Bí ẩn cái chết của nữ văn sĩ được yêu thích nhất nước Anh

Bí ẩn cái chết của nữ văn sĩ được yêu thích nhất nước Anh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Sự ra đi đột ngột của nữ văn sĩ 41 tuổi đang ở thời kỳ đỉnh cao của phong độ này đã trở thành đề tài tranh luận suốt nhiều thế kỷ của các nhà sử học khắp thế giới.

Cái chết nhiều nghi vấn

Nhắc đến Jane Austen, nữ văn sĩ người Anh có thể nhiều người còn ngờ ngợ, nhưng khi cái tên tác giả của "Kiêu hãnh và định kiến", "Lý trí và tình cảm" được xướng lên, rất nhiều người sẽ trầm trồ, thán phục. Đó là những tác phẩm đã đưa tên tuổi của Austen vào trong số những nhà văn có nhiều ảnh hưởng nhất và được trọng vọng nhất trên văn đàn nước Anh. Học giả thế giới đã ca ngợi Austen là ngòi bút tuyệt diệu nhất của tiểu thuyết hiện đại.

Trong cuộc bình chọn của dân chúng Anh năm 2005 do đài BBC tổ chức, Jane Austen được chọn là nhà văn nữ người Anh được ưa thích nhất mọi thời đại. Riêng kiệt tác "Kiêu hãnh và định kiến" được chọn là tác phẩm của người Anh được ưa thích thứ nhì mọi thời đại (chỉ xếp sau Lord of the Ring - Chúa tể của chiếc nhẫn). Sở dĩ như vậy vì "Chúa tể của chiếc nhẫn" có sức lan tỏa khủng khiếp nhờ được chuyển thể thành phim.

Xã hội - Bí ẩn cái chết của nữ văn sĩ được yêu thích nhất nước Anh

Gần 2 thế kỷ trôi qua, cái chết của tác giả "Kiêu hãnh và định kiến" vẫn là điều bí ẩn.

Ở tuổi 41, khi bút lực đang giữa thời kỳ sung mãn nhất, Jane Austen đã phải vĩnh viễn bước sang thế giới bên kia trong nỗi đau đớn và tuyệt vọng. Nữ văn sĩ kỳ tài ấy đã không thể chứng kiến thành công cũng như kịp hưởng thụ chút danh tiếng lẫy lừng đến muộn của mình. Tận 20 năm sau khi nhắm mắt xuôi tay, Jane Austen mới được giới xuất bản coi là "con gà đẻ trứng vàng" và được đông đảo độc giả biết đến danh tính. Có lẽ cũng vì vậy mà những suy đoán, nhận định về cái chết của bà vẫn tiếp diễn và không thôi gợi sự tò mò đối với những độc giả hiện đại.

Theo các sử gia người Anh, gần như trong suốt quãng đời của mình, Austen có một thể trạng tương đối khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến năm 1816, Austen bắt đầu nhận thấy những biểu hiện của bệnh tật. Tháng 5/1817, Austen đã phải tới Winchester để tìm kiếm sự giúp đỡ của y khoa nhưng chỉ 2 tháng sau đó bà đột ngột qua đời.

Về cái chết của Jane Austen, sử sách chỉ lưu lại vẻn vẹn mấy dòng: "Jane Austen bị bệnh thận (Addison) và không thể đi lại được, bà thường đi ra ngoài bằng xe lừa kéo. Bệnh tình của bà càng trở nên trầm trọng, em gái của Jane Austen - Cassandra phải cùng bà dọn đến mướn phòng trọ ở Winchester để được gần bác sĩ. Tuy nhiên, lúc đó y học chưa có cách chữa trị căn bệnh này và Jane Austen đã qua đời trên tay của em gái mình vào sáng sớm 18/7/1817, lúc đó bà vừa tròn 41 tuổi và chưa từng lập gia đình".

Một số thông tin khác lại quả quyết, nữ văn sĩ xứ sở sương mù chết do bệnh lao lây từ những con gia súc. "Căn cứ theo tình trạng trước khi mất của nhà văn như những cơn sốt tái đi tái lại, suy mật, suy khớp xương và gan... làm nghiêng về giả thuyết bà bị lây nhiễm lao từ bò", một chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên điều này cũng không hoàn toàn thuyết phục độc giả trên khắp thế giới.

Kết quả điều tra dựa trên các bức thư tay còn sót lại của Austen cùng với sự hồi tưởng của gia đình đã chứng tỏ rằng bà không phải là một bệnh nhân của căn bệnh Addison như giả thuyết của các chuyên gia y khoa trước đây. Những bức thư tay khẳng định, cho đến trước khi qua đời, đầu óc Austen vẫn luôn tỉnh táo và không hề xuất hiện một cơn đau nào. Điều này trái ngược hoàn toàn với triệu chứng thường xảy ra ở những bệnh nhân Addison. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của nữ văn sĩ kỳ tài này?. Dường như vẫn đang có một bức màn bí ẩn che phủ lên cuộc đời và cái chết của nữ tác giả "Kiêu hãnh và định kiến".

Giả thuyết bị đầu độc bằng thạch tín

Khi mà cả y học và sử gia đều bó tay, gần 2 thế kỷ sau ngày mất của Jane Austen, một giả thuyết mới về cái chết của văn sĩ đã được nữ nhà văn trinh thám Lindsay Ashford đưa ra, sau khi bà nghiên cứu kỹ về căn bệnh cuối đời của Jane. Nhà văn L. Ashford cho rằng, Austen có thể chết vì bị ngộ độc thạch tín và bà có cơ sở để đưa ra giả thuyết này.

Căn cứ được L. Ashford đưa ra là những dòng thư trăng trối lúc cuối đời của Austen, trong đó có điểm vô cùng đáng chú ý đó là da của nữ văn sĩ loang lổ các màu nâu, đen, trắng... Điều này dường như phủ nhận giả thuyết trước đó cho rằng, nữ văn sĩ bị chết do bệnh thận đồng thời dấy lên nghi ngờ rất có thể Austen bị đầu độc. Ashford bắt đầu nghiên cứu các tài liệu về chất độc và nhận thấy triệu chứng như Jane mô tả gần giống biểu hiện của ngộ độc thạch tín. Bệnh này có thể gây những "giọt mưa" sắc tố, tạo thành những mảng màu nâu, đen và trắng trên da.

Để tìm cho được căn nguyên, L.Ashford lặn lội sang tận Bắc Mỹ để liên lạc với Hiệp hội Jane Austen, nơi lưu giữ một số kỷ vật của nữ nhà văn. Chủ tịch của Hiệp hội này cho biết, một lọn tóc của Jane được lưu giữ trong bảo tàng đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với thạch tín. Từ đây, nhà văn trinh thám đã có căn cứ để khẳng định rằng, Austen được kê một loại thuốc có chứa thạch tín và uống trong thời gian dài. Triệu chứng của bà trước khi chết rất giống với trường hợp bị ngộ độc thạch tín.

Dựa theo chứng cớ thu thập được, nhà văn trinh thám cho rằng có điều gì mờ ám ở đây, nhiều khả năng Jane bị ám hại bởi một kẻ ngay bên cạnh. Ashford quyết định sẽ đưa chi tiết này vào cuốn tiểu thuyết mà bà đang sáng tác, có tên "Cái chết bí ẩn của Austen". L.Ashford khẳng định, bà đã nghiên cứu rất nhiều về y học, hình sự để viết tiểu thuyết tội phạm. Do đó, bà hoàn toàn tự tin vào lập luận của mình.

"Không ai biết lý do tại sao Cassandra (em gái Jane) lại đốt hàng chục lá thư của bà. Đó là một nghi vấn. Bởi bình thường, Cassandra coi chị gái như một phần cuộc sống của mình, không lý nào bà ấy lại đốt hết kỷ vật còn lại của chị mình. Một điểm nghi vấn khác, khó có thể khai quật mộ của Jane để tiến hành những phân tích pháp y bởi người "giấu mặt" muốn vĩnh viễn chôn vùi bí mật cùng với nấm mồ Austen", Ashford quả quyết.

Xung quanh cái chết của nhà văn kỳ tài này, hàng chục căn bệnh được đưa ra. Một số nghiên cứu còn cho rằng, bà mắc ung thư Hodgkin (một loại ung thư máu ác tính) hay bệnh Brill-Zinsser (một tái phát của bệnh sốt phát ban mà Jane mắc hồi bé). Và giờ đây, phát hiện tình tiết nữ nhà văn bị sát hại bằng thạch tín khiến cái chết của bà càng thêm kỳ bí. Tuy nhiên, tất cả chỉ là giả thuyết nên điều gì đã xảy ra với Jane trong những ngày cuối đời vẫn còn là bí mật.

Nghi vấn về sự thành công và nổi tiếng của Austen?

Nhiều học giả cho rằng, trái với danh tiếng lừng lẫy trong cách hành văn, khi đọc bản thảo viết tay của Jane Austen, người ta đã vô cùng thất vọng. Giáo sư Kathryn Sutherland nói: "Các bản thảo viết tay của Austen đã thủ tiêu những gì mà từ trước tới nay người ta cho là hoàn hảo. Đó là tập hợp của các vết mực loang lổ trên giấy, của những nét gạch xóa và những con chữ nhảy múa hỗn độn. Bà đã bỏ qua hầu hết ngữ pháp tiếng Anh. Đáng nói là những dấu chấm câu đặc biệt có sức nặng và lối hành văn trào phúng mà chúng ta được thưởng thức trong các tác phẩm "Emma" và "Persuasion" không hề xuất hiện trong các bản gốc". Phát hiện này đang dấy lên nghi vấn, phải chăng sự thành công và nổi tiếng của Jane Austen là do có một ai đó đã công phu hiệu đính trước khi các tác phẩm của bà được mang đi in?.

Anh Văn