Bất ổn với quỹ bình ổn giá điện

Bất ổn với quỹ bình ổn giá điện

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Chủ trương thành lập quỹ bình ổn giá điện đang nằm trong dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương có thể sẽ gây bất ổn...

Chủ trương này sẽ điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản.

Theo đó, quỹ này sẽ được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia sự ra đời của quỹ này chưa chắc đã mang lại hiệu quả.

Bất ổn với quỹ bình ổn

Theo dự thảo, Nhà nước sẽ thành lập Quỹ bình ổn giá điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi tới ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Ảnh minh họa từ Internet

Theo đó, khi EVN giải quyết xong các khoản nợ, các khoản chi phí sản xuất kinh doanh điện "treo" lại từ các năm trước đã được phân bổ hết mà chênh lệch giá bán điện bình quân dưới 0% thì EVN sẽ trích nạp Quỹ bình ổn giá điện.

Một chuyên gia trong ngành năng lượng cho rằng, chúng ta không thể có đủ tiền để bình ổn giá điện, nếu lấy từ ngân sách thì sẽ thiếu ngân sách đầu tư vào các lĩnh vực khác. Ngành điện lấy quỹ đó từ đâu ra và sử dụng quỹ đó như thế nào là những vấn đề đang được đặt ra.

Chủ trương điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường là động thái quan trọng nhằm đưa giá điện ngày càng công khai và minh bạch, chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, để giá điện thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, điều người tiêu dùng quan tâm là sự rõ ràng, minh bạch trong điều tiết giá điện và sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, ông Đặng Huy Cường cho biết, việc lập quỹ bình ổn giá điện hiện đang được soạn thảo, đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể là Cục Điều tiết điện lực "đang trong quá trình suy nghĩ và hình dung nên chưa thể công bố cụ thể trong lúc này".

Quỹ bình ổn giá điện được cho rằng sẽ được vận hành giống như Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quá trình điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện trên cơ sở xử lý Quỹ bình ổn giá điện.

Trường hợp phải tăng giá điện, trước hết sẽ "xả quỹ" bình ổn trước. Nếu đã trích Quỹ bình ổn mà giá bán điện bình quân tính toán vẫn tăng trên 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức 5%.

Quỹ bình ổn làm chết đồng vốn?

Theo quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, Quỹ bình ổn giá điện được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện và nguồn hình thành bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện, được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Như vậy, về nguyên tắc, EVN sẽ chỉ được sử dụng quỹ này cho mục đích bình ổn giá điện nên tiền trích quỹ sẽ không được phép dùng vào bất cứ việc gì khác.

Nếu quỹ bình ổn giá điện được hoạt động như quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ làm "giam" hàng nghìn tỷ đồng, trong khi không chỉ điện lực mà nhiều ngành kinh tế khác đang cần vốn đầu tư. EVN cũng không được hưởng lợi từ số tiền trích quỹ này trừ phi họ cố tình làm trái mang đi đầu tư, xoay vòng.

Hơn nữa, dù người dân là đối tượng nhận mà quỹ bình ổn cần trợ giúp nhưng thực chất cũng không được hưởng lợi gì. Nguồn của quỹ bình ổn được trích trực tiếp từ giá điện, do đó nếu tính toán một cách tổng thể thì tổng số tiền chi phí cho nhu cầu tiêu thụ điện vẫn không thay đổi.

Đối với các cơ quan quản lý lại phải tốn không ít thời gian, nhân lực cho việc quản lý khối tài sản nằm trong các doanh nghiệp, chưa kể đến việc quản lý nếu không hiệu quả sẽ làm nảy sinh không ít những tác động tiêu cực khác.

Trong cuộc họp của liên bộ Tài chính và Công Thương gần đây, bà Nguyễn Thanh Hương, Cục phó Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết khi nào xử lý xong các khoản treo của EVN thì mới tính đến việc đưa chi phí hình thành quỹ bình ổn vào giá bán điện. Với khoảng 28 nghìn tỷ đồng đang còn treo, dự tính sớm nhất 1 năm nữa, Quỹ bình ổn giá điện mới có thể hoạt động.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc lập Quỹ bình ổn giá điện chỉ hợp lý khi nguồn vốn của quỹ được rót trực tiếp từ ngân sách. Bản thân EVN trong giai đoạn này đang rất khó khăn trong việc xử lý những khoản nợ từ những năm trước nên EVN khó có nguồn nào để sử dụng cho Quỹ bình ổn.

Lại Quỳnh