làm từ sáng, đến tối mới về, lúc ấy, con em đã ăn bánh mì, giò... rồi nó ngồi học, hoặc tìm đám bạn chơi với nhau. Bố mẹ không biết tiếng Nga, cũng chẳng dạy dỗ được gì. Muốn dạy thêm các cháu tiếng Việt thì cũng không có thời gian và không có kinh nghiệm.

Tôi rất buồn vì chưa bao giờ được nghe một tiếng "vâng ạ" của con trai mình, thay vào đó là những câu hỏi, câu trả lời cộc lộc, trống không", anh Thu vừa nói, vừa thở dài. Anh Thu kể tiếp: "Hôm rồi em nhờ nó lấy giúp đôi đũa. Cháu nó hỏi lại đũa là cái gì? Cháu giờ vẫn ăn bằng thìa, dĩa, không biết cầm đũa, chán lắm anh à".

Nhà anh Tiến cũng lâm cảnh ngộ éo le chẳng kém. Cháu Nguyễn Sơn Hùng, năm nay đã học lớp 5, năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc ở trường. Hùng tham gia văn nghệ, hoạt động thể thao tích cực ở trường tự tin bao nhiêu thì ngược lại, về nhà lại nhút nhát chừng ấy. Mỗi khi nhà có khách, thường tránh tiếp xúc vì ngại phải trả lời bằng tiếng Việt. Dần dà sống khép kín, ngại tiếp xúc với cộng đồng.

Anh Tiến chia sẻ: "Có hôm cháu đang ăn cơm, tôi nhờ lấy giúp cốc nước. Cháu ngẩng lên nhìn bố rồi trả lời rất cộc lốc: "Con còn đang bận ăn". Mặc dù rất hiểu con, nhưng nghe xong, tôi rất buồn. Tôi biết cháu không phải đứa trẻ hư, mà do cháu trả lời một cách rất tự nhiên theo ngữ pháp tiếng Nga, hơn nữa, cháu đã quen như ở lớp không ai nhờ cháu như vậy".

Tự tin ở nhà, ngây ngô ở lớp

Cũng có không ít các cháu, sinh ra ở Nga nhưng được bố mẹ gửi về Việt Nam cho gia đình trông nom giúp, muốn các cháu được học ở quê hương, biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ, học nếp sống người Việt. Những đứa trẻ này rất hiểu biết phong tục, tập quán Việt Nam, nên trong giao tiếp, ứng xử gọi dạ, bảo vâng rất lễ phép.

Tuy nhiên, khi sang Nga sinh sống cùng cha mẹ, do các cháu đã lớn, đã biết tự ti, mặc cảm về sự khác biệt và do phát âm tiếng Nga không chuẩn, nên các cháu thiếu tự tin để giao lưu với bạn học và thâòỹ cô. Phần lớn các cháu đều học tốt môn toán, nhưng lại rất kém về môn tiếng Nga, môn văn, lịch sử, địa lý, sinh học... là những môn cần biết sâu ngữ pháp, vốn từ.

Chính vì vậy, rất ít các cháu thuộc đối tượng này đạt thành tích cao trong học tập. Một số cháu chịu khó học tập nhưng cũng chỉ đạt mức độ trung bình, nhiều cháu chán học, bỏ trốn đi chơi game.

Cháu Tâm học hết cấp tiểu học ở Việt Nam, được anh chị Tập đón sang Nga đoàn tụ. Do không biết tiếng Nga, cho nên anh đành phó mặc con cho nhà trường dạy dỗ, không có thời gian trao đổi, trò chuyện với thầy cô, cũng không thường xuyên liên lạc với giáo viên. Mọi ngày cháu vẫn đi học bình thường nên anh chị không quan tâm, hỏi han gì. Nhưng một hôm, anh vô cùng thất vọng khi biết con trai mình cùng mấy đứa trẻ Việt Nam khác, thường xuyên trốn học đi chơi điện tử tại quán internet gần trường.

Chị Bằng có cậu con trai đang học lớp 6 vừa khóc vừa than thở: "Khổ lắm anh ạ, chồng em bị bệnh, em có một mình cháu Hải nên dồn hết tình yêu thương cho cháu. Cháu ở Việt Nam với ông bà, năm ngoái em đưa sang cho cháu được gần mẹ và xin cho cháu được đi học đầy đủ. Em bán hàng ở chợ, một mình một quầy, không có người giúp đỡ. Biết con bỏ học mà không thể ngày nào cũng bỏ bán hàng đi tìm con được".

Kiên trì, không buông xuôi

Nếu như ở trong nước, sự bất đồng quan điểm giữa hai thế hệ, giữa phụ huynh và con cái đã là một thách thức lớn trong việc giáo dục các cháu, thì với người Việt xa quê, việc dạy dỗ con cái còn khó khăn hơn gấp bội phần. Đặc biệt là sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, giáo dục. Nhưng điều đáng mừng có rất nhiều bậc cha mẹ vẫn nỗ lực cố gắng để nuôi nấng, dạy dỗ con mình thành người, không để những đứa trẻ bị mất gốc, bị Nga hóa.

Anh Bùi Công Thanh dù đi làm cả ngày, nhưng tối về nhà, vợ chồng anh vẫn tranh thủ thời gian để được gần gũi với con. Anh chị chủ động sắp xếp lịch học tập và vui chơi của cháu, mỗi ngày dành hai tiếng buổi tối cùng con đọc truyện tranh, truyện cổ tích, xem hài, ca nhạc Việt Nam. Dần dà, con gái anh có chung một sở thích xem chương trình VTV4 cùng bố mẹ. Qua đó, cháu biết được các danh lam, thắng cảnh của quê hương, đất nước, nét văn hóa của dân tộc.

Để cháu sống tình cảm hơn, nhân ái hơn anh chị còn chủ động cho cháu về thăm gia đình ở Việt Nam vào mỗi kì nghỉ hè. Bằng sự kiên trì đó, nên cháu Linh 9 năm liền được là học sinh xuất sắc ở trường. ở nhà, cháu sống thân thiện, lễ phép với mọi người, không chỉ biết đọc, biết viết thành thạo, Linh còn biết làm thơ bằng tiếng Việt khiến bà con trong cộng đồng rất thán phục.

Còn với gia đình anh Đinh Khắc Khôi, anh chị đón cháu Mai sang Nga lúc cháu đang học lớp bốn ở Việt Nam. Biết con thiệt thòi với bạn bè vì chưa biết tiếng Nga, nên anh chủ động thuê cô giáo bậc tiểu học về dạy.

Được học cơ bản từ những chữ cái đầu tiên, đến phát âm, ngữ pháp theo trình tự như một học sinh của Nga, chỉ sau một năm cháu Mai đã có vốn tiếng Nga căn bản và phát âm chuẩn. Cháu vào học lớp bốn rất tự tin và theo kịp bạn bè. Năm nay Mai đã bước vào lớp 11 với một bề dày thích tích đáng nể: 2 lần đạt giải Olimpic tiếng Nga cấp tỉnh; là học sinh xuất sắc bảy năm liền, ngoài ra, Mai rất được bạn bè và thầy cô yêu quý và tôn trọng.

Ngô Tiến Điệp