Bí ẩn rồng đá mất đầu ở thành Nhà Hồ

Bí ẩn rồng đá mất đầu ở thành Nhà Hồ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đang được đề cử vào danh sách để UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Công trình này không chỉ được xem như biểu tượng của vương triều nhà Hồ, mà còn ẩn chứa nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng, một trong những bí ẩn đó là đôi rồng đá bị mất đầu.

Đôi rồng đá bị mất đầu nằm song song với đường 217

Ai chặt đầu rồng?

Đôi rồng đá này bị vùi lấp, được dân địa phương phát hiện vào năm 1938 và đặt lên vị trí hiện nay tại nơi tìm thấy chúng.

Ông Phạm Thế Vinh (92 tuổi) kể lại: "Tượng rồng đầu tiên được người dân phát hiện khi làm ruộng trong thành. Rồng phải có cặp nên khi đó các chức dịch trong làng đã cho đào bới khắp vùng nhưng không thấy cho tới khi ông lý trưởng Trịnh Ngọc Lương nằm mộng mới tìm được tượng rồng đá thứ hai. Tuy nhiên, cả đôi rồng đá khi phát hiện đều đã bị chặt đầu".

Cán bộ khu di tích thành nhà Hồ cho biết: Đây là loại rồng chạm khắc trên thềm bậc của các cung điện như hiện thấy ở điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội); chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).

Nhưng do khi dựng lại thành bậc này không đúng độ dốc nên rồng trong tư thế bò từ trên xuống hiện tại gần như nằm ngang. Cả hai thành bậc đều là đá nguyên khối, có kích thước trung bình dài 3,40m, dày 0,30m và cao 0,9m. Phía trên chạm khắc tượng rồng tròn, phía dưới chạm khắc các ô tam giác ghép thành bậc.

Ai cũng biết rằng, mỗi vương triều trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam đều có con rồng là biểu trưng. Rồng thời Lý, rồng thời Trần, rồng thời Lê... đều có cách nhận biết riêng và rồng nhà Hồ cũng vậy.

Điểm đáng lưu ý là cả hai con rồng đều không có đầu. Cho đến nay có khá nhiều lý giải về việc này. Người thì cho rằng, sau khi xâm lược được nước ta, quân Minh với chính sách tàn phá đã chặt đầu rồng, biểu tượng quyền lực của nhà Hồ để thể hiện sự diệt vong của vương triều này. Lại có ý kiến khác, là do những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ gây ra.

Một ý kiến khác thì cho rằng, việc này do người Pháp thời kỳ mới chiếm đóng nước ta gây ra. Người Pháp bắt dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa trên con đường dẫn tới đôi rồng đá. Người dân bức xúc mà chặt đầu rồng?

Còn có một cách lý giải lưu truyền trong dân gian khá thú vị là, do làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam, thuộc xã Vĩnh Tiến) thường xuyên bị cháy nhà, người dân cho rằng do rồng quay đầu về làng mình phun lửa gây ra cháy nhà nên đã chặt đầu rồng!?

Những bí ẩn chưa lời giải

TS Đỗ Quang Trọng- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho rằng: Thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc bằng đá độc đáo và có giá trị lớn, là biểu tượng vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ. Dù đã trải qua hơn 600 năm tồn tại nhưng di tích này là kinh đô cổ nhất ở nước ta vẫn còn tương đối nguyên vẹn kiến trúc bề mặt so với các hoàng thành khác ở trong và ngoài nước. Mặt khác vẫn còn nhiều hiện vật, di vật nằm trong lòng đất chưa được khai quật.

Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly xây dựng dựa vào thế sông, thế núi. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí" thì thành nhà Hồ được mô tả "tả hữu đều gần núi đá; phía trước thành là sông Mã". Thành nhà Hồ được xây bên ngoài bằng đá nguyên khối, bên trong chủ yếu được đắp đất. Thành có bình đồ kiến trúc hơi vuông với hai mặt Nam - Bắc dài hơn 900m, hai mặt Đông - Tây dài hơn 700m, độ cao trung bình 7-8m, có nơi như ở cửa phía nam cao tới 10m.

Những phiến đá xanh dùng xây tường thành được đẽo vuông vức, công phu, có tấm rất to (ở cửa Tây): dài 5,1m, rộng 1,59m, cao 1,3m, nặng tới hơn một tấn. Chúng được xếp chồng lên nhau. Các phiến đá ở bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc được xếp theo hình múi cam, tất cả đều có kích thước rất lớn.

Điều đặc biệt là hầu hết giữa các phiến đá không cần chất kết dính nhưng vẫn bền vững sau hơn 600 năm tồn tại. Ngày trước cổng thành có hai cánh cửa dày, nặng và chắc, thể hiện qua dấu vết còn lại đến hôm nay là những lỗ đục vào đá và chỗ lắp ngưỡng cửa. ở mặt trên cổng Nam và cổng Bắc trước kia có vọng lâu làm bằng gỗ. Phía mặt trên hai cổng thành vẫn còn bảo lưu các lỗ chôn cột và đá móng.

Điều đáng ngạc nhiên là một công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà theo tương truyền của nhân dân địa phương, thành chỉ được xây trong vòng ba tháng. Đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier, chuyên nghiên cứu về văn hóa Đông Dương, đã nhận xét về thành nhà Hồ như sau: "Thành cổ này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình....

Điều gì đã giúp những người thợ thuở xưa với công cụ thô sơ vận chuyển và xây nên những bức tường thành bằng những phiến đá khổng lồ? Đây là câu hỏi mà đến nay, các nhà khoa học mới chỉ đưa ra các giả thiết. Câu hỏi được làm sáng tỏ phần nào khi người ta tìm thấy hàng trăm viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả cầu mây, quả bóng tennis).

Việc tìm thấy những viên bi đá này giúp củng cố giả thiết: Người thợ khi xưa đã dùng chúng như những con lăn để tời đá từ vùng khai thác (cách vị trí xây thành từ 5 cho đến hàng chục km). Kết hợp với tời, đắp đất người ta đã đưa những phiến đá này lên cao để xây thành. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: Những viên bi đá này là những viên đạn đá được dùng cho các máy bắn đá bảo vệ Thành.

Thành nhà Hồ dẫu chỉ giữ vai trò là trung tâm quyền lực trong một thời gian ngắn (1400-1407) nhưng đây là một công trình kiến trúc độc đáo, một di sản quý báu trong số những công trình thành cổ ở Việt Nam.

Giang Hoàng