Bất hợp lý xe đạp điện cũng phải gánh

Bất hợp lý xe đạp điện cũng phải gánh "thuế đường"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Một số chuyên gia băn khoăn, việc thu phí sử dụng đường bộ vô hình trung biến xe máy thành đối tượng chịu rất nhiều loại phí. Hơn nữa, xe đạp điện không phải đối tượng "phá đường" để bị đánh phí.

Sau một thời gian dài "rào trước đón sau", mới đây bộ Tài chính đã quyết định, từ ngày 1/1/2013 sẽ chính thức thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô và xe máy, với mức cao nhất lên đến hơn 1 triệu đồng. Bộ Tài chính cũng đề xuất đưa xe đạp điện vào danh mục chịu phí sử dụng đường bộ.

Không "phá đường" sao phải chịu phí?

Theo dự thảo thông tư về phí sử dụng đường bộ đang được lấy ý kiến, bộ Tài chính đề xuất mức phí đối với xe đạp điện, xe máy 50-100 phân khối là 50-100 nghìn đồng/năm/xe; xe trên 100 phân khối là 100-150 nghìn đồng/năm/xe. Căn cứ mức thu phí trên, HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp. UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với mô tô của tổ chức và cá nhân trên địa bàn.

Đối với ô tô, mức thu từ 130-1.04 triệu đồng/tháng/xe. Phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Đến kỳ đăng kiểm, chủ xe nộp phí đăng kiểm và phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm. Được biết, theo Nghị định 18 về thu phí bảo trì đường bộ của Chính phủ, phí sử dụng đường bộ được thu từ ngày 1/6/2012, nhưng do kinh tế khó khăn nên được dời lại ngày 1/1/2013.

Xã hội - Bất hợp lý xe đạp điện cũng phải gánh 'thuế đường'

Thu phí sử dụng đường bộ với xe đạp điện là bất hợp lý

Ngay sau khi bộ Tài chính phát đi thông điệp này, không ít chuyên gia và người dân đã lập tức phản pháo. Trò chuyện với PV Người đưa tin, chị Nguyễn Thị Hương, hiện đang làm việc tại siêu thị BigC Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: "Thu phí sử dụng đường bộ theo thời gian là không đúng. Xe hư hỏng, sửa chữa, không vận hành, lúc nào cũng "nằm chết" tức là không tham gia giao thông, sao lại phải đóng phí?. Hơn nữa, thu phí đối với xe ô tô còn có lý, đằng này đánh thuế xe đạp điện là vô cùng phi lý".

Chị Hương đặt câu hỏi: Xe đạp điện thì khác gì xe đạp, có gây ảnh hưởng gì đến đường sá đâu mà phải chịu phí?. Nhà nước khuyến khích người dân đi xe đạp điện để giảm ách tắc giao thông, giảm tai nạn, bảo vệ môi trường… nay lại đánh "thuế đường" thì ai dám sử dụng nữa?. Chị Hương cũng cho biết, chị định mua tặng con gái chiếc xe đạp điện nhân ngày sinh nhật sắp tới. Giờ lại đánh thuế chắc chị đành ngậm ngùi từ bỏ ý định này…

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ: "Trong phương án thu phí bảo trì đường bộ của bộ GTVT lúc đầu không quy định thu phí xe đạp điện. Tuy nhiên, mới đây tôi chẳng hiểu tại sao bộ Tài chính lại đưa thêm xe đạp điện vào danh sách bị đánh phí. Người dân đang vô cùng khó khăn, những đối tượng đi xe đạp điện cũng không khá giả gì. Giờ đây, lại áp thêm khoản thu này với họ thì quả một cách tận thu không thỏa đáng cho dân chút nào".

Liên quan đến ý kiến cho rằng, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy và xe đạp điện khó khả thi và không đảm bảo tính công bằng, ông Hùng khẳng định, nếu nói công bằng thì sẽ là không công bằng với cả ô tô chứ không riêng gì xe máy hay xe đạp điện. Chẳng hạn, xe taxi chạy liên tục cả ngày lẫn đêm nhưng cũng chỉ nộp như một xe gia đình. Chúng ta đang tính sử dụng đường nhưng thực chất không thể kiểm soát được một phương tiện sử dụng bao nhiêu km đường. Còn đối với xe máy, chắc chắn nếu không có phương án hợp lý thì sẽ không thể tránh khỏi thất thu và bất công bằng. Được biết, trong đề án, bộ GTVT cũng chỉ dự kiến thu được 50% theo đầu phương tiện.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, chưa nên thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, xe đạp điện để chia sẻ khó khăn với người dân. Theo bà Nga, trong tình hình kinh tế nói chung, đời sống người dân khó khăn như hiện nay, việc thu thêm bất kỳ khoản thu nào cũng làm tăng thêm sự khó khăn của người dân. "Theo tôi, về mặt pháp lý, khoản thu này là cần thiết nhằm mục đích bảo trì, bảo dưỡng đường bộ. Lợi ích và tính hợp lý, hợp pháp là đã rõ. Nhưng vấn đề cần cân nhắc là thời điểm thu, mức thu và thu đối với những loại phương tiện nào", bà Nga nhấn mạnh.

Lùi càng vướng, làm càng khó

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Nếu nhìn nhận từ góc độ người tiêu dùng thì đương nhiên ai cũng muốn lùi thời điểm triển khai việc đóng phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã được lùi một lần rồi thì không nên tiếp tục thay đổi thời gian một lần nữa vì không đảm bảo tính nghiêm túc của đề án. Nhưng theo tôi, khi đã thu phí của dân rồi thì phải làm cho tốt. Đến giờ phút này, vấn đề không nằm ở thời gian triển khai nữa".

Ông Hùng phân tích, trong đề án bổ sung có nêu rõ, khi thu phí sử dụng đường bộ thì các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ, còn các trạm thu phí theo hình thức doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư (BOT) vẫn sẽ được tiếp tục duy trì. Ngoài ra, các trạm bán quyền thu phí, các trạm thu hoàn vốn theo quy định của Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi thực hiện xong hợp đồng chuyển giao quyền thu phí và hoàn thành việc trả nợ vay, sau đó sẽ xóa bỏ.

Tuy nhiên, một số trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước trên tuyến quốc lộ 1A lại được bàn giao cho nhà đầu tư BOT để mở rộng quốc lộ 1A. Như vậy, trạm thu phí của Nhà nước bị xóa đi, lại mọc lên các trạm của doanh nghiệp theo hình thức BOT. Các phương tiện lưu thông qua tuyến đường này bên cạnh nộp phí sử dụng đường bộ thì vẫn phải nộp tiền cho các trạm thu phí BOT.

"Theo tôi, để người dân không phải đóng hai lần phí thì trong cơ cấu phí BOT (vốn đầu tư, lãi suất, tiền bảo trì đoạn đường BOT) nên bỏ khoản tiền sửa đường vì tiền đó người dân giờ đây đã nộp theo đầu phương tiện", ông Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thu phí theo kỳ kiểm định xe, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ: "Nếu thu theo chu kỳ kiểm định thì sẽ gây khó khăn cho cả người dân và doanh nghiệp. Đối với người dân nói chung, sẽ xảy ra trường hợp, người mua xe chưa được sử dụng đường thì đã phải đóng tiền vì họ phải đóng phí từ thời điểm đăng ký kiểm định. Đối với doanh nghiệp, thực sự đó là một khoản chi cực kỳ khổng lồ trong thời điểm khó khăn này.

Tính đơn giản, cứ 6 tháng doanh nghiệp đã phải chi hơn 6 triệu đồng cho một xe contaier. Nếu doanh nghiệp có 100 xe thì đã mất hơn 600 triệu. Đó là chưa tính đến việc họ phải trả lãi nếu phải đi vay ngân hàng. Tiền thực nộp sẽ lớn hơn con số 1.040 nghìn đồng/xe nhiều.

Đó là còn chưa kể đến việc, trong 6 tháng đó có những xe không hoạt động vì hỏng hay thiếu hàng? Đây là vấn đề nếu không tính thì sau khi thực hiện sẽ có nhiều bức xúc. Bây giờ năng lực vận tải giảm sút 30-50% mà nộp phí theo thời gian dù hoạt động hay không là không hợp lý”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cũng băn khoăn: "Trước đây, bộ GTVT đã dự kiến thu phí bảo trì đường bộ từ năm 2011. Tuy nhiên, do thời điểm đó còn khó khăn nên đã không triển khai. Nhưng giờ kinh tế thậm chí còn khó khăn hơn trước.

Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2012 và 2013 kinh tế thế giới vẫn còn suy giảm. Cho nên cần cân nhắc lại thời điểm thu".

Trông chờ người dân tự giác nộp

Trong dự thảo thông tư, bộ Tài chính đề xuất UBND cấp xã là cơ quan thu phí đối với xe máy của chủ phương tiện trên địa bàn. Theo một thành viên ban soạn thảo, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy là rất khó. Cùng với việc tuyên truyền của chính quyền địa phương, thì chính sách này thực hiện chủ yếu dựa vào sự tự giác, chấp hành pháp luật của người dân là chính. Trước mắt việc thực hiện thu đối với xe máy chỉ đặt ra mục tiêu là để người dân làm quen và thực hiện tự giác nộp với loại phí này.

Anh Văn - Phạm Hạnh