Bệnh nhân nghèo thuê nhà chữa bệnh ở thành phố

Bệnh nhân nghèo thuê nhà chữa bệnh ở thành phố

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Rất nhiều bệnh nhân lặn lội từ quê lên thành phố với bao gánh nặng về thuốc men, viện phí, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nay lại cắn răng trả tiền thuê trọ hàng tháng.

Khuôn mặt khắc khổ của người bệnh càng trở nên đau đớn, buồn bã, trầm tư trước gánh nặng của cuộc sống...

Xã hội - Bệnh nhân nghèo thuê nhà chữa bệnh ở thành phố

Hành lang bệnh viện luôn quá tải với người nhà bệnh nhân

Khó chồng lên khổ

Dạo quanh khu vực Bệnh viện K (Viện U bướu Trung ương), chúng tôi không khó khăn để tìm ra những biển quảng cáo và tờ rơi có nội dung có nhà trọ cho thuê. Khu vực Bệnh viện K cách Hồ Gươm không xa, cho nên giá của nhà trọ ở đây cũng trên trời.

Trong vai người nhà bệnh nhân, chúng tôi đi dọc phố Quán Sứ để tìm chỗ thuê trọ chữa bệnh. Điều đầu tiên đập vào mắt là san sát hàng quán cơm, phở và đặc biệt quán nào cũng treo biển “có nhà trọ cho thuê”, một số quán còn cụ thể hơn “phòng tiện nghi, thoáng mát, giá bình dân”.

Đang giả bộ lơ ngơ tìm nhà trọ, tôi nhận được ngay lời mời đon đả của bà chủ quán cơm: “Chú tìm nhà trọ phải không? Nhà tôi còn mấy phòng, chú vào xem đi, giá bình dân...”. Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi rẽ vào, lên xem phòng. Căn nhà ba tầng, tầng một dành riêng để nấu nướng và bán hàng, tầng hai gia đình chủ nhà ở, còn tầng ba được ngăn thành 3 phòng nhỏ để cho thuê. Mỗi phòng nhỏ chỉ rộng chừng 10m2, bên trong có một chiếc giường đôi và chiếc tủ con con, chủ nhà cho biết, phòng này giá 200.000 đồng/ngày nhưng chỉ được ở 2 người. Lấy cớ cần phòng cho 3 người ở, chúng tôi rút lui và đi tiếp.

Trong suốt buổi sáng hôm ấy, chúng tôi ghé vào khoảng 4 nhà khác để xem phòng, hầu như đều có giá tương đương, và căn phòng nào cũng chật chội, bí bách và rất bất tiện. Sự bất tiện do diện tích nhỏ, mà người thuê lại đông, tất cả chỉ một nhà vệ sinh.

Chị Nguyễn Thị Minh (Hà Tĩnh) đưa mẹ ra chữa bệnh ung thư ở Viện K, vì phải điều trị xạ trị mỗi ngày 1 tiếng nên bệnh viện không xếp ở nội trú. Chị Minh tất tưởi đi tìm phòng thuê cho mẹ chữa bệnh, trước khi ra đây chị cứ nghĩ bệnh viện ở đây chắc giống bệnh viện tỉnh, sẽ cho mẹ điều trị nội trú. Ai ngờ, bệnh viện 3-4 người một giường, mẹ chị lại già cả, sức khỏe yếu nên không thể ở được, đành phải thuê nhà nhưng vì lần đầu ra Hà Nội nên chị không biết xoay sở thế nào. Mất một buổi sáng tìm phòng, chị được bà K, bán nước gần đối diện bệnh viện cho thuê 1 phòng với giá 150.000 đồng/ngày.

Chị Minh kể, căn phòng bẩn thỉu, chật chội, lại có gác xép cho một bệnh nhân khác thuê nên rất bất tiện, thành ra 2 gia đình ở trong một căn phòng 12m2. Chưa hết, cả hai gia đình thuê trọ cùng với chủ nhà dùng chung một nhà vệ sinh. Quá chật chội và mất vệ sinh, chị Minh quyết định đi tìm phòng khác sau hai hôm thuê phòng của bà K. Đến khi trả phòng, lẽ ra 2 ngày là 300.000 đồng, nhưng bà K. thu 400.000 đồng với lý do, thu tiền điện, tiền nước và ai bảo thuê ít ngày thế. Dù bức xúc với cách bắt chẹt, chặt chém của chủ nhà, nhưng chị Minh đành ngậm ngùi móc ví trả thêm tiền.

Cũng giống như chị Minh, chị Nga ở Tuyên Quang mang đứa con mới 8 tháng tuổi xuống Viện Nhi Trung Ương chữa bệnh. Đứa con đầu lòng của anh chị bị bệnh vàng da biến chứng. Ở vùng quê nghèo như chị, việc trẻ bị bệnh vàng da cứ nghĩ là bình thường nên không điều trị, chỉ khi cháu bé bị biến chứng, ảnh hưởng đến vận động và não nên mới tất tả vay mượn tiền bạc đưa xuống Hà Nội.

Ngày đầu nhập viện, chị được bác sĩ thông báo trường hợp của cháu phải điều trị ngoại trú, sáng đến viện tập vật lý trị liệu rồi về. Hi vọng được điều trị nội trú để đỡ thuê nhà của anh chị tiêu tan, ngay chiều hôm đó chồng chị phải tất tả tìm chỗ trọ để vợ con ở. Không vất vả để tìm được một phòng trọ gần bệnh viện, tuy nhiên khi lên xem phòng anh mới ngã ngửa với giá cắt cổ: 150.000 đồng/ngày.

Bác sĩ bảo con anh phải điều trị ít nhất 45 ngày, anh nhẩm tính số tiền thuê nhà đã là 6 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Khoản tiền ấy, ở quê vợ chồng anh quần quật làm cả năm may ra mới đủ, bây giờ chỉ mỗi khoản thuê nhà đã ngốn hết một năm làm việc. Không thể trụ nổi tiền thuê nhà cắt cổ, anh chị bàn tính với nhau tìm chỗ trọ xa hơn, xuống tận Mỹ Đình thuê với giá 1 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, anh và vợ bắt xe bus từ Mỹ Đình lên Viện Nhi để điều trị cho con.

Xã hội - Bệnh nhân nghèo thuê nhà chữa bệnh ở thành phố (Hình 2).

Một khu vực cho thuê trọ với bệnh nhân ở Hà Nội

Cắn răng chịu đựng

Trước cổng Viện Nhi Trung Ương rất dễ bắt gặp những khuôn mặt khắc khổ của những ông bố bà mẹ đang bồng bế con vừa dáo dác đi tìm nhà trọ. Với họ giờ này, gánh nặng cuộc sống, chi phí thuê trọ ở Hà Nội luôn đè nặng trên đôi vai gầy guộc.

Chị Lê Thị Nhung từ Quảng Bình ra Hà Nội chữa bệnh hẹp van tim của đứa con mới 10 tháng tuổi nhưng cháu đã nằm tại Viện Nhi Trung Ương được 7 tháng và chờ cơ hội để lên bàn mổ. Đó cũng là khoảng thời gian chị Nhung chạy ngược chạy xuôi tìm đủ cách để kiếm tiền duy trì sự sống và hy vọng cho con. Mấy tháng nay, bệnh viện quá tải trầm trọng, chị đành ra ngoài thuê trọ, tìm chỗ xa xa một tý để đỡ tiền phòng mà lại có thể nấu ăn được.

Chị Nhung rơm rớm nước mắt: "Biết là đắt đỏ, tốn kém và cũng chẳng sạch sẽ gì nhưng vẫn có chỗ để mà ngả lưng, nên tôi đành cắn răng mà thuê dù biết phải nhịn ăn nhiều bữa".

Khi bác sĩ thông báo chi phí mổ tim cho con lên tới 120 triệu đồng, chị Nhung như sắp ngất, vì không biết phải lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để cứu lấy mạng sống của con. Nhưng nhìn con gái ngày một quắt queo chị không cầm nổi lòng mình. Được bác sĩ hướng dẫn làm hồ sơ xét mổ miễn phí nhờ kinh phí tài trợ của nước ngoài, niềm hi vọng của chị lại lóe sáng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi để được mổ, hai mẹ con chị phải gồng gánh biết bao khó khăn giữa chốn phồn hoa này.

Vợ chồng bác Kim (Hà Nam) đưa nhau ra Viện K điều trị ung thư vòm họng cho chồng. Do điều trị xạ trị dài ngày nên hai vợ chồng bác thuê trọ ở trên phố Quán Sứ cho tiện việc đi lại. Mỗi tháng mất hơn 4 triệu tiền thuê nhà nhưng chủ nhà không cho nấu ăn. Thấy chồng ăn cơm hộp mãi cũng thương, vợ bác Kim đành liều mua một cái nồi điện về nấu trộm. Cuộc sống của vợ chồng già bệnh tật cứ thế trôi đi, với bao nỗi niềm và gánh nặng trên vai.

Nỗi lo tiền bạc

Nhiều bệnh nhân chia sẻ, họ rất sợ lên Hà Nội chữa bệnh vì các chi phí quá đắt đỏ, chính vì thế cứ khi nào bệnh quá nặng thì mới dám đi. Một người đến viện nhưng bao nhiêu người trong gia đình phải lo, họ không chỉ lo cho sức khỏe của người thân mà còn mang thêm nỗi lo về tiền bạc.

Quốc Triều